Một số nhân tố quy định đến nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra ở Học viện Chính trị

Thứ tư, 16/07/2025 - 16:00

Tóm tắt: Các môn lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò nền tảng trong việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, góp phần định hướng tư tưởng, chính trị cho người học. Bài viết tập trung xác định và phân tích một số nhân tố chủ yếu có tính quy định đến nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra ở Học viện Chính trị.

Từ khóa: chất lượng học tập; lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chuẩn đầu ra; Học viện Chính trị.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, việc nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết. Đây không chỉ là nền tảng tư tưởng mà còn là một phần quan trọng trong việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận, bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ. Tại Học viện Chính trị, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội, việc đảm bảo chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ tri thức, mà còn phải hướng tới việc đáp ứng đầy đủ các chuẩn đầu ra đã được xác định. Điều này đòi hỏi phải nhận thức rõ những nhân tố có tính quy định, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hiệu quả học tập, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, quá trình học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn gặp phải nhiều thách thức, như: sự quan tâm của người học chưa đồng đều, phương pháp giảng dạy đôi khi còn thiếu gắn kết với thực tiễn, trong khi yêu cầu về chuẩn đầu ra ngày càng cao. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, phân tích và làm rõ những nhân tố tác động đến chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra ở Học viện Chính trị là rất cần thiết, không chỉ nhằm khắc phục những hạn chế đang tồn tại mà còn góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị, tư tưởng trong điều kiện mới.

2. Nội dung nghiên cứu

Trong hệ thống giáo dục lý luận chính trị hiện nay, các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có vị trí trung tâm, giữ vai trò then chốt trong việc định hướng tư tưởng và phát triển năng lực toàn diện cho đội ngũ học viên ở Học viện Chính trị. Đây không chỉ là các môn học bắt buộc, mà còn là công cụ nhận thức lý luận giúp học viên hình thành thế giới quan khoa học, phương pháp luận duy vật biện chứng, từ đó có khả năng tiếp cận và giải quyết các vấn đề thực tiễn trong công tác và cuộc sống một cách khách quan, biện chứng và toàn diện. Tuy nhiên, thực tiễn học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra tại Học viện Chính trị hiện nay vẫn còn một số hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu một số nhân tố cơ bản có ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra ở Học viện Chính trị, cụ thể như sau:

Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chỉ huy, sự phối hợp giữa cơ quan, khoa và đơn vị quản lý học viên

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc học viện là yếu tố bao trùm, chi phối tới xác định mục tiêu, yêu cầu, phương hướng, nội dung, hình thức và biện pháp, đồng thời bảo đảm về nhận thức, trách nhiệm, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng đối với nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra hiện nay. Sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra trước những tác động của tình hình mới. Mọi chủ trương, biện pháp, cơ chế chính sách phù hợp của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện sẽ có những tác động tích cực và tạo ra những động lực thúc đẩy hoạt động tích cực của các chủ thể, lực lượng tham gia quá trình nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra ở Học viện Chính trị.

Vai trò tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng, thường xuyên và trực tiếp là Phòng Đào tạo, Phòng Chính trị, Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục - đào tạo… Công tác hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung, nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng của cơ quan chức năng chi phối lớn tới kết quả nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra.

Đảng ủy, chỉ huy khoa, đội ngũ cán bộ chỉ huy các bộ môn là nhân tố quan trọng trực tiếp trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra. Họ vừa là khách thể chịu sự tác động quản lý, kiểm tra, đánh giá của các lực lượng tham gia quá trình dạy - học các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa là chủ thể quyết định trực tiếp đến kết quả nâng cao. Đội ngũ cán bộ quản lý học viên là lực lượng trực tiếp quản lý, định hướng, tổ chức hoạt động học tập và rèn luyện của học viên. Họ tác động một cách tích cực để kích thích niềm say mê, hứng thú, tích cực, sáng tạo trong lĩnh hội và khám phá tri thức cho học viên; định hướng cho học viên về nhận thức và cách thức, phương pháp giải quyết các mâu thuẫn trong quá trình học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, chương trình, nội dung các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Chương trình, nội dung có mối quan hệ chặt chẽ với nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, chương trình, nội dung là nhân tố cơ bản có mối quan hệ hữu cơ với các nhân tố khác của quá trình dạy - học, nó là sự cụ thể hóa mục tiêu, yêu cầu đào tạo của Học viện, quy định hệ thống tri thức cần được chuyển tải đến người học. Chương trình, nội dung các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh khoa học, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo, phù hợp với trình độ và quy luật của quá trình nhận thức sẽ tạo điều kiện cho học viên lĩnh hội tri thức có hiệu quả, nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngược lại, chương trình, nội dung kết cấu không hợp lý, không phù hợp với quy luật nhận thức sẽ làm cho người học khó khăn trong lĩnh hội tri thức và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của học viên. Trước yêu cầu đào tạo ở Học viện Chính trị ngày càng cao, nội dung, chương trình đào tạo với khối lượng kiến thức cần trang bị lớn đã mâu thuẫn với thời gian học tập tại Học viện. Để giải quyết bài toán mâu thuẫn đó, một trong những lời giải là chương trình, nội dung cần được thiết kế khoa học nhằm tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc phát huy tích tích cực trong tự học, tự nghiên cứu của học viên, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Điều đó cho thấy, nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của học viên luôn phụ thuộc vào chương trình, nội dung môn học ở Học viện.

Ba là, ý thức, trách nhiệm, phẩm chất, năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên

Hoạt động của giảng viên có tác động to lớn đến nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra, là nhân tố cơ bản chi phối đến kết quả quá trình nâng cao. Bởi lẽ, hoạt động dạy của giảng viên với tư cách là người tổ chức, điều khiển quá trình dạy học, giáo dục, hoạt động học của học viên và người học với tư cách là chủ thể tiếp thu, lĩnh hội tri thức, hình thành kĩ năng, kĩ xảo, xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức, nhân cách luôn có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, cùng quy định chất lượng và hiệu quả dạy - học các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra. Kết quả của quá trình nâng cao chịu sự tác động bởi chính trình độ, phẩm chất, năng lực sư phạm của người giảng viên. Đội ngũ giảng viên với tinh thần say mê, tâm huyết nghề nghiệp, trình độ chuyên môn sâu, vững, tri thức rộng, có khả năng tư duy, nghệ thuật tổ chức sư phạm sẽ là điều kiện thuận lợi chi phối, ảnh hưởng nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra ở Học viện.

Bốn là, tính tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo của học viên trong học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Tính tích cực, tực giác và sáng tạo là những phẩm chất quan trọng không thể thiếu của người học, phản ánh sự nỗ lực, cố gắng, chủ động, say mê nghiên cứu tìm tòi cái mới, phát hiện và xử lý linh hoạt những tình huống trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Tính tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo là yếu tố không thể thiếu của người học, song đối với học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh những yếu tố ấy giúp học viên tạo cho mình sự hứng thú, say mê tìm hiểu những quan điểm, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; hứng thú với hoạt động thảo luận, làm việc nhóm, cố gắng giải quyết những tình huống trong bài học mà giảng viên đưa ra. Tính tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo của học viên trong quá trình học tập còn là yếu tố thúc đẩy sự hăng say, nhiệt tình giảng dạy của giảng viên, là điều kiện thuận lợi để giảng viên phát huy tốt những phương pháp giảng dạy mới, giúp bài giảng thành công. Bởi vậy, sự chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo của người học là nhân tố suy đến cùng quy định đến nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đẩu ra của Học viện.

Năm là, môi trường, điều kiện, khả năng đảm bảo thực tế cho giảng dạy và học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Học viện

Môi trường đào tạo ở Học viện Chính trị là tổng hoà các yếu tố, các mối quan hệ, các điều kiện vật chất, tinh thần, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, đạo đức, lối sống… hợp thành một chỉnh thể thống nhất tác động trực tiếp đến quá trình giáo dục - đào tạo của Học viện. Trong quan hệ với môi trường sống và hoạt động của Học viện nói chung, môi trường đào tạo chỉ là một bộ phận. Song, đây là bộ phận có vai trò quan trọng chi phối hoạt động của các lực lượng đào tạo, tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của học viên.

Môi trường đào tạo ở Học viện Chính trị biểu hiện thông qua quan hệ cơ bản giữa các hoạt động của chủ thể: quan hệ giữa lãnh đạo và chỉ huy, giữa cơ quan với khoa và đơn vị, giữa giảng viên và học viên, giữa giảng viên với giảng viên, giữa học viên với học viên, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa chủ thể hoạt động giáo dục - đào tạo và điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm,… Những mối quan hệ cụ thể này hết sức phong phú và phức tạp, chúng đan xen nhau, tạo thành khả năng thực tế chi phối mọi hoạt động của các chủ thể nâng cao. Môi trường đào tạo là nơi nhằm tối ưu hoá hoạt động của tất cả mọi lực lượng và phương tiện tham gia quá trình nâng cao, định hướng chúng theo một khuynh hướng chung, xác định nhằm tạo ra sự gắn kết nhịp nhàng giữa đào tạo và tự đào tạo, học tập và tự học tập đồng thời phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của học viên trong quá trình học tập. Do đó, môi trường đào tạo là nhân tố, điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra ở Học viện.

3. Kết luận

Quá trình nghiên cứu một số nhân tố tác động đến chất lượng học tập các môn lý luận Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra ở Học viện Chính trị có thể thấy rằng chất lượng học tập các môn các môn lý luận Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chịu sự chi phối bởi nhiều nhân tố khác nhau. Trong đó, không có một yếu tố nào mang tính quyết định tuyệt đối, mà là sự tổng hòa tác động qua lại, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn diện và linh hoạt trong quản lý đào tạo. Việc nghiên cứu các nhân tố quy định nâng cao chất lượng học tập các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ không chỉ giúp đáp ứng chuẩn đầu ra một cách thực chất mà còn góp phần hình thành những thế hệ cán bộ Quân đội "vừa hồng, vừa chuyên" trong tương lai.

Đậu Vĩnh Phúc, Nguyễn Đình Công, Dương Văn Chiến

Học viện Chính trị - Bộ Quốc Phòng

Tài liệu tham khảo

1. Trần Hậu Tân (2022), "Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các nhà trường quân đội hiện nay", Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 11/7/2022.

2. Trần Thị Thu Hằng (2024), "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay", Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 10/12/2024.

3. Đoàn Thế Hanh (2021), "Nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học", Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 14/4/2021.