Một số vấn đề về đào tạo từ xa bậc Đại học ở nước ta hiện nay

Thứ sáu, 04/11/2022 - 08:35

TNV - Lịch sử đào tạo từ xa đã có từ hơn 100 năm nay, tuy nhiên trong khoảng hơn 40 năm gần đây (kể từ khi thành lập trường Đại học Mở Anh quốc năm 1969), đào tạo từ xa (ĐTTX) mới thực sự có những bước tiến nhảy vọt cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Trong kỷ nguyên thông tin và kinh tế tri thức hiện nay, ĐTTX được coi là công cụ hữu hiệu phục vụ học tập suốt đời và phát triển quốc gia ở nhiều nước trên thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á (ASEAN) nói riêng.

Ở nước ta, ĐTTX  bậc đại học trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước còn khá mới mẻ. Từ năm 1993 đến nay, đặc biệt trong 5 năm gần đây, ĐTTX  bậc đại học tại Việt Nam đã có những tiến chuyển về công nghệ, ngành nghề và phạm vi đào tạo. Tuy nhiên, trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, giáo dục nước ta đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện ở mọi cấp học, bậc học, đặc biệt hơn là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động giáo dục của các cơ sở đào tạo, ĐTTX bậc đại học cần xác định lại vai trò và sứ mệnh của mình, đồng thời cần có những đổi mới nhất định để đáp ứng những yêu cầu mà bối cảnh của đất nước đang đặt ra nhằm hướng đến một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, mang tầm khu vực, đồng thời tạo ra một nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong giới hạn bài viết, chúng tôi sẽ trình bày hai vấn đề cụ thể về ĐTTX của nước nước ta hiện nay dưới góc nhìn xu thế hội nhập của đất nước:

- Thực trạng ĐTTX bậc đại học hiện nay.

- Một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng ĐTTX bậc đại học.

1. Thực trạng đào tạo từ xa bậc đại học ở nước ta hiện nay

Bước sang thế kỷ 21, phát triển giáo dục đại học đặt ra yêu cầu lớn đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đào tạo mở và từ xa là giải pháp toàn cầu, là phương thức giáo dục có triển vọng nhất của thế kỷ 21 và là phương thức hỗ trợ việc xây dựng xã hội học tập, là công cụ để học tập suốt đời. Trong những năm qua, hệ thống ĐTTX bậc đại học ở nước ta đã góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho vùng núi, tây nguyên, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Loại hình này đã góp phần thực hiện bình đẳng trong giáo dục, tạo cơ hội cho người dân được học suốt đời, khắc phục được những khó khăn về khoảng cách địa lý giữa người học với trung tâm văn hóa, cơ sở giáo dục, thực hiện chính sách dân tộc và công bằng xã hội về giáo dục. Người học tận dụng được nhiều kênh thông tin để tiếp cận kho tri thức nhân loại, nhà trường bớt được chi phí xây dựng trường, lớp học.

Vai trò cũng như tầm quan trọng của loại hình ĐTTX là không thể phủ nhận và đã được chứng minh ở những thành tựu ĐTTX của các nước phát triển trên thế giới. Ở nước ta, nhận thức được vấn đề ĐTTX trong sự nghiệp phát triển giáo dục, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, đường lối rõ ràng về phát triển ĐTTX. Tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đã xác định: " Hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức học tập, thực hành phong phú, linh hoạt, coi trọng tự học và giáo dục từ xa ". Việc xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển ĐTTX cũng đã được đề cập tại Đề án "Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015 - 2020", được phê duyệt theo Quyết định số 1559/QĐ-TTg, ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ: " Xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển ĐTTX nhằm nâng cao chất lượng chương trình ĐTTX cấp văn bằng và khuyến khích các cơ sở giáo dục áp dụng công nghệ ĐTTX tiên tiến ".

Ngay sau khi có chủ trương áp dụng loại hình đào tạo từ xa ở bậc đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản quy định các điều kiện về tổ chức đào tạo, thi, kiểm tra, cấp chứng chỉ, văn bằng tốt nghiệp theo hình thức giáo dục từ xa. Tại Kế hoạch số 431/KH-BGDĐT ngày 22/6/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo  về thực hiện Đề án "Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015 - 2020", vấn đề chính sách phát triển hình thức ĐTTX cũng đã được trình bày cụ thể hơn, với 2 nhiệm vụ chủ yếu: xây dựng và ban hành Quy chế ĐTTX trình độ đại học thay thế cho các quy định được ban hành kèm theo Quyết định số 40/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 08/8/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xây dựng và ban hành Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình ĐTTX. Bên cạnh đó, công tác tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng ĐTTX của các cơ sở đào tạo cũng được chú trọng nhằm đảm bảo chất lượng của loại hình đào tạo này.

Một số trường trong hệ thống giáo dục đại học sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đưa vào triển khai đã tạo nên bước chuyển tích cực về việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ người học, góp phần tạo cơ hội tốt cho người học cả về không gian và thời gian. Trong quá trình triển khai ĐTTX, các cơ sở đào tạo đại học đã có nhiều cố gắng trong công tác tổ chức quản lý đào tạo, thi kiểm tra học phần, thi tốt nghiệp theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác chuẩn bị học liệu bước đầu được triển khai khoa học, đầy đủ, kịp thời, công tác tư vấn được thực hiện nhằm giúp học viên nhanh chóng hội nhập với phương thức đào tạo mới. Với tính ưu việt của loại hình ĐTTX, đối tượng những người còn khó khăn, chưa có điều kiện đi học thuộc các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã được giải quyết phần nào. Tại các tỉnh, thành phố lớn, đối tượng những người đi làm, đã có việc làm và những người muốn học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho công việc cũng đã được tiếp cận với ĐTTX, giúp họ giải quyết được các khó khăn về mặt không gian, thời gian.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, nhìn vào thực tiễn ĐTTX hiện nay của nước ta, chúng ta cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận loại hình đào tạo này còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng được những mục tiêu, nhiệm vụ về ĐTTX đề ra trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chưa đáp ứng kịp nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của nước nhà và xu thế hội nhập quốc tế của giáo dục hiện nay. Điều này được thể hiện ở một số nhân tố liên quan trực tới quá trình triển khai ĐTTX như: cơ sở hạ tầng; tài liệu, giáo trình đào tạo; quy trình thi, kiểm tra, đánh giá; nguồn lực tài chính...

Về cơ sở hạ tầng , để thực hiện ĐTTX có chất lượng và thể hiện được hết tính ưu việt vốn có của loại hình đào tạo này, trước hết cần phải có sự đầu tư nhất định về cơ sở vật chất đảm bảo như phòng học, thiết bị công nghệ hiện đại có kết nối internet để các học viên có thể học tại nhà, học mọi lúc mọi nơi mà vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hiện nay cho thấy, điều kiện hạ tầng thông tin, cơ sở vật chất và học liệu phục vụ cho ĐTTX còn hạn chế khiến cho loại hình này chưa phát triển như mục tiêu đề ra. Có những nơi, học viên phải đến tận cơ sở đào tạo để học từ xa, phòng học chật chội và số học viên trong một lớp quá cao, không thể đảm bảo chất lượng. Các cơ sở đào tạo chưa chú trọng đúng mức về việc sử dụng thiết bị nghe - nhìn và công nghệ thông tin hiện đại trong triển khai ĐTTX. Điều kiện cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và phần mềm chuyên dụng còn thiếu, còn lạc hậu và chưa đồng bộ.

Về tài liệu, giáo trình đào tạo : Xét về hình thức truyền tải thông tin giữa người dạy và người học, các học giả trên thế giới phân ra thành 2 loại hình: giáo dục tập trung: mặt-đối-mặt (face-to-face) và đào tạo từ xa (distance e duca tion). ĐTTX là loại hình mà trong đó người dạy và người học gián cách nhau về không gian và thời gian trong phần lớn quá trình đào tạo. Vì vậy, sự truyền tải thông tin giữa thầy và trò chủ yếu được thực hiện thông qua hệ thống học liệu được biên soạn và chuẩn hoá. Đây là đặc trưng riêng đồng thời cũng là phương pháp luận của ĐTTX. Tuy nhiên, ở nước ta, thời gian qua, nhiều cơ sở đào tạo chưa có đủ học liệu dành riêng cho ĐTTX, phải dùng giáo trình đào tạo hệ chính quy tập trung cho loại hình ĐTTX. Điều này khiến cho học viên hết sức khó khăn trong học tập và luôn bị động trong tiếp cận tri thức. Chưa có quy định rõ ràng, thống nhất về tiêu chuẩn của học liệu xây dựng cho ĐTTX, những quy định phù hợp về kiểm định và đảm bảo chất lượng đối với hình thức ĐTTX tại Việt Nam hiện nay chưa có nên khó kiểm soát được chất lượng giảng dạy và học tập.

Về quy trình tuyển sinh, thi, kiểm tra, đánh giá : công tác tuyển sinh còn lỏng lẻo, thiếu khoa học, chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhiều nơi còn chạy theo số lượng bởi quan niệm đây là loại hình đào tạo nhằm nâng cao thu nhập cho nhà trường và cán bộ giáo viên mà quên đi sứ mệnh của nó. Bên cạnh đó, công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng ĐTTX chưa được chú trọng đúng mức. Công tác tổ chức thi còn lơi lỏng, thiếu nghiêm túc.

Chương trình và quá trình đào tạo chưa đảm bảo chất lượng. Vấn đề đánh giá và kiểm định chưa được thực hiện tốt, những tiêu chuẩn và hệ thống đảm bảo chất lượng ĐTTX chưa rõ ràng, chưa xác định được cụ thể hệ thống kiểm định và đảm bảo chất lượng phù hợp với bối cảnh trong nước. Thi và kiểm tra, đánh giá chưa thể hiện được tính ưu việt của ĐTTX. Từ lâu nay, việc thi và kiểm tra, đánh giá học viên học loại hình này chủ yếu được tổ chức tại các cơ sở đào tạo ở địa phương theo phương pháp tự luận, có nơi, có lúc chưa đảm bảo được chất lượng và tính khách quan.

Những hạn chế trên là nguyên nhân khiến ĐTTX của nước ta đang bị thách thức nghiêm trọng, điều này thể hiện rõ ở việc giảm niềm tin của xã hội đối với chất lượng ĐTTX và thể hiện qua số lượng tuyển sinh của các cơ sở đào tạo có ĐTTX trên cả nước đã giảm rất nhiều trong những năm gần đây. Điều này trái ngược với xu thế chung của khu vực và thế giới về ĐTTX. Trong số 21 cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tiến hành các chương trình ĐTTX, đến nay chỉ có 17 cơ sở tuyển sinh được. "Trong khoảng 3 năm gần đây quy mô ĐTTX ngày càng giảm sút. Năm 2012, có 17 trường đại học đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh ĐTTX với tổng số là 68.020 chỉ tiêu, quy mô là 161.047 sinh viên theo học 90 chương trình đào tạo (chiếm 6% so với tổng số sinh viên đại học, cao đẳng toàn quốc). Quy mô sinh viên giảm đáng kể, từ 161.047 sinh viên (tháng 10/2012) giảm xuống chỉ còn 70.425 sinh viên (tháng 10/2016)"[5, tr.10].

2. Một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng ĐTTX bậc đại học

Hướng tới một loại hình ĐTTX có chất lượng, đáp ứng nhu cầu về đào tạo và cung cấp  nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế về ĐTTX, ĐTTX nước ta cần có một tầm nhìn, một hướng đi đúng đắn.

Thứ nhất, cần nghiêm túc tổ chức tổng kết kết công tác đào tạo từ xa, tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là ý kiến các cơ sở giáo dục đại học có ĐTTX để thấy rõ được thực trạng của công tác này thời gian qua. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc triển khai công tác ĐTTX trong thời gian tiếp theo.

Thứ hai, coi trọng vấn đề học tập và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm ĐTTX của các nước đã có nhiều thành tựu trong công tác này. Việc copy một mô hình đào tạo ở nước ngoài về là vô cùng dễ dàng, tuy nhiên, áp dụng mô hình ấy để có một kết quả tốt lại là một câu chuyện khó và hết sức phức tạp. Bởi lẽ, chúng ta cần lấy xuất phát điểm là văn hóa, kinh tế, chính trị, bối cảnh giáo dục của nước nhà làm cơ sở cho việc tiếp thu và áp dụng mô hình giáo dục. Cần tính đúng, tính đủ các thành tố làm nên thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, khi đó chúng ta mới có được một sự ứng dụng mô hình thành công, có giá trị thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục trong nước.

Thứ ba, cần chú trọng sự đồng thuận của xã hội đối với công tác ĐTTX. Việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tính ưu việt cũng như những giá trị to lớn mà công tác ĐTTX mang lại là cơ sở quan trọng để chúng ta tiến hành triển khai loại hình đào tạo này có hiệu quả.

Thứ tư, xuất phát từ thực trạng ĐTTX của nước ta trong thời gian qua còn nhiều bất cập cho thấy, chúng ta cần có một bước chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, cơ sở học liệu, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý... trước khi triển khai sâu rộng loại hình đào tạo này. Tận dụng và phát huy tối đa những mặt tích cực của công nghệ hiện đại (công nghệ thông tin, máy tính, internet...) trong ĐTTX. Cần có lộ trình, các bước triển khai hợp lý, rút ra những kinh nghiệm và bài học kịp thời trong từng giai đoạn, tiến tới có sự áp dụng phổ biến sâu rộng.

Thứ năm, phải có quy chế phù hợp cho loại hình ĐTTX. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá khách quan, nghiêm túc đối với chất lượng ĐTTX, chất lượng học tập của người học, chất lượng giảng dạy của đội ngũ nhà giáo và chất lượng quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục để có sự điều chỉnh kịp thời.

Lời kết:

Dù là áp dụng mô hình hay loại hình đào tạo nào trong giáo dục, yếu tố quyết định cho sự thành công hay thất bại chính là chất lượng đầu ra. Chất lượng sản phẩm đầu ra trong một quy trình sản xuất ở một nhà máy sẽ quyết định nhà máy đó tiếp tục tồn tại hay phá sản, chất lượng đầu ra của một quy trình giáo dục ở nhà trường cũng sẽ quyết định cơ sở giáo dục đó có thể đứng vững được hay không. Đầu ra của một quy trình sản xuất là những hàng hóa đơn thuần phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của con người, nhưng đầu ra của một quá trình đào tạo là con người nên có một ý nghĩa, một giá trị đặc biệt vì con người là gốc rễ của vấn đề phát triển xã hội, phát triển đất nước. Thiết nghĩ, việc triển khai và áp dụng ĐTTX cũng cần dựa trên những cơ sở và tiêu chí trên để có được kết quả đào tạo đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao.

( TS. Đào Nguyên Phúc - Ban Tuyên giáo Trung ương)

------------------------------

Tài liệu tham khảo:

  1. 1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, nxb Chính trị Quốc gia, 2021.

  2. 2. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

  3. 3. Quyết định số 1559/QĐ-TTg, ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015 - 2020".

  4. 4. Quyết định số 40/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 08/8/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức đào tạo, thi, kiểm tra, cấp chứng chỉ, văn bằng tốt nghiệp theo hình thức giáo dục từ xa.

  5. 5. Kế hoạch số 431/KH-BGDĐT ngày 22/6/2016 của  Bộ Giáo dục và Đào tạo  về thực hiện Đề án " Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015 - 2020".

  6. 6. Kỷ yếu Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục từ xa theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới, Hà Nội, 2017.