Một số khuyến nghị nâng cao hiệu quả kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên Học viện An ninh nhân dân

Thứ ba, 12/03/2024 - 09:00

NCKH - Tóm tắt: Kỹ năng làm việc nhóm là một trong những yêu cầu quan trọng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo đại học hiện nay. Bằng phương pháp khảo sát xã hội học, bài viết này nghiên cứu thực trạng kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên Học viện An ninh nhân dân hiện nay và đề ra một số khuyến nghị góp phần nâng cao hiệu quả rèn luyện kỹ năng cho sinh viên.

Từ khóa: Kỹ năng; Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng mềm; Phát triển kỹ năng; Sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Trong các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm đóng vai trò rất đặc biệt đối với sinh viên Học viện An ninh nhân dân.

Kỹ năng làm việc nhóm là một là một kỹ năng rất quan trọng đối với sinh viên nói chung. Bởi lẽ khi hợp tác cùng thực hiện các hoạt động, công việc, học tập trong nhóm, từng cá nhân sẽ phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ năng cứng với các kỹ năng mềm, phải thực hiện các hoạt động giao tiếp, trình bày, giải quyết vấn đề, xử lý thông tin. Những hoạt động này nếu không có kỹ năng tốt rất dễ làm cho công việc nhóm không đạt hiệu quả như mong muốn, không phát huy được trí tuệ tập thể, thậm chí có khả năng gây ra xung đột trong nhóm.

Xuất phát từ đặc thù học tập và rèn luyện của sinh viên đứng trong lực lượng vũ trang nhân dân. Là những sỹ quan An ninh nhân dân tương lai, việc làm việc nhóm tốt trong tổ chức, đơn vị là yêu cầu tất yếu. Trong các nhiệm vụ sau này mà sinh viên phải thực hiện, mỗi cá nhân đòi hỏi phải có những tố chất mang tính tập thể như: sự phục tùng, tính bản lĩnh, tính kỷ luật, khả năng tiếp thu, vận dụng, đóng góp ý kiến, giữ đoàn kết trong đơn vị… Trước những thách thức của công tác bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, sinh viên Học viện An ninh nhân dân phải được trang bị và rèn luyện đầy đủ các phẩm chất trên để tạo nên sức mạnh tập thể. Do đó, kỹ năng làm việc nhóm lại càng quan trọng và phải được trang bị ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

2. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện nghiên cứu này, ngoài các phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tôi sử dụng thêm một số phương pháp đặc thù, bao gồm: phương pháp phân tích tài liệu, phương pháp quan sát, phương pháp phỏng vấn sâu và phương pháp điều tra xã hội học, với thông tin từ 250 sinh viên chọn ngẫu nhiên của 3 Khóa sinh viên năm nhất, năm hai và năm ba của Học viện.

3. Kết quả nghiên cứu

Trên cơ sở những tiêu chí đánh giá kỹ năng làm việc nhóm đã xây dựng, chúng tôi đánh giá thực trạng kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên dựa trên các tiêu chí:

1) Tri thức về kỹ năng làm việc nhóm (sự hiểu biết, độ thuần thục của kỹ năng)

2) Thái độ khi thực hiện làm việc nhóm (tinh thần, thái độ, tính chủ động, tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật)

3) Kỹ năng phối hợp hành động, làm việc

4) Kỹ năng về giải quyết mâu thuẫn trong làm việc nhóm (gọi tắt là kỹ năng giải quyết xung đột nhóm)

5) Kỹ năng điều chỉnh, kiểm soát giao tiếp trong làm việc nhóm (gọi tắt là kỹ năng kiểm soát giao tiếp)

Tiến hành khảo sát, phỏng vấn trên các tiêu chí trên, chúng tôi nhận được kết quả như sau:

3.1. Thực trạng tri thức về kỹ năng làm việc nhóm

Khi trả lời những câu hỏi về đánh giá thang đo hiểu biết của mình về tri thức kỹ năng làm việc nhóm, đa phân sinh viên đều nhận mình có những hiểu biết từ trung bình trở lên, điều này thể hiện ở bảng kết quả sau:

Bảng 1: Tổng hợp kết quả đánh giá hiểu biết của sinh viên về tri thức kỹ năng làm việc nhóm:

N=250, Nguồn: Dữ liệu của kết quả nghiên cứu

Kết quả trên cho thấy sinh viên biết được tầm quan trọng của kỹ năng làm việc nhóm, điều này được tái khẳng định so với kết quả khảo sát ở các câu hỏi trước. Tuy nhiên, từ việc hiểu tầm quan trọng đối với bản thân cho đến việc tự tìm tiểu, tự trang bị các tri thức về nó lại có kết quả khác nhau. Khi đánh giá về việc “Hiểu các giai đoạn hình thành kỹ năng”, có khoảng 75% sinh viên cho rằng mình hiểu rất tốt hoặc tốt và khoảng 85% sinh viên cho rằng mình hiểu được các kỹ năng cần có trong làm việc nhóm như: kỹ năng phối hợp, giải quyết mâu thuẫn, kiểm soát giao tiếp. Tuy nhiên, số liệu này chưa thực sự đúng đắn khi đánh giá hiểu biết về tri thức của sinh viên, bởi lẽ với các câu hỏi kiểm tra về từng kỹ năng cụ thể, kết quả nhận thức của sinh viên lại thể hiện khá kém (Số liệu thể hiện ở các khảo sát bên dưới).

Điều này chứng minh rằng sinh viên đang có suy nghĩ bản thân hiểu về kỹ năng làm việc nhóm khá tốt, nhưng sự thật là hiểu biết chưa sâu và việc vận dụng lại khá thấp.

3.2. Thái độ khi thực hiện làm việc nhóm (tinh thần, thái độ, tính chủ động, tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật)

Đánh giá về thái độ của sinh viên khi làm việc nhóm, tổng hợp số liệu được khảo sát theo bảng dưới đây:

Bảng 2: Tổng hợp kết quả đánh giá biểu hiện thái độ của sinh viên trong kỹ năng làm việc nhóm:

N=250, Nguồn: Dữ liệu của kết quả nghiên cứu

Nhìn chung, sinh viên đều tự khẳng định mình có thái độ tốt, tích cực khi tham gia làm việc nhóm, mức độ biểu hiện tự đánh giá đa phần đều là tốt và rất tốt. Tuy nhiên nhóm tiêu chí Tích cực tham gia các hoạt động khi làm việc nhóm (phát biểu ý kiến, đảm nhận công việc) lại nhận được 34,4% sinh viên cho rằng mình chỉ ở mức trung bình. Điều này cho thấy sự tích cực chưa được biểu hiện ở phần đông sinh viên. Lý giải cho hạn chế này, có thể thấy sinh viên Học viện An ninh nhân dân sống trong môi trường lực lượng vũ trang, tính tập thể, mệnh lệnh và phục tùng được đặt lên rất cao. Khi được giao các nhiệm vụ tập thể, người trưởng nhóm thường là cán bộ lớp, cán bộ đoàn hoặc cán bộ tiểu đội. Do đó thường xuất hiện việc ỷ lại vào nhóm trưởng.

Tuy vậy, điểm tích cực trong thái độ mà sinh viên Học viện An ninh nhân dân có khi làm việc nhóm thể hiện ở các tố chất: Kiên trì, quyết tâm khi làm việc nhóm (94% tốt và rất tốt); Chủ động tìm hiểu tri thức để làm việc (gần 100% tốt và rất tốt); Sẵn sàng đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của bản thân (gần 99% tốt và rất tốt).

3.3.  Kỹ năng phối hợp hành động, làm việc

Bảng 3: Tổng hợp kết quả đánh giá biểu hiện kỹ năng phối hợp hành động của sinh viên:

N=250, Nguồn: Dữ liệu của kết quả nghiên cứu

Với kết quả khảo sát của bảng trên có thể thấy, kỹ năng phối nhợp hành động của sinh viên chỉ dừng ở mức trung bình khá. Một số tiêu chí như: Biết cùng nhau xây dựng các mục tiêu, kế hoạch của nhóm (31,6% sinh viên đạt mức trung bình) ; Biết cách bố trí, phân công hoặc chủ động nhận nhiệm vụ (62,8% sinh viên đạt mức trung bình) nói lên những kỹ năng này của sinh viên còn chưa được củng cố. Sinh viên còn tính thụ động cao khi lệ thuộc vào việc phân công, sắp xếp nhiệm vụ. Như dẫn chứng về thái độ đã trình bày ở tiểu mục trên, sinh viên thụ động và lệ thuộc lớn vào vai trò của nhóm trưởng. Điều này cũng cho chúng ta thấy nhận thức sai lệch về trách nhiệm của sinh viên khi tham gia làm việc nhóm. Sinh viên cho rằng việc xây dựng mục tiêu, kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho một nhóm là trách nhiệm của một người, không phải nhiệm vụ của toàn nhóm.

Tiêu chí Biết cách phát huy trí tuệ của tập thể để giải quyết vấn đề chỉ nhận được 28,4% tự đánh giá là rất tốt và có gần 20% tự nhận là kém. Rõ ràng, các sinh viên chưa biết phối hợp với nhau để thực hiện nhiệm vụ chung, trong khi đặc trưng của kỹ năng làm việc nhóm là phải biết phát huy sức mạnh của tập thể.

Ngoài ra, việc hỗ trợ các thành viên trong nhóm được hơn 95% sinh viên tự nhận là: Biết hỗ trợ các thành viên khác trong thực hiện mục tiêu, kế hoạch của nhóm. Dễ lý giải ưu điểm này bởi sinh viên Học viện An ninh nhân dân có tính tương thân, tương ái rất cao, vì sinh sống tập thể nên tình đồng chí, đồng đội được bồi dưỡng tốt. Đây là điểm mạnh trong kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên.

3.4. Kỹ năng giải quyết xung đột, mâu thuẫn trong nhóm

Khảo sát về kỹ năng bổ trợ giải quyết xung đột nhóm, chúng tôi nhận được kết quả tổng hợp như sau:

Bảng 4: Tổng hợp kết quả đánh giá biểu hiện kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong làm việc nhóm của sinh viên:

N=250, Nguồn: Dữ liệu của kết quả nghiên cứu

Chúng tôi quan niệm kỹ năng giải quyết xung đột, mâu thuẫn sẽ được thể hiện thông qua việc: Biết nhận ra mâu thuẫn; Biết cách tìm ra nguyên nhân của mâu thuẫn; Biết đánh giá hậu quả các mâu thuẫn; Biết đưa ra các biện pháp để giải quyết được mâu thuẫn trong nhóm.

Đánh giá về các biểu hiện này, dễ thấy đại đa số sinh viên đều tự nhận mức độ biểu hiện của bản thân đạt ở kém, trung bình và tốt trong nhận ra mâu thuẫn, tìm ra nguyên nhân, đánh giá hậu quả và giải quyết các mâu thuẫn trong nhóm. Sinh viên tự tin mình có thể: Biết nhận ra các mâu thuẫn trong nhóm chiếm khoảng 87% số sinh viên. Việc nhận ra mâu thuẫn là đơn giản đối với sinh viên Học viện An ninh nhân dân

Tuy nhiên, các biểu hiện khác của kỹ năng này lại không tốt như mong đợi. Sinh viên tự nhận mình đạt mức trung bình và kém (chiếm tổng khoảng 50%) ở các biểu hiện như: Biết đánh giá hậu quả các mâu thuẫn trong nhóm (khoảng 54%); Biết cách tìm ra nguyên nhân của mâu thuẫn (chiếm khoảng 55%) ; Biết đưa ra các biện pháp để giải quyết được mâu thuẫn trong nhóm (khoảng 61%). Như vậy có thể khẳng định, đây là một kỹ năng còn yếu của đại đa số sinh viên. Sinh viên có thể nhìn ra được trong nhóm có mâu thuẫn, nhưng tìm ra nguyên nhân của mâu thuận, đánh giá hậu quả của các mâu thuẫn đó đối với nhóm và đưa ra biện pháp để giải quyết mâu thuẫn thì rất yếu.

Theo quan sát của nhóm nghiên cứu, khi sinh viên thảo luận gần như không có trường hợp xúc phạm lẫn nhau hoặc gây gổ ngay trong buổi làm việc nhưng đôi khi sự tranh luận về phương pháp, tri thức, cách thức tiến hành lại xảy ra khá thường xuyên trong các tiết học có hoạt động làm việc nhóm. Lý giải điều này bởi sinh viên Học viện An ninh nhân dân được đào tạo, giáo dục trong môi trường quân ngũ, tính chất nghiêm túc, chính quy, tinh nhuệ được rèn luyện từ sớm. Bởi vậy, việc xung đột hay mâu thuẫn do cảm xúc trong khi làm việc rất hiếm xảy ra. Tuy nhiên, sinh viên Học viện An ninh nhân dân đều là những sinh viên giỏi, có điểm tuyển sinh đầu vào khá cao so với mặt bằng chung các trường đại học nên họ có bản lĩnh, tri thức và khả năng lĩnh hội cao. Do đó, việc tranh luận cũng rất dễ xảy ra.

Các biểu hiện đánh giá hậu quả các mâu thuẫn trong nhóm và đưa ra các biện pháp để giải quyết mâu thuẫn là những biểu hiện quan trọng trong kỹ năng giải quyết xung đột. Rõ ràng, khi kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong nhóm tốt nó sẽ giảm thiểu những xung đột trong nhóm, tạo điều kiện cho việc phối hợp các hoạt động cùng nhau trong nhóm được thuận lợi, dễ dàng. Và ngược lại, nếu kỹ năng này không tốt, nó dễ dàng làm cho nhóm có xung đột, mâu thuẫn, từ đó cản trở các cá nhân đóng góp cho tập thể và triển khai các hoạt động của nhóm.

3.5. Kỹ năng điều chỉnh, kiểm soát giao tiếp

Trong hoạt động nhóm, để thực hành tốt kỹ năng làm việc nhóm cần phải có kỹ năng điều chỉnh, kiểm soát giao tiếp. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu kỹ năng này với 4 biểu hiện: Biết lắng nghe ý kiến quan điểm của người khác; Biết phân tích ưu điểm, nhược điểm và nhận xét các quan điểm của người khác; Biết cách kiểm soát cảm xúc trong giao tiếp; Biết trình bày và bảo vệ quan điểm cá nhân. Kết quả khảo sát các biểu hiện này được thể hiện như sau:

Bảng 5: Tổng hợp kết quả đánh giá biểu hiện kỹ năng điều chỉnh, kiểm soát giao tiếp trong làm việc nhóm của sinh viên:

N=250, Nguồn: Dữ liệu của kết quả nghiên cứu

Nhìn từ bảng khảo sát trên, có thể thấy sinh viên Học viện An ninh nhân dân tự đánh giá việc kiểm soát cảm xúc giao tiếp rất tốt, có đến gần 95% số sinh viên cho rằng mình kiểm soát giao tiếp ở mức độ tốt (27,6%) và rất tốt (67,2%). Điều này phù hợp với các thống kê ở trên về thái độ, kiểm soát xung đột và phối hợp nhóm, thuộc về nhóm yếu tố chủ quan của sinh viên đã khảo sát ở trên.

Trong khi đó, các biểu hiện khác lại không nhận được kết quả khả quan như vậy. Biểu hiện Biết lắng nghe ý kiến quan điểm của người khác có 35,6% sinh viên tự nhận ở mức trung bình, mặc dù số sinh viên tự nhận mức độ tốt và rất tốt lần lượt chiếm 44,4% và 20,0%. Thấp hơn cả biểu hiện trên, đa số sinh viên tự đánh giá mình kém ở biểu hiện Biết phân tích ưu điểm, nhược điểm và nhận xét các quan điểm của người khác Biết trình bày và bảo vệ quan điểm cá nhân. Hai biểu hiện này có số sinh viên đạt mức độ kém và trung bình lần lượt là khoảng 60% và khoảng 40%.

Quan sát của nhóm nghiên cứu trong các giờ thảo luận của sinh viên cũng tương đồng với kết quả này, việc nhận xét các ưu điểm, nhược điểm, chỉ ra lỗi sai của các nhóm chưa thực sự được tốt. Sinh viên có thể phát hiện ra lỗi sai nhưng sai như thế nào lại không dễ dàng trả lời, đó là hạn chế cần khắc phục trong kỹ năng này.

4. Kết luận và khuyến nghị

Dựa trên những khảo sát trên, có thể dễ nhận thấy kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên Học viện An ninh nhân dân mới chỉ đạt ở giai đoạn 3 theo thang đánh giá do K.K.Platonov đề xuất. Hay nói cách khác, kỹ năng làm việc nhóm vẫn ở giai đoạn trung bình khá: sinh viên có tri thức về kỹ năng ở mức độ khá; có thái độ tốt trong thực hành; khả năng phối hợp đạt mức trung bình; giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở mức trung bình và điều chỉnh, kiểm soát cảm xúc ở mức trung bình khá.

Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị sau:

Một là, nâng cao, phát huy sự lãnh đạo, chỉ đạo và vai trò chủ thể giáo dục của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, lãnh đạo các đơn vị giảng dạy, các đơn vị quản lý và các thầy cô giáo. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị trong công tác nghiên cứu, giảng dạy, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm cho sinh viên tại Học viện An ninh nhân dân. Điều này đòi hỏi phải tăng cường đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng, ban hành, kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện ở các đơn vị. Nội dung cần chú ý đến công tác nghiên cứu thực trạng kỹ năng làm việc nhóm; công tác giảng dạy, lồng ghép các nội dung về kỹ năng làm việc nhóm và tổ chức thực hành kỹ năng làm việc nhóm trên lớp; công tác quản lý, sắp xếp của các đơn vị quản lý liên quan đến kỹ năng làm việc nhóm.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, tác dụng và tầm quan trọng của kỹ năng làm việc nhóm, đặc biệt là với sinh viên năm thứ nhất. Việc tuyên truyền có thể thông qua các hình thức như: thông qua đài phát thanh Học viện; thông qua các cuộc thi, các câu lạc bộ; thông qua các hoạt động tập thể của Đoàn Thanh niên. Ở các sân chơi này, sinh viên sẽ ý thức được vai trò, tầm quan trọng của kỹ năng làm việc nhóm. Qua đó chủ động tự trang bị tri thức và kỹ năng cho bản thân, làm cho quá trình đào tạo trở thành tự đào tạo là yêu cầu tất yếu của giáo dục hiện nay. Về nội dung tuyên truyền, có thể đưa các tấm gương sáng về các thủ lĩnh đoàn tài năng, xuất chúng; các tấm gương về những chỉ huy chuyên án tài tình, qua đó để sinh viên thấy được ý nghĩa của thủ lĩnh nhóm trong công việc sau này.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà quản lý giáo dục giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, thành thạo về kỹ năng làm chủ thể giáo dục, phát triển kỹ năng làm việc nhóm cho sinh viên. Vai trò của thầy cô giáo luôn là vấn đề quan trọng nhất trong công tác giáo dục nói chung, rèn luyện kỹ năng nói riêng. Do đó, để phát triển được kỹ năng làm việc nhóm cho sinh viên, đội ngũ cán bộ, giảng viên cần chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, đưa vào nhiều phương pháp giảng dạy tích cực, tạo hứng thú khi học tập cho sinh viên. Các buổi xêmina, thảo luận cần được tiến hành cởi mở, tăng cường làm việc nhóm qua đó giúp cho sinh viên hiểu hơn về kỹ năng làm việc nhóm và tự phát triển kỹ năng thông qua kinh nghiệm đã học tập được.

Bốn là, trang bị cho sinh viên tri thức về kỹ năng phối hợp. Phối hợp không có nghĩa là mỗi người làm tròn vai của mình, hoàn thành phần công việc của mình mà phối hợp là sự liên kết, giao tiếp của các thành niên trong nhóm nhằm hướng tới giải quyết công việc chung. Muốn vậy, chủ thể giáo dục là thầy cô giáo, thông qua các hoạt động dạy và học trên lớp cần lồng ghép vào bài giảng, để sinh viên có tri thức về cách thức xây dựng các mục tiêu, kế hoạch; cách thức cùng nhau thực hiện các mục tiêu, kế hoạch; cách thức hỗ trợ  các thành viên khác trong nhóm. Cụ thể hơn, cần giáo dục và rèn luyện cho sinh viên các bài tập thực hành sau:

- Thực hành xây dựng mục tiêu, kế hoạch của bản thân, của nhóm.

- Chủ động đề xuất nếu cảm thấy các mục tiêu, kế hoạch của nhóm không phù hợp

- Biết hoàn thành phần việc của mình đúng thời gian và đảm bảo chất lượng

- Biết giám sát tiến độ và khả năng hoàn thành công việc của các thành viên khác trong nhóm

- Biết cách đánh giá năng lực của bản thân và các thành viên khác, từ đó phối hợp, hỗ trợ phù hợp

Năm là, tăng cường giáo dục cho sinh viên về kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, giải quyết xung đột. Đây là yêu cầu quan trọng không chỉ khi sinh viên ngồi trên ghế nhà trường mà còn có tác dụng sau khi ra trường. Muốn vậy, sinh viên cần được trang bị các kiến thức sau đây:

- Tự phát hiện ra vấn đề của nhóm đang phải đối mặt và so sánh nó với mục tiêu của nhóm

- Tự phát hiện ra xung đột của nhóm liên quan đến tính cách, thói quen, cách ứng xử… và tiến hành giải quyết

- Biết được hậu quả đến từ sự khác biệt văn hóa vùng miền, tuổi tác, trình độ, tri thức, thói quen nếu không có điều chỉnh từ sớm

- Học cách chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu, chấp nhận sự khác biệt của nhau như: giọng nói, tính cách, thói quen, cách ứng xử…

- Biết phân chia lại vai trò của các thành viên trong nhóm nếu mâu thuẫn có sự xung đột, việc phân chia đảm bảo phải thực sự dân chủ và cầu thị

- Biết tạo môi trường để các thành viên trong nhóm có cơ hội thấu hiểu nhau hơn

- Biết đánh giá lại nhiệm vụ chung của nhóm khi có mâu thuẫn không thể điều tiết và sẵn sàng có hình thức kỷ luật nếu có thành viên vượt quá nguyên tắc của nhóm

Sáu là, sinh viên cần tự rèn luyện cho mình những nguyên tắc để điều chỉnh giao tiếp sau:

- Trong quá trình giao tiếp, cần lắng nghe đồng đội nói từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc mà không ngắt lời; đồng thời, quan sát khi người đồng đội khi nói, đây là sự tôn trọng trong giao tiếp.

- Biết ghi nhớ, chọn lọc lại những nội dung cơ bản, cốt yếu khi người khác nói. Đồng thời, nhấn mạnh lại quan điểm của đồng đội như một sự khẳng định cũng là biểu hiện của sự tôn trọng và ghi nhận ý kiến của thành viên trong nhóm.

- Kiểm soát thời gian trong khi giao tiếp: trong tranh luận, thảo luận, sinh viên cần học cách kiểm soát thời gian khi trình bày; không nên hấp tấp, vội vã trong thuyết trình, biết quãng nghỉ để trấn tĩnh để phản hồi các quan điểm khác với ý kiến của bản thân.

- Kiểm soát thông tin trong giao tiếp: sinh viên cần học cách đặt lại câu hỏi cho người hỏi để hiểu đúng đắn, chính xác về câu hỏi của họ. Tránh trường hợp không hiểu ý, hiểu câu từ mà sinh ra tranh luận gay gắt. Đồng thời, việc kiểm soát từ ngữ, hành vi cũng rất quan trọng. Ngôn từ nên chính thống, tránh việc sử dụng các từ địa phương, tiếng lóng, phương ngữ… không chính thống, dễ gây hiểu sai, hiểu lầm.

- Kiểm soát ngôn ngữ cơ thể: ngôn ngữ cơ thể cần được chú trọng trong kiểm soát giao tiếp. Khi nói chuyện, ánh mắt nên tập trung vào tam giác thân thiện trên khuôn mặt (hai mắt và miệng), quân dung cần tươi tỉnh, thái độ nhã nhặn, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của thành viên trong nhóm. Tránh những biểu hiện cợt nhả, lỡ đãng, không lắng nghe hoặc tỏ vẻ coi thường.

Bảy là, phát huy tính tích cực chủ động của sinh viên trong tự rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm. Học viện cần chú trọng đến tuyên truyền để sinh viên hiểu về kỹ năng làm việc nhóm và tự chủ động trong quá trình rèn luyện. Nội dung tuyên truyền nên hướng tới những tấm gương thủ lĩnh đoàn, cán bộ lớp, sinh viên 5 tốt, sinh viên tiểu biểu… đây là những cá nhân với thành tích xuất sắc, là thủ lĩnh dẫn dắt trong làm việc nhóm. Bên cạnh đó, còn cần tuyên truyền về các nhóm nghiên cứu khoa học, nhóm làm bài dự thi, các câu lạc bộ (Ghita, kịch, dân vũ…) tiêu biểu với thành tích nổi trội. Các hình thức tuyên truyền cần được đổi mới, tranh thủ, công tác với các đơn vị báo in, báo điện tử, cổng thông tin điện tử, tạp chí khoa học, đài truyền hình… Thời gian qua, công tác này ở Học viện đã được thực hiện rất tốt, cần phát huy hơn nữa. Ngoài ra, để các thông tin về những tấm gương tốt, hội nhóm tiêu biểu này được lan tỏa, tạo động lực rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm cho sinh viên, Học viện cần xem xét, tính toán đến các nền tảng mạng xã hội, biến các nền tảng này thành công cụ tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Đây là diễn đàn của giới trẻ, bởi vậy, sự tương tác sẽ rất tích cực.

Tám là, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hỗ trợ việc rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm cho sinh viên. Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị liên quan đến giảng dạy. Bao gồm phòng học, giảng đường, các công cụ hỗ trợ dạy học như: máy chiếu, bảng tương tác, trang âm, loa đài, hệ thống thực tế ảo, các phần mềm giao tiếp, tương tác làm việc nhóm như: Fliker, Padled, Sơ đồ tư duy Mendy… Cần chú ý đầu từ vào hệ thống trang thiết bị của phòng học như: hệ thống trang âm, máy chiếu, bảng tương tác, bàn ghế... và hệ thống thiết bị sử dụng trong các hoạt động tập thể như: loa ngoài trời, hệ thống loa phát thanh, đèn chiếu sáng, không gian sinh hoạt... Đồng thời, cần quán triệt ý thức giữ gìn tài sản đối với mỗi sinh viên. Có biện pháp xử lý nghiêm với những trường hợp cố ý, thiếu ý thức tập thể gây hư hỏng, mất mát tài sản

Chín là, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường chuyển đổi số trong kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên. Tiếp tục triển khai mô hình quản trị Học viện điện tử vào thực tiễn; đẩy mạnh quá trình mã hóa, số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu liên quan đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu, nhất là hệ thống tài liệu, sách tham khảo, chuyên khảo, bài giảng; các đề tài, tạp chí khoa học. Tạo không gian ảo nội bộ với tính bảo mật cao để sinh viên dễ dàng trao đổi, thảo luận, kể cả các thông tin liên quan đến môn học. Tiếp tục đầu tư, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng số, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng dạy - học và nghiên cứu khoa học đồng bộ. Đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm hiện đại, triển khai các dịch vụ trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu...).

TS Nguyễn Văn Tiến - Nguyễn Trung Kiên

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  A.V Petrovxki (1980), Lý luận dạy học của trường phổ thông, Nxb Giáo dục.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Thông tư số 2196/BGDĐT – GDĐH về “Hướng dẫn xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo” ngày 22/4/2010.

3. Đặng Thành Hưng (2010), Nhận diện và đánh giá kỹ năng, Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 64.

4. K.K.Platonov (1995). Vấn đề về năng lực, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội

5. Lê Trí Nhượng (2023), Bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm cho sinh viên năm thứ nhất ở phân hiệu Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại tỉnh Thanh Hóa, Tạp chí Thiết bị giáo dục, số 6/2023

6. Phạm Thị Lan (2024), Bồi dưỡng và phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên sư phạm ở trường đại học Phú Yên, Tạp chí Khoa học Trường đại học Phú Yên Số 33/2024, tr.31-38.

7. Trần Thị Ngọc Hà – Mai Lê Thúy (2021): Thực trạng và giải pháp nâng cao kỹ năng làm việc nhóm khi học môn Tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Tạp chí Thiết bị giáo dục, số 4/2021

8. Trương Thị Hoa (2016), Thực trạng kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên, Tạp chí Giáo dục, số 8/2016, tr.45-52.

9. Johnson D. W.,& Johnson R.T (1995) Social Interdependence – Cooperative Learning in E duca tion, In B Bunker & J. Z. Rubin (Eds), Conflict,  Cooperation and Justice San Francisco: Jossey – Bas Publisher.

Học viện An ninh nhân dân