Từ khóa : đặc điểm tâm lý nạn nhân; không gian mạng; tín dụng đen
1. Trong thời gian gần đây, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề tới tình hình an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, mạng Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, cho vay cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính [2]. Để tìm kiếm, tiếp cận, lôi kéo “con mồi”, các đối tượng triệt để lợi dụng không gian mạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội để quảng bá, tung hô các khẩu hiệu về dịch vụ cho vay tiền nhanh như: thủ tục đơn giản, lãi suất thấp, giải ngân nhanh chóng, không tài sản đảm bảo,.. đánh trúng tâm lý cần vay của nạn nhân. Đằng sau những khẩu hiệu giả tạo này là vô vàn chiêu trò, thủ đoạn tinh vi để đẩy mức lãi suất vượt xa mức quy định của pháp luật. Dính vào “tín dụng đen” trên không gian mạng, khó có ai có thể thoát được khỏi “vòng xoáy nợ nần”.
2. Ngoài động cơ xuất phát từ bản thân đối tượng phạm tội, yếu tố tâm lý nạn nhân cũng là một trong những yếu tố quan trọng, thôi thúc ý chí phạm tội của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” trên không gian mạng:
Th ứ nhất, nhận thức của nạn nhân về hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng còn nhiều hạn chế.Đối tượng của tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng là những cá nhân có kiến thức, hiểu biết hạn chế về các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Theo báo cáo từ một nghiên cứu của Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2018, chỉ số phổ cập tài chính của Việt Nam chỉ đạt 21,28 điểm, xếp thứ 112/176 trên thế giới và đứng ở vị trí 22/37 quốc gia đang phát triển tại châu Á [4]. Đồng thời, nạn nhân trong các vụ án liên quan đến tín dụng đen trên không gian mạng thường có tâm lý ngại tìm hiểu, ngại đến các tổ chức tài chính để được tư vấn dẫn tới tình trạng thiếu hiểu biết về tín dụng. Lợi dụng thuộc tính tâm lý này của nạn nhân, tội phạm “tín dụng đen” trên không gian mạng ra sức sử dụng tính chất lan truyền thông tin nhanh chóng, rộng rãi của mạng Internet để quảng bá, tiếp cận “con mồi” với những lời mời chào vay vốn hấp dẫn nhưng thực chất là đang giăng những cái bẫy “tín dụng đen”. Điển hình, đằng sau lời mời chào vay vốn với lãi suất thấp, thậm chí thấp hơn lãi suất ngân hàng là hàng loạt các loại phí như phí hồ sơ, phí phạt trả chậm,..và mức lãi suất mà nạn nhân phải gánh chịu có thể lên tới từ hàng trăm tới hàng nghìn % mỗi năm. Vai trò của nạn nhân như là nguyên cớ phát sinh hoặc thúc đẩy tội phạm. Chính sự mơ hồ trong nhận thức của nạn nhân về “tín dụng đen” đã tạo điều kiện thuận lợi để đối tượng khai thác, lợi dụng để thực hiện hoạt động phạm tội.
Thứ hai, tâm lý cần tiền để giải quyết nhu cầu cấp bách. Nạn nhân trong các vụ án liên quan đến tội phạm “tín dụng đen” trên không gian mạng chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động cần những khoản vay nhỏ. Về cơ bản, nạn nhân của loại tội phạm loại này đều nhận thức được việc vay “tín dụng đen” sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn, thậm chí là hệ lụy cho bản thân và gia đình nhưng vẫn chấp nhận đi vay với lãi suất cao vì nhiều lý do khác nhau. Thực tiễn cho thấy, thường có 02 nhóm nạn nhân: Một là những người có nhu cầu vay vốn chính đáng để kinh doanh, sản xuất, sinh sống,.. Hai là những đối tượng có mục đích sử dụng nguồn vốn trái pháp luật, vay “tín dụng đen” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác hoặc để đầu tư mạo hiểm vào những lĩnh vực không được pháp luật khuyến khích. Khi có nhu cầu sử dụng tiền nhưng không thể vay mượn được từ người thân, trong khi thủ tục vay vốn từ ngân hàng hay các công ty tài chính chính thống lại phức tạp, nạn nhân thường tìm đến “tín dụng đen” trên không gian mạng vì nó đáp ứng được vấn đề thủ tục, giải ngân nhanh, không cần tài sản thế chấp. Như vậy, tâm lý cần tiền ở nạn nhân là một trong những nguyên nhân khiến cho tội phạm liên qun đến “tín dụng đen” trên không gian mạng ngày càng trở nên phức tạp trước nỗ lực phòng ngừa, triệt phá của cơ quan công an.
Thứ ba, tâm lý buông xuôi, bỏ mặc nợ nần của nạn nhân. Trên thực tế, nhiều nạn nhân của hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng tìm cách trì hoãn, tạo chứng cứ giả về việc vỡ nợ rồi bỏ trốn hoặc gây tranh chấp kéo dài. Những trường hợp này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là bản thân nạn nhân không còn khả năng chi trả để thoát khỏi “vòng xoáy nợ nần” nên chấp nhận sống chung với nó, hay một số người vay có mục đích vay vốn không chính đáng, muốn trục lợi, vay không muốn trả... Tâm lý trên là nguyên nhân dẫn đến các hành vi của tội phạm “tín dụng đen” trên không gian mạng như: nhắn tin, gọi điện, đăng tin trên mạng xã hội để đe dọa, khủng bố tinh thần nạn nhân và gia đình, siết nợ, ép buộc nạn nhân bằng mọi giá phải trả tiền và làm phát sinh một số loại tội phạm như: cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, xúc phạm nhân phẩm danh dự.. Có thể nói, tâm lý liên quan đến việc trả nợ “tín dụng đen” của nạn nhân chi phối mạnh mẽ đến các hoạt động vi phạm pháp luật tiếp theo của các đối tượng phạm tội loại này.
3. Dự báo trong thời gian tới, dưới tác động của nền kinh tế thị trường và sự phát triển như “vũ bão” của công nghệ thông tin, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng sẽ tiếp tục tăng cường sử dụng nền tảng số, tích cực khai thác tiềm năng của không gian mạng để xây dựng mạng lưới “tín dụng đen” mang tính chất liên tỉnh và xuyên quốc gia, nhằm mở rộng quy mô khoản vay và số lượng người vay một cách mạnh mẽ. Các đối tượng sẽ không ngừng biến tướng hành vi vi phạm pháp luật của mình, núp bóng dưới những công ty tài chính, tạo ra các ứng dụng, website hấp dẫn và tiếp tục đổi mới các hình thức quảng cáo để vừa tiếp cận được người có nhu cầu, vừa tránh khỏi sự phát hiện, triệt phá của cơ quan công an. Đặc biệt, chúng tiếp tục thực hiện “đơn giản hóa” thủ tục vay, đánh trúng vào tâm lý vay nhanh của người vay càng dễ khiến họ “sập bẫy”.
Ở góc độ tâm lý nạn nhân, các yếu tố như điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, tình trạng thất nghiệp phổ biến, tỷ lệ huy động vốn nhiều, lạm phát gia tăng, đời sống người dân còn gặp phải nhiều khó khăn đã dẫn đến nhu cầu vay vốn, vay nợ ngày càng nhiều, do đó các hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng sẽ ngày càng “nở rộ”. Các đối tượng sẽ tăng cường sử dụng nền tảng số, tích cực khai thác tiềm năng của không gian mạng để xây dựng mạng lưới “tín dụng đen” nhằm đánh trúng vào tâm lý người vay càng dễ khiến họ “sập bẫy”. Tâm lý nạn nhân là một trong những yếu tố quan trọng, chi phối tâm lý, thủ đoạn, ý chí hành động phạm tội của đối tượng. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng trong thời gian tới, dưới góc độ tâm lý nạn nhân cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền, kết hợp giữa các phương tiện, biện pháp truyền thống với các kênh truyền thông xã hội về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để nâng cao nhận thức cho người dân về phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm. Tuyên truyền để người dùng mạng thận trọng khi vay tiền trực tuyến (vay qua trang web, qua app), cần tìm hiểu kỹ trước khi vay tiền; không vay tiền của các ứng dụng hoạt động trái phép trên không gian mạng; khi bị các đối tượng gọi điện đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm cần khai báo với cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định… Đồng thời cải thiện, nâng cao chỉ sổ phổ cập tài chính, tuyên truyền, giáo dục, trang bị cho người dân những kiến thức cần thiết về các quy định, thủ tục vay vốn theo pháp luật. Khi người dân đã nâng cao nhận thức về trách nhiệm, họ sẽ tự có ý thức bảo vệ bảo vệ bản thân khỏi “tín dụng đen”, người có nhu cầu sẽ tìm đến các hình thức vay vốn chính thống, được pháp luật cho phép và tránh được hậu quả xấu xảy ra; kịp thời tố giác tội phạm, cung cấp các thông tin cần thiết cho cơ quan chức năng, góp phần trong công tác phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm. Bên cạnh đó, việc phổ biến, giáo dục pháp luật còn là một biện pháp để răn đe, cảnh báo những người đang, hoặc có ý định thực hiện phạm tội, biết những hậu quả về mặt pháp lý có thể phải gánh chịu, để từ bỏ ý định phạm tội, từ đó tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh, một không gian mạng phát triển văn minh.
Hai là, các cơ quan chức năng cần tham mưu với Đảng, Nhà nước hoàn thiện, bổ sung các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định về thủ tục vay vốn, tạo ra chính sách hỗ trợ tín dụng an toàn, đáng tin cậy, thiết thực với nhu cầu cũng như điều kiện, hoàn cảnh của người vay. Theo đó, cần tập trung rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, phát hiện những sơ hở, bất cập không còn phù hợp với thực tiễn để tham mưu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, ban hành các quy định, góp phần giải quyết, đáp ứng một cách thiết thực nhu cầu tín dụng của người dân. Đồng thời xây dựng những kênh tín dụng chính thống theo quy định của pháp luật, phù hợp với thu nhập, mức sống của người dân và phải loại bỏ những thủ tục “rườm rà” để người dân dễ dàng tiếp cận nhưng vẫn cảm thấy an toàn khi vay tín dụng của Nhà nước.
Ba là, lực lượng Công an cần coi trọng công tác nắm tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng. Lực lượng Công an cần chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin các website, ứng dụng (app) cho vay trực tuyến có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên không gian mạng; nắm tình hình, thu thập, phối hợp xử lý các thuê bao điện thoại phục vụ hoạt động nhắc nợ, thu hồi nợ; tăng cường nắm tình hình về các hội nhóm Zalo, Facebook, Weibo, Telegram, Deepweb... liên quan đến hoạt động cho vay trực tuyến; nắm tình hình, ngăn chặn xử lý các cổng trung gian thanh toán trái phép, dịch vụ chuyển tiền trái phép tại địa phương phục vụ hoạt động chi hộ, thu hộ cho hoạt động “tín dụng đen”; nắm tình hình, thu thập thông tin về hoạt động quảng cáo, tiếp nạn nhân để kịp thời ngăn chặn, triệt phá các hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng tiêu cực đến nạn nhân nói riêng và tình hình trật tự, an toàn xã hội nói chung.
Bốn là , đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ trong phòng ngừa tội phạm hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng giữa các đơn vị chức năng, đặc biệt trong trao đổi, xử lý, xác minh thông tin, tài liệu liên quan đến các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các đối tượng hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia để chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch, kịp thời đấu tranh, triệt phá cũng như truy bắt các đối tượng. Đồng thời, các chủ thể cần chủ động phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao ban, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ về công tác phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng nói chung và công tác nắm bắt tâm lý tội phạm và tâm lý nạn nhân nói riêng để có những biện pháp tác động phù hợp. Với vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng nói riêng, các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để có thể nắm bắt, trao đổi, chỉ rõ điều kiện, nguyên nhân nảy sinh tội phạm và phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi của các đối tượng, từ đó lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Làm rõ một số nguyên nhân dưới góc độ tâm lý nạn nhân của tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở cần thiết trong công tác nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân tội phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung và tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng nói riêng trong tình hình hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
[1] Bộ Công an (2018), “ Kế hoạch số 285/KH-BCNĐA2 ngày 14/2/2019 về Phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” , Hà Nội.
[2] Chính phủ (2019), “ Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2014 Về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dung đen ”, Hà Nội.
[3] Lương Khải Ân (2012), “ Một số khía cạnh pháp lý về “tín dụng đen” , Tạp chí Ngân hàng, số 24, tháng 12/2012, Hà Nội.
[4] Nguyễn Trúc Lê (2018), “ Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Giáo dục tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phổ cập tài chính ở Việt Nam” , Hà Nội.
[5] Trường Đại học Luật Hà Nội (2008) , “ Giáo trình Tội phạm học ” , Hà Nội.
Lý Bảo Khánh, B2D52, T01 - Nguyễn Cảnh Tùng Quân, B5D53, T01
Học viện An ninh nhân dân