Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Thanh với nhiều nỗ lực đã vươn lên thoát nghèo bền vững
Chủ trương hợp lòng dân
Trong thời gian qua, mặc dù kinh tế đất nước còn khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm ổn định xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Có thể thấy, hàng loạt các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, quyết định, chính sách… quan trọng về công tác xóa đói giảm nghèo đã liên tục được ban hành, bổ sung, hoàn thiện nhằm phù hợp với tình hình xóa đói giảm nghèo trong từng thời kỳ phát triển của đất nước.
Đặc biệt, các chương trình, chính sách giảm nghèo đã huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, cùng với sự nỗ lực vươn lên của chính người nghèo đã tạo nên kết quả đáng khích lệ. Trong thời gian qua, cả nước có ngày càng nhiều gương điển hình trong việc thực hiện các mô hình, giải pháp khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo bền vững, trong đó có trường hợp của gương nữ nông dân trẻ Nguyễn Thị Kim Thanh, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh).
Phó Bí thư Huyện đoàn Nhà Bè Phạm Minh Tâm trao quà lưu niệm cho chị Nguyễn Thị Kim Thanh nhân dịp lễ bàn giao Nhà tình bạn
Sức mạnh của tập thể
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh sinh năm 1990, là diện hộ nghèo của xã Phước Lộc, nhà có đến 11 nhân khẩu. Gia đình chị tưởng chừng như mãi lún sâu vào cảnh nghèo đói, không lối thoát, do chịu sự trói chặt của “3 không”: không nghề nghiệp, không phương tiện, không vốn làm ăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm, hỗ trợ từ cấp ủy, lãnh đạo chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị địa phương, chị đã được trao cho niềm hy vọng để vươn lên lập nghiệp, làm kinh tế giỏi và thoát nghèo bền vững.
Chẳng hạn, Hội LHPN xã đã giới thiệu chị Thanh tiếp cận nguồn vốn vay gần 200 triệu đồng từ Hội LHTN, Hội Nông dân huyện và Quỹ vì người nghèo Hội Nông dân Thành phố; hay Câu lạc bộ nông dân sản xuất giỏi xã trao tặng đến chị 10.000 con cá giống; Hội Nông dân xã hỗ trợ 01 công cụ sản xuất là máy cắt cỏ; Đoàn thanh niên xã thì hỗ trợ ván đóng sàn làm chuồng nuôi dê và đặc biệt, vận động các đơn vị trao tặng căn nhà tình bạn trị giá 60 triệu đồng; ngoài ra, hằng năm, Hội LHPN xã còn vận động trao tặng 02 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cùng nhiều dụng cụ học tập, học bổng khác cho các con của chị Nguyễn Thị Kim Thanh... Những tấm lòng vàng và nghĩa cử cao đẹp ấy đã mang đến cho gia đình chị Thanh một cơ hội mới, động lực mới với nhiều khát khao bỏng cháy.
Bí thư Đảng ủy xã Phước Lộc Bùi Trung Hiếu trao quà lưu niệm động viên chị Nguyễn Thị Kim Thanh tại lễ bàn giao Nhà tình bạn
Nỗ lực cá nhân là quyết định
Nhìn đàn dê tranh nhau từng cọng cỏ, chen chúc nhau trên cái chuồng chật chội, ít ai nghĩ rằng năm 2019, chỉ với 4 con dê được hỗ trợ, với sự quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng tích cực, bình quân mỗi năm tăng thêm từ 10 đến 15 con, đến nay đàn dê nhà chị đã hơn 70 con. Dĩ nhiên, gia đình chị cũng không ít những trăn trở trong việc tìm nguồn thức ăn và đầu ra để tiêu thụ nguồn dê thịt, dê giống nhằm có đủ khả năng duy trì mô hình này.
Bên cạnh bầy dê, gia đình chị cũng có ao cá hơn 1.000 m 2 , mỗi năm gia đình chị thả và thu hoạch 4 đợt, mỗi đợt thu hoạch trung bình từ 6 đến 7 tấn cá, với thu mỗi đợt khoảng 50 triệu đồng. Đó cũng là nguồn thu nhập chính, giúp gia đình chị có cuộc sống ổn định hơn.
Nhìn chung, nghề chăn nuôi thì thường rất vất vả, bản thân chị và chồng phải cùng nhau làm những công việc quen thuộc hàng ngày như lấy thức ăn cho cá, cắt cỏ cho dê, từ sáng tới chiều, với nhiều công việc vô hình khác đã chi phối rất nhiều thời gian của gia đình.
Khi hỏi chị về điều kiện sống của gia đình hiện tại, chưa bao giờ có suy nghĩ ca thán hay bi quan, chị chia sẻ “Nhà tôi lúc trước khó khăn lắm, cả hai vợ chồng làm việc vất vả từ sáng tới chiều, chỉ mong đủ ăn, đủ mặc là mừng rồi. Nhưng nhìn mấy đứa con nheo nhóc, tôi nghĩ đời cha mẹ đã khó rồi, tôi tự dặn lòng mình phải cố gắng mỗi ngày để các con có cuộc sống tốt hơn và rất may được sự quan tâm hỗ trợ con giống, học bổng, các nguồn quà đột xuất… đã phần nào chia sẻ khó khăn, giúp gia đình có tôi có điều kiện vươn lên thoát nghèo”.
Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Phước Lộc Nguyễn Huỳnh Nguyên nhận xét: “Gia đình chị Thanh thuộc hộ nghèo của xã, tuy nhiên, chị đã không ngừng nỗ lực, không ngại vất vả, cần mẫn lao động, để có thể vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, chị Thanh luôn biết cách dung hòa giữa gia đình và công việc, biết cách vun vén gia đình, tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi để lao động, chăn nuôi, cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống của gia đình”.
Với sự quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng tích cực, đàn dê nhà chị Nguyễn Thị Kim Thanh bình quân mỗi năm tăng thêm từ 10 đến 15 con
Với những cố gắng vượt bậc của bản thân, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, chị Nguyễn Thị Kim Thanh đã vươn lên thoát nghèo bền vững; vừa qua, chị Thanh vinh dự được Ban Thường vụ Thành đoàn TP Hồ Chí Minh công nhận gương điển hình “Thanh niên làm kinh tế giỏi”.
Có thể thấy, giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự hòa quyện giữa “ý đảng” và “lòng dân”. Để người dân sau khi được hỗ trợ không rơi vào tình trạng tái nghèo, rất cần sự chung tay của toàn thể hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức đoàn, hội chính trị - xã hội trong việc theo dõi, hỗ trợ, tiếp sức, động viên, nhất là cần trao “cần câu” thay vì “con cá” cho các hộ nghèo để có điều kiện lập nghiệp, vươn lên thoát nghèo bền vững, làm chủ cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mà trường hợp của chị Nguyễn Thị Kim Thanh xã Phước Lộc huyện Nhà Bè là một ví dụ điển hình.
Lê Thanh