TNV - 17 năm đứng trên bục giảng cũng là ngần ấy thời gian chị đem tất cả tâm huyết và tình yêu nghề nghiệp của một nhà giáo truyền cảm hứng dạy học cho thế hệ giáo viên.Bởi chị hiểu, nếu chỉ “gieo chữ” với tư cách là một giáo viên đi truyền thụ kiến thức cho học sinh thì chưa đủ, mà cần phải có niềm đam mê dạy học từ máu thịt. Niềm đam mê gieo chữ từ máu thịt ấy, chỉ được truyền nối bền vững khi được “truyền lửa” nghề. Nói cách khác là truyền cảm hứng cho sự kết nối giữa thầy cô giáo với các em học sinh mà chị làm “nhịp cầu ô thước”. Chị là Tiến sĩ Vũ Thanh Trà- nữ giảng viên di truyền học trẻ về tuổi đời nhưng “nặng ký” về trình độ và kinh nghiệm “truyền lửa” cho những người “gieo chữ”.
17 năm “Truyền lửa” nghề giáo
Trong căn phòng thuê ở nhỏ tận tầng 19 của khu căn hộ Plaza đường Lê Hồng Phong TP. Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu), Tiến sĩ Vũ Thanh Trà “luôn tay” với những tập sách, mô hình bài giảng và giáo án điện tử để sẵn sàng cho một buổi giảng mới. Dẫu vẫn biết đó là công việc thường ngày của một giáo viên thời kỳ 4.0, nhưng cuộn gói trong đó là cả niềm tâm huyết nhiệt tình và yêu nghề từ trái tim của người giảng viên trẻ tuổi. Chị bảo: “Cái nghề nó chọn mình. Nghĩ tưởng nghề giáo nhàn hạ, nhưng thực chất rất vất vả, nhất là trong thời đại thế giới phẳng hiện nay khi mà việc dạy học theo phương pháp công nghệ cao, giáo trình điện tử. Dạy truyền thống đã khó, thì dạy theo phương pháo mở càng khó hơn, đòi hỏi giảng viên có kỹ năng sư phạm năng động để tránh sự nhàm chán cho người học”.
Tiến sĩ Vũ Thanh Trà đang giải nghĩa về “Cách truyền cảm hứng” theo mô hình chop
Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên chuyên ngành di truyền học.Nghĩ tưởng chị sẽ gắn bó với các em học sinh ở vùng biên giới này cùng những đồi chè mênh mông giữa trập trùng rừng núi. Nhưng rồi tình yêu nghề giáo cứ lớn dần trong tim, để rồi sau 9 năm “đèn sách” chị trở thành Tiến sĩ chuyên ngành di truyền học chuyên đào tạo cho giáo viên giảng dạy về giới tính.
Khó có thể nói hết được những nhọc nhằn gian khổ khi nhiều đêm thức trắng để nghiên cứu tài liệu về “tâm trạng, giới tính tuổi teen” và tìm ra “sự khác biệt” của tuổi mới lớn trong qui luật phát triển giới tính truyền thống tự nhiên, nhưng điều chị vui nhất để “đồng hành” cùng nghề là trong tim chị luôn có bóng dáng học trò, phấn bảng, bục giảng. Bởi vậy, chị đã quyết tâm bám nghề sau sự cố gia đình tưởng chừng sẽ dập tắt ước mơ dạy học.
Theo Tiến sĩ Trà, công việc hiện tại của chị đang giảng dạy thực chất là truyền kiến thức “phát triển năng lực toàn diện cho giáo viên”. Nói theo cách xã hội học lan tỏa, đó là “truyền lửa” cho các thầy cô giáo. Một bài giảng hay trong thời kỳ 4.0 không phải chỉ là bài giảng có đầy đủ nội dung, mà phải là bài giảng “mở” từ môi trường giáo dục xung quanh. Giáo viên thuyết trình hay, nhưng không biến nó thành “năng lượng” để học sinh tiếp nhận thì bài giảng đó chỉ dừng lại ở lý thuyết.Mà để các em tiếp nhận kiến thức tự nhiên không gò ép, thì phải qua “khâu” học thực tiễn trải nghiệm.Đây chính là phương pháp học trực quan sau lozichọc lý thuyết trên sách vở.
Mỗi bài giảng, chị luôn đặt cho mình có 6 “tiêu chí” khắt khe là: Tìm hiểu học sinh và môi trường, năng lực đánh giá giáo dục, chuyên môn của giáo viên, hoạt động xã hội, giao tiếp, phát triển định hướng nghề nghiệp. Đây là những tiêu chí căn bản không thể thiếu của người giáo viên khi giảng bài cho học sinh. “Tôi muốn đem kiến thức đã được học và những điều mới mẻ, khác lạ từ cuộc sống đời thường “khơi lửa” cho các thầy cô giáo để họ có một kiến thức nền vững chắc, khoa học để dạy cho các em học sinh. Thực lòng mà nói, nếu chỉ dạy học bằng trái tim mình thôi trong thế giới phẳng 4.0 hiện nay thì chưa đủ, mà phải có kiến thức khoa học vững chắc. Tôi là người “truyền cảm hứng” cho các thầy cô giáo, tôi muốn truyền tình yêu nghề cháy bỏng từ trái tim tôiđến các thầy cô. Các thầy cô giáo là con đò chở chữ, còn tôi là người “lái” cho những con đò ấy lướt trên dòng sông tri thức. Cũng có thể nói, tôi là con ong đi thụ phấn cho hoa”, Tiến sĩ Trà chia sẻ.
Đi tìm tình yêu của nghề
Để“bồi đắp” thêm kiến thức và tạo ra “năng lượng” mới cho mỗi bài giảng, Tiến sĩ Vũ Thanh Trà đã hàng chục lần “khăn gói” lên đường. Ngoài những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, chị đến những nơi “ít dấu chân người” như núi cao, rừng sâu- nơi có người dân tộc thiểu số “sống với rừng, vui buồn với suối” để tìm hiểu tâm lý giới tính độ tuổi học sinh ở những nơi này. “Bản tính của người dân tộc thiểu số khác biệt với bản tính người kinh. Tâm lý, giao tiếp và nhận diện xã hội của họ cũng khác.Những lần đi thực tế ấy, tôi đã giải mã ra nhiều bí ẩn về tâm lý, giới tính của người dân tộc. Họ khác biệt với người kinh nhiều cái, nhưng có một mẫu số chung là mưu cầu sự sinh tồn, phát triển tư duy và được làm việc từ bản làng nơi họ sinh ra”, Tiến sĩ Trà cho hay.
Có một kỷ niệm lần đầu chị kể trong 17 năm làm nghề giảng dậy, đó là lần chị
“vượt rừng” đưa nhóm sinh viên phường 12 thành phố Vũng Tàu đi giao lưu tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng. Sau khi “truyền lửa” phương pháp sư phạm của nghề “gieo chữ, dạy người” và “Trân quí những chuyến đò cõng chữ chở ước mơ”, một em học sinh đã ôm chị bật khóc, nói: “Em muốn làm cô giáo như cô để về truyền cảm hứng cho các em ở bản làng em. Các bạn ấy chỉ muốn đi làm rẫy, xuống suối mò cá”. Không kìm được cảm xúc, Trà ôm nữ học sinh ấy và bảo rằng: “Em có làm con gái cô không, cô sẽ nuôi em”. Em học sinh đó nhìn Trà nước mắt chảy tràn, bảo: “Em muốn ở lại với bản làng”. Trà lấy từ túi xách 4,5 triệu đồng tặng cho các em học sinh ở lớp. “Đây là số tiền dạy học của tôi. Tôi giúp các em có thêm sách vở, nhưng quan trọng hơn là tôi “nhóm” trong tim các em “ngọn lửa” yêu nghề giáo viên để về dạy chữ ngay tại địa phương các em đang sinh sống”, Trà nói với các em học sinh.
Những dụng cụ giảng dạy của Tiến sĩ Trà trước giờ lên lớp
Chị chẳng nhớ bao lần đi đến những bản làng, vùng sâu, vùng xa “gieo chữ, truyền lửa”, nhưngmỗi một lần đi là một lần “giải mã” một điều gì đó và bồi đắp “năng lượng nghề giáo”. “Tôi có được ngày hôm nay là nhờ cô giáo Trần Khánh Ngọc, Tiến sĩ phương pháp giảng dạy sinh học. Cô Ngọc là người sáng lập ra dự án “Vì một triệu giáo viên Việt Nam”. Cô Ngọc truyền cảm hứng cho tôi, tôi đi truyền cảm hứng cho các thầy cô giáo như một sự tiếp nối. Bước chân tôi sẽ không dừng lại kể cả đến những vùng xa xôi hẻo lánh, gian khổ nhất khi trái tim tôi vẫn yêu nghề giáo. Thúc dục nhất trong lòng tôi lúc này là được truyền phương pháp hiện đại mới mẻ cho các thầy cô giáo để có thể nâng cao chất lượng truyền thụ kiến thức cho các em học sinh”, Trà, nói.
Thử sức mình trong “năng lực xã hội”
Ngoài là giảng viên có năng lực giảng dạy “siêu biệt”, Tiến sĩ Vũ Thanh Trà còn là Hoa hậu Quí bà Việt Nam toàn cầu tại Hàn Quốc với hai vương miện: “Hoa hậu quí bà có mát tóc đẹp nhất” và “Hoa hậu quí bà được bình chọn nhiều nhất”. Cuộc thi này được tổ chức tháng 4-2018 tại thành phố Daegu Hàn Quốc. Tiến sĩ Vũ Thanh Trà chia sẻ: “Tôi muốn thử sức mình trong lĩnh vực hoạt động xã hội để khẳng định rằng, phụ nữ Việt Nam cũng sánh vai cùng phụ nữ thế giới. Điều đó cũng nói lên rằng, bên cạnh cây bút, bài giảng, giáo án, người giáo viên cũng hoàn toàn có thể làm được nhiều việc khác, nhưng quan trọng hơn là mình làm nghề theo mách bảo của trái tim”.
Dòng cảm nhận của Thầy giáo Nguyễn Xuân Đức về cô giáo Trà
Cuộc sống đời thường của Tiến sĩ Vũ Thanh Trà hiện nay còn khá nhiều vất vả. Tổ ấm của hai mẹ con chị là căn phòng nhỏ thuê trên tầng cao thứ 19 của tòa căn hộ Plaza đường Lê Hồng Phong TP. Vũng Tàu. Với đồng lương ít ỏi hệ số 4,4, chỉ đủ lo cho con và bản thân một cách tiết kiệm tối đa. Hằng ngày, chị vẫn “vượt” gần 20 cây số từ thành phố Vũng Tàu đến Trường Cao đẳng sư phạm Bà Rịa dạy học. Bởi chị hiểu phía trước chặng đường gần 20 cây số ấy là ngàn ngàn giáo viên đang chờ chị “truyền cảm hứng” từ trái tim của người nguyện một đời gắn bó với nghề gieo chữ.
“Là một giảng viên truyền cảm hứng nghề dạy học, tôi chỉ muốn đem kinh nghiệm của mình khơi trong tim các thầy cô giáo về nghề cao quí này. Các thầy cô giáo là con đò chở chữ, còn tôi là người “lái” cho những con đò ấy lướt trên dòng sông tri thức. Cũng có người bảo, tôi là con ong đi thụ phấn cho hoa”, Tiến sĩ Trà chia sẻ.
Bài và ảnh, Mai Thắng