Một số kiến thức và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ

Thứ hai, 03/07/2017 - 15:01

TNV- Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ tiếp tục diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, người dân trong công tác PCCC và CNCH còn nhiều hạn chế. Để giảm thiểu đến mức tối đa số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Thanhnienviet.vn xin thông tin đến bạn đọc một số kiến thức an toàn PCCC và kỹ năng thoát nạn ở nơi tập trung đông người như sau:

Dấu hiệu nhận biết cháy, nổ

Thông thường có 3 dấu hiệu cơ bản để nhận biết được cháy, nổ gồm mùi sản phẩm cháy; khói; ánh lửa và tiếng nổ. Nhận biết được mùi vị sản phẩm cháy, màu sắc khói sẽ giúp ta biết được đám cháy là cháy chất gì, từ đó có biện pháp sử dụng phương tiện chữa cháy phù hợp, đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, có thể nhận biết qua hệ thống báo cháy tự động, chuông báo cháy, do người hô hoán, báo động…

Quy trình xử lý khi cháy, nổ xảy ra

Ngay sau khi phát hiện có hiện tượng cháy nổ, chúng ta phải bình tĩnh suy xét, áp dụng ngay các biện pháp để tránh khói khí độc sau đó sử dụng hệ thống chuông báo cháy, kẻng hoặc tri hô thật to để mọi người có mặt tại công trình, tòa nhà thoát ra ngoài.

Lập tức ngắt điện tại phòng, tầng có cháy để kịp thời xử lý; sau đó mới ngắt cả tòa nhà. Sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy, hệ thống chữa cháy vách tường để chữa cháy. Gọi điện báo cháy cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp qua số điện thoại 114.

anh bai 1 Cảnh sát PCCC tỉnh chữa cháy kho nguyên liệu cho một công ty

Hỗ trợ, phối hợp lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp bằng cách hướng dẫn đường, nơi đỗ xe, nguồn nước chữa cháy cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp triển khai chữa cháy nhanh nhất; phối hợp cùng dập tắt đám cháy.

Những điều cần biết khi thoát nạn ở nơi tập trung đông người

Cần tập cho mình thói quen kiểm tra xung quanh khi đến một nơi mới nhằm xác định lối thoát hiểm, phương tiện chữa cháy, nơi lánh nạn an toàn. Việc này không tốn nhiều thời gian và sẽ giúp ta chế ngự được hoảng loạn, quyết định nhanh và hợp lý khi có hỏa hoạn.

Khi mắc kẹt trong đám cháy, người bị nạn cần bình tĩnh suy xét tìm lối thoát nạn sẵn có như biển chỉ dẫn Exit, hoặc nghe hướng dẫn thoát nạn qua loa. Để chống nhiễm khói, khí độc nên lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi thở hoặc sử dụng mặt nạ phòng độc. Đồng thời cần nhanh chóng di chuyển đến lối thoát nạn an toàn, lối này có thể là cửa đi, hành lang dẫn tới các khu vực an toàn hoặc lối dẫn tới cầu thang bộ, lối ngang dẫn sang công trình liền kề. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và không được xô lấn, chen đẩy.

Trường hợp nếu bị lửa bén vào quần áo, tuyệt đối không được chuyển động, không được chạy vì gió làm ngọn lửa bùng thêm. Lúc này, nạn nhân cần lấy hai tay ôm đầu, che mặt, nằm xuống nền và lăn qua lăn lại cho đến khi lửa tắt.

Trường hợp bắt buộc phải băng qua lửa, cần dùng chăn hoặc vải nhúng nước rồi trùm lên người, chạy thật nhanh tới khu vực an toàn. Khi không còn lối thoát khác, hãy ra ngoài cửa sổ gây chú ý với nhân viên cứu hỏa bằng cách vẫy tay, kêu cứu.

Tuyệt đối không trốn trong nhà vệ sinh bởi nhà vệ sinh không có lối thoát và lực lượng Cảnh sát PCCC khó tiếp cận, giải cứu. Không sử dụng thang máy để thoát nạn, chỉ thoát theo các đường hành lang, cầu thang bộ, mái nhà và ban công ở tầng thấp.

PV