Mẹ "giải cứu" con trước giờ G

Thứ sáu, 27/03/2020 - 10:40

TNV - 9h sáng 17/3 nhận tin nhắn của con trai: 'Tổng thống nói hôm nay cấm bay'. Từ lúc đó tất cả hoạt động của chị Nga chỉ là trên màn hình điện thoại tìm cách giải cứu con.

"Mẹ ơi, con về nhà được không?", từ Toulouse, Tây Nam nước Pháp, con trai chị Nguyễn Thuý Nga, ở Thuỵ Khuê, Hà Nội - một du học sinh ngành quản trị kinh doanh nhắn tin cho mẹ tuần trước khi những thông tin về khả năng EU "vỡ trận" vì Covid-19 ngày càng dồn dập.

Mẹ ơi, con thấy người của Vietnam Airlines đến mở quầy rồi". Câu nói nghe rất đơn giản, chỉ là một câu mô tả thông thường chẳng mấy ai quan tâm, vậy mà vào lúc này lại là câu nói mang lại niềm hạnh phúc không gì diễn tả được. Nước mắt chị Nga ứa ra. "Thế tức là sẽ bay đấy con ạ!". "Vâng, mọi người cũng bảo sẽ bay. Mẹ ơi, con vào máy bay rồi. Ngồi một mình cả dãy. Mệt quá mẹ ạ. Buồn ngủ quá".

"Ừ, ngủ đi con. Ngủ một giấc sẽ về đến nhà thôi. Một ngày quá dài đối với chúng mình con nhỉ. Về nhà đi con".

Đọc đến đây tôi liên tưởng đến một câu chuyện lớn hơn dưới góc nhìn văn hóa người Việt trước đại dịch COVID-19.

Kể từ khi ca nhiễm thứ 17 xuất hiện, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch COVID-19, kết thúc chuỗi liên tục 22 ngày không có ca bệnh mới phát sinh. Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng đến 166 quốc gia với tốc độ nhanh ngoài sức tưởng tượng, hơn 210.000 người nhiễm bệnh, trên 8.200 người đã tử vong, chúng ta đã có ca nhiễm thứ 75, đã chữa khỏi 16 ca, chưa có bệnh nhân nào tử vong. Đứng trước những thời khắc hết sức quan trọng, đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19 có quy mô toàn cầu. Trong hơn 2 tháng qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đồng tâm, đồng sức tham gia chiến dịch phòng, chống dịch bệnh ở quy mô chưa từng có tiền lệ và có thể khằng định Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Trước diễn biến dịch bệnh lan rộng ra phạm vi toàn cầu, đặc biệt do chính sách khám, điều trị bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới có khác nhau thậm chí một số quốc gia còn chủ quan, thờ ơ từ đó tạo ra tâm lý hoang mang, lo sợ cho sức khỏe cá nhân, trong thời gian qua rất nhiều công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại các nước trên thế giới có người nhiễm virus COVID-19 trở về nước, với mong muốn được chăm sóc y tế tốt hơn nếu chẳng may bị lây nhiễm.

8h12 ngày 9/3/2020 bệnh nhân nữ, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam, sống tại London, Anh, có tiếp xúc với chị N.H.N. (bệnh nhân thứ 17 ở Việt Nam mắc COVID-19) tại London được một chuyên cơ thuộc sở hữu của hãng bay VW Air Service, quốc tịch Đức đưa về nước để điều trị. Thông tin về chuyến bay và bệnh nhân số 32 làm khuấy động dư luận, bởi chưa có tiền lệ trong xã hội Việt Nam cho đến hiện tại, từ Vương quốc Anh xa xôi (khoảng cách 13h00 giờ bay liên tục mới đến nơi) và chưa nói nước Anh có nền y khoa cực kỳ tiên tiến, hiện đại bậc nhất trên thế giới nhưng gia đình bệnh nhân lại bỏ ra một khoản tiền cực lớn để đưa con gái về nước chữa trị? Tôi khẳng định, ở một khía cạnh lớn hơn đây chính là niềm tự hào bởi thành tựu y khoa Việt Nam.

Theo dõi sát thông tin, diễn biến từ bệnh nhân số 32, ngoài số đông đồng tình ủng hộ việc gia đình quyết định đưa con gái về nước chữa trị thì lạc lõng đâu đó những người tỏ ra thành kiến, hằn học: “sao không ở luôn bên đó, lúc khỏe thì sống bên Tây làm giàu cho họ, đến khi bệnh tật thì lại về mang gánh nặng cho đất nước”, “nhà giàu thiếu gì tiền sao không ở bên đó, lấy 8.3 tỷ thuê máy bay ủng hộ người nghèo có tốt hơn không, lại chơi nổi”, “giàu mà, lo gì, không chết đâu”, "sao đến giờ gia đình đại gia này chưa thấy ủng hộ gì cho Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19"...

Cá nhân tôi cho rằng những người có thành kiến như vậy rất thiện cận, chưa hiểu hết văn hóa người Việt, người Việt có văn hóa rất lạ, rất đặc biệt, đó là tình thương yêu máu mủ, một thứ tình cảm thiêng liêng từ lúc phôi thai cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, chẳng có ông bố, bà mẹ Việt nào khoanh tay, đứng yên nhìn con cái của mình vật lộn với căn bệnh quái ác nhiễm virus COVID-19. Nước Anh và nhiều nước Châu Âu có chính sách y tế rất rạch ròi, nhiễm bệnh thì cách ly tại nhà, khi thật sự nguy hiểm đến tính mạng mới cho nhập viện. Một gia đình thương gia có rất nhiều tiền trong tay phải ngồi bất động nhìn con gái mình vật lộn với bạo bệnh hay sao?

Này nhé, người giàu thì có rất nhiều loại người giàu, có người giàu sau khi đi chu du thiên hạ khi về nước mang theo mầm bệnh, nhưng lại khai gian, khai dối làm cho cơ quan chức năng và người dân một phen khiếp vía, biệt danh “bệnh nhân siêu lây nhiễm” dành cho doanh nhân này đúng thôi; còn bệnh nhân số 32, biết bị lây nhiễm đã tự cách ly, hai lần đi khám, mong được nhập viện nhưng bệnh viện chỉ cho thuốc, cách ly tại nhà và không có lý do gì gia đình lại không chi tiền thuê chuyên cơ đưa về nước điều trị. Họ được quyền làm như vậy, gia đình là doanh nhân nổi tiếng, người Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Sau hơn 1 tuần chữa trị, thông tin bệnh nhân số 32 đang dần hồi phục, đây là tin vui, rất vui vì hàng ngày những ca nhiễm COVID-19 đang có xu hướng tăng dần, mới hôm qua có 4 bệnh nhân, hôm nay lại 8 bệnh nhân, nhưng cũng rất lạ, vẫn không ít những ý kiến vẫn đặt ra những câu hỏi, suy luận khó chịu, thậm chí là ích kỷ: “nhà giàu có tiền mà, không chết đâu”, “Con đại gia có khác”, “Chưa thấy gia đình cô gái này lên tiếng ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19”, “Em nhớ sau này khỏi bệnh phải trả công cho đất nước”…

Sao vậy nhỉ, chả ai muốn mình có bệnh, người giàu họ sống theo cách người giàu, họ đâu có ngửa tay xin ai tiền, tiền của họ tự làm ra, người giàu cũng là con người, họ luôn sợ chết như chúng ta vậy.

Tại Lễ phát động “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 17/3/2020, có nhiều ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân đã trực tiếp ủng hộ tiền, hiện vật để phòng, chống COVID-19 với giá trị ủng hộ đã lên đến hơn 235 tỷ đồng, riêng Ngành ngân hàng ủng hộ 140 tỷ đồng. Trong đó, 12 ngân hàng ủng hộ 10 tỷ đồng/ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Techcombank, HDBank, MB, Sacombank, VPBank, MSB, ACB, VIB); 3 ngân hàng và 1 công ty tài chính - mỗi đơn vị ủng hộ 5 tỷ đồng (TPBank, Bắc Á Bank, SeABank, Công ty Tài chính Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - FE Credit).

Quỹ Đổi mới sáng tạo và Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn thuộc Tập đoàn Vingroup đã đi tiên phong tài trợ kinh phí 20 tỷ đồng với mục đích hỗ trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19 và đã đóng góp thêm 5 tỷ đồng cho cuộc chiến chống dịch này; Vinamilk đã ủng hộ 5 tỷ đồng, TH góp 1 triệu ly sữa cho các khu cách ly; Tập đoàn Doji tặng Bộ Y tế 10 tỷ đồng và Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đã quyên góp 5 tỷ đồng để mua 10.000 bộ xét nghiệm nhanh COVID 19.

Không chỉ tập thể, doanh nghiệp, đơn vị mà nhiều cá nhân như một doanh nhân từ Đức cũng gửi về nước 20 tỷ đồng; “đại gia chân đất” Trần Thị Bích Thủy ở Bắc Giang tặng 60 tấn gạo cho bộ đội ở các bệnh viện Dã chiến, khu cách ly tập trung; các nghệ sĩ như ca sĩ Hà Anh Tuấn mua 3 phòng cách lực âm gần 2 tỷ đồng; Chipu ủng hộ 1 tỷ đồng, Hồ Ngọc Hà 1 tỷ đồng… và biết bao cá nhân khác cũng đã chung tay, góp sức để phòng, chống và ngăn chặn đại dịch COVID-19...tất cả những tập thể, cá nhân đóng góp nêu trên đều là người giàu.

Đóng góp của người giàu không phải là nhỏ, nhưng đôi khi họ không muốn hô hào, họ làm vì trách nhiệm với đất nước, với xã hội. Bạn đừng hỏi sao không sao không thấy gia đình bệnh nhân số 32 lên tiếng đóng góp gì, đôi khi giá trị họ đóng góp cho đất nước lớn hơn rất nhiều như tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thương hiệu doanh nghiệp để nâng tầm hình ảnh quốc gia...

Việt Nam có 11 doanh nhân nổi tiếng thế giới thì hầu hết họ đều có những đóng góp theo lời kêu gọi “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, như ông Phạm Nhật Vượng (Tập đoàn Vingroup), ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank, bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk...

Có nhiều thứ người giàu đóng góp cho đất nước đôi khi người nghèo chưa thấy hết. Thế giới sẽ có một góc nhìn khác khi một công dân Vương quốc Anh có quốc tịch Việt Nam thuê hẳn chuyên cơ để được về nước chữa bệnh, hình ảnh một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa với thành tựu y tế của mình được tạo lập sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới sẽ là ấn tượng với cộng đồng quốc tế. Và thông qua đại dịch này, chúng ta mới nhận ra một thang giá trị khác, nó không đo bằng đồng đô la, nó không đo bằng độ giàu nghèo của quốc gia. Nó đo bằng tình thương yêu con người, đo bằng trách nhiệm trước mạng sống của đồng loại.

Tôi quay lại với văn hóa người Việt, cho dù người giàu hay người nghèo, giữa họ đều có một điểm chung là sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong hoạn nạn, trong khốn khó. Người mẹ gào khóc, lo lắng trước giờ chính phủ Pháp đóng cửa các chuyến bay về Việt Nam, con trai mình thì sao "Ừ, ngủ đi con. Ngủ một giấc sẽ về đến nhà thôi. Một ngày quá dài đối với chúng mình con nhỉ. Về nhà đi con"; "Khi máy bay đáp xuống Vân Đồn, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm: "Sống rồi!", vì biết rằng về đến Việt Nam là chạy thoát khỏi ổ dịch. Điều quan trọng nhất bây giờ không phải là có bị nhiễm COVID-19 hay không, mà là có về được Việt Nam hay không! Kể cả nếu dương tính thì ngay lập tức được theo dõi chữa trị, còn ở lại châu Âu thì sẽ bị trả về nhà tự đương đầu với bệnh tật"...

Hôm nay, tại Tiểu bang Washington (Mỹ) có 02 ca nhiễm COVID-19 là người Việt qua đời, thử đặt chúng ta ở hoàn cảnh người giàu, có con gái đang bị nhiễm COVID-19 trong khi Chính phủ nước sở tại rất thờ ơ yêu cầu tự cách ly ở nhà, hãy đặt chúng ta ở vị trí người bố, người mẹ nhìn con gái đang vật lộn với bạo bệnh để đưa ra hành động đúng.

Về Việt Nam thôi, về nhé con gái, văn hóa Việt Nam là vậy, yêu thương con, thậm chí đánh đổi cả cuộc đời mình vì con.

Nguyễn Ngọc