Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành một chùm sách về Quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia. Trong nhan đề của bốn cuốn sách đều có một từ “Mùa…”: “Mùa chinh chiến ấy”; “Mùa linh cảm” (của Đoàn Tuấn); tiểu thuyết “Mùa xa nhà” của Nguyễn Thành Nhân. Và “Rừng khộp mùa thay lá” của Nguyễn Vũ Điền.
“Mùa xa nhà” của Nguyễn Thành Nhân như một “nốt trầm” trong bản giao hưởng đầy tiếng súng đạn và những đau thương mất mát vô cùng lớn của những người lính tình nguyện Việt Nam trên đất bạn. Âm hưởng của nó bắt đầu ngay từ trang đâù của cuốn tiểu thuyết, khi Nguyễn Thành Nhân tả một cảnh rừng ở hậu cứ của một đơn vị chiến đấu.
“Rừng thật vắng và yên tĩnh, ra khỏi khu vực đơn vị dừng chân tập kết vài trăm mét, chỉ còn tiếng gió âm u. Ngự trị toàn bộ không gian là sự im lặng tuyệt đối. Chỉ đôi khi, tiếng AK điểm xạ hai vọng về từ đâu đó rất xa…”.
Tác giả, một người lính tiểu đoàn 3, trung đoàn 4, sư đoàn 5, Mặt trận 479 chọn việc kể lại cuộc sống của người lính ở hậu cứ, những suy tư, trăn trở của họ và mối quan hệ giữa người lính tình nguyện Việt Nam với người dân Campuchia nơi họ đóng quân, chuẩn bị cho một trận đánh hay nghỉ ngơi sau một chiến dịch dài… làm nội dung chính của cuốn sách. Và có lẽ, đây là một thành công bởi vì những cuốn sách nói về đề tài này không nhiều.
Không hiểu sao, khi đọc cuốn tiểu thuyết này, trong tôi cứ ngân nga câu hát “Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng” trong bài ca “Hát mãi khúc quân hành” của Diệp Minh Tuyền.
Vâng, những người lính trong truyện: Huy-Quân; Thắng liều-Thắng gấu; “bê phó” Chí phèo, những Hoà, những Danh, những Vũ… đều là những thanh niên được hưởng những ngày vui đất nước sạch bóng quân thù. Họ không chuẩn bị cho mình “tâm thế” để đi đánh giặc, mà lại là đánh giặc ở một nơi xa Tổ quốc. Vậy mà họ đã ra đi, để lại sau lưng tờ giấy báo trúng tuyển đại học, một dãy phố thân thương với bao người thân thích, một cô bạn gái mới “phải lòng” nhau mà chưa kịp ngỏ lời…
Huy - một chàng trai dân Sài Gòn là khẩu đội trưởng khẩu đội 12,7 ly nhưng đến mặt trận được phân về trung đội vận tải, phục vụ chiến đấu. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh được trở lại đội hình chiến đấu. Ở đây, Huy - một người lính hay làm thơ, gặp Quân, một người chỉ huy dày dạn nhưng cũng có một niềm đam mê văn chương. Hai người như bổ sung cho nhau, hay nói như một nhà phê bình cuốn sách, là Nguyễn Thành Nhân “phân đôi”, vui buồn sướng khổ có nhau.
Huy, nhân vật “như một người dẫn truyện” đã từng dằn vặt trước câu hỏi: “tại sao mình lại đánh nhau ở đây?” và bị đài nước ngoài ví như “lính Mỹ xâm lược”, đã được Quân - một nhân vật được coi là một nửa khác của Huy, trả lời: Bản chất những người lính tụi mình khác với bản chất những người lính Mỹ…Lính Mỹ không hiểu dân Việt, do đó, hoặc họ sợ hoặc họ coi thường, khinh rẻ dân ta. Còn chúng ta và dân Camphchia không khác gì nhau mấy, chúng ta và họ có cùng một nền tảng bản sắc văn hoá như nhau. Chúng ta hiểu họ, thương mến họ. Và những người dân chất phác này cũng hiểu và thương mến chúng ta…”
Tôi nghĩ “Mùa xa nhà” chính là muốn nói đến điều này.
Những trang viết kể lại “cuộc tình” giữa Quân và Sa Piên cô gái đẹp nhất phum, tình cảm mơ hồ theo kiểu “như thế là tình yêu” giữa Huy và cô bé mới tuổi trăng tròn Soun phải nói là những trang viết thật đẹp. Nó phản ánh được khí chất đẹp đẽ của người lính tình nguyện Việt Nam trong một đội quân được người dân Campuchia gọi là “đội quân nhà Phật”. Nó phản ánh được bản chất thật sự mối quan hệ giữa người dân Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam. Không phải là chuyện tình thoáng qua, mà thật sự đã là nơi trao gửi số phận.
Không hiếm cảnh chiến đấu hy sinh. Không hiếm những bi kịch của người lính. Trong đó có những người cho đến lúc cầm súng, chưa giết một con kiến. Nhưng phẫn uất trước sự hy sinh của đồng đội, đã trở nên dũng mãnh lạ thường. Để rồi khi tiếng súng ngừng, dằn vặt vì mình đã bóp cò súng đến mức phát bệnh… Nhưng xuyên suốt cuốn sách dày hơn 300 trang, vẫn là những nét bình dị của những chàng trai đất Việt khoác áo lính. Họ yêu quê hương Việt Nam. Họ yêu hòa bình, nhưng họ cũng chấp nhận hy sinh ở một mảnh đất ngoài Tổ quốc, vì một nghĩa tình lớn lao hơn.
Nguyễn Thành Nhân là chàng trai Nam Bộ khoác áo quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia rồi viết văn. Bởi thế, trang văn của anh đây đó phảng phất cái “tinh nghịch” kiểu bác Ba Phi và có những trang tả cảnh sinh hoạt của nười lính mang dáng dấp “đờn ca tài tử”. Tôi thích những đoạn tả anh lính có cái tên “Ụ Mối” nuôi và dạy con sáo Chíp tập nói tiếng người, các trường đoạn anh lính Mợi “chuẩn bị mấy bộ phim hấp dẫn “quay (kể)” cho anh em thưởng thức”… Những lúc ấy có vẻ như chiến trận, chiến tranh đã lùi rất xa. Chỉ còn lại những người lính quây quần quanh đống lửa, lắng nghe những câu chuyện tếu táo mà chỉ những người lính mới có. Và trên trời cao, lấp ló bóng trăng treo…
Trong tiểu thuyết “Mùa xa nhà”, Nguyễn Thành Nhân có vẻ rất mến “trăng”. Dường như anh coi “trăng” là một nhân vật bao giờ cũng xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ, êm dịu an ủi người lính lúc nhớ nhà, vằng vặc sáng khích lệ người lính lúc hành quân diệt giặc. Chợt nhớ một câu thơ có từ kháng chiến chống Pháp, sao lại họp đến thế với người lính tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Nằm cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo…
Tôi viết “Mùa xa nhà” như một nốt trầm trong những cuốn sách viết về quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, là vì vậy. Mời các bạn hãy đọc cuốn sách để mà tin yêu, để mà thương cảm./.
Thanh Vũ/VOV