TNV - Xây dựng nếp sống văn hoá giao thông cho đoàn viên, thanh niên là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm chuyển hoá, thẩm thấu đến mỗi đoàn viên, thanh niên những chuẩn mực ứng xử phù hợp với các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Đây là quá trình tác động lâu dài thông qua sự kết hợp giữa giáo dục ở gia đình, nhà trường và tiếp nhận có chọn lọc hành vi văn hóa giao thông trong xã hội nhằm đảm bảo cho mỗi đoàn viên, thanh niên thực sự là lực lượng xung kích trong hưởng ứng và thực hiện tốt chỉ tiêu năm an toàn giao thông 2019 với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”.
Văn hóa giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Văn hóa giao thông bao gồm văn hóa của người tham gia giao thông, văn hóa của những người quản lý, hoạch định giao thông. Trong những yếu tố đó thì người trực tiếp tham gia giao thông đóng một vai trò quan trọng tạo nên văn hoá giao thông. Bức tranh văn hóa giao thông Việt Nam thời kỳ hội nhập rất đa dạng, phong phú, nó không thể tách rời ra khỏi văn hóa nói chung vì đó là nền tảng để tạo ra môi trường xã hội phát triển. Văn hóa giao thông vừa là động lực vừa là mục tiêu tạo nên một hệ thống giao thông hiện đại, văn minh, hiệu quả, một môi trường giao thông an toàn, nhân ái, thân thiện.
Là một bộ phận đông đảo, đại diện cho tuổi trẻ của dân tộc, lực lượng đoàn viên, thanh niên Việt Nam luôn kiên định ý chí, họ đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của mình; luôn xung kích trong mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước phát động, trong đó có thực hiện nếp sống văn hoá giao thông. Tuy nhiên, do tác động bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, nhất là do thiếu nghiêm túc trong rèn luyện, phấn đấu đã dẫn đến có nơi, có lúc còn một bộ phận đoàn viên, thanh niên chưa chấp hành nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông và gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng cho bản thân cũng như cho cộng đồng, xã hội. Điều này được biểu hiện ở một số hiện tượng cụ thể như: Điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; không đăng ký biển số, không có giấy phép lái xe; dán nhãn mác, màu sắc lạ kỳ, lắp hệ thống đèn chiếu sáng quá kích cỡ, gắn còi ô tô, còi hú trái quy định; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông,... Điều đáng báo động là một bộ phận đoàn viên, thanh niên khi vi phạm luật an toàn giao thông bị lực lượng chức năng nhắc nhở, bị phạt thì có hành vi nài nỉ, thậm chí “nhờ người can thiệp”, tỏ thái độ thách thức, chống đối lại các lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ.
Những hành vi thiếu ý thức nêu trên của một bộ phận đoàn viên, thanh niên do nhiều nguyên nhân: Trước hết là nhận thức giản đơn của các bậc phụ huynh, hàng ngày vì mưu cầu của cuộc sống, chạy đua tất bật với sự náo nhiệt, nhộn nhịp của xã hội để kiếm thêm thu nhập cho gia đình mà quên đi trách nhiệm làm cha, làm mẹ, đã không còn dành nhiều thời gian quan tâm, động viên, chia sẻ, giáo dục con cái đặc biệt là về nếp sống văn hóa giao thông. Nhiều gia đình có điều kiện còn chiều chuộng theo sở thích của các con khi mua xe và cho con đi xe máy khi mà nhiều đoàn viên, thanh niên chưa có đủ điều kiện để tham gia giao thông; do đặc trưng tâm lý lứa tuổi là còn sĩ, oai, thích thể hiện cá tính, phong cách cá nhân..; Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông hiện nay còn thiếu chiều sâu, mang tính hình thức, chưa phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, từng vùng nên chất lượng, hiệu quả còn hạn chế; hệ thống giao thông nước ta còn tồn tại nhiều bất cập, hạ tầng giao thông lạc hậu, thiếu đồng bộ, chưa tương xứng với tốc độ phát triển của dân số và phương tiện, chưa đáp ứng kịp yêu cầu của cuộc sống và tốc độ đô thị hoá của đất nước; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về về trật tự an toàn giao thông chưa hoàn thiện, công tác quản lý nhà nước về bảo đảm về trật tự an toàn giao thông còn bị buông lỏng, bất cập, yếu kém.
Vì vậy, để xây dựng nếp sống Văn hóa giao thông cho đoàn viên, thanh niên hiện nay, chúng ta cần tiến hành một số biện pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia giao thông cho đoàn viên, thanh niên thông qua đẩy mạnh tuyên truyền các khẩu hiệu về an toàn giao thông như: “Đội mũ bảo hiểm đúng quy định khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện”; “nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông”; “tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”; “điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường”; “tuổi trẻ nói không với tai nạn giao thông”,... nhằm hình thành nên trong mỗi đoàn viên, thanh niên hành vi cư xử có văn hóa, đúng luật, an toàn và có ý thức lịch sự, tự giác tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức xã hội, khơi dậy nét đẹp thuần phong mỹ tục khi tham gia giao thông; giúp cho đoàn viên, thanh niên có ý thức và trách nhiệm đúng khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải đảm bảo an toàn cho những người khác.
Hai là, bồi dưỡng năng lực, hành vi đúng đắn cho đoàn viên, thanh niên trong quá trình tham gia giao thông. Theo đó, đòi hỏi công tác giáo dục nếp sống văn hoá giao thông cho đoàn viên, thanh niên cần phải được mở rộng, thực hiện một cách đồng bộ từ cơ quan nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp đến các khu dân cư, tổ dân phố, mỗi gia đình và từng thành viên trong xã hội. Mỗi đoàn viên, thanh niên thường xuyên tự nhắc nhở, tự đấu tranh loại bỏ những hành vi không đúng khi tham gia giao thông như: Vượt đèn đỏ, dừng đỗ không đúng quy định, lái xe khi đã sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, chen lấn làn, bóp còi inh ỏi, bật đèn pha trong phố, phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông… Đồng thời, cần xây dựng những thói quen cho đoàn viên, thanh niên trong ứng xử khi tham gia giao thông, đó là: Ý thức thượng tôn pháp luật, ý thức nhường nhịn, kiên nhẫn, bình tĩnh, tuân thủ sự điều hành của cảnh sát giao thông, tự giác chấp hành đúng luật giao thông, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng...
Ba là, đảm bảo sự nghiêm minh, liêm chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Theo đó, lực lượng chức năng trước hết là Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông cần duy trì sự nghiêm minh, liêm chính trong thực thi công vụ, không để tình cảm và các hành vi khác chi phối làm ảnh hưởng đến công việc. Nhanh chóng rà soát lại toàn bộ các văn bản luật pháp liên quan đến an toàn giao thông để kịp thời bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế. Những điều không còn phù hợp cần được thay thế bằng những nội dung mới. Yêu cầu các văn bản quy định phải được biên soạn ngắn gọn dễ hiểu, không chồng chéo, hình thức thưởng phạt nghiêm minh, rõ ràng, đủ sức răn đe, giáo dục tạo điều kiện cho cho đoàn viên, thanh niên thực hiện thuận lợi.
Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông cho đoàn viên, thanh niên không những góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông mà còn tôn thêm vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam trong thời đại mới. Giao thông là bộ mặt văn hóa của một đất nước, tham gia giao thông chính là sinh hoạt cộng đồng thường xuyên hằng ngày với quy mô rộng lớn. Ở môi trường ấy, mỗi cá nhân sẽ bộc lộ phẩm chất văn hóa, ý thức cộng đồng của mình. Do đó, với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, đoàn viên, thanh niên là thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực, cần có những suy nghĩ, hành động đúng đắn và gương mẫu thực hiện những biện pháp thiết thực nêu trên để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
ĐẠI ÚY NGUYỄN QUỐC DUYGiảng viên Khoa MLN, TTHCM/Học viện Lục quân