Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh

Thứ sáu, 02/12/2016 - 15:10

TNV - Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội, là đội dự bị tin cậy của Đảng. Sức mạnh của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là sức mạnh của sự đoàn kết thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động, nó được thể hiện qua những nguyên tắc tổ chức và hoạt động mà mọi tổ chức đoàn, cán bộ đoàn và đoàn viên phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Muốn giữ cho nguyên tắc tổ chức đoàn, Điều lệ Đoàn, chủ trương, nghị quyết, các chương trình, phong trào hoạt động của Đoàn được thực hiện tốt góp phần xây dựng Đoàn vững mạnh, bồi dưỡng rèn luyện cán bộ đoàn viên không ngừng tiến bộ, trưởng thành, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp bộ đoàn các cấp thông qua việc phát huy vai trò của Ủy ban Kiểm tra đoàn từ cấp Trung ương đến cấp huyện trong đó Ủy ban Kiểm tra đoàn cấp tỉnh giữ một vị trí đặc biệt quan trọng.

Uỷ ban Kiểm tra Đoàn cấp tỉnh do Ban Chấp hành cùng cấp bầu ra, chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành và sự chỉ đạo trực tiếp của cấp bộ đoàn cùng cấp, có các chức năng: (1) Tham mưu cho cấp bộ đoàn cùng cấp về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đoàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cán bộ, đoàn viên, thanh niên; (2) Hướng dẫn cấp bộ đoàn và chỉ đạo uỷ ban kiểm tra cấp dưới tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đoàn; (3) Kiểm tra, giám sát cán bộ đoàn, đoàn viên(kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành cùng cấp) và tổ chức đoàn cấp dưới về việc chấp hành Điều lệ Đoàn và thực hiện các nghị quyết, chủ trương công tác của Đoàn.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp bộ đoàn và hướng dẫn của ủy ban kiểm tra Trung ương Đoàn, chất lượng hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Đoàn cấp tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; cơ chế, quy chế hoạt động, chương trình làm việc toàn khóa, phân công nhiệm vụ các đồng chí ủy viên ủy ban kiểm tra cơ bản đảm bảo; nội dung hoạt động của ủy ban kiểm tra đã bám sát chủ trương, Nghị quyết của Đoàn; tập trung kiểm tra, giám sát những nội dung quan trọng, phục vụ yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đoàn; chế độ kiểm tra, quy trình kiểm tra đã được ủy ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh thực hiện có nề nếp.

Căn cứ Điều 28, chương VII, Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa X quy định thì Uỷ ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh được thành lập ở cấp tỉnh, do hội nghị Ban chấp hành cùng cấp bầu ra. Nhiệm kỳ của uỷ ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh theo nhiệm kỳ của ban chấp hành cùng cấp là 5 năm/lần. Ủy ban kiểm tra các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc có từ 5 đến 9 uỷ viên ( Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có từ 7 - 11 ủy viên ) trong đó, không quá 1/2 là uỷ viên Ban Chấp hành tỉnh, thành đoàn. Ở cấp tỉnh, ủy ban kiểm tra Đoàn được xây dựng theo quy định của Điều lệ và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn ( riêng Ban Thanh niên Quân đội không thành lập Uỷ ban Kiểm tra). Uỷ ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh gồm chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm và các uỷ viên. Ngoài số ủy viên chuyên trách công tác tại cơ quan thường trực của ủy ban kiểm tra (Ban Kiểm tra hoặc Ban Tổ chức – Kiểm tra), cần có một số ủy viên đại diện cho các ban phong trào, đại diện tổ chức đoàn cấp dưới, nên có ủy viên là cán bộ, đoàn viên công tác tại cơ quan nội chính am hiểu pháp luật, nghiệp vụ kiểm tra, giám sát( Có 4/67 tỉnh, thành đoàn có lập ban kiểm tra, gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Cần Thơ ).Đa số ở các tỉnh, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra là phó bí thư tỉnh đoàn.

Theo thống kê, tổng số ủy viên UBKT Đoàn cấp tỉnh hiện nay là 336 đồng chí. Trong đó, ủy viên chuyên trách ở cơ quan thường trực UBKT (Ban Kiểm tra hoặc Ban Tổ chức - Kiểm tra) gồm 110 đồng chí, chiếm tỷ lệ 32 % ; ủy viên là cán bộ Đoàn cấp huyện trực thuộc gồm 112 đồng chí, chiếm tỷ lệ 33 % ; ủy viên đại diện cho các Ban trực thuộc tỉnh, thành đoàn gồm 94 đồng chí, chiếm tỷ lệ 25,6 %. Ủy viên đại diện cho các ban, ngành trong tỉnh (Ủy ban Kiểm tra Tỉnh (thành) ủy, Thanh tra, Tòa án, Viện Kiểm sát Nhân dân, Thanh tra các sở, ngành) gồm 20 đồng chí, chiếm tỷ lệ 5,4 %. Số ủy viên UBKT được kiện toàn bổ sung từ đầu nhiệm kỳ đến nay: 120 đồng chí, chiếm tỷ lệ 32,78 %.

hoa

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển không ngừng của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong cả nước, ủy ban kiểm tra của Đoàn cấp tỉnh đã từng bước được trang bị và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đoàn. Nhận thức của các cấp bộ Đoàn về vai trò của ủy ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh và vị trí của công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn ngày càng đúng và đầy đủ hơn; những tư tưởng chỉ đạo về tăng cường và đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động ủy ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn được khẳng định rõ, thiết thực, hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp bộ Đoàn đối với phong trào chung.Việc giám sát cán bộ và cấp bộ đoàn trong thực hiện nội dung kết luận sau kiểm tra, giám sát cũng được các cấp bộ đoàn và uỷ ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh quan tâm thực hiện thông qua việc kịp thời giao cho các ban tham mưu phụ trách lĩnh vực, địa bàn giám sát việc thực hiện kết luận sau kiểm tra, giám sát. Qua đó, đã phát huy được tác dụng, hiệu quả của công tác giám sát vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ và củng cố tổ chức Đoàn.

Việc tiếp nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đã được cấp bộ đoàn và ủy ban kiểm tra các cấp đặc biệt là Đoàn cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện kịp thời, đúng trình tự, đúng thẩm quyền, hiện tượng đùn đẩy, né tránh hoặc bỏ sót vụ việc đã cơ bản được hạn chế. Thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo các cấp bộ đoàn và ủy ban kiểm tra cấp tỉnh cũng đã chỉ đạo tổ chức kiểm điểm phân tích, kết luận rõ các vụ việc, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, tổ chức đoàn có liên quan để xem xét xử lý theo quy định của Đoàn và có biện pháp, sửa chữa rút kinh nghiệm. Đồng thời, cũng kịp thời bảo vệ danh dự, uy tín cho những cán bộ, đoàn viên bị tố cáo oan, sai, giúp cho cán bộ, đoàn viên thanh niên ổn định tư tưởng, yên tâm công tác. Ngoài ra, đối với những trường hợp khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của đoàn cấp tỉnh, khi tiếp nhận đơn, ủy ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh đã kịp thời chuyển đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và trả lời người có đơn. Trong nhiệm kỳ, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đoàn đã tiếp nhận và tham mưu cho Ban Bí thư, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn xử lý 71 đơn, khiếu nại, tố cáo tăng 26% so với nhiệm kỳ trước. Uỷ ban kiểm tra và cấp bộ đoàn cấp tỉnh, cấp huyện đã nhận và xử lý 461 đơn khiếu nại, tố cáo giảm 12% so với nhiệm kỳ trước, trong đó các cấp bộ đoàn đã tiến hành giải quyết 363 đơn giảm 27% so với nhiệm kỳ trước; không giải quyết 98 đơn (đơn thư nặc danh, mạo danh) tăng 277% so với nhiệm kỳ trước.

Công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên thanh niên đã được ủy ban kiểm tra các quan tâm thực hiện thông qua việc phân công cán bộ, chỉ đạo các cơ quan báo chí của Đoàn xác minh tìm hiểu các vụ việc có liên quan đến cán bộ, đoàn viên, thanh niên, đề xuất các giải pháp, đồng thời tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong giải quyết các vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên thanh niên. Trong nhiệm kỳ qua đã có 236 cán bộ, đoàn viên được ủy ban kiểm tra các cấp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm hại tăng 35% so với nhiệm kỳ trước.

Tuy nhiên, thực tiễn tại mỗi địa phương, chất lượng hoạt động của Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập như:

(1) Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn là thường trực ủy ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng, chủ yếu là kiêm nhiệm và ít được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; cá biệt có một số tỉnh thành không phân công cán bộ chuyên trách tham mưu giúp việc cho ủy ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh; không ít nơi Ủy ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh chỉ quan tâm đến công tác kiểm tra khi cần giải quyết đơn thư hoặc xem xét xử lý kỷ luật cán bộ Đoàn.

(2) Một số nơi chậm kiện toàn ủy ban kiểm tra; thiếu quy chế hoạt động, chương trình làm việc toàn khóa và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên nên ủy ban kiểm tra một số tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc hoạt động chưa thực sự hiệu quả, thiếu tính chủ động, còn trông chờ vào hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên. Bên cạnh đó, việc tổ chức kiểm tra theo chuyên đề ở một số nơi còn chưa được chú trọng, việc kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh được tổ chức lồng ghép trong các đợt kiểm tra, đi cơ sở của cấp bộ đoàn cùng cấp mà không có kế hoạch kiểm tra chuyên đề riêng của ủy ban kiểm tra.

(3) Việc tập huấn, trang bị tài liệu nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát và các thành viên ủy ban kiểm tra còn khó khăn; các lớp tập huấn chủ yếu lồng ghép trong các buổi tập huấn về công tác tổ chức, tuyên giáo, xây dựng Đoàn nên chưa đảm bảo chất lượng và thời lượng về nghiệp vụ công tác kiểm tra. Đội ngũ báo cáo viên về nội dung này còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

(4) Việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của ủy ban kiểm tra của một số cấp bộ Đoàn còn chưa đứng mức, chưa xác định đúng tầm quan trọng của ủy ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh và công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn cấp tỉnh.

(5) Hoạt động của Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh ở một số nơi còn mang tính hình thức; kiểm tra còn qua loa, chiếu lệ, chưa đảm bảo quy trình; hoạt động sau kiểm tra như đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp cho công tác chỉ đạo còn chưa được chú trọng; chưa chỉ ra được yếu kém của việc triển khai các phong trào, công tác xây dựng tổ chức Đoàn.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của ủy ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp trọng tâm sau:

Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên và các cấp bộ đoàn về vị trí, vai trò công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra đoàn cấp tỉnh. Đây là việc quan trọng, có ý nghĩa quyết định, tác động tới toàn bộ hoạt động của ủy ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh, tác động không nhỏ tới việc đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đoàn cấp tỉnh. Vì có nhận thức đúng được bản chất sự việc, bản chất vấn đề, bản chất của công tác kiểm tra, giám sát, bản chất công việc của người lãnh đạo thì chúng ta mới có hành động đúng.

Hai là, thường xuyên tổ chức học tập, huấn luyện nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn cho đội ngũ cán bộ đoàn và ủy viên ủy ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh. Chú trọng nghiên cứu, nắm vững chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức của Đoàn; phải nắm vững đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phải nắm vững chủ trương, nghị quyết của Đoàn các cấp, từ đó vận dụng xây dựng kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát trong từng thời kỳ.

Ba là, Tăng cường phối hợp giữa UBKT đoàn cấp tỉnh với cấp bộ đoàn cấp huyện trong việc lãnh đạo chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát. Sự phối hợp này trước hết là sự phối hợp trong chỉ đạo nội dung, chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra thường xuyên, chuyên đề hoặc đột xuất. Sự  chủ động có thể xuất phát từ một phía song thông thường đều xuất phát từ phía UBKT đoàn cấp tỉnh vì yêu cầu của tính tổng thể, tính chuyên sâu. Hàng năm, UBKT đoàn cấp tỉnh còn phối hợp với cấp bộ đoàn cấp huyện trong việc thống nhất nhận định đánh giá về công tác kiểm tra, giám sát và hoạt động của UBKT cấp huyện đồng thời làm tốt công tác cán bộ.Duy trì tốt chế độ giao ban phản ảnh công tác kiểm tra, giám sát định kỳ giữa UBKT đoàn cấp tỉnh với UBKT đoàn cấp huyện.

Bốn là, xem xét và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của UBKT đoàn cấp tỉnh. Quy chế này phải khẳng định được vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBKT đoàn cấp tỉnh ; phải xác định được các mối quan hệ giữa UBKT với ban thường vụ, với ban chấp hành Đoàn cùng cấp, mối quan hệ phối hợp giữa UBKT Đoàn cấp tỉnh với cấp bộ Đoàn cấp huyện, xác định được trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các thành viên trong uỷ ban; Đồng thời quy chế xác định được mối quan hệ công tác của UBKT với các ban tham mưu khác của Đoàn; xác định được lề lối, chế độ công tác, yêu cầu và phương pháp làm việc...

Năm là, chú trọng quan tâm kiện toàn ủy viên ủy ban kiểm tra Đoàn cấp tỉnh đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng đồng thời xây dựng và trang bị hệ thống tài liệu hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đoàn cũng như các tài liệu hướng dẫn về chấp hành nguyên tắc tổ chức Đoàn. Tăng cường việc tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề để nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của ủy ban kiểm tra đoàn cấp tỉnh.

Ban Kiểm tra Trung ương Đoàn