Từ khóa: Công đoàn; Bồi dưỡng, rèn luyện, ĐVCĐ, Nhà trường
Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động. Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công đoàn là tổ chức đại diện của giai cấp công nhân và người lao động, mà giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Ðảng Cộng sản Việt Nam, vì vậy Công đoàn Việt Nam có nhiều đặc điểm khác biệt với các tổ chức chính trị - xã hội khác. Đặc biệt, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam còn được tiếp tục nâng cao; ngày càng phát triển, mở rộng và không thể thiếu trong quan hệ lao động; bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội hài hòa, ổn định, tiến bộ trong quan hệ lao động.
Bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên công đoàn là một hoạt động quan trọng của tổ chức công đoàn. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp; nhất là đội ngũ cán bộ ban chấp hành công đoàn luôn luôn chăm lo bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên cả về phẩm chất và năng lực, đạo đức, lối sống đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng. Nhờ đó đoàn viên công đoàn đã phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, nêu cao phẩm chất cách mạng trong sáng, cùng toàn Đảng toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn trong bồi dưỡng, rèn luyện cho đoàn viên công đoàn ở nhà trường quân đội hiện nay. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Ban công đoàn quốc phòng thuộc Tổng cục chính trị; cấp ủy đảng các cấp ở các nhà trường trong quân đội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện công tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên công đoàn với nhiều chủ trương, giải pháp, hình thức mới, phù hợp với đặc điểm của từng tổ chức công đoàn trong quân đội nói chung và ở các nhà trường quân đội nói riêng; đại bộ phận đoàn viên công đoàn đã xác định rõ lý tưởng, có lập trường, quan điểm vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có ý thức trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, kể cả nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, hy sinh; có trình độ kiến thức và năng lực chuyên môn, có niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; có thái độ kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên công đoàn ở nhà trương quân đội hiện nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế bất cập: một số cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên công đoàn nên còn có biểu hiện coi nhẹ; Việc đổi mới hình thức, phương pháp bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên công đoàn chưa thực sự thường xuyên, thiếu chủ động, chưa thực sự bám sát tình hình thực tiễn của đơn vị… Trong thực tế, một số đoàn viên công đoàn còn có biểu hiện dao động về mục tiêu lý tưởng, lệch lạc trong nhận thức, chạy theo lối sống thực dụng; thoái hóa về phẩm chất, đạo đức, vi phạm kỷ luật trong quân đội, vi phạm điều lệ công đoàn…làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục - đào tạo, đến bản chất, truyền thống của Quân đội và ảnh hưởng đến hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Cùng với thực tế trên, hiện nay nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao. Đồng thời trước sự tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường, chiến lược “diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang mưu toan xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và chế độ chính trị xã hội theo định hướng XHCN ở nước ta. Sự nghiệp xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại ngày càng đặt ra những nội dung, yêu cầu mới về nhận thức, bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ học vấn, kỹ năng, phẩm chất đạo đức, lối sống đối với đoàn viên công đoàn. Điều đó làm cho công tác bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên công đoàn ở nhà trường quân đội trở thành vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách hiện nay. Qúa trình “ phát huy v ai trò công đoàn trong bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên công đoàn ở nhà trường quân đội hiện nay ” rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, coi trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng, trước hết là của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị với hoạt động của công đoàn.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy vai trò công đoàn trong bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên công đoàn ở nhà trường quân đội hiện nay gắn liền với chất lượng, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, các cơ quan chức năng và sự trách nhiệm tự giác của cán bộ, ĐVCĐ trong hoạt động và phụ thuộc vào hiệu quả phối hợp của các lực lượng trong đơn vị. Tuy nhiên, điều đó chỉ có được khi các tổ chức, các lực lượng nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của công đoàn, giá trị hoạt động Công đoàn và nhận thức rõ trách nhiệm của từng bộ phận. Kinh nghiệm rút ra, phải coi trọng công tác giáo dục, quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các lực lượng đối với hoạt động của công đoàn, đặc biệt là nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của công đoàn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công đoàn hoạt động hiệu quả, tôn trọng và phát huy vai trò tự chủ, chủ động sáng tạo của công đoàn, khắc phục việc can thiệp vào hoạt động thực tiễn hàng ngày, bao biện làm thay Ban Chấp hành (BCH) Công đoàn, ủng hộ sáng kiến của BCH Công đoàn.
Hai là, quan tâm chăm lo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ CBCĐ, nhất là khả năng tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện.
Xét cho cùng, vai trò công đoàn trong bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên công đoàn ở nhà trường quân đội hiện nay chỉ thực sự vững chắc khi có sự nỗ lực cao của mọi chủ thể mà trước hết là đội ngũ cán bộ công đoàn (CBCĐ) các cấp, lực lượng nòng cốt trong mọi tổ chức công đoàn. Thực tế cho thấy đơn vị nào xây dựng được đội ngũ CBCĐ có chất lượng cao, thì ở đó công đoàn hoạt động hiệu quả. Cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải thường xuyên quan tâm giáo dục nâng cao ý thức, năng lực trình độ mọi mặt của đội ngũ CBCĐ, trước hết là Chủ tịch và các uỷ viên BCH công đoàn. Kinh nghiệm cho thấy để thực hiện vấn đề này có hiệu quả, phải chăm lo đến xây dựng hệ thống quy chế hoạt động, chế độ chính sách đãi ngộ cho đội ngũ CBCĐ, tạo điều kiện để họ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tham gia hoạt động công tác công đoàn. Phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và chức trách nhiệm vụ cụ thể của CBCĐ, từng uỷ viên BCH công đoàn để có nội dung, hình thức bồi dưỡng, giáo dục phù hợp. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng và phối hợp với cấp trên cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác công đoàn. Chỉ có như vậy CBCĐ các cấp mới có hành lang pháp lý, có điều kiện, khả năng để phát huy trách nhiệm, trí tuệ, nhiệt huyết của mình cống hiến cho hoạt động của Công đoàn.
Ba là, chủ động lựa chọn nội dung, vận dụng linh hoạt sáng tạo hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động của công đoàn; quan tâm phát huy khả năng, sức sáng tạo của ĐVCĐ và vai trò của các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Công đoàn cơ sở phải chủ động lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động cho phù hợp với đặc điểm từng cơ quan, đơn vị. Thường xuyên cải tiến, thử nghiệm, làm mẫu, làm điểm những mô hình, cách làm mới; phải kết hợp nhuần nhuyễn nhiều nội dung, hình thức, phương pháp trong các hoạt động để đáp ứng kịp thời sự phát triển về trình độ nhận thức, tâm lý, sở thích, nguyện vọng của ĐVCĐ. Nội dung hoạt động phải gắn việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn, nhiệm vụ chính trị của đơn vị với thoả mãn tốt hơn quyền lợi, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của mọi đoàn viên, phải tạo ra được không khí dân chủ, vui tươi, thoải mái, giúp ĐVCĐ nhanh chóng hồi phục được sức lao động sau những giờ lao động mệt mỏi, có như vậy mới lôi cuốn, phát huy được khả năng, năng lực, sức sáng tạo của ĐVCĐ trong hoạt động. Thực tiễn cho thấy để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, đòi hỏi công đoàn các đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, các lực lượng trong đơn vị để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ.
Bốn là, bám sát các văn bản, chỉ thị hướng dẫn của cấp trên, đặc điểm hoạt động và nhiệm vụ chính trị từng cơ quan, đơn vị, từ đó vận dụng linh hoạt sáng tạo vào thực tế hoạt động của từng công đoàn.
Thực tiễn cho thấy chỉ ở đâu, khi nào hoạt động của công đoàn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, của cấp ủy đảng, lãnh đạo, chỉ huy cùng cấp; sự chỉ đạo, hướng dẫn của Phòng Chính trị; bám sát chương trình hành động của Ban CĐQP, kế hoạch CTĐ, CTCT của đồng chí Chủ nhiệm Chính trị và phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, nhu cầu, thị hiếu của đoàn viên, thì việc phát huy vai trò công đoàn trong bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên công đoàn ở nhà trường quân đội hiện nay ở đó mới hiệu quả. Thực tiễn đó đòi hỏi BCH Công đoàn các đơn vị phải nghiên cứu quán triệt, nắm chắc chỉ thi, hướng dẫn của trên, kịp thời lấy ý kiến chỉ đạo của người chỉ huy, nắm chắc tâm tư nguyện vọng đặc điểm của tập thể ĐVCĐ và đặc điểm nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Từ đó vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tế hoạt động của công đoàn tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn, xây dựng chương trình công tác có tính khả thi cao, có như vậy hoạt động công đoàn mới có chất lượng.
Những kinh nghiệm trên đây được rút ra từ thực tiễn hoạt động của công đoàn ở các cơ quan, đơn vị ở các nhà trường quân đội trong thời gian qua. Đây mới chỉ là những kinh nghiệm bước đầu, việc vận dụng những kinh nghiệm này vào hoạt động thực tiễn đòi hỏi phải có sự nghiên cứu công phu, phải phân tích đầy đủ, cụ thể đặc điểm nhiệm vụ của từng loại hình công đoàn, đặc điểm đội ngũ ĐVCĐ, thực tế thực hiện nhiệm vụ trong từng năm, để xác định đúng nội dung, hình thức, biện pháp hoạt động phù hợp đạt chất lượng cao.
Đại úy, ThS Đỗ Cao Qúy
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Đức (2012), “Tổ chức công đoàn Việt Nam với công tác tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh góp phần phòng chống “Diễn biến hòa bình” trong đoàn viên, cán bộ công chức, viên chức, công nhân và người lao động”, Lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng khóa 30, Học viện Chính trị, Hà Nội.
2. Nguyễn Ngọc Liệu (2004), Phát huy vai trò tổ chức công đoàn trong nâng cao ý thức chính trị XHCN của công nhân ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay, Luận văn Thạc sĩ CNXHKH, Học viện Chính trị, Hà Nội.
3. Luật công đoàn (2012), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Trịnh Hùng Thanh (2016), Vai trò công đoàn trong giáo dục ý thức bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho công nhân ở tỉnh Đồng Nai hiện nay . Luận văn Thạc sĩ CNXHKH, Hà Nội.
5. Vũ Chí Thắng (2021), Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức công đoàn, phụ nữ ở Học viện Chính trị hiện nay . Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài khoa học cấp phòng, Học viện Chính trị, Hà Nội
CH CNXHKH 2023 - H5/Học viện Chính trị