Một năm nhiều khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa

Thứ hai, 25/12/2017 - 09:47

TNV - Đón Xuân 2018 là mùa xuân thứ 7 tỉnh Thanh Hóa thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM). Nhìn lại 7 mùa xuân nỗ lực vượt khó thực hiện chương trình, mới thấy kết quả đạt được của Thanh Hóa trong xây dựng NTM thật đáng ghi nhận.

1

Là tỉnh có xuất phát điểm về kinh tế thấp, chưa tự cân đối được ngân sách, có trên 80% dân số ở vùng nông thôn, có tới 11 huyện và 210 xã miền núi, trong đó có 102 xã thuộc 7 huyện nghèo đang thực hiện chính sách theo Nghị quyết 30a. Thanh Hóa cũng là tỉnh không được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nhưng Thanh Hóa đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Với quan điểm phát triển sản xuất là gốc, xây dựng cơ sở hạ tầng là cần thiết, nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu, lợi ích mang lại cho người dân là động lực, thời gian qua Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp do vậy đã thu được những kết quả đáng mừng. Ngày cuối năm, cùng các đồng chí trong Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới về Yên Định, Thiệu Hóa, Quảng Xương rồi Nga Sơn, Ngọc Lặc, nơi đâu chúng tôi cũng thấy diện mạo nông thôn được thay đổi từng ngày. Đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng kết cấu hạ tầng, văn hóa, xã hội, môi trường…. đều có nhiều khởi sắc rất đáng ghi nhận. Lòng dân đồng thuận, làng quê phơi phới sức xuân. Sau khi đi thăm mô hình thôn NTM kiểu mẫu ở thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân trở về, bên ấm trà đón chào năm mới 2018 đang về, các đồng chí trong Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Thanh Hóa cung cấp cho chúng tôi rất nhiều số liệu minh chứng sinh động cho nhận định trên: Về kết quả thực hiện bộ tiêu chí Quốc gia về NTM đối với cấp huyện, ngoài huyện Yên Định được công nhận đạt chuẩn NTM 2015, năm 2017 có huyện Quảng Xương phấn đấu đạt chuẩn NTM. Đối với xã đến hết năm 2016 toàn tỉnh có 180 xã đạt chuẩn NTM. Theo kế hoạch năm 2017, phấn đấu có thêm 37 xã đạt chuẩn NTM, tuy nhiên đã có tới 73 xã đăng ký và chắc chắn số xã đạt chuẩn NTM trong năm 2017 sẽ rất cao. Đối với thôn, bản: Đến hết tháng 9 năm 2017 có thêm 48 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số thôn, bản đạt chuẩn NTM trong toàn tỉnh đến nay lên tới 390, trong đó có 258 thôn, bản miền núi. Điều rất đáng ghi nhận là Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hoá đã chủ trì, phối hợp với các địa phương lựa chọn và triển khai xây dựng thí điểm 3 mô hình NTM kiểu mẫu tại các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân và Hà Trung. Tại các điểm mẫu này tất cả các chỉ tiêu phấn đấu đều cao hơn so với tiêu chí thôn, bản NTM đã ban hành. Chắc chắn 3 thôn bản kiểu mẫu này sẽ sớm được công nhận trước thềm xuân 2018. Về quy hoạch xây dựng vùng huyện, ngoài huyện Tĩnh Gia đã được phê duyệt, hai huyện Quảng Xương và Thọ Xuân đang tích cực triển khai lập quy hoạch vùng huyện theo đúng lộ trình, kế hoạch.

31

Thanh Hóa xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM. Trong 9 tháng đầu năm 2017, tỉnh đã phân bổ 34.100 triệu đồng nguồn vốn sự nghiệp của Trung ương cho 27 huyện, thị xã, thành phố và 12 đơn vị cấp tỉnh triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất. Tùy theo thế mạnh và đặc thù của từng địa phương, đến nay Thanh Hóa đã có 21 huyện lựa chọn và triển khai thực hiện thành công 209 mô hình phát triển sản xuất các loại góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân.

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt coi trọng việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Năm 2017, tỉnh đã phân bổ 14.400 triệu đồng cho đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 5206 lao động được đào tạo, trong đó có 482 người khuyết tật. Vệ sinh môi trường là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM ở Thanh Hoá. Trong năm 2017 các xã được hỗ trợ vốn đã mua được 225 xe đẩy tay thu gom rác thải. Tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật và triển khai thi công hệ thống thoát nước thải tại các làng nghề như: Ngư Lộc, Thiệu Trung, Hải Thanh. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã triển khai hỗ trợ 1.200 hộ gia đình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 22 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, bản được tỉnh hỗ trợ vốn đã hoàn thành công tác xây lắp, đang hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng trước thềm xuân mới 2018.

42

Về Thanh Hóa những ngày xuân đã cận kề, chúng tôi có dịp đi trên những con đường mới mở, nhiều công trình khác như điện, trường, trạm cũng được xây dựng, chỉnh trang mang lại diện mạo mới cho quê Thanh vui xuân, đón Tết.Năm 2017 tỉnh đã phân bổ 385,7 tỷ đồng để thanh toán khối lượng hoàn thành cho 140 công trình, hỗ trợ xây dựng mới 194 công trình và hỗ trợ 62 xã mua xi măng xây dựng NTM. Từ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và huy động của địa phương đến cuối tháng 9 năm 2017 các xã trong tỉnh đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo 620 km đường giao thông nông thôn, 136 km kênh mương, 75 cống tưới tiêu các loại, 790 phòng học các cấp, 85 trạm biến áp và 315 km đường dây hạ thế, 51 nhà văn hóa, khu thể thao xã, 284 nhà văn hóa thôn, 45 trạm y tế, 16 chợ nông thôn, 39 trụ sở xã, 1982 công trình cấp nước sinh hoạt, chỉnh trang xây dựng mới 6.988 nhà ở dân cư.

32

Năm 2017 cũng ghi nhận nỗ lực mới của tỉnh Thanh Hóa trong huy động nguồn lực cho chương trình xây dựng NTM. Tính đến hết tháng 9 năm 2017 tổng nguồn lực huy động được là 3.882,9 tỷ đồng. Trong đó vốn trực tiếp cho chương trình đạt trên 1.394 tỷ đồng, chiếm trên 34%. Bao gồm: Ngân sách Trung ương trên 500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 130 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 205 tỷ đồng, ngân sách xã trên 558 tỷ đồng. Vốn lồng ghép 1385 tỷ đồng… Đặc biệt nguồn vốn huy động từ cộng đồng dân cư dạt trên 268 tỷ đồng, nhân dân tham gia ngày công lao động, hiến đất, vật liệu để xây dựng công trình phúc lợi quy ra tiền là trên 207 tỷ đồng. Các hộ gia đình trong tỉnh còn tiến hành chỉnh trang, xây mới nhà ở với tổng giá trị 2.806 tỷ đồng.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới chính là mang mùa xuân tươi vui, bền vững về với quê Thanh. Cùng cánh én mang tin xuân náo nức, những cánh đồng mía cao sản ở Thọ Xuân bước vào mùa thu hoạch, vườn đào ở Triệu Sơn chúm chím những nụ hồng tươi. Tận mắt chứng kiến nhiều đổi thay thật đáng ghi nhận trong xây dựng NTM ở Thanh Hoá không thể không nhắc tới sự nỗ lực vượt khó, năng động sáng tạo của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hoá trong năm 2017 tiếp tục hoạt động ổn định, hiệu quả với 14 biên chế. Lắng nghe những trăn trở, suy tư, thấu hiểu những việc làm hiệu quả của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hoá,chúng tôi thấy các anh, các chị là những người làm công tác chuyên môn và dân vận tốt nhất trên mặt trận nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở miền quê Xứ Thanh đang vươn mình khởi sắc. Cánh tay nối dài của Văn phòng là 587 cán bộ phụ trách, theo dõi Chương trình xây dựng NTM ở cấp xã. Trong đó có 474 cán bộ kiêm nhiệm và 113 cán bộ chuyên trách. Đây là những nhân tố tích cực, tiêu biểu trực tiếp tham mưu, triển khai, tổ chức thực hiện chương trình tại địa bàn xã, đồng thời là đầu mối quan trọng trong việc tổng hợp, báo cáo, đôn đốc, kiểm tra, điều phối chương trình từ cơ sở đến huyện, tỉnh và Trung ương. Có được kết quả rất đáng ghi nhận trong xây dựng NTM năm 2017 ở Thanh Hoá là do tỉnh triển khai thực hiện chương trình thực sự phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành văn bản pháp lý để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM kịp thời và hiệu quả. Năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành: Bộ tiêu chí xã NTM tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2017 – 2020, Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020 và nhiều văn bản cụ thể, thiết thực khác. Công tác tuyên truyền vận động, công tác đào tạo, tập huấn về xây dựng NTM ở Thanh Hoá trong năm 2017 tiếp tục được chú trọng với nhiều giải pháp, việc làm thiết thực từ khắp các ban, ngành, đoàn thể chính trị, từ tỉnh, huyện đến cơ sở.

41

Xuân 2018 đang về với mỗi miền quê trên mảnh đất Xứ Thanh. Chào xuân mới, Thanh Hoá tiếp tục triển khai nhiều  giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của tỉnh đề ra trong Chương trình xây dựng NTM, phấn đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 50% số xã (trên 287 xã) đạt chuẩn NTM, có 5 huyện đạt chuẩn NTM, 20% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM. Bình quân hàng năm tăng từ 1 - 1,5 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí.Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra các giải pháp: Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững. Tập trung giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn...Song song với các giải pháp trên, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm chỉ đạo các địa phương trong tỉnh cần bám sát quy hoạch, đề án, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong huy động và sử dụng nguồn lực để tạo sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân, phát huy cho được vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong việc tham gia xây dựng NTM.

Chào xuân mới 2018, chắc chắn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới ở Thanh Hóa thêm nhiều thành công mới.

Nguyễn Hòa - Hằng Giang