Một số vấn đề đặt ra trong việc xây dựng Luật chuyển đổi giới tính tại Việt Nam

Thứ tư, 26/09/2018 - 17:21

TNV - Trong những năm gần đây, sự hiện diện của người chuyển giới tại Việt Nam đang ngày một rõ rệt. Tại Việt Nam hiện nay ước tính có khoảng 300.000 đến 500.000 người chuyển giới.

Pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ công nhận 02 giới tính là nam và nữ, không công nhận giới tính thứ 3. Luật Hôn nhân và Gia đình cũng không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính (Khoản 2 Điều 8). Ngoài ra Luật Hộ tịch, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật thi hành án hình sự …chưa có quy định đối với người chuyển đổi giới tính.

Chính các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đó đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương. Họ bị kỳ thị và phân biệt đối xử ở chính gia đình, nhà trường, cơ sở y tế và nơi công cộng. Họ gặp nhiều khó khăn trong tình yêu và hôn nhân; Cơ hội tiếp cận với việc làm và y tế của họ cũng bị giới hạn, đặc biệt đối với những người dùng cảm bộc lộ bản dạng giới và sống đúng với giới tính mình mong muốn.

Họ cũng gặp nhiều rắc rối trong các vấn đề về pháp lý: Không được đổi tên và xác định lại giới tính, không được sống như một người bình thường: Tham gia giao thông, sử dụng các dịch vụ công cộng…

Tình trạng bị lạm dụng tình dục và bạo lực trong cộng đồng chuyển giới cũng ở mức đáng báo động. 23% cho biết đã bị buộc phải quan hệ tình dục, và 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra, 83% người được hỏi chia sẻ là bị chế giễu bởi vì họ là người chuyển giới. Tuy nhiên, những con số kể trên chưa thể phản ánh đầy đủ về bức tranh cộng đồng chuyển giới ở Việt Nam do chưa đề cập đến cộng đồng người chuyển giới nam, những người chuyển giới chưa lộ diện và chưa đến độ tuổi thành niên.

Trong khi các dịch vụ y tế, pháp lý và xã hội cho người dân nói chung đang ngày càng được cải thiện ở Việt Nam, dịch vụ cho người chuyển giới hầu như không có, gây trở ngại cho cộng đồng trong việc thực hiện một trong những quyền cơ bản nhất của con người - quyền được sống khỏe mạnh.

Hầu hết người chuyển giới tự điều trị nội tiết tố (hormone) mua ở “chợ đen”. Một số rất ít người chuyển giới có điều kiện kinh tế mới có thể ra nước ngoài hoặc tìm đến các cơ sở không hợp pháp ở Việt Nam để thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Nhiều người đã chết hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị nội tiết tố hay tự tiêm silicone.

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 trên cơ sở tôn trọng quyền con người đã mở đường cho phong trào kêu gọi quyền của những người chuyển giới. Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã đặt một mốc quan trọng đối với phong trào của người chuyển giới bằng việc thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính, mặc dù Luật này chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển đổi giới tính. Hiện nay Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế soạn thảo để đưa vào ban hành trong năm 2019.

Dự thảo Luật đã được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) – cơ quan phụ trách soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng người chuyển giới Việt Nam và nhiều điểm của Dự thảo đã được sửa đổi để đáp ứng quyền của người chuyển giới. Tuy nhiên, trên thực tế, so với nhiều quốc gia khác, dự thảo này thời gian qua cũng mang đến nhiều tranh luận, với nhiều vấn đề trắc trở mà người chuyển giới đang gặp sẽ vẫn chưa được tháo gỡ khi luật ra đời nhưng chưa bổ sung những xu hướng tiến bộ.

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính có một số điểm quan trọng còn nhiều ý kiến trao đổi chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng người chuyển giới. Cụ thể tại điểm 5 Điều 2 dự thảo quy định: “Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh dục đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện”. Như vậy theo điểm này trong dự thảo, các cá nhân muốn được thừa nhận là người chuyển đổi giới tính bắt buộc phải điều trị nội tiết tố sinh dục và phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục.

Quy định như khoản 2 Điều 2 của dự thảo sẽ dẫn đến rất nhiều người chuyển giới ở Việt Nam có nguy cơ không được hưởng lợi từ dự thảo Luật này vì một số điều kiện sau: Về kinh tế họ không có đủ tiền để chi trả; về sức khỏe một số người không đáp ứng với hormone, bị shock khi tiêm hormone dẫn tới tử vong, hoặc điều kiện sức khỏe không thể sử dụng hormone hay phẫu thuật. Đã có những trường hợp người chuyển giới chết do sốc thuốc khi tự tiêm hormone, may mắn hơn thì được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng còn biết bao nhiều các bạn khác đang từng ngày từng giờ đánh cược mạng sống của mình bất chấp rủi ro về địa lý, điều kiện chăm sóc y tế...

Nếu Luật Chuyển đổi giới tính có thể thay đổi được điểm này - không bắt buộc can thiệp y học - sẽ mang tính tiến bộ và nhân văn, đảm bảo quyền con người từ đó tạo điều kiện cho người chuyển giới lao động, học tập như tất cả công dân khác và có đóng góp tốt hơn cho sự phát triển chung của đất nước.

Theo lộ trình xây dựng và ban hành của Luật Chuyển đổi giới tính, dự thảo dự kiến được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2018 nhằm kịp thời đáp ứng mong muốn của người chuyển giới được hòa nhập với xã hội và được pháp luật công nhận. Song có nhiều lý do đến nay Luật chuyển đổi giới tính vẫn chưa được trình Quốc hội. Điều đó đồng nghĩa với việc, hiện nay hàng trăm ngàn người chuyển giới vẫn tiếp tục phải chờ đợi và trì hoãn được hưởng các quyền công dân căn bản.

Trên thực tế cũng không ít trường hợp đã gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị hormone hay tự tiêm silicone do dịch vụ y tế cho người chuyển giới ở Việt Nam chưa được coi là hợp pháp. Và những câu chuyện về những người chuyển giới thân cô thế cô nơi đất khách đi phẫu thuật “chui” ở những cơ sở tạm bợ, không giấy phép, không đảm bảo điều kiện tối thiểu về y khoa cũng không phải là hiếm. Việc sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính và cởi mở trong các quy định của bộ Luật này theo xu hướng tiến bộ của thế giới là mong muốn không chỉ của người chuyển giới mà còn của cả người cung cấp dịch vụ liên quan cũng như cộng đồng.

Việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính được tiếp cận dưới góc độ tôn trọng, bảo đảm quyền của người chuyển đổi giới tính, bảo đảm cho họ được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn; trong đó, các quy định về người chuyển đổi giới tính vẫn gắn với khía cạnh về đạo đức, truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Cũng theo Bộ Y tế, quan điểm xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính là thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền con người. Ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền con người; thể chế hóa Điều 16, Điều 20, Điều 38 Hiến pháp năm 2013 về quyền không bị phân biệt đối xử trong xã hội, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm và có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người. Bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Bảo đảm quyền lợi cho nhóm yếu thế trong xã hội là người chuyển đổi giới tính được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn.

BH