Đảng viên gương mẫu vận động người thân nhường tiêu chuẩn hộ nghèo lại cho các hộ khác khó khăn hơn
Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Xà Hồ Chớ A Sinh và cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo Hờ A Phử, 2 chiếc xe máy đưa chúng tôi len lỏi qua những nhà dân, ruộng lúa đang cấy chạy về phía cuối sườn núi là nơi sinh sống của gia đình Bí thư chi bộ thôn Sáng Pao – anh Tráng A Thào.
Bố anh Thào – ông Tráng A Tông 80 tuổi sống một mình trong ngôi nhà cũ truyền thống của người Mông ngay bên cạnh. Mấy hôm nay trời trở rét nên ông Tông gần như suốt ngày ngôi thu mình bên bếp lửa đang nấu nồi cám lợn to tướng.
Do ông Tông không nói được tiếng phổ thông và tai nghễnh ngãng không nghe rõ tiếng nên anh Thào vừa kể chuyện gia đình vừa phiên dịch giúp bố.
Tác giả trò chuyện cùng bố con ông Tông bên bếp lửa.
Gia đình ông Tông hiện có 7 người con, 4 con gái đã lấy chồng ở riêng, A Thào là con trai trưởng cũng đã có vợ con và tách hộ ở riêng. Con trai kế anh Thào phiêu bạt làm ăn xa cả năm mới về nhà được mấy ngày. Con trai út đang học lớp 11 tại làng trẻ SOS (Tp Việt Trì – Phú Thọ) về ăn tết được một tuần vừa đi. Vợ đã mất năm 2024 và kể từ đó đến nay hộ ông Tông chỉ còn một mình. Hàng ngày ông được gia đình anh Thào ở bên chăm sóc, cơm nước.
Từ thực tế gia đình mình và với trách nhiệm gương mẫu của đảng viên, A Thào nghĩ: “Bố già rồi. Con làm nuôi bố đủ ăn thì nên nhường tiêu chuẩn hộ nghèo lại cho các hộ khác khó khăn hơn nuôi con ăn học”. Nghĩ vậy, A Thào tâm sự với bố đồng ý viết đơn xin thoát nghèo.
Rời gia đình ông Tông, chúng tôi sang thăm gia đình bà Thào Thị Sông 54 tuổi cũng ở thôn Sáng Pao. Bà Sông đang dọn dẹp cửa nhà cho biết, chồng đi chăn đàn dê hơn 10 con ở ngọn núi phía trước từ sáng, tối mới về.
Gia đình bà Sông làm đơn xin thoát nghèo năm 2023.
Thấy khoảng 50 chục bao thóc to xếp ở góc nhà, chiếc máy cày bừa và mấy chiếc xe máy dựng ở chái nhà. Lân la hỏi về đời sống gia đình, bà Sông nói thóc mỗi năm 2,5 – 3 tấn cũng đủ ăn và chăn nuôi, còn bán một ít để mua sắm và sửa nhà, xe máy có 3 cái, cái đẹp kia để đi chơi, còn 2 cái xấu để đi làm. Chỉ tay lên trần nhà và nền nhà bà khoe: “Mấy tháng trước vừa bán con trâu được 20 triệu để lợp mái và đổ bê tông nền nhà cho sạch đấy!”.
Phó Chủ tịch Chớ A Sinh cho biết, năm 2023 thôn Sáng Pao có 13 hộ thoát nghèo, trong đó có 2 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo và là thôn điển hình của xã về công tác giảm nghèo từ nhiều năm nay.
Hỗ trợ cho những hộ có kinh nghiệm chăn nuôi để đảm bảo thoát nghèo bền vững
Trao đổi về công tác giảm nghèo của xã, Chớ A Sinh nói năm 2023 xã Xà Hồ đã triển khai, hỗ trợ làm nhà ở cho 37 hộ nghèo với tổng số tiền là 2,13 tỷ đồng trong đó: làm mới 34 nhà, sửa chữa 03 nhà. Và ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024 vào dịp giáp tết Giáp Thìn vừa qua, xã đã hỗ trợ 39 con bò sinh sản cho 13 hộ
nghèo (mỗi hộ 03 con) thuộc Dự án 3 tiểu dự án 2 đa dạng hóa sinh kế cộng đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Súa vui mừng chăm sóc 3 con bò mới được Nhà nước hỗ trợ.
Ngược dốc về phía đỉnh núi, chúng tôi tới thăm khu chăn nuôi của hộ ông Giàng A Súa 66 tuổi, nằm cách khu sinh hoạt gia đình mấy trăm mét. Ba con bò mà ông Súa mới được Nhà nước hỗ trợ tháng trước, lông vàng mượt đang thong thả ăn cỏ ở trong chiếc chuồng xây cất chắc chắn. Cách đó hơn chục mét là 01 con bò mẹ và 01 chú bê con ở trong chiếc chuồng cũ. “Ở bãi trên nương còn 02 con trâu nữa!.” – gương mặt luôn tươi cười ông Súa khoe.
Ông vui mừng nói: “Sáng nào con trai cũng dậy sớm lên nương cắt 01 xe cỏ voi mang về để mình cho ăn. Nay được Nhà nước hỗ trợ 3 con bò gia đình mình vui lắm. Sẽ cố gắng làm ăn để cải thiện đời sống. Chắc cuối năm gia đình mình sẽ thoát khỏi diện hộ nghèo thôi !”.
Theo trưởng thôn Sáng Pao, Giàng A Sáy Chù: Hiện gia đình ông Súa có 6 khẩu, gồm 2 vợ chồng ông, 2 vợ chồng con trai và 2 cháu nhỏ. Gia đình ông Súa là hộ chăm chỉ làm ăn, có kinh nghiệm chăn nuôi, nên việc hỗ trợ bò cho gia đình ông là địa chỉ đáng tin cậy, tạo cơ hội thoát nghèo bền vững cho gia đình. “Ngoài ra, tất cả 12 hộ được hỗ trợ bò còn lại cũng đều được rà soát rất kỹ, đều là những hộ có kinh nghiệm và đang chăn nuôi trâu bò, có đủ điều kiện về chuồng trại, nương trồng cỏ để thoát nghèo bền vững”, Phó Chủ tịch Sinh tự tin nói thêm.
Cặp vợ chồng trẻ người Mông xã Xà Hồ chăm chỉ xuống đồng cấy lúa vụ chiêm xuân.
Phấn khởi với kết quả của năm 2023, Phó Chủ tịch Sinh nhấn mạnh năm 2024 xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác giảm nghèo; động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2024 là 8%.
Xã Xà Hồ có tổng diện tích tự nhiên 7.905,7 ha, được chia thành 7 thôn, bản, 11 chòm dân cư, toàn xã có 643 hộ với 3.797 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông. Trong đó: số hộ nghèo có 411 hộ bằng 2.292 nhân khẩu, chiếm 63,91%; hộ cận nghèo 32 hộ bằng 222 nhân khẩu, chiếm 4,97%, đời sống nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Chòm Cu Vai thuộc xã Xà Hồ là địa điểm du lịch nổi tiếng được biết đến khi được chọn làm bối cảnh chính của bộ phim truyền hình nổi tiếng “Bão ngầm”. Ngoài ra, xã Xà Hồ còn có đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979m là ngọn núi ao xếp thứ 7 của Việt Nam - địa danh được nhiều bạn trẻ ưa thích trải nghiệm thử thách bản thân tìm đến để chiêm ngưỡng rừng hoa mật rồng (hay còn gọi là hoa chi pâu) và săn mây đón gió.
Phạm Quỳnh