Chuyển đổi số trong giáo dục là quá trình ứng dụng công nghệ số để thay đổi phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo. Trong bối cảnh quân đội đang đẩy mạnh hiện đại hóa, việc chuyển đổi số tại các nhà trường quân đội trở thành yêu cầu cấp thiết. Những năm qua, quán triệt và thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về "Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ tư và hội nhập quốc tế", theo đó, Quân ủy Trung ương xác định mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số: "Phấn đấu đến hết năm 2025 bảo đảm đủ học liệu cho các chương trình đào tạo của các nhà trường, 100% trường áp dụng hệ thống quản lý và tổ chức dạy học dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Đến hết năm 2030, hệ thống học liệu của các nhà trường được chuẩn hóa, hiện đại hóa và thống nhất, 100% trường áp dụng hiệu quả dữ liệu, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động dạy học và nghiên cứu khoa học". Các nhà trường quân đội đã tích cực xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình chuyển đổi số, hướng tới xây dựng mô hình "Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức, thái độ và trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên về chuyển đổi số đã có sự chuyển biến tích cực; công tác đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số được quan tâm. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin và các yếu tố bảo đảm cho chuyển đổi số (như phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số, máy chiếu, camera, cổng thông tin điện tử, thư viện số, thư viện điện tử, trung tâm điều hành thông minh, hệ thống mạng và thiết bị cầu truyền hình) đã từng bước được đầu tư và nâng cấp. Quy trình, chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy và học cũng có sự đổi mới mạnh mẽ, ngày càng chuẩn hóa và hiện đại hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo tại các nhà trường quân đội vẫn còn chậm, chưa có sự đột phá; nguồn lực đầu tư cho nhiệm vụ này còn hạn hẹp. Một bộ phận cán bộ, giảng viên vẫn còn hạn chế trong nhận thức về chuyển đổi số; kiến thức, kỹ năng tiếp cận, khai thác, sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Cơ sở vật chất, hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số còn thiếu và chưa đồng bộ; hệ thống các phần mềm phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý đào tạo còn thiếu tính đồng bộ.
Trong bối cảnh đó, đội ngũ giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội với ưu thế về khả năng tiếp cận công nghệ, cần được trang bị năng lực số để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Để nâng cao khả năng thực hiện chuyển đổi số của đội ngũ giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội hiện nay, cần thực hiện tốt một số yêu cầu cơ bản sau:
Một là, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn của cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng và khoa giáo viên trong các nhà trường quân đội.
Đây là yêu cầu quan trọng, mang tính định hướng và quyết định đến hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho giảng viên trẻ trong các nhà trường quân đội hiện nay. Công tác bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số không chỉ là trách nhiệm của cá nhân giảng viên mà còn là nhiệm vụ chung của toàn bộ hệ thống, trong đó cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì và các cơ quan chức năng đóng vai trò then chốt. Do đó, việc phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức này là yêu cầu khách quan, đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Để thực hiện yêu cầu này, trên cơ sở quán triệt đường lối của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết và hướng dẫn từ cấp trên, cũng như căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng nhà trường, đảng ủy các nhà trường quân đội và cấp ủy đảng trực thuộc cần xác định rõ các chủ trương, biện pháp lãnh đạo cụ thể. Đồng thời, cần phát huy hiệu quả vai trò của Ban giám đốc (Ban giám hiệu), chỉ huy các cơ quan, khoa giáo viên trong việc chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các giải pháp bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho giảng viên trẻ. Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết và đánh giá cần được tiến hành thường xuyên để kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, đồng thời bổ sung những nội dung và biện pháp phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cơ quan, khoa giáo viên và các tổ chức quần chúng trong việc thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất với đảng ủy nhà trường. Các tổ chức này cần chủ động hướng dẫn, triển khai các chủ trương, biện pháp bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số một cách đồng bộ và hiệu quả. Cấp ủy và tổ chức đảng tại các cơ quan, khoa giáo viên cần thường xuyên đánh giá chính xác thực trạng năng lực chuyển đổi số của giảng viên trẻ, từ đó đề ra các chủ trương và biện pháp phù hợp. Cán bộ chủ trì các cơ quan, khoa giáo viên cần cụ thể hóa các chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, đảm bảo công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả cao nhất.
Hai là, cần xuất phát từ đặc điểm, nhiệm vụ và thực tiễn giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng chính quy của từng nhà trường quân đội.
Đây là yêu cầu quan trọng, mang tính nguyên tắc trong quá trình bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho giảng viên trẻ, có ý nghĩa quyết định trong việc xác định mục tiêu, nội dung, hình thức và biện pháp bồi dưỡng. Mỗi nhà trường quân đội có đặc điểm, mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đào tạo khác nhau, do đó, mục tiêu và yêu cầu thực hiện chuyển đổi số cũng có sự khác biệt. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số tại mỗi nhà trường quân đội phải luôn gắn chặt với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng chính quy, nhằm ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào các hoạt động chuyên môn.
Bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho giảng viên trẻ là hoạt động cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, trên cơ sở đồng bộ và toàn diện về nội dung, hình thức và biện pháp. Tuy nhiên, quá trình này phải phù hợp với đặc điểm, mục tiêu và yêu cầu đào tạo của từng nhà trường, đồng thời gắn liền với đặc thù của từng cơ quan, khoa giáo viên và tổ chức quần chúng. Việc thực hiện cần coi trọng tính linh hoạt, sáng tạo trong vận dụng các hình thức và biện pháp bồi dưỡng, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức và lực lượng tham gia. Cần khắc phục tình trạng thực hiện các hình thức, biện pháp bồi dưỡng một cách máy móc, tùy tiện, không thường xuyên hoặc xa rời thực tiễn, dẫn đến chất lượng bồi dưỡng thấp, không đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Yêu cầu này đòi hỏi quá trình bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho giảng viên trẻ phải luôn bám sát tình hình thực tế, đặc điểm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng chính quy của từng nhà trường. Đồng thời, cần căn cứ vào thực trạng năng lực của giảng viên trẻ tại các khoa giáo viên và tổ chức quần chúng để lựa chọn nội dung, vận dụng linh hoạt và sáng tạo các hình thức, biện pháp bồi dưỡng phù hợp. Qua đó, đảm bảo giảng viên trẻ luôn tiên phong, xung kích, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Ba là, cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội.
Đây là yêu cầu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và hiệu quả của công tác bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho giảng viên trẻ trong các nhà trường quân đội hiện nay. Chất lượng bồi dưỡng phụ thuộc lớn vào việc xác định nội dung phù hợp và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp thực hiện. Thực tế cho thấy, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng chính quy luôn đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết nhằm xây dựng các nhà trường quân đội thông minh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Những yêu cầu này đòi hỏi giảng viên trẻ phải thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyển đổi số để có đủ phẩm chất và năng lực toàn diện, tiên phong, xung kích trong việc thực hiện chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện của nhà trường.
Nội dung, hình thức và biện pháp bồi dưỡng là những yếu tố then chốt quyết định chất lượng và hiệu quả của hoạt động này. Do đó, các chủ thể, lực lượng chỉ đạo và tham gia bồi dưỡng cần lựa chọn nội dung vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng nhà trường quân đội. Đồng thời, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức và biện pháp bồi dưỡng sao cho đa dạng, phong phú, đảm bảo tính hiệu quả và chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và đòi hỏi của thực tiễn. Cần huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức, lực lượng với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng thực hiện các hình thức, biện pháp bồi dưỡng một cách máy móc, dập khuôn, hình thức hoặc không sát với thực tiễn, không phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nhà trường, dẫn đến hiệu quả bồi dưỡng thấp, không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Yêu cầu này đòi hỏi quá trình bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho giảng viên trẻ phải luôn bám sát thực tiễn, đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo và thiết thực, nhằm trang bị cho giảng viên trẻ những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tiên phong, xung kích trong công cuộc chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các nhà trường quân đội.
Bốn là, phải kết hợp chặt chẽ giữa việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng tham gia với tinh thần tiên phong, xung kích, sự tích cực, chủ động của đội ngũ giảng viên trẻ trong tự bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số.
Kết quả của việc bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho giảng viên trẻ tại các nhà trường quân đội là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó đóng vai trò quan trọng là sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức, lực lượng, đặc biệt là cấp ủy, chỉ huy các cấp, cùng với sự tham gia trực tiếp của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa giáo viên trong nhà trường quân đội.
Để thực hiện hiệu quả yêu cầu này, các tổ chức và lực lượng tham gia cần xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chủ thể, lực lượng trong công tác bồi dưỡng, dựa trên cơ sở chức trách và nhiệm vụ cụ thể của từng tổ chức, lực lượng, từng cấp, từng ngành. Cần tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn từ cấp trên để triển khai công tác bồi dưỡng một cách hiệu quả. Đặc biệt, cần khắc phục triệt để các hiện tượng tiêu cực như trông chờ, ỷ lại, thiếu trách nhiệm hoặc chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra là phải phát huy tối đa tinh thần tiên phong, xung kích, sự tích cực và chủ động của giảng viên trẻ trong việc tự bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số. Đây không chỉ là quá trình bồi dưỡng từ bên ngoài mà còn cần biến thành quá trình tự bồi dưỡng, tự rèn luyện và phấn đấu của mỗi cá nhân. Các chủ thể và lực lượng tham gia công tác bồi dưỡng cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng nền nếp chính quy trong nhà trường. Từ đó, xây dựng động cơ, thái độ và trách nhiệm đúng đắn, khuyến khích tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, ham học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ và năng lực chuyển đổi số.
Đồng thời, cần có cơ chế kiểm tra, chấn chỉnh, đôn đốc và nhắc nhở kịp thời đối với những biểu hiện thiếu tích cực, đồng thời động viên, khuyến khích những cá nhân tiêu biểu, điển hình. Việc gắn kết quả chuyển đổi số với kết quả đánh giá chất lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên và cán bộ sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên trẻ tại các nhà trường quân đội tự rèn luyện, tự bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyển đổi số của bản thân, góp phần vào sự phát triển chung của nhà trường và ngành giáo dục quân đội trong thời đại số.
Chuyển đổi số trong các nhà trường quân đội là một yêu cầu tất yếu và cấp thiết, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng kịp thời yêu cầu hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để thực hiện hiệu quả quá trình này, đội ngũ giảng viên trẻ - lực lượng nòng cốt trong công tác giảng dạy và nghiên cứu - cần được trang bị đầy đủ năng lực số, bao gồm kiến thức, kỹ năng và tư duy ứng dụng công nghệ vào thực tiễn giáo dục. Việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để giảng viên trẻ phát huy tối đa tiềm năng của mình sẽ là yếu tố then chốt, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số thành công trong các nhà trường quân đội, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Thái Phi - Nguyễn Thị Thùy Giang - Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
Tài liệu tham khảo
- 1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024, Hà Nội.
- 2. Bộ Tổng tham mưu (2022), Kế hoạch chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo ở các nhà trường Quân đội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, số 588/KH-BTTM, ngày 04/3/2022, Hà Nội.
- 3. Đảng bộ Quân đội (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
- 4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, 2, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.
- 5. Quân ủy Trung ương (2022), Nghị quyết về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022, Hà Nội.
- 6. Quân ủy Trung ương (2022), Nghị quyết về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo, số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022, Hà Nội,.
- 7. Quân ủy Trung ương (2025), Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Quân đội, số 3488- NQ/QUTW, ngày 29/01/2025, Hà Nội.