Sáng ngày 6/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp ngài Ulaan Chultem, Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ sang Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Mông Cổ về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và ngài Ulaan Chultem, Bộ trưởng Bộ Lương thực,
Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hoan nghênh Bộ trưởng Ulaan Chultem sang thăm Việt Nam đúng dịp hai nước kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đạt được đồng thuận cao trong Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ vừa kết thúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhắc lại sự ủng hộ, giúp đỡ nghĩa tình, vô tư của nhân dân Mông Cổ đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.
Phó Thủ tướng khẳng định, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên mọi mặt chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa thể hiện qua các kênh ngoại giao nhân dân, tiếp xúc cấp cao và các cấp.
Tuy nhiên, hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư còn khiêm tốn so với tiềm năng phát triển cũng như mong muốn của hai nước. Trong năm 2018, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chỉ đạt 31,5 triệu USD, giảm 53,6% so với năm 2017.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị hai bên cần duy trì việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp. Duy trì hợp tác song phương, đặc biệt phát huy cơ chế Ủy ban liên Chính phủ. Xem xét gỡ các nút thắt trong quá trình hợp tác, tăng cường kết nối doanh nghiệp, thị trường hai nước, sớm nghiên cứu mở đường bay thẳng giữa Việt Nam-Mông Cổ cũng như tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh.
Trân trọng cám ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian tiếp đoàn, Bộ trưởng Ulaan Chultemcho biết tại kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ lần thứ 17, hai bên đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư nhằm nâng kim ngạch thương mại đạt 100 triệu USD vào năm 2020.
Bộ trưởngUlaan Chultem cho rằng, hai nước cần tăng cường giao thương, trao đổi hàng hóa, mở cửa thị trường của nhau, qua đó phát triển được tiềm năng, lợi thế của mỗi nước. Mông Cổ mong muốn nhập khẩu gạo, cà phê, dầu thực vật, bánh kẹo, trứng, thịt gia cầm và thủy sản… Đồng thời, sẵn sàng xuất khẩu sang Việt Nam than đá, các sản phẩm chăn nuôi như thịt đông lạnh, da để phục vụ cho ngành da giày-túi xách…
Nhật Bắc/Chinhphu