Một mặt hàng của Việt Nam được Mỹ và cả ASEAN ráo riết “săn lùng”, thu về hơn 1,7 tỷ USD kể từ đầu năm

Thứ sáu, 11/04/2025 - 16:40

Mỹ đã chi hơn 200 triệu USD để nhập khẩu 349.000 tấn mặt hàng này của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2025.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 31,3 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Với mặt hàng sắt thép, trong tháng 3/2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn sắt thép các loại, đạt giá trị trên 642 triệu USD. So với tháng 2, mức tăng trưởng ghi nhận lần lượt là 21,8% về lượng và 20% về trị giá. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường thép toàn cầu đang chịu nhiều áp lực.

Lũy kế quý 1/2025, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt hơn 2,7 triệu tấn, thu về trên 1,78 tỷ USD. Mặc dù giảm 14,8% về lượng và 25,1% về trị giá so với cùng kỳ.

Một mặt hàng của Việt Nam được Mỹ và cả ASEAN ráo riết “săn lùng”, thu về hơn 1,7 tỷ USD kể từ đầu năm- Ảnh 1.

Mỹ chi hơn 200 triệu USD để nhập khẩu 349.000 tấn sắt thép của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2025

Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu sắt thép sang hơn 30 thị trường, ASEAN tiếp tục là khu vực chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất, theo sau là Mỹ, EU và Hàn Quốc.

Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2025 với 370.000 tấn, trị giá 211 triệu USD, tăng 31% về lượng và 16% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân sang thị trường này đạt 570 USD/tấn, giảm 12%.

Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của thép Việt Nam với hơn 349.000 tấn trong quý 1/2025, trị giá 209 triệu USD. Tuy sản lượng giảm 24% và giá trị giảm 47%, Mỹ vẫn duy trì vai trò là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Giá xuất khẩu sắt thép sang Mỹ hiện ở mức 598 USD/tấn, giảm khoảng 30% so với năm trước. Mức giá thấp phản ánh rõ áp lực cạnh tranh và xu hướng giảm giá toàn cầu.

Theo sắc lệnh thuế mới của Chính phủ Mỹ, nhiều mặt hàng bị áp mức thuế đối ứng cao, tuy nhiên sắt thép Việt Nam không thuộc nhóm này.

Đánh giá tác động của việc tăng thuế đối với 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, Chứng khoán MB (MBS) nhận định tác động đến các ngành nghề sản xuất sẽ khác nhau phụ thuộc vào tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong tổng giá trị xuất khẩu cũng như các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong cùng phân khúc.

MBS cho rằng các nhóm ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ, bất động sản khu công nghiệp, logistics là những nhóm ngành chịu tác động tiêu cực nhất.

Các nhóm ngành cao su, giấy, dây cáp điện… chịu tác động trung bình do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp.

Trong khi đó, nhóm sản phẩm sắt thép không chịu tác động do không nằm trong danh sách sản phẩm chịu thuế đối ứng.

Theo chính sách thuế quan mới từ chính quyền Mỹ, các mặt hàng thép, nhôm, đồng và vàng sẽ bị loại ra khỏi thuế đối ứng. Nguyên nhân vì thép và nhôm đã chịu thuế theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại thì sẽ không phải chịu thuế đối ứng. Như vậy, mặt hàng thép chỉ chịu thuế 25% và mặt hàng nhôm là 10% theo Mục 232.

Trước đó, ngày 11/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu. Động thái này nhằm bảo hộ các nhà sản xuất thép nội địa.

Thúy Hà