TNV – Tọa lạc ở phía Tây huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh), với đặc trưng có đến gần 600 phụ nữ dân tộc thiểu số đến từ hơn 300 hộ dân trên địa bàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phước Lộc trong suốt thời gian qua đã tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức cán bộ, hội viên phụ nữ, chủ động đề ra các giải pháp đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nhất là đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt với Mô hình “Hội - Điểm tựa yêu thương cho phụ nữ dân tộc thiểu số” bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2021.
Lễ ra mắt Mô hình “Hội - Điểm tựa yêu thương cho phụ nữ dân tộc thiểu số” của Hội LHPN xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè).
Mô hình sáng tạo, hiệu quả
Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát ổn định, Hội LHPN xã Phước Lộc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao mức sống, góp phần chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân, hội viên phụ nữ địa phương, nhất là phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bà xã, giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Theo Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phước Lộc, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Phước Lộc Nguyễn Huỳnh Nguyên cho biết, mô hình “Hội - Điểm tựa yêu thương cho phụ nữ dân tộc thiểu số” bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2021 và ra mắt chính thức vào tháng 4 năm 2023, với sự tham gia của 27 nữ chủ nhà trọ, 47 cán bộ, hội viên phụ nữ, cảnh sát khu vực 4 ấp, Ban Công tác mặt trận, Ban nhân dân 4 ấp.
Bà Nguyễn Huỳnh Nguyên cho thông tin: “ Qua hơn 02 năm hoạt động , mô hình đã thật sự là điểm tựa để hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số am tâm khi đến địa phương sinh sống, lao động, học tập và làm việc. Đặc biệt, thông qua mô hình này, Hội đã phát triển được 18 hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số”.
Vượt khó, đổi mới, thành công
Trong các giải pháp cải tiến hoạt động phong trào, nhất là các giải pháp mới như mô hình này, bên cạnh những thuận lợi, chắc hẳn luôn tồn tại những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, sự khác biệt rõ rệt về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán... dẫn đến công tác tuyên truyền đôi lúc chưa thật sự đạt hiệu quả; hay thời gian làm việc của các chị em thường không ổn định nên công tác tiếp cận, trao đổi, nắm thông tin, hoặc tổ chức các hoạt động đôi lúc chưa được chủ động và xuyên suốt...
“ Lớp học tình thương” dành cho các trẻ em người dân tộc thiểu số và con của công nhân lao động nhà trọ trên địa bàn xã chưa được đến trường được thành lập thông qua Mô hình “Hội - Điểm tựa yêu thương cho phụ nữ dân tộc thiểu số” của Hội LHPN xã Phước Lộc.
Trong “cái khó ló cái khôn”, với những nỗ lực chung của cả tập thể, Hội LHPN xã đã cho ra mắt mô hình “Lớp học tình thương” (tháng 6 năm 2023) dành cho đối tượng học sinh có độ tuổi 6 tuổi đến 14 tuổi thuộc nhóm trẻ em người dân tộc thiểu số, nhất là trẻ em gái chưa được đến trường, chưa biết chữ phải theo cha mẹ, người thân sống nhiều nơi, nên không thể đến trường và các em là con của công nhân lao động nhà trọ trên địa bàn xã.
Để duy trì lớp học được đảm bảo đạt hiệu quả cao, Hội LHPN xã đã vận động đội ngũ giáo viên là người địa phương tự nguyện trực tiếp tham gia giảng dạy, đã xóa mù chữ cho 36 em học sinh (có 09 em học sinh nữ dân tộc Kh’mer); hiện các em đã biết đọc, biết viết tên mình, biết làm toán, biết đọc những cụm từ đơn giản, biết đọc những đoạn văn, bài thơ ngắn...
Ngoài ra, Hội đã tổ chức Hội thi “Ảnh đẹp nơi xóm trọ” nhằm ghi lại những khoảnh khắc đời thường, những ước mơ giản dị của các gia đình nhỏ là có được tấm ảnh chung của cả gia đình, nhất là đối với các gia đình xa hương lập nghiệp, với sự tham gia của 20 cặp gia đình người dân tộc Hoa, Kh’mer, Chăm tại địa bàn.
Nhân Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền của dân tộc Kh’mer, ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 và các ngày lễ khác, Hội LHPN xã cũng đã vận động trao tặng quà, bao lì xì cho các phụ nữ dân tộc Kh’mer; ổ chức các chương trình “Đón xuân ấm áp”, “Tết trọn yêu thương”, “Đêm giao thừa ấm áp ”, “Tủ đồ thân thương”... nhằm hỗ trợ cho các chị nữ công nhân nhà trọ, người dân tộc thiểu số đến nhận về dùng để cùng chia sẻ những khó khăn, áp lực trong mỗi dịp Tết đến xuân về; tổ chức Tết Trung thu với chủ đề “Ánh trăng ước mơ”, ngày hội “Vui hè cùng thiếu nhi dân tộc kết hợp tặng quà, học bổng cho cácem thiếu nhi người dân tộc thiểu số ...; ngoài ra, trong các đợt cao điểm dịch bệnh, Hội LHPN xã đã vận động 37 chủ nhà trọ hỗ trợ không tăng giá nhà trọ, đã hỗ trợ 187 phòng... với tổng kinh phí thực hiện lên đến hàng trăm triệu đồng.
Hội LHPN xã đã giới thiệu việc làm cho 63 phụ nữ dân tộc thiểu số; phát động hội viên xây dựng “Khu trọ xanh” tại 100% khu trọ; phối hợp tổ chức tuyên truyền các chính sách, hỗ trợ pháp lý và hướng dẫn các thủ tục hành chính đăng ký tạm trú, hướng dẫn người dân cập nhật mã định danh điện tử mức độ 2 theo Đề án 06, hướng dẫn đăng ký khai sinh, nhập khẩu, đăng ký tạm trú cho 35 em thiếu nhi để các em đủ điều kiện đến trường; tuyên truyền về công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội...
Thực sự là quê hương thứ hai
Bà Trần Thị Lê Na, dân tộc Tày sinh sống trên 10 năm tại xã Phước Lộc tâm sự: “Bản thân là phụ nữ đơn thân, nuôi 02 con nhỏ, ở nhà trọ nên bản thân gặp không ít khó khăn; nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt, Hội LHPN xã Phước Lộc đã thật sự trở thành điểm tựa cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp tôi vượt qua khó khăn; có thể nói trong tôi xã Phước Lộc đã trở thành quê hương thứ hai và Hội chính là “gia đình lớn”giúp tôi ngày càng tự tin, vững vàng vượt qua những gian truân, thử thách của cuộc sống”.
Chương trình “Tết trọng yêu thương” năm 2024 do Hội LHPN xã Phước Lộc tổ chức thông qua Mô hình “Hội - Điểm tựa yêu thương cho phụ nữ dân tộc thiểu số”.
Bà Mary, dân tộc Chăm, sinh sống tại ấp 1 xã Phước Lộc nhận xét về mô hình: “Sau dịch COVID-19 tôi bị mất việc, lại phải nuôi người già và trẻ em trong nhà, Hội đã kịp thời hỗ trợ học bổng cho con tôi, hỗ trợ giảm tiền thuê nhà, không tăng giá điện nước sinh hoạt, để tôi có chỗ dựa, yên tâm hơn trong cuộc sống”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phước Lộc Bùi Trung Hiếu nhận xét: “ Đảng ủy xã xác định đây là nhiệm vụ chính trị của địa phương và Hội LHPN xã là đơn vị trực tiếp thực hiện mô hình, đã đóng góp rất lớn trong công tác chăm lo hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số, giúp họ yên tâm sinh sống và làm việc, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng”.
Được biết, “Hội - Điểm tựa yêu thương cho phụ nữ dân tộc thiểu số” là mô hình trọng tâm do Hội LHPN xã Phước Lộc tập trung thực hiện có hiệu quả, nhằm góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, “Xây dựng người phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đoàn kết, nhân văn, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, gia đình hạnh phúc”.
Bên cạnh đó, mô hình này còn góp phần đa dạng hóa phong trào phụ nữ và hoạt động Hội tại địa phương, phát huy có hiệu quả sức mạnh tập thể, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, cống hiến tài năng, trí tuệ nhằm xây dựng và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của người cán bộ và hội viên Hội LHPN Việt Nam trong thời đại mới.
Lê Thanh