TNV - Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời hy sinh, phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người- tâm điểm của nhân cách văn hoá Hồ Chí Minh.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp cách mạng, và tương lai của dân tộc, tiền đồ tươi sáng của của Tổ quốc; luôn đặc biệt quan tâm tới công tác tổ chức, giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau có nội dung toàn diện, xin nêu mội số nội dung cơ bản sau:
a) Khẳng định vai trò quan trọng của công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ cách mạng cho đời sau
Trên cơ sở khẳng định vị trí, vai trò thế hệ trẻ đối với cách mạng và đối với tương lai của dân tộc, thể hiện niềm tin trọn vẹn của Người vào thế hệ trẻ, Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu cho Đảng có kế hoạch chăm lo đào tạo bồi dưỡng toàn diện cho thế hệ trẻ, để họ trở thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” . Theo Người, giáo dục đào tạo là việc làm cần kíp, trước tiên. Ngay sau khi giành được chính quyền, trước yêu cầu phải kiến thiết nước nhà, trong điều kiện đất nước hơn 90% dân Việt Nam mù chữ, Hồ Chí Minh đã xác định: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí” (S.đ.d T4, Nxb CTQG, HN, 2000, tr36). Bởi, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” . Bước vào thời kỳ xây dựng, kiến tạo đất nước, Người đòi hỏi: “Bây giờ xây dựng kinh tế. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu” (S.đ.d T8, tr184). Ngay khi đất nước còn tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân, đế quốc, Người vẫn luôn khẳng định công tác đào tạo, giáo dục là công việc quan trọng và cần kíp: “Chúng ta cần phải có một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc” bởi “Chúng ta phải đào tạo cán bộ mới và giúp đỡ cán bộ cũ theo tôn chỉ kháng chiến và kiến quốc”.
Khi đất nước phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà, Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu: văn hoá, giáo dục là một mặt trận, “văn hoá giáo dục phải phát triển mạnh để phục vụ yêu cầu của cách mạng. Văn hoá giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”(S.đ.d T10, tr190).
b) Khẳng định nội dung giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng toàn diện thế hệ trẻ cho đời sau
Từ việc đánh giá cao vị trí vai trò của thế hệ trẻ, đánh giá cao vai trò của công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu phải giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ một cách toàn diện. Trong Thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hoá , ngày 31.8.1960, Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất” (S.đ.d T10, tr190).
Thứ nhất, giáo dục, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ.
Trong giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, Hồ Chí Minh luôn quan niệm đức và tài là hai nội dung không thể thiếu được, trong đó đức là gốc. Người xem đạo đức như ngọn nguồn của sông, như gốc của cây, như sức mạnh của con người: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (S.đ.d, T5, tr252). Trong giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, theo Hồ Chí minh cần quán triệt những nội dung sau:Giáo dục lòng tuyệt đối trung thành với Tổ quốc với Đảng và hiếu với dân.
Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng, nó là một thứ cỏ dại, đòi hỏi phải nhổ tận gốc: “Chủ nghĩa cá nhân trái với đạo đức cách mạng, nếu nó còn trong mình, dù ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng, một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc, Vì thế mà càng nguy hiểm” (S.đ.d T9, tr384).
Thứ hai, Giáo dục giác ngộ xã hội chủ nghĩa.
Theo Hồ Chí Minh giáo dục sự giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho thế hệ trẻ là giáo dục sự nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội: “Người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên thế giới” (S.đ.d T11, tr372).
Thứ ba, Giáo dục văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất. Ngay sau khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ của cách mạng là: diệt giặc đói, giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Theo Người, dốt là một kẻ thù. Lênin cũng khẳng định, thất học thì đứng ngoài chính trị. Do đó phải giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ về kiến thức văn hoá, khoa học kỹ thuật, lao động và sản xuất...
c) Về phương thức giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ
Thứ nhất, Học đi đôi với hành, lý luận kết hợp với thực tiễn. Theo Hồ Chí Minh, học phải đi đôi với hành, học để hành, học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Ngày 21.10.1964 nói chuyện với thầy giáo và sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Người căn dặn: “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tiễn, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau” (S.đ.d T11 tr311). Ngoài ra, Người còn nhấn mạnh giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ phải gắn với thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân: “Giáo dục thế hệ trẻ không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh của xã hội” (S.đ.d T7, tr 455)
Thứ hai, phải phối, kết hợp các hình thức giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ. Tại lễ khai trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày19.1.1955, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Trường đại học, gia đình và đoàn thể phải liên hệ chặt chẽ với nhau trong việc giáo dục thế hệ trẻ” (S.đ.d T7, tr 455).
Thứ ba, phải đề cao và phát huy tinh thần tự giáo dục, tự rèn luyện của thế hệ trẻ. Theo Người, kết hợp việc giáo dục của nhà trường, của xã hội và của gia đình là hết sức quan trọng, song việc tự rèn luyện, tự giáo dục của thế hệ trẻ mới đóng vai trò quyết định. “Thế hệ trẻ bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy phải tự giác, tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình” (S.đ.d T9, tr172).
Thứ tư, giáo dục thế hệ trẻ thông qua gương người tốt, việc tốt. Đồng thời với việc yêu cầu tinh thần tự rèn luyện của thế hệ trẻ, Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm việc giáo dục, đào tao, bồi dưỡng thế hệ trẻ thông qua những gương người tốt việc tốt: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” (S.đ.d T12, tr558).
Thứ năm, phải tập hợp thế hệ trẻ trong các tổ chức và thông qua các tổ chức để giáo dục thế hệ trẻ . Ý thức đầy đủ về vai trò của các đoàn thể trong tập hợp, giáo dục thế hệ trẻ, sau khi tìm được con đường cứu dân, cứu nước và nhận thức sâu sắc về vai trò của thế hệ trẻ, năm 1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng thế hệ trẻ. Sau này, nhân Đại hội đại biểu toàn quốc Hội liên hiệp thế hệ trẻ Việt Nam, (1956) Người một lần nữa khẳng định vai trò của tổ chức trong việc tập hợp và giáo dục thế hệ trẻ: “Nhờ sự giáo dục, bồi dưỡng của Đảng, của Đoàn, nhiều chiến sỹ, anh hùng thế hệ trẻ đã nảy nở trong Cách mạng tháng Tám, trong cuộc toàn dân kháng chiến và trong xây dựng nước nhà hiện nay” (S.đ.d T8, tr261).
Ngày nay, nước ta mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn thử thách, song dưới ánh sáng soi đường của tư tưởng Hồ Chí Minh và các Nghị quyết của Đảng, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thế hệ trẻ Việt Nam mãi mãi đi theo con đường Bác đã chọn, đất nước ta nhất định giành được thắng lợi to lớn thoả lòng mong ước của Người.
Đỗ Công Tiến