Một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên về chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay

Thứ sáu, 01/11/2024 - 08:00

Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả góp phần làm rõ một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam về đặc trưng bản chất chủ nghĩa xã hội nói chung và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói riêng. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: nhận thức; sinh viên; chủ nghĩa xã hội.

Astract: In this article, the author contributes to clarifying some theoretical issues about socialism and the path towards socialism in Vietnam, the essential characteristics of socialism in general, and socialism in Vietnam in particular. Based on this, the author proposes some fundamental solutions to enhance students' awareness of socialism and the path towards socialism in Vietnam today.

Keywords: awareness; students; socialism.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, đang tìm mọi cách chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, phủ nhận những thành tựu và vai trò to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng và Nhân dân Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, bằng những hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Việc giáo dục và nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về các giá trị lịch sử và văn hóa, đặc biệt là về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng. Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập, đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức. Vì vậy, yêu cầu bức thiết hiện nay là cần trang bị cho sinh viên, những công dân tương lai của đất nước, hiểu biết sâu sắc và toàn diện về chủ nghĩa xã hội, cũng như con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ đó, sinh viên thấy được trách nhiệm của mình cần phải nỗ lực đóng góp một cách tích cực có ý nghĩa vào sự phát triển của đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bài viết góp phần làm rõ một số đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội nói chung, đặc trưng bản chất chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói riêng và một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Qua đó, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng, bảo vệ giá trị chủ nghĩa xã hội, xây dựng một thế hệ trẻ có ý thức và trách nhiệm với đất nước Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

2. Một số đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội và của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

- Một số đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội

Nghiên cứu về hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Cộng sản, C. Mác, Ănghen và Lênin, những người tiên phong trong chủ nghĩa xã hội khoa học, đã phác thảo những đặc điểm chính của chủ nghĩa xã hội, đặc biệt tập trung vào giai đoạn ban đầu (giai đoạn thấp) của hình thái kinh tế Cộng sản chủ nghĩa. Những phân tích này không chỉ mô tả các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa xã hội mà còn đề xuất hướng đi cho phong trào phong trào công nhân quốc tế. Với những đặc trưng của giai đoạn đầu, giai đoạn chủ nghĩa xã hội cho thấy sự khác biệt cơ bản của chủ nghĩa xã hội so với các xã hội trước đó về bản chất và ưu điểm. Điển hình như chủ nghĩa xã hội mang lại sự giải phóng cho giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và cá nhân, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của mỗi người. Chủ nghĩa xã hội được đặc trưng bởi việc nhân dân lao động là chủ thể; Chủ nghĩa xã hội có nền kinh tế phát triển dựa trên sản xuất hiện đại và quản lý công cộng về tư liệu sản xuất; nhà nước xã hội chủ nghĩa mang bản chất của giai cấp công nhân, phản ánh lợi ích và ý chí của nhân dân lao động; có nền văn hóa phát triển cao, tiếp thu và phát huy giá trị văn hóa dân tộc cũng như tinh hoa văn hóa nhân loại; chủ nghĩa xã hội bảo đảm sự bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc và hợp tác, hữu nghị với nhân dân các quốc gia trên thế giới [1].

- Một số đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Đặc trưng bản chất của Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được hình thành và bổ sung qua các giai đoạn phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, phản ánh trong các Cương lĩnh chính trị. Tại Cương lĩnh năm 1991, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với những đặc trưng cơ bản như quyền làm chủ thuộc về nhân dân lao động, có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, có nền văn hóa tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc, con người được giải phóng khỏi áp bức và bất công, có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc. Đặc biệt, Cương lĩnh năm 1991 nhấn mạnh vào sự đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc, cũng như mối quan hệ hữu nghị với các nước khác trên thế giới [2].

Đến đại hội XI, nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã được bổ sung và phát triển. Tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011), mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được bổ sung, phát triển toàn diện và đầy đủ hơn trên các lĩnh vực, gồm có tám đặc trưng cơ bản đó là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Do nhân dân làm chủ; Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới [2]. Như vậy, đến đại hội XI đặc trưng, bản chất về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã có sự mở rộng và sâu sắc hơn, đã có sự phát triển, bổ sung thêm hai đặc trưng mới, nâng tổng số lên tám đặc trưng. Hai đặc trưng phản ánh bản chất của chủ nghĩa xã hội được bổ sung đó là dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, và văn minh và sự hình thành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dựa trên nguyên tắc của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Điều này cho thấy chủ nghĩa xã hội có sự phát triển trên các lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa đến xã hội, đảm bảo sự phát triển toàn diện và bền vững.

Đến Đại hội XII và XIII cũng đã thể hiện sự nhất quán và cam kết mạnh mẽ của Đảng đối với việc xây dựng một chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, tiếp tục khẳng định và phát triển những đặc trưng bản chất về mô hình của chủ nghĩa xã hội . Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không chỉ là một mục tiêu lý tưởng mà còn là một quá trình thực tiễn, linh hoạt và đa dạng, tập trung ưu tiên hàng đầu vào việc cải thiện đời sống của người dân và tạo dựng một xã hội công bằng, tiến bộ và văn minh [3].

Như vậy, nhận thức về chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đại hội XI Đại hội XIII đã phản ánh sự chín muồi trong tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện sự linh hoạt trong việc áp dụng những nguyên tắc chủ nghĩa xã hội vào thực tiễn phức tạp của Việt Nam [4]. Bằng việc bổ sung và phát triển các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, Đảng đã làm mới mô hình phát triển của đất nước, đồng thời giữ vững lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa và thay đổi nhanh chóng của thế giới trong thời kỳ bùng nổ cách mạng công nghệ 4.0. Điều này cho thấy vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng, từ đó tạo dựng niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước theo hướng xã hội chủ nghĩa.

3. Một số giải pháp cơ bản nhằm nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Một là, sinh viên Việt Nam hiện nay cần tích cực, tự giác học tập tốt các môn Lý luận Chính trị ở các trường đại học, cao đẳng như Triết học Mác – Lênin; Kinh tế Chính trị Mác – Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam song song với việc tìm hiểu tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cần nhận thức và khẳng định tính đúng đắn của sự lựa chọn con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Thông qua tác phẩm của Tổng bí thư và thông qua thực tiễn cách mạng Việt Nam sinh viên cần thấy rằng việc Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với xu thế tất yếu khách quan, đúng đắn nhất, bởi đây là con đường duy nhất đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, điều này cũng đã được lịch sử chứng minh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định chủ nghĩa tư bản, cho dù hiện đang phát triển mạnh mẽ, có thể coi là đang trong thời kỳ phát triển rực rỡ nhất thì vẫn là một xã hội "không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái" [5]. Vì vậy, chủ nghĩa tư bản sẽ không phải là sự lựa chọn phù hợp với Việt Nam, không đáp ứng được yêu cầu và đem lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân Việt Nam.

Hai là, đẩy mạnh phát huy vai trò của các tổ chức trong nhà trường như Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về lý luận và thực tiễn. Đồng thời, tổ chức các câu lạc bộ nghiên cứu, sinh hoạt học thuật với chủ đề về chủ nghĩa xã hội, tạo môi trường cho sinh viên trao đổi, học hỏi lẫn nhau và phát triển tư duy. Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên cần tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự, qua đó sinh viên cũng có cơ hội tiếp cận thông tin chính xác và sâu sắc hơn. Mặt khác, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên thường xuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện, công tác xã hội, giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế, từ đó tăng cường gắn kết lý thuyết với thực tiễn và nâng cao nhận thức cho sinh viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Sinh viên cần nắm vững, hiểu được bối cảnh, cách thức Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội xuất phát điểm từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, trình độ lực lượng sản xuất rất thấp… Vì vậy, điều tất yếu Việt Nam phải trải qua một thời kỳ quá độ khó khăn, phức tạp và lâu dài. Từ đó, mỗi sinh viên phải thấy được trách nhiệm mình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mỗi sinh viên cần có những đóng góp nhất định để góp phần xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nước ta ngày càng vững mạnh.

Sinh viên phải thông qua những hành động cụ thể của mình kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng. Những thành quả cách mạng hôm nay có được gìn giữ và phát triển về sau hay không đều phụ thuộc vào thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước, trong đó có sinh viên. Vì vậy, để bảo vệ được Đảng, Nhà nước và đấu tranh có hiệu quả với các thế lực chống phá thì mỗi sinh viên cần tự giác, tích cực học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức, bản lĩnh chính trị và những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Mặt khác, sinh viên cần cảnh giác trước những hành động xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước gây ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.

Ba là, trong thời đại công nghệ 4.0, các trường đại học và cao đẳng cần ứng dụng công nghệ cung cấp thông tin, tài liệu, bài giảng về chủ nghĩa xã hội trên các trang web, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận và học tập mọi lúc, mọi nơi. Cần phát huy sử dụng mạng xã hội như một công cụ tuyên truyền mạnh mẽ và hiệu quả. Trên các nền tảng như Facebook, YouTube, Zalo nên đăng tải, chia sẻ rộng rãi các bài viết, video và tài liệu liên quan đến chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Việc tạo ra các nội dung hấp dẫn, dễ hiểu sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, sinh viên cũng có thể thảo luận, trao đổi ý kiến và học hỏi lẫn nhau, góp phần nâng cao nhận thức chung trên các diễn đàn trực tuyến hay các nhóm học tập trên mạng xã hội.

Bốn là, giảng viên giảng dạy các môn Lý luận Chính trị thông qua các môn học không ngừng giáo dục cho sinh viên cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội, trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, biết kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh. Sinh viên, tầng lớp thanh niên, là rường cột nước nhà, là người thụ hưởng và cũng là lực lượng chính, động lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, mỗi sinh viên cần tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, thấy đựơc trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước. Ngoài ra, cùng với sự quan tâm của toàn xã hội là cơ sở quan trọng để sinh viên Việt Nam, hế hệ thanh niên hiện đại, đáp ứng tốt những yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế.

Năm là, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đoàn thể các cấp cần triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030" bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp [6]. Tiếp tục tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho tầng lớp thanh niên trong đó có sinh viên thông qua tuyên truyền phổ biến nội dung và ý nghĩa tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ đó, giúp sinh viên hiểu rõ tính đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

4. Kết luận

Việc trang bị kiến thức lý luận chính trị và hiểu biết sâu rộng cho sinh viên về chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu cấp thiết. Bài viết phân tích những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội nói chung và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói riêng, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Thông qua các giải pháp sinh viên sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng và tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cho sinh viên không chỉ giúp bảo vệ và phát huy các giá trị của chủ nghĩa xã hội, mà còn tạo ra một thế hệ trẻ có đủ bản lĩnh và trí tuệ để đưa đất nước phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế.

TS. NGUYỄN THỊ THÚY CƯỜNG

Khoa Lý luận Chính Trị

Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Bộ Giáo dục & Đào tạo (2021). Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học. Dành cho hệ không chuyên lý luận Chính trị. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội. tr.93-103.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia. Hà Nội, tr.68.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia. Hà Nội.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia. Hà Nội.

[5]. Trọng, N.P.(2022). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. https://binhdinh.dcs.vn/hoat-dong-tuyen-truyen/-/view-content/141974/bai-viet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-

[6]. Ban chấp hành Trung ương (2015). Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030". https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/chi-thi-so-42-cttw-ngay-2432015-cua-ban-bi-thu-ve-tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-giao-duc-ly-162