Mối nguy hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng

Thứ hai, 31/07/2017 - 11:39

TNV - Nhằm khẳng định vai trò và tầm quan trọng của ngành Y tế trong việc ngăn chặn nguy cơ gây bệnh từ nguồn ô nhiễm không khí, đặc biệt từ ô nhiễm bởi nhà máy nhiệt điện than, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) – Tổ chức điều phối liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), và Trung tâm Sáng tạo Xanh (GreenID) – Tổ chức điều phối Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA) đã tổ chức Hội thảo về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện chạy than tại Hà Nội ngày 28 tháng 7 vừa qua.

MT Ảnh minh họa Mục tiêu của Hội thảo nhằm cung cấp các bằng chứng trong nước và quốc tế về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng, đặc biệt từ nguồn nhiệt điện than. Hội thảo còn giới thiệu mô hình thí điểm về cộng đồng phòng chống ảnh hưởng ô nhiễm không khí tới sức khỏe và trình bày kết quả năm thứ nhất dự án thúc đẩy cộng đồng tham gia ngăn chặn gánh nặng sức khỏe do ô nhiễm không khí (trong đó có nhiệt điện than) tại Hà Nam. Hội thảo cũng thảo luận tăng cường vai trò của khối y tế trong kiểm soát ô nhiễm không khí nói chung và ô nhiễm do nhiệt điện than nói riêng tại Việt Nam. Tại Hội thảo, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam công bố Báo cáo chất lượng không khí Việt Nam 2016 do đơn vị này thực hiện. Báo cáo tập trung phân tích số liệu AQI (chỉ số thể hiện chất lượng không khí và tác động đến sức khỏe) và nồng độ bụi PM2.5 ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Báo cáo cũng chỉ ra, năm 2016, Hà Nội trải qua tám đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Bảy trong tám đợt ô nhiễm này hướng gió chủ yếu từ phía đông, nơi tập trung các khu công nghiệp lớn của thành phố. Báo cáo đưa ra nhận định, các khu công nghiệp lớn có thể là nguồn đóng góp chủ yếu vào ô nhiễm không khí Hà Nội. Báo cáo cũng cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội có cải thiện vào quý 2 và 3, nhưng xấu đi vào quý 1 và 4. Các nguồn gây ô nhiễm chủ yếu của hai thành phố lớn được chỉ ra là do khí thải từ phương tiện giao thông, phát thải từ hoạt động công nghiệp, hoạt động xây dựng, nhà máy nhiệt điện, đốt chất thải, đun nấu hộ gia đình và ô nhiễm xuyên biên giới. Báo cáo đưa ra khuyến nghị, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng không khí ở các thành phố lớn cũng như ở các địa phương khác trên cả nước, Việt Nam cần nhanh chóng giảm các nguồn gây ô nhiễm nhân tạo từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, sản xuất điện năng, giao thông...; tăng cường thực thi các quy định hiện hành về quy chuẩn đốt chất thải rắn và hoạt động xây dựng; đẩy mạnh hoạt động cải thiện chất lượng không khí tại mỗi gia đình thông qua thay đổi hành vi đun nấu (sử dụng bếp đun cải tiến). Đồng thời, Việt Nam cần có các chính sách hiệu quả để bảo đảm chất lượng không khí như ban hành Luật không khí sạch, điều chỉnh các tiêu chuẩn về chất lượng không khí tương đương với tiêu chuẩn quốc tế (WHO), cải thiện quy hoạch đô thị, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo… Theo dự báo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, vào năm 2020, tỷ lệ người dân bị mắc bệnh viêm phổi mãn tính ở người lớn, cấp tính ở trẻ em, bệnh đường hô hấp, tim mạch và tình trạng khó thở đều sẽ tăng gấp đôi so với năm 2010. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải có đánh giá cụ thể về tác động môi trường và tác động đến sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra; đồng thời truyền thông, hướng dẫn bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng; quan trắc, giám sát chất lượng không khí ngoài trời và trong nhà... Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung chính như: Kết quả nghiên cứu về chất lượng không khí ở Việt Nam và gánh nặng bệnh tật không lây nhiễm đang gia tăng, những tác động đặc thù của ô nhiễm không khí hiện nay đối với sức khỏe cộng đồng, đề xuất giải pháp hành động giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Việt Nam.

BH.