Một số suy nghĩ về công tác đánh giá và sử dụng cán bộ cơ sở ở Thanh Hóa hiện nay

Thứ hai, 02/10/2017 - 09:19

TNV - Đánh giá và sử dụng cán bộ là hai việc quan trọng trong công tác cán bộ. Đánh giá cán bộ là khâu mở đầu, là tiền đề trong công tác cán bộ; nếu đánh giá đúng về phẩm chất, tài năng, chiều hướng phát triển của cán bộ là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ; tạo ra động lực mạnh mẽ, động viên cán bộ cống hiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngược lại, nếu đánh giá không đúng sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng cán bộ không hợp lý, không phát huy được khả năng của cán bộ, hiệu quả công việc thấp, thậm chí còn có những sai phạm do vô ý hoặc cố ý làm trái chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, mất niềm tin của quần chúng nhân dân; bởi vậy, đánh giá và sử dụng cán bộ phải được xem xét, thực hiện thống nhất trên nền tảng những quan điểm và phương pháp đúng đắn, khoa học.

Đánh giá cán bộ là nhận xét về những tiêu chí, tiêu chuẩn, kết quả công việc của cá nhân hay tập thể trong điều kiện và thời gian xác định. Sử dụng cán bộ là lấy năng lực, các tiêu chí, tiêu chuẩn của cán bộ để phục vụ cho công việc.

Như vậy,công tác đánh giá và sử dụng cán bộlà việc tổ chức, cá nhân nhận xét về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, các tiêu chí, tiêu chuẩn, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức; từ đó, làm cơ sở cho việc lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Trong những năm qua, công tác đánh giá và sử dụng cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cấp cơ sở tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đúng quy trình; đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ; công khai, minh bạch, các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ ngày càng cụ thể, lượng hóa; do đó, chất lượng đánh giá và sử dụng cán bộ được nâng cao.Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đánh giá và sử dụng cán bộ ở một số địa phương có lúc, có nơi còn chưa thực sự khách quan, dân chủ, không lấy hiệu quả công việc làm thước đo; chưa lắng nghe, tôn trọng các ý kiến khác nhau trong tập thể; việc bố trí cán bộ còn nặng về cơ cấu, bị động khi bố trí cán bộ chủ chốt ở một số địa phương; chưa mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ, cán bộ nữ, có tình trạng bố trí những người có mối quan hệ thân quen.Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/3/2012 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020” đã chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm về công tác cán bộ “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, còn có biểu hiện nể nang, né tránh, chưa nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá chưa thật sự công tâm, khách quan, dân chủ, công khai. Tiêu chí đánh giá còn chưa đủ rõ. Kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị chưa gắn với kết quả thực hiện chính trị được giao. Quy hoạch cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng đào tạo cán bộ chưa cao. Quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ chưa thực sự phát huy và mở rộng dân chủ. Việc điều động, luân chuyển cán bộ chưa được nhiều, thời gian luân chuyển của cán bộ ngắn, chính sách cán bộ còn nhiều bất cập”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII (2015-2020) cũng nêu lên “Đánh giá cán bộ không ít nơi còn nể nang, chưa đúng thực chất; một số nơi còn sai phạm trong tiếp nhận, bố trí, sử dụng cán bộ, ...”.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng công tác đánh giá và sử dụng cán bộ cấp cơ sở tỉnh Thanh Hóa, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất,đ ổi mới nhận thức, thống nhất quan điểm về công tác đánh giá và sử dụng cán bộ

Cán bộ là cái gốc của công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Nếu cán bộ giỏi, cán bộ tốt thì mục tiêu của tổ chức được trở thành hiện thực và ngược lại. Do đó, phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá và sử dụng cán bộ.

Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị, địa phương - những cán bộ được phân công phụ trách, tham mưu về công tác đánh giá và sử dụng cán bộ cần phải nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng đó để lựa chọn, bố trí và sử những cán bộ có đức - tài, đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn, hết lòng, hết sức thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ sự phát triển của cơ quan, đơn vị và đem lại sự hài lòng cho quần chúng nhân dân

Thứ hai, x ây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí, tiêu chuẩn của cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác đánh giá và sử dụng cán bộ

Trên cơ sở chủ trương, hướng dẫn của cấp trênvề công tác đánh giá và sử dụng cán bộ; các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục cụ thể hóa bộ tiêu chí, tiêu chuẩn riêng phù hợp với điều kiện thực tế nhằm đánh giá kết quả, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ và sự đóng góp thực tế của cán bộ; có như vậy, việc đánh giá đối với từng chức danh cán bộ mới bảo đảm được khách quan, công tâm. Khi có được các tiêu chí đánh giá cán bộ khoa học, thực tế và có sự đánh giá công khai, minh bạch chất lượng công tác cán bộ sẽ được nâng lên.

Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị đang rà soát lại chất lượng đội ngũ, xây dựng khung năng lực quy định vị trí việc làm đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ ba, đ ánh giá và sử dụng cán bộ phải đảm bảo các yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng tiêu chuẩn cán bộ, lấy hiệu quả công việc và uy tín làm thước đo.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương để xem xét, lựa chọn cán bộ có đủ các tiêu chí phù hợp, đồng thời, cần căn cứ vào hiệu quả công việc, vào uy tín của cán bộ để bố trí, bổ nhiệm nhằm nâng cao chất lượng công việc.

Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa năm 2012 cũng đã đưa ra quan điểm: “Xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có đức, có tài, lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và uy tín làm thước đo để đánh giá, bố trí cán bộ”. “Đổi mới công tác cán bộ theo phương châm: chuẩn hóa, trẻ hóa, thực tiễn hóa”.Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp về công tác cán bộ, “… Lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo đánh giá cán bộ; đề cao vai trò của người đứng đầu trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ; thực hiện nghiêm túc, thiết thực việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ LĐ,QL theo quy định…”

Thứ tư, t hực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ

Công tác cán bộ bao gồm các khâu, nhận xét, đánh giá; quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng; luân chuyển, sắp xếp, bố trí, sử dụng và thực hiện các chính sách cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ là khâu quan trọng nhất, là tiền đề cho việc bố trí cán bộ và quy hoạch cán bộ; đồng thời, quy hoạch cán bộ là cơ sở để thực hiện luân chuyển, đào tạo cán bộ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài.Chính vì vậy, cần phải thực hiện đồng bộ các khâu để đem lại hiệu quả cao trong công tác cán bộ; chỉ khi đánh giá công tâm, khách quan thì mới có thể nhìn thấy những ưu, nhược của cán bộ và xem ai xứng đáng, phù hợp để đưa vào quy hoạch và đưa đi đào tạo, từ đó bố trí và sử dụng cán bộ hiệu quả, thiết thực nhất. Ngược lại, nếu cán bộ tốt, có năng lực nhưng không đưa vào quy hoạch hoặc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng nhưng không bố trí, sử dụng hoặc sử dụng nhưng không thực hiện tốt các chính sách cán bộ cũng sẽ không thể phát huy hiệu quả, chất lượng trong công tác cán bộ.

Thứ năm, t ăng cường trách nhiệm đánh giá và sử dụng cán bộ của người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị

Cần tăng cường trách nhiệm đánh giá và sử dụng cán bộ của cấp có thẩm quyền và người đứng đầu các đơn vị. Tập trung nghiên cứu, tổng kết công tác quản lý, đánh giá cán bộ thời gian qua để đổi mới công tác quản lý, đánh giá cán bộ tốt hơn; bổ sung quy định trách nhiệm của người tiến cử, của cơ quan tham mưu và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc đề nghị bổ nhiệm và ra quyết định bổ nhiệm cán bộ.

Tóm lại, đổi mới và nâng cao chất lượng đánh giá, sử dụng cán bộ cấp cơ sở tỉnh Thanh Hóa hiện nay là một yêu cầu tất yếu khách quan.Do đó, các địa phương cần cụ thể hoá tiêu chí, tiêu chuẩn đối với vị trí, chuyên môn cán bộ, công chứcđảm nhận đảm bảo tính khách quan, cụ thể, lượng hóa trong đánh giá; tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bám sát yêu cầu của đơn vị; hướng đến xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực, tài năng cho đơn vị; thực hiện thi tuyển cán bộ đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có trình độ lý luận chính trị, giàu kinh nghiệm thực tiễn, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, phấn đấuđến năm 2020 Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ths. Nguyễn Thị Hạnh

Trưởng khoa Dân vận Trường Chính trị Thanh Hóa