Khi một người không may bị đột quỵ, mỗi giây đều có giá trị bởi chỉ cần chậm 1 giây thì có đến 32.000 tế bào não chết; sau 59 giây thì có 1,9 triệu tế bào não sẽ chết. Vì thế, những gì cần làm trong thời điểm quan trọng đó có thể giúp cứu sống người bệnh. Do đó, khi thấy một người có các dấu hiệu đột quỵ , những người xung quanh nên sơ cứu, chuyển người bệnh vào bệnh viện nhanh nhất và an toàn nhất.
BN Nguyễn Thị Thanh T, một ngày sau cấp cứu tại BV Lê Văn Thịnh
Vừa qua, khoa nội tim mạch lão học BV Lê Văn Thịnh đã cấp cứu kịp thời một bệnh nhân khỏi bệnh và không để lại di chứng. Bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh T, 45 tuổi, vào viện vì đột ngột liệt ½ người bên trái sau đó lơ mơ. Bệnh nhân có tiền căn tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Xác định đây là trường hợp đột quỵ, bệnh nhân ngay lập tức được các BS cấp cứu chụp CT não và khảo sát mạch máu não. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ do tắc động mạch não giữa (một động mạch lớn cung cấp máu gần như toàn bộ 1 bên bán cầu não). Sau khi hội chẩn, thân nhân được tư vấn về việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để phá cục máu đông, tái thông dòng máu. Do đã có người quen từng được cấp cứu đột quỵ nên người nhà ngay lập tức đồng ý, và bệnh nhân được sử dụng thuốc.
Thời điểm bệnh nhân khởi phát tới lúc nhập viện chưa đầy 45 phút và thời gian từ lúc tiếp nhận bệnh nhân tới khi khởi động thuốc tiêu sợi huyết chỉ khoảng 25 phút. Đây là con số đáng khích lệ khi so sánh với khả năng cấp cứu đột quỵ trên cả nước(35 phút). Sau khi tiêu sợi huyết khoảng 15p, bệnh nhân có biểu hiện tỉnh táo hơn, cử động được nhẹ chân tay trái. Bệnh nhân được chuyển ngay sang bệnh viện tuyến trên để can thiệp mạch máu não lấy huyết khối. Nhờ quá trình cấp cứu nhanh chóng, bệnh nhân T đã hồi phục hoàn toàn chỉ sau 1 ngày. Sau xuất hiện 02 tuần, BN T đã có thể tự đi tái khám.
Trước đó, một trường hợp khác, Bệnh nhân Nguyễn Hữu T, 44 tuổi. Bệnh nhân có tiền căn tăng huyết áp, hút thuốc lá. Sau giờ ăn tối, khi đang đi dạo, bệnh nhân đột ngột yếu ½ người trái kèm té ngã. Người nhà lay gọi, bệnh nhân trả lời ú ớ. Nghi ngờ BN bị đột quỵ, người nhà đưa bệnh nhân vào cấp cứu.
Sau quy trình khám bệnh, chụp CT, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não giờ thứ 2 và được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết và khảo sát mạch máu não. Kết quả bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa, cần chuyển đi can thiệp mạch máu khẩn. Chỉ sau 30p kể từ khi nhập Khoa cấp cứu BV Lê Văn Thịnh, bệnh nhân đã được chuyển sang BV Thống Nhất chụp và can thiệp mạch não, sau thủ thuật, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.
Khu điều trị.
Còn BN Phạm Thị B 56 tuổi, BN đang xem tivi thì đột ngột trong tình trạng liệt 1/2 người bên phải kèm mất ngôn ngữ. Điều đáng kích lệ là chỉ 30p sau khi có biểu hiện liệt 1/2 người, người nhà đã nhanh chóng đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện. Sau thăm khám và chụp CT, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não giờ 1. May mắn, sau khi được tư vấn và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, BN đã dần cử động được chân tay và nói được. Cô B hồi phục hoàn toàn sau 01 ngày và được dùng thuốc ngừa đột quỵ.
Những điều không nên làm khi sơ cứu người bị đột quỵ
ThS. BS. CKII Lê Hồng Tuấn Trưởng khoa, khoa nội tim mạch lão học BV Lê Văn Thịnh khuyên:
Nếu thấy một người có những biểu hiện đột quỵ như yếu hai tay, méo miệng, đau đầu,… và họ muốn đi ngủ thì tốt nhất bạn không nên để họ đi ngủ rồi sau đó mới đưa đi cấp cứu. Thời gian đặc biệt quan trọng khi cấp cứu tai biến . Nếu người bệnh ngủ, đồng nghĩa với việc thời gian cấp cứu chậm hơn và các tế bào não sẽ chết đi nhiều hơn, để lại những biến chứng nặng nề và thậm chí còn gây tử vong.
Ngoài ra, khi thấy người bị đột quỵ, không tự ý cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào. Có hai loại đột quỵ là đột quỵ xuất huyết não (do vỡ mạch máu dẫn đến chảy máu não) và đột quỵ do nhồi máu não (do cục máu đông dẫn đến tắc nghẽn mạch máu). Ví dụ, nếu cho người bệnh sử dụng aspirin để làm giảm triệu chứng đau đầu do đột quỵ, người bệnh có thể bị chảy máu não nhiều hơn do aspirin là chất làm loãng máu. Hay người bệnh bị nhồi máu não mà cho uống hạ huyết áp nhanh sẽ làm vùng nhồi máu lan rộng ra do thiếu máu nuối. Vì thế, tốt nhất khi xử trí người bị tai biến mạch máu não thì không tự ý cho người bệnh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Một lưu ý khác là trong khi chờ đợi bác sĩ cấp cứu đột quỵ, người nhà không nên cho người bệnh ăn uống bởi có thể gây sặc, ngạt thở. Đồng thời, cũng không được chích kim vào khóe miệng hay ngón tay của người bệnh hoặc tự ý để người bệnh ở nhà điều trị không có tác dụng gì ngược lại làm cho bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng hay huyết áp tăng vọt do đau.
Giai đoạn sau đột quỵ
ThS. BS. CKII Lê Hồng Tuấn Trưởng khoa, khoa nội tim mạch lão học BV Lê Văn Thịnh cho biết: Bệnh nhân T được gắn thiết bị theo dõi rối loạn nhịp tim gọi là Holter điện tâm đồ 24 giờ. Thông qua thiết bị này, bác sĩ sẽ phát hiện các rối loạn nhịp tim gây đột quỵ. Và trường hợp bệnh nhân T, kết quả holter điện tim cho thấy bệnh nhân bị mắc rung nhĩ, một rối loạn nhịp tạo cục máu đông trong tim, khi cục máu đông này trôi lên não, gây ra đột quỵ. Bệnh nhân được tư vấn sử dụng thuốc chống đông để dự phòng đột quỵ được tối ưu.
ThS BSCKII Lê Hồng Tuấn ( bìa trái) Nhận chứng nhận tiêu chuẩn vàng trong điều trị đột quỵ. Do Chủ tịch hội đột quỵ thế giới trao cho BV Lê Văn Thịnh.
Không phải trường hợp nào cũng may mắn được cấp cứu đột quỵ kịp thời trong thời gian vàng. Nhiều trường hợp người bị đột quỵ dù được cứu sống nhưng vẫn gặp nhiều biến chứng nặng nề, kéo dài.
Sau khi cấp cứu đột quỵ cho người bệnh, bác sĩ lâm sàng sẽ tiếp tục theo dõi khả năng hồi phục, đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh và tư vấn phác đồ phục hồi phù hợp. Các biện pháp phục hồi sau đột quỵ có thể là tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, vận động thể chất, áp dụng hoạt động nhận thức và cảm xúc hoặc xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu,…
Khi chăm sóc người bệnh sau đột quỵ, người nhà cần lưu ý an ủi người bệnh, tránh để người bệnh lo âu, sợ hãi dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra, nếu người bệnh đang chịu những di chứng do đột quỵ, càng cần động viên tinh thần để người bệnh lạc quan hơn và kiên cường điều trị phục hồi.
Cấp cứu đột quỵ tại cấp cơ sở
Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bv hạng 1 trực thuộc Sở Y Tế TPHCM là một trong các cơ sở có cấp cứu bệnh nhân đột quỵ với hệ thống máy CT, MRI hiện đại, đội ngũ bác sĩ điều dưỡng được đào tạo về đột quỵ, giúp cấp cứu nhanh, chính xác cho các bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ. Khi đã chẩn đoán xác định, bệnh nhân sẽ nhanh chóng được dùng thuốc tiêu sợi huyết và chuyển viện can thiệp lấy huyết khối mạch máu não nếu cần.
Mỗi phút trôi qua, bệnh nhân đột quỵ não sẽ mất khoảng 2 triệu tế bào não, do đó việc phát hiện sớm và tới cơ sở có cấp cứu đột quỵ là ưu tiên số 1.
Dự phòng đột quỵ
Sau khi bị đột quỵ, ngoài việc điều trị trong giai đoạn cấp tính, bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân bên dưới gây đột quỵ để điều trị, giảm nguy cơ tái phát cho bệnh nhân.
Ngoài ra, những bệnh nhân có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn nhịp tim, suy thận…cũng là người có nguy cơ đột quỵ. nếu không kiểm soát tốt các bệnh nền. Do đó, việc khám và tầm soát nguy cơ đột quỵ cũng rất quan trọng.
Các kĩ thuật tại BV Lê Văn Thịnh:
Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện Quận 2 trước đây) mỗi năm tiếp nhận từ 400 – 500 ca đột quỵ não. Nhận thấy gánh nặng đột quỵ của người dân trong khu vực xu hướng tăng cao, ngày 07/04/2021, Bệnh viện Lê Văn Thịnh ra công văn chính thức thành lập Đơn vị Đột quỵ trực thuộc khoa Nội Tim mạch, tiến hành tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân đột quỵ.
Hiện nay, đơn vị đột quỵ tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TP.HCM đang áp dụng đầy đủ các kỹ thuật cao giúp cấp cứu người đột quỵ nhanh chóng, hiệu quả. Đơn vị quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp cứu đột quỵ. Với quy trình chuyên nghiệp, chặt chẽ, các bác sĩ có thể can thiệp và rút ngắn thời gian cấp cứu người bị đột quỵ để tăng khả năng điều trị, cấp cứu người bệnh, giúp người bệnh sớm hồi phục, hạn chế tối đa các di chứng, hạn chế tử vong.
Về mặt danh mục kỹ thuật:
- Tiếp nhận, chẩn đoán, cấp cứu đột quỵ
- Tái thông mạch máu não bằng liệu pháp tiêu sợi huyết
- Điều trị nội khoa tích cực trước trong và sau đột quỵ
- Hồi sức đột quỵ với các trường hợp nặng
- Phẫu thuật mở sọ giải áp, lấy khối máu tụ
- Khám tầm soát nguy cơ đột quỵ não
- Phục hồi chức năng sau đột quỵ
Về phương tiện kỹ thuật:
- MRI não - mạch não 1.5 Tesla
- CT 64 – 128 lát cắt (chụp mạch máu não, mạch vành, mạch tạng…)
- Siêu âm doppler tim, Siêu âm động mạch cảnh, Holter ECG 24h…
Nhân lực: Đôi ngũ bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo về điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định.
Tấn Tài