Một ngày tham quan Gò Công( Tiền Giang) của các cô giáo trường THPT Nguyễn Công Trứ

Thứ ba, 22/10/2024 - 17:59

Trong chúng ta, ai đã từng đi du lịch đó đây, phương Đông hay Phương Tây nhưng có lẽ khi quay trở về cũng phải thốt lên rằng: Việt Nam quê hương mình  đẹp lắm! Ngoài sự hiện đại của đất nước, rừng vàng, biển bạc…chúng ta còn có vẻ đẹp mà các di tích lịch sử đem lại.Các đình, chùa, dinh thự, bến nước… v..v v….trường tồn cùng thời gian.

Việc trân trọng, bảo tồn và giới thiệu di tích thắng cảnh đến với mọi người, với bạn bè thế giới là sự tự hào và trách nhiệm của mỗi chúng ta- công dân Đất Việt. Chúng tôi, những cô giáo của trường THPT Nguyễn Công Trứ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cũng muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc này. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu và đi đến những di tích lịch sử , những nơi mà có thể các chuyến du lịch mọi người chưa từng biết, tham quan rồi giới thiệu, nỗ lực lan tỏa những giá trị tinh thần mà các cảnh đẹp đem lại. Hãy cùng chúng tôi đến với miền Tây sông nước, khám phá những công trình kiến trúc, di tích lịch sử nơi đây- như là món quà chúng ta trân trọng tặng cho nhau ngày 20/10! Điểm đầu tiên chúng tôi ghé tham quan và muốn giới thiệu là Đốc Phủ Hải Tiền Giang!.

Một ngày tham quan Gò Công( Tiền Giang) của các cô giáo trường THPT Nguyễn Công Trứ- Ảnh 1.

NHÀ ĐỐC PHỦ HẢI – NGÔI NHÀ CỔ ĐỘC ĐÁO Ở GÒ CÔNG, TIỀN GIANG

Vùng đất Gò Công không lớn lắm nhưng lại có khá nhiều Di tích cấp Quốc gia đã được xếp hạng: Cụm di tích Đền thờ – Lăng mộ – Tượng dài Anh hùng dân tộc Trương Định, Đền thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng – Lăng Hoàng gia, Nhà Đốc Phủ Hải…

Nhà Đốc Phủ Hải tọa lạc ở phường 1, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang là một ngôi nhà cổ có lối kiến trúc kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông – Tây độc đáo. Mặc dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn, ngày càng được nhiều du khách đến tham quan chụp hình mỗi khi có dịp du lịch Tiền Giang.

Một ngày tham quan Gò Công( Tiền Giang) của các cô giáo trường THPT Nguyễn Công Trứ- Ảnh 2.

Về xứ Gò Dông ghé thăm nhà cổ, tận mắt chứng kiến những cổ vật, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc bạn có thể cảm nhận cuộc sống vương giả của một gia đình Đốc phủ. Ngôi nhà do bà Trần Thị Sanh con của Bá hộ Trần Văn Đồ dựng năm 1890. Nhà được xây cất theo dạng chữ Đinh (lúc ban đầu), qua nhiều lần tu bổ và xây dựng, toàn bộ ngôi nhà ngày nay gồm ba phần: nhà chánh, hai nhà vuông-nơi ở của những người giúp việc và lẫm lúa (kho thóc của địa chủ).

Mặt tiền sảnh của nhà cổ mang đậm phong cách Tây Âu với những vòm cửa hình vòng cung, chạm khắc hoa văn nổi. Trái ngược với tiền sảnh xây bằng gạch kiểu phương Tây, bên trong công trình lại là những cấu trúc gỗ đậm nét truyền thống. Nhà chính gồm ba gian hai chái lợp ngói âm dương, gồm 36 cây cột, trong đó gỗ có 30 cột làm từ gỗ quý.

Một ngày tham quan Gò Công( Tiền Giang) của các cô giáo trường THPT Nguyễn Công Trứ- Ảnh 3.

Nối các khoảng cột với nhau là các bộ bao lam bằng gỗ chạm hai mặt thể hiện các đề tài tứ linh, tứ quí, bát bửu… rất tinh xảo. Trong nhà còn có các đồ dùng quý như tủ, ghế khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Quốc và Việt Nam thế kỷ 17-18. Nổi bật là giường Thất Bảo lát những tấm đá cẩm thạch màu sắc khác nhau, chân chạm nổi hoa lá, khảm xà cừ và hai bộ đi văng bằng đá cẩm thạch màu trắng vân đen. Đặc biệt các bức tranh vẽ trên kính, hai bộ tranh hạt cườm bằng nhung đỏ, 8 tấm thêu mai-lan-cúc-trước, xuân-hạ-thu-đông.

Ngoài những điểm độc đáo trong kiến trúc xây dựng thì nhà cổ Đốc Phú Hải được nhiều du khách đến tham quan tìm hiểu đó là những câu chuyện xoay quanh ngôi nhà. Theo nhiều tư liệu thì ngôi nhà gắn liền với cuộc đời của bà Trần Thị Sanh, vợ thứ của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định anh hùng dân tộc. Gia đình bà Sanh là một gia đình giàu có bậc nhất tại Gò Công đã có những cống hiến trong công cuộc mở cõi, giữ đất phương Nam.

Năm 1864, Trương Định tuẫn tiết, bà Sanh vào chùa quy y và giao quyền trông nom, quán xuyến ngôi nhà cho Dương Thị Hương (con riêng của bà) và rể là Tri huyện Trường Bình, nên thường gọi là nhà Bà Huyện.

Một ngày tham quan Gò Công( Tiền Giang) của các cô giáo trường THPT Nguyễn Công Trứ- Ảnh 4.

Vào khoảng 1880-1885, Tri huyện Trường Bình chán cảnh quan trường về trí sĩ, nên cho tôn tạo lại ngôi nhà này khang trang, thoáng mát để dưỡng già. Khi ông bà qua đời, ngôi nhà này tiếp tục để cho con gái là Huỳnh Thị Diệu và chồng là Nguyễn Văn Hải làm chức Đốc phủ sứ, nên có tên là nhà Đốc phủ Hải.

Cuối thế kỷ trước (1895-1900), Nguyễn Văn Hải có chút tân học ở Pháp nên đã xây dựng thêm tiền sảnh theo kiểu "roman" và xây hai nhà vuông hai bên để người làm cùng ở. Đến năm 1909-1917, ngôi nhà được tu bổ thêm, xây tường rào sắt tây ba mặt và phần sau xây lẫm lúa to lớn. Nhà Đốc Phủ Hải đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994.

Rời Đốc Phủ Hải, chúng tôi đến Đình Gò Táo hay còn gọi là Đình Tân Đông. Đây được xem là ngôi đình độc nhất vô nhị vì toàn bộ kiến trúc được ôm trọn bởi hàng tăm búi rễ của hai cây bồ đề .Phần  rễ cây bồ  đề bám chặt mái vòm, tạo cảm giác kì bí, linh thiêng uy nghiêm cho toàn bộ không gian của ngôi đình.

ĐÌNH TÂN ĐÔNG – NGÔI ĐÌNH ĐỘC ĐÁO NẰM TRONG CÂY BỒ ĐỀ

Đình Tân Đông còn gọi là đình Gò Táo, thuộc xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang được coi là một công trình kiến trúc độc đáo khi trên nóc có 2 cây bồ đề buông rễ ôm toàn bộ ngôi đình tạo nên một vẻ đẹp cổ kính hiếm có.

Một ngày tham quan Gò Công( Tiền Giang) của các cô giáo trường THPT Nguyễn Công Trứ- Ảnh 5.

Theo các bậc cao niên, ngôi đình có từ thời vua Minh Mạng, bởi trước đây những người già trong làng vẫn còn thấy được tờ sắc "thành hoàng bổn cảnh" thờ phượng Tả quân Lê Văn Duyệt. Tờ sắc phong này đã bị mất vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Kiến trúc hoa văn và họa tiết khắc nổi trên đình mang đặc trưng của kiến trúc đình thời Nguyễn. Lúc bấy giờ đình làm nơi tổ chức các lễ hội Kỳ yên, Thượng điền, Hạ điền và lễ cầu Ông.

Đến thời Pháp trở thành nơi hội họp của các chiến sĩ cách mạng, thời Mỹ lại biến thành nơi giam giữ, tra khảo, trấn áp các gia đình có con em tham gia cách mạng. Sau giải phóng số người ghé qua đình ít dần, đình trở nên hoang tàn không ai hương khói, dọn dẹp.

Trải qua thăng trầm của thời gian, đến nay chỉ mỗi bàn thờ chánh điện vẫn giữ nguyên vẹn đầy đủ họa tiết trang trí. Tuy nhiên, cách đây khoảng 30 năm ngôi đình lại xuất hiện ba cây bồ đề mọc vươn cao lên trên đỉnh của ngôi đình, rễ cây vươn ra bám vào tường, một số rễ chạy dài theo các rãnh khe nứt của đình trở thành cột, kèo chạy dọc, chạy ngang để giữ ngôi đình vững chắc.

Vào năm 1990 một cây bồ đề đã bị một số người tham lam gỡ về làm cảnh, những người dân nằm mộng thấy vậy buổi sáng kịp ra can ngăn nên giữ được hai cây còn lại. Sau nhiều năm đình Tân Đông xuống cấp nghiêm trọng do không có nguồn vốn để sửa chữa thì mới đây, đình đã được trung tu, sửa chữa.

Một ngày tham quan Gò Công( Tiền Giang) của các cô giáo trường THPT Nguyễn Công Trứ- Ảnh 6.

Điều đáng mừng hơn là sau khi trùng tu ngôi đình vẫn giữ được nét riêng, độc đáo đó là phần chính điện vẫn được giữ nguyên bức tường đã nhuốm màu thời gian có hai cây bồ đề bám vào như một tác phẩm nghệ thuật. Người dân địa phương rất tin vào sự linh thiêng của ngôi đình, luôn hãnh diện và tự hào về một di tích văn hóa rất đặc trưng này. Với kiến trúc cổ xưa, mặt tiền là bức tường có năm vòm cửa được bao bọc bởi những búi rễ bồ đề chằng chịt, ngôi đình cổ dần trở thành điểm check-in quen thuộc.

Cám ơn mọi người đã khám phá cùng chúng tôi! Thanh Minh, Việt Anh, Hồng Duyên và Minh Liên xin chào tạm biệt! Hẹn gặp các bạn ở những di tích thắng cảnh tiếp theo!.

PV