Không để tình trạng "không biết, không quản được thì cấm"
Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết Nghị định về TTATGT đường bộ điều chỉnh các hoạt động về: Giáo dục kiến thức pháp luật và hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh; cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quản lý, lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên; cấp phép hoạt động phương tiện giao thông thông minh, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe ô tô, điều kiện hoạt động xe thô sơ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái bên phải khi tham gia giao thông tại Việt Nam, xe cơ giới nước ngoài do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch; quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ…
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong tổ chức giảng dạy kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, cần quy định các nhà trường phải đưa kỹ năng lái xe gắn máy an toàn vào tiêu chí, quy chế đánh giá học sinh; ràng buộc trách nhiệm của gia đình chỉ mua xe gắn máy khi con em đã được hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn.
Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo xây dựng tiêu chí cụ thể, rõ ràng về đối tượng, phương tiện được lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên; giao Bộ TT&TT phối hợp thẩm định các quy định liên quan đến cơ sở dữ liệu về trật tự an toàn giao thông thống nhất với quy định pháp luật hiện hành; giao Bộ GTVT nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước để quy định chi tiết về dấu hiệu, quy chuẩn nhận biết phương tiện giao thông thông minh, không để tình trạng "không biết, không quản được thì cấm"…
Về quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng, góp phần hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân do tai nạn giao thông đường bộ gây ra; tổ chức, cá nhân giúp đỡ, cứu chữa, đưa người bị tai nạn giao thông đường bộ đi cấp cứu; tuyên truyền giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ mà không được Nhà nước bảo đảm kinh phí.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu tổng kết, đánh giá tác động, đề xuất mô hình tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động, các nguồn tài chính hình thành quỹ… trình Chính phủ ban hành Nghị định.
Thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng
Báo cáo về dự thảo Nghị định quy dịnh về hoạt động vận tải đường bộ, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Phan Thị Thu Hiền cho biết dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa các Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Nghị định số 119/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới; Nghị định số 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe đang được áp dụng và thực hiện ổn định, không có vướng mắc trong thực tiễn. Đồng thời, cập nhật các nội dung thí điểm, phù hợp với các quy định của Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tình hình thực tế.
Nghị định quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe 4 bánh có gắn động cơ; cấp, thu hồi phù hiệu; hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô, bằng xe 4 bánh có gắn động cơ; trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép vận tải đường bộ quốc tế, giấy phép liên vận cho đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện; gia hạn thời gian lưu hành cho phương tiện của nước ngoài tại Việt Nam tham gia vận chuyển người, hàng hóa giữa Việt Nam với các nước theo quy định của các điều ước quốc tế về vận tải đường bộ qua biên giới mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo nghị định đã bổ sung quy định về cước chuyến đi theo thỏa thuận, kinh doanh vận tải hành khách; vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe 4 bánh có gắn động cơ; cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho kinh doanh vận tải, hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô, xe 4 bánh có gắn động cơ; phù hiệu đối với đơn vị kinh doanh vận tải, xe 4 bánh có gắn động cơ; quản lý phương tiện, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô, xe 4 bánh có gắn động cơ…
Một số quy định dược sửa đổi là: Hợp đồng vận tải bằng văn bản phải được đàm phán và ký kết trước khi tiến hành hoạt động vận chuyển, niên hạn ô tô kinh doanh vận tải; niên hạn xe ô tô kinh doanh vận tải; đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc; quy trình đăng ký, ngừng khai thác tuyến vận tải khách cố định…
Về loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới, cơ quan soạn thảo dã bổ sung quy định quản lý đối với loại hình kinh doanh vận tải bằng xe buýt 2 tầng thoáng nóc, phục vụ khách du lịch.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT đã đóng góp ý kiến liên quan đến việc cấp giấy phép hoạt động cho phương tiện của nước ngoài tại Việt Nam tham gia vận chuyển người, hàng hóa giữa Việt Nam với các nước; xem xét lại quy định giờ xuất bến đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định để giải quyết tình trạng chèn ép, tranh giành khách giữa các xe hoạt động trên cùng một tuyến; bảo đảm đầy đủ quyền kinh doanh vận tải của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, tiếp thu đầy đủ các ý kiến được nêu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng lưu ý, các quy định quản lý hoạt động vận tải hành khách đường bộ cần chú ý đến việc phân bổ các bến, điểm đón trả khách, tần suất các chuyến thuận lợi cho người dân; chú trọng vai trò theo dõi, quản lý, giám sát của cơ quan chức năng đối với việc tuân thủ của các đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện vận tải; cần có thêm những chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng…
Minh Khôi/Chinhphu