Sáng 16/9, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương bình và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết quá trình thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025” và biểu dương mô hình văn hóa tiêu biểu năm 2021.
TS Đặng Văn Sáng (thứ 2, từ trái qua), đại diện Trung cấp Bách khoa TP HCM nhận cờ thi đua của UBND TP HCM
Sau 3 năm triển khai thực hiện, toàn quốc có 15 mô hình đạt giải “Mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, thuộc 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, khối các trường TC có duy nhất một đại diện là Trường TC Bách Khoa TP HCM với mô hình “Nâng cao văn hoá tự học từ văn hoá đọc trong thời đại kỷ nguyên số”.
TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP HCM, cho biết mô hình “Nâng cao văn hoá tự học từ văn hoá đọc trong thời đại kỷ nguyên số” được khởi động từ năm 2018, bộ quy tắc ứng xử trong toàn trường chính thức ban hành và phát động từ năm 2019.
TS Đặng Văn Sáng (trái) nhận bằng khen mô hình văn hoá tiêu biểu
Mô hình đã đề cập, nâng cao được các giá trị tự thân của sách vở, tài liệu đến hoạt động dạy-học và đời sống con người; giúp giáo viên và học viên nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng, tính quyết định của việc “tự đọc” đến hoạt động “tự học”, “tự nghiên cứu” suốt đời của mỗi bản thân; thúc đẩy, nâng cao hoạt động đổi mới phương pháp dạy, học và nghiên cứu khoa học đặc biệt trong thời đại kỷ nguyên số 4.0 hiện nay.
Ứng dụng thành công mô hình, chỉ trong giai đoạn ngắn, kể từ khi thực hiện mô hình 2018-2021, đội ngũ thầy cô giáo Trường TC Bách Khoa TP HCM đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo đưa nhà trường ngày càng phát triển, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm có việc làm đúng chuyên môn trên 95%, năm 2019 trường nhận cờ thi đua của UBND TP HCM. Cũng trong giai đoạn này, trường có 4 bài báo nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế, 20 bài đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và 1 bài được đăng trên kỷ yếu, hội thảo trong nước.
P.V