Một số giải pháp đạt chuẩn về tiêu chí đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn mức 1

Thứ tư, 29/05/2024 - 08:00

NCKH - Thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 18/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2023-2031, thời gian qua nhà trường đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung của tiêu chí trường chính trị chuẩn và đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó có các tiêu chí về công tác đào tạo, bồi dưỡng.

1. Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng

Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ Lạng Sơn, đạt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chức năng nhiệm vụ thực hiện theo Quy định số 09-QĐi/TW, ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quy định số 09-QĐi/TU, ngày 27/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn, ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn.

Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác nhau; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

Thực  hiện Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Trường Chính trị chuẩn, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã triển khai xây dựng Đề án Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2026 - 2031, ngày 18/7/2023 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt và ban hành Đề án số 09-ĐA/TU về xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2023 - 2031.

Thực hiện mục tiêu của Đề án và các quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021, thời gian qua Nhà trường đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, toàn diện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức tốt các khâu từ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức tuyển sinh, giảng dạy, quản lý, đánh giá, cấp bằng, chứng chỉ, chứng nhận tốt nghiệp. Nhà trường đã chủ động phối hợp với các cơ quan, sở, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện, thành phố, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, vượt chỉ tiêu hàng năm.

Xuất phát từ thực trạng luôn bảo đảm hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu nhiệm vụ, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh giao. Đáp ứng phần lớn các yêu cầu về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn chức danh cán bộ trong các tổ chức, cơ quan của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở; đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở xã, huyện, tỉnh. Góp phần đổi mới công tác tổ chức cán bộ, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan, đơn vị, trên địa bàn tỉnh. Đưa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ góp phần quan trọng vào thành tựu đổi mới, phát triển của các địa phương, cơ sở và của tỉnh.

Nhà trường không ngừng mở rộng quy mô các loại hình đào tạo - bồi dưỡng, đặc biệt là đào tạo lý luận chính trị và bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch và bồi dưỡng chức danh. Nhà trường chủ động tăng cường mở rộng quy mô các loại hình bồi dưỡng cán bộ như: Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch (chuyên viên, chuyên viên chính), Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh (Đối tượng thuộc Ban thường vụ huyện ủy, thành ủy quản lý); Kỹ năng lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương; Cán bộ chủ chốt cấp xã; Đại biểu HĐND các cấp, với đối tượng theo học rất đa dạng, từ cán bộ của các phòng, ban chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, viên chức của các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương…Kết quả sau khi tham gia học tập các khóa đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường, học viên đã được nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước. Thông qua các chương trình đào tạo bồi dưỡng của Nhà trường, học viên còn được trang bị những kỹ năng cần thiết góp phần phục vụ công tác chuyên môn.

Từ năm 2018 đến nay, nhà trường đã tổ chức được 369 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 32.128 lượt học viên (đạt và vượt chỉ tiêu theo kế hoạch tỉnh giao hằng năm). Trong đó: Cao cấp lý luận chính trị 06 lớp với 381 học viên; 71 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, lý luận chính trị với 4.688 học viên; 284 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên, bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng, bồi dưỡng đối tượng 4 với 24.046 học viên. Số lớp trung cấp lý luận chính trị đã đảm bảo tỷ lệ 1/3 (1 lớp hệ tập trung và không quá 3 lớp hệ không tập trung) theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng khá toàn diện, gắn với yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức, cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức, từng bước khẳng định Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, tỷ lệ xếp loại từ khá, giỏi trở lên luôn đạt trên 80%.

Thực hiện nâng cao chất lượng công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới đánh giá kết quả giảng dạy và học tập, nhất là hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị lấy ý kiến phản hồi của cơ quan sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng và cựu học viên về hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng cho học viên hoàn thành các lớp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường từ năm 2017 đến nay. Kết quả đạt mức Khá. Thực hiện Quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đối với các lớp bồi dưỡng.  Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã được củng cố, bổ sung thêm về kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước... Qua đó đã nâng cao trình độ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị trong tình hình mới.

Thực hiệnHướng dẫn số 09/HD-HVCT ngày 23 tháng 01 năm 2015 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hướng dẫn việc lấy phiếu phản hồi từ người học; Thông tư số 10/2017/TT-BNV, ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định số 8678-QĐ/HVCTQG ngày 08 tháng 4 năm 2022 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Quy định đánh giá chất lượng đào tạo Trung cấp lý luận chính trị của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;  Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đã tổ chức lấy phiếu phản hồi với 32 giảng viên của 03 khoa ở 05 lớp Trung cấp lý luận chính trị A01-23, A02-23, B02-22, B01-23 và B03-23 tại huyện Chi Lăng. Kết quả đánh giá đối với 32 giảng viên được  người học đánh giá ở mức độ mức độ 4 (Khá hài lòng) và 5 (Rất hài lòng). Có 03 phiếu đánh giá mức 2 (Không hài lòng) về mức độ hiệu quả trong sử dụng phương tiện hỗ trợ giảng dạy của  giảng viên và về mức độ rõ ràng của mục tiêu bài giảng; Tính logic, hợp lý của kết cấu bài giảng; Mức độ phù hợp, tính cập nhật của tài liệu, số liệu trong bài giảng.

Từ những kết quả đạt được, đối chiếu với các tiêu chí về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng quy định tại Điều 8, Điều 14 Quy định số 11-QĐ/TW, so với chuẩn mức 1, Trường đã đạt 05/05 tiêu chí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trường cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, thể hiện ở chất lượng, khối lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Trường. Tỷ lệ mở các lớp trung cấp lý luận chính trị tập trung/không tập trung chưa đạt chuẩn mức 2 (1 lớp tập trung/2 lớp không tập trung). Công tác đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và việc thực hiện quy chế đào tạo, bồi dưỡng, nhất là quản lý học viên có mặt còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Chưa quan tâm đúng mức đến phát huy tiềm năng của đội ngũ giảng viên và giảng viên thỉnh giảng.

Những hạn chế kế trên xuất phát từ việc sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy và tinh giản biên chế ở các địa phương và cơ quan, đơn vị cùng với yêu cầu phải hoàn thành khối lượng công việc nhiều hơn, với tiến độ nhanh hơn, chất lượng cao hơn… gây khó khăn cho việc cử cán bộ đi đào tạo tập trung và đảm bảo thời gian học tập theo quy định, chưa thực sự gắn đào tạo với sử dụng cán bộ. Phần nào đó là do một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ về kinh phí cho cán bộ được cử đi học.

2. Một số giải pháp đạt chuẩn về tiêu chí đào tạo, bồi dưỡng, góp phấn  xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn mức 1 vào năm 2026

Thực  hiện Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trường chính trị chuẩn, Đề án Đề án số 09-ĐA/TU về xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2023-2031, trong đó đạt chuẩn về tiêu chí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định, tác giả xin đề xuất một số mục tiêu và giải pháp thực hiện như sau:

Thứ nhất, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo Trung cấp lý luận chính trị trên cơ sở bám sát nội dung, chương trình do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành; tăng cường đào tạo hệ tập trung, giảm đào tạo hệ không tập trung. Hàng năm trường thực hiện được đầy đủ các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Quá trình thực hiện phải đảm bảo đúng, đủ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền giao. Trong đó tăng cường đào tạo hệ tập trung đối với chương trình Trung cấp lý luận chính trị, giảm việc đào tạo hệ không tập trung; nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng thực chất, hiệu quả; đảm bảo số lượng học viên các lớp đúng quy định (hệ tập trung không quá 50 học viên, hệ Không tập trung không quá 80 học viên). Qua đó duy trì tỷ lệ đào tạo giữa Trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung và hệ không tập trung đảm bảo đạt tỷ lệ 1/3. Thực hiện các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ theo chức vụ, chức danh theo vị trí việc làm. Các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn ngạch công chức; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; chức vụ, chức danh vị trí việc làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến mới, các loại hình bồi dưỡng khác theo nhu cầu đăng ký thực tế của các cơ quan, đơn vị hoặc cơ quan có thẩm quyền giao.

Chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm gắn với yêu cầu nhiệm vụ của các ngành, địa phương; đảm bảo tiết kiệm nguồn lực và hiệu quả.

Thứ hai, duy trì quy mô các lớp đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đảm bảo đạt chỉ tiêu theo kế hoạch Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Chủ động, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng do Trường được chủ trì thực hiện, đồng thời tăng cường phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tỉnh giao và theo nhu cầu của các đơn vị nhằm phát huy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực và điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị theo tinh thần của Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 29/4/2021 về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021- 2025 và Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030”;

Thứ ba, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy hiện đại. Phấn đấu đến năm 2025, 100% giảng viên sử dụng nhuần nhuyễn phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy người học làm trung tâm, đẩy mạnh quá trình tự đào tạo. Tăng cường đổi mới phường pháp gỉảng dạy theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, gắn lý thuyết với thực hành; lấy người học làm trung tâm, tăng cường sự tương tác, phát huy tính tích cực trong học tập; kết hợp chặt chẽ, hiệu quầ phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công : nghệ thông tin trong giảng dạy... Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong giảng dạy và học tập; thực hiện tốt việc đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chương trình, học viên, giảng viên, cơ sở vật chất, hiệu quả sau khóa học.

Thứ tư, đổi mới hình thức đánh giá kết quả học tập của học viên theo hướng thiết thực, hiệu quả; phát huy năng lực tổng hợp và sự vận dụng lý luận của học viên trong việc phân tích, lý giải các vấn đề của cuộc sống. Thực hiện đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chương trình, học viên, giảng viên, cơ sở vật chất, khoá bồi dưỡng, hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng. Kết quả đánh giá chất lượng sau đào tạo, bồi dưỡng đạt từ mức khá trở lên. Thường xuyên hoặc định kỳ đánh giá chất lượng giờ giảng, bài giảng của giảng viên thông qua phiếu phản hồi của học viên. Đổi mới nội dung, hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên theo hướng tăng cường viết bài thu hoạch, bài tự nghiên cứu, thi vấn đáp, xây dựng đề cương bài học trước khi lên lớp nhằm phát huy tính tự học, tự nghiên cứu của học viên. Tiến hành khảo sát chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng để chính sách phù hợp. Duy trì hội thi giảng viên dạy giỏi, Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị theo đúng quy định, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Thứ năm, Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt các bước quy trình từ khâu nắm bắt nhu cầu, tuyển sinh, thẩm định các điều kiện, tiêu chuẩn tổ chức các lớp, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng... theo đúng quy chế, quy định; hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng do tỉnh giao hằng năm.

Thứ sáu, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh giai đoạn và hằng năm trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, giao cho Trường Chính trị Hàng Văn Thụ là cơ sở đầu mối đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở cấp tỉnh theo Quyết định số 705/QĐ-TTg, ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo sử dụng hết các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất của tiêu chí trường chuẩn, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ

Phối hợp với Sở Nội vụtham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức khối hành chính nhà nước theo giai đoạn và hằng năm; phối hợp Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tổ chức đánh giá chất lượng các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức do Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ chủ trì tổ chức mở lớp theo quy định.

Để thực hiện xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn đạt chuẩn mức 1 vào năm 2026 theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung và Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 18/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2023-2031 đòi hỏi phải thực hiện ở nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí về công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tin tưởng rằng từ những kết quả đã đạt được, những mục tiêu, giải pháp đề ta cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quyết tâm, đồng lòng của cán bộ, viên chức, người lao động nhà trường, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ sẽ sớm đạt chuẩn theo kế hoạch đã đề ra.

ThS. Nguyễn Trung Thành

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 15/9/2021 về trường chính trị chuẩn.

2.Tỉnh ủy Lạng Sơn, Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 29/4/2021 về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021- 2025.

3. Tỉnh ủy Lạng Sơn, Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 18/7/2023 về xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2023 - 2031.

4. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, Báo cáo số 05-BC/TCT, ngày 11/01/2025, Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn