1. Đặt vấn đề
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giáo dục, bồi dưỡng thanh niên về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống bởi thanh niên là lượng có vai trò to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Do đó, chúng ta cần phải bồi dưỡng, giáo dục thanh niên để họ có đủ phẩm chất và năng lực để tiếp bước thế hệ cha anh đưa nước Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cách mạng (GDLTCM) cho thanh niên, trong quá trình xây dựng phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đào tạo thanh niên sinh viên (SV) thành những con người vừa hồng, vừa chuyên đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì lẽ đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42 - CT/TW ngày 24/3/2015 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDLTCM, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030, trong đó nhấn mạnh: GDLTCM, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Bài viết tập trung nghiên cứu GDLTCM cho SV các trường đại học, cao đẳng hiện nay. Để làm rõ vấn đề này bài viết sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về GDLTCM. Đồng thời, bài viết còn sử dụng phương pháp nghiên cứu khác như: phương pháp logic kết hợp với phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích, tổng hợp…
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Một số vấn đề lý luận về giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên
Lý tưởng là thuật ngữ dùng để chỉ mục đích, mục tiêu cao nhất, tốt đẹp nhất mà con người ra sức phấn đấu để vươn tới. Lý tưởng là gốc rễ hình thành nhân cách con người và con người muốn trở thành người cách mạng thì trước hết phải là công dân tốt. Lý tưởng cách mạng không tự dưng có mà nó là kết quả của cả quá trình giáo dục và tự giáo dục của chủ thể và đối tượng giáo dục. Lý tưởng chỉ đúng đắn khi nó dựa trên nhận thức khoa học và thực tiễn, lý tưởng cách mạng đúng đắn sẽ là động lực thúc đẩy con người hình thành thái độ tích cực trong nhận thức và hành động.
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chưa đưa ra một khái niệm cụ thể về lý tưởng cách mạng. Tuy nhiên, thông qua công tác đấu tranh không mệt mỏi của các ông đối với những quan điểm, tư tưởng đối lập, với những bất công trong xã hội thời bấy giờ cũng như những nỗ lực để xây dựng một xã hội tốt đẹp đã thể hiện rõ cái lý tưởng cách mạng mà những người cộng sản muốn hướng đến. Đề cập đến điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”[5-467]. Lý tưởng cách mạng với tính cách là mục đích cao đẹp nhất được hình thành và thể hiện trong quá trình con người lao động, chiến đấu và thực hiện hoài bão của mình phù hợp với nguyện vọng chung của xã hội, nhằm hướng tới xây dựng một chế độ xã hội do con người, vì con người - chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, lý tưởng cách mạng của chúng ta vẫn là: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Việc thực hiện lý tưởng cách mạng này là trách nhiệm chung, trong đó thanh niên với tư cách là người chủ tương lai của nước nhà nên phải “Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [2-168].
SV là một bộ phận của thanh niên, họ có ước mơ, hoài bảo, dám nghĩ, dám làm, mong muốn công hiến nhiều nhất cho đất nước và rộng hơn là quốc tế. Do đó, các chủ thể trước hết cần GDLTCM cho họ để họ ngày càng trở nên ý thức hơn, trách nhiệm hơn, hành động quyết liệt hơn trong học tập, lao động để nắm vững tri thức và vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học - công nghệ đưa nước ta tiến gần hơn với các nước phát triển trên thế giới. Để thực hiện có hiệu quả công tác GDLTCM cho SV, cần xác định nội dung giáo dục phù hợp, chẳng hạn: Giáo dục để SV nắm vững tinh thần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và mục tiêu “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; giáo dục cho SV bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đặc biệt là chiến lược “diễn biến hoà bình”; giáo dục ý thức, trách nhiệm trong việc tham gia hoạt động chính trị - xã hội, hoạt động của tập thể; giáo dục giá trị truyền thống dân tộc và truyền thống của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam; giáo dục, xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn; giáo dục ý thức pháp luật, ý thức công dân, tôn trọng kỷ cương, chấp hành pháp luật của nhà nước;... Qua đó, nâng cao tinh thần cách mạng, có đủ bản lĩnh để vượt qua thử thách và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
GDLTCM cho SV là một bộ phận trong công tác tư tưởng trong nhà trường nên các chủ thể giáo dục phải bằng các phương pháp khoa học, phù hợp như thông qua công tác giảng dạy, nhất là các môn lý luận chính trị, thông qua công tác truyền thông, báo cáo tình hình thời sự, nghị quyết, thông qua hoạt động ngoại khóa, thông qua phong trào cách mạng do Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên tổ chức… để tác động đến SV giúp họ củng cố niềm tin cách mạng, lẽ sống cao đẹp. Từ đó, xác định rõ mục tiêu phấn đấu, hình thành động cơ phấn đấu đúng đắn, khơi dậy khát vọng đổi mới, phát triển cũng như để họ tự khẳng định chính mình.
3.2. Giải pháp giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng hiện nay
Công cuộc Đổi mới gần 40 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được những thành tựu to lớn, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” đã tác động rất lớn đến nhận thức, lý tưởng và niềm tin của thanh niên, SV đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhờ vậy, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 của Hội Sinh viên Việt Nam có 18.015 SV được kết nạp vào Đảng [4- 9]. Cùng với đó, SV còn chịu sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa, từ nền kinh tế thị trường và sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Quá trình này đã tạo ra nhiều lợi thế cho SV trong việc tiếp thu tri thức, học tập với không gian xuyên văn hóa, SV không còn bị bó buộc bởi không gian, thời gian mà có thể học mọi lúc mọi nơi với khối dữ liệu khổng lồ, đa chiều, đa diện… Đây chính là điều kiện để SV thể hiện, khẳng định mình và từng bước trở thành công dân toàn cầu. Điều đó, thúc đẩy nhanh quá trình phá vỡ tính thụ động, bảo thủ, tiểu nông vốn tồn tại trong không ít SV.
Tuy nhiên, mặt trái của quá trình này cũng tạo ra những thách thức không hề nhỏ đó là sự thờ ơ về chính trị, phai nhạt lý tưởng, niềm tin, lệch lạc về quan điểm sống, sống buông thả, coi thường pháp luật… của một bộ phận SV do thiếu bản lĩnh chính trị, văn hóa và thiếu sự rèn luyện một cách nghiêm túc. Theo đánh giá của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về thanh niên: “trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; những tác động đa chiều của mạng xã hội; vấn đề sức khỏe thể chất, tâm thần, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật; biểu hiện lối sống thực dụng, thiếu lý tưởng, khát vọng của một bộ phận thanh thiếu niên… cũng đang đặt ra những khó khăn, thách thức cho công tác thanh niên” [3]. Cùng với đó, một bộ phận SV đang bị tiêm nhiễm bởi những tư tưởng sùng ngoại, đề cao lối sống vật chất, xa rời, coi thường các giá trị truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, các thế lực thù địch cũng luôn lợi dụng các phương tiện thông tin truyền thông để tuyên truyền sai sự thật, đưa thông tin xấu độc, chiêu dụ SV bằng các chiêu bài, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” làm cho một số thanh niên, SV dao động lập trường tin theo các luận điệu xuyên tạc về Đảng, về chế độ xã hội chủ nghĩa, về Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà chúng tự dựng lên… điều này sẽ hết sức nguy hiểm cho công tác GDLTCM, đạo đức, lối sống nếu chúng ta không làm tốt công tác định hướng tư tưởng, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
SV là bộ phận ưu tú của thanh niên, là trí thức tương lai của dân tộc, lực lượng này có lý tưởng, có đạo đức, lối sống cao đẹp sẽ tạo ra sức mạnh to lớn cho công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, lực lượng này sẽ bị vô hiệu hóa về sức mạnh trở thành gánh nặng của đất nước. Do đó, để nâng cao nhận thức chính trị, bồi đắp lý tưởng, niềm tin cách mạng cho SV, giúp họ xác định đúng mục tiêu, phương hướng phấn đấu hoàn thiện nhân cách cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa vai trò của các chủ thể giáo dục trong nhà trường, nhất là tăng cường vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và SV về vai trò và tầm quan trọng của công tác lý tưởng cách mạng cho SV. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/ TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDLTCM, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015- 2030; Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 01/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ: Về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, SV và Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình “Tăng cường GDLTCM, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”. Đây là những cơ sở quan trọng để việc GDLTCM cho SV trở nên hiệu quả.
Thứ hai, đổi mới nội dung, phương pháp GDLTCM bằng cách đổi mới giảng dạy các môn các môn Lý luận chính trị; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, về nguồn; tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên trong đề xuất ý tưởng sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để SV tham gia các ngày hội lớn của thanh niên, SV … Đây là những hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức chính trị, lý tưởng cách mạng cho SV. Cùng với sử dụng các phương pháp giáo dục truyền thống, cần đa dạng hóa các kênh truyền thông để giáo dục SV. Đặc biệt, khai thác lợi thế của mạng xã hội để xây dựng hệ thống Video, Pano, Posters, khẩu hiệu đủ lớn để GDLTCM trên các nền tảng Facebook, YouTube, Instagram, Zalo, Facebook Messenger, TikTok… nhằm biến nó thành diễn đàn có lợi cho GDLTCM cho thanh niên SV.
Thứ ba, thực hiện tốt phương pháp nêu gương trước SV. Mỗi thầy cô, cán bộ trong Nhà trường phải là những tấm gương về tinh thần phấn đấu vì lý tưởng cách mạng cho SV học tập và làm theo. Bởi tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, lý tưởng của giảng viên, cán bộ nhà trường có tác động nhanh và mạnh hơn so với các phương thức khác. Cần vận dụng tốt biện pháp bày vì đây chính là lấy nhân cách để giáo dục nhân cách cho SV.
Thứ tư, phát huy cao độ vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam trong việc tập hợp, đoàn kết, giáo dục, chăm lo đời sống của SV. Đồng thời, tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới tích cực để phát triển đảng. Đây chính là lực lượng nòng cốt, xung kích ngay trong lực lượng SV. Cùng với đó, tổ chức và thực hiện có hiệu quả phong trào hành động cách mạng như: Thanh niên tình nguyện, Tuổi trẻ sáng tạo, Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc, 5 xung kích, 4 đồng hành, SV với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng… nhằm nâng cao tính tích cực chính trị cũng như khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi SV.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý SV, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, diễn biến tâm lý của SV để kịp thời định hướng tư tưởng; chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, đấu tranh quyết liệt với các quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch ảnh hưởng không tốt đến lý tưởng, đạo đức, lối sống của SV.
Thứ sáu, gắn công tác GDLTCM với xây dựng môi trường kinh tế - xã hội lành mạnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi để SV hoạt động. Đặc biệt, xây dựng môi trường sư phạm trong sạch, lành mạnh cho SV tự học tập, rèn luyện, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện để trở nên tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn đóng góp nhiều nhất vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Cùng với đó, từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp hiệu quả giữa 3 môi trường: nhà trường - gia đình - xã hội trong GDLTCM cho SV.
Thứ bảy, phát huy tính tích cực chính trị của SV thông qua việc đa dạng các hình thức giáo dục chính trị tư tưởng; phát huy tốt vai trò của các Chi bộ SV, câu lạc bộ trong nhà trường nhất là Câu lạc bộ Lý luận chính trị, Câu lạc bộ Lý luận trẻ,… xây dựng những đội, nhóm SV xung kích, tiên phong trong công tác chính trị tư tưởng để lan tỏa công tác này đến đông đảo SV.
4. Kết luận
GDLTCM cho SV là một trong những công tác rất quan trọng để tạo ra động lực mạnh mẽ trong chính bản thân SV giúp họ mạnh dạn đóng góp sức lực và trí tuệ vào công cuộc xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Các trường đại học, cao đẳng cần phải thường xuyên thực hiện hiệu quả công tác này để củng cố, nâng cao lập trường cách mạng, tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiền đồ tươi sáng của đất nước và giáo dục SV thành những công dân tốt, những người cách mạng chân chính đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, các chủ thể phải luôn nhận thức đúng đắn về những nhân tố tác động đến lý tưởng cách mạng của SV và linh hoạt trong việc sử dụng các giải pháp nâng cao chất lượng GDLTCM trong SV.
------------------------------------------------------------------- TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tăng Bình, Ái Phương (2022), Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
3. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (2022), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hà Nội.
4. Hội Sinh viên Việt Nam (2023), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
6. Phạm Đình Nghiệp (2004), Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên hiện nay, Nxb Thanh niên, Hà Nội
Lê Ngọc Oanh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền