Mức độ “nguy hiểm” của Trung Quốc trong mắt giới quan sát Mỹ

Thứ ba, 01/10/2019 - 08:39

Chúng ta cùng xem lại quá trình nhìn nhận của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc từ trước tới nay. Nhìn chung Mỹ coi Trung Quốc là một thách thức lớn.

LTS: Dưới đây là phần lược dịch nhận định của học giả Mỹ Doug Bandow về cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” đối với Mỹ (các tít do VOV.VN đặt):
Trung Quốc thời phong kiến được Mỹ xem là một thị trường tiêu thụ tiềm tàng. Nhưng sau Thế chiến 2, khi Trung Quốc lựa chọn đi theo con đường XHCN, Mỹ coi quốc gia này là một mối đe dọa nghiêm trọng, đứng thứ 2 chỉ sau Liên Xô.

Nhưng rồi vào thập niên 1970, Trung Quốc căng thẳng với Liên Xô và hâm nóng quan hệ với Mỹ. Sau đó Trung Quốc cải cách theo hướng kinh tế thị trường.

Ngày nay khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền thì Trung Quốc đang được thúc đẩy theo một hướng mới mà Mỹ cảm thấy tạo ra sự đe dọa với họ ở nhiều phương diện.


Chân dung nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Mối đe dọa thường thấy

Các mối đe dọa mà học giả Mỹ Doug Bandow nêu ra là hoạt động tình báo của Trung Quốc, vấn nạn ăn cắp tài sản trí tuệ, và việc phân biệt đối xử với các hãng kinh doanh của Mỹ.

Về phương diện đối ngoại, Doug Bandow cho rằng Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn. Trung Quốc đang ngày càng thách thức ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á. Trung Quốc đang xây dựng một quân đội đủ sức thách thức thế ngự trị truyền thống của Mỹ ở khu vực này.

Bắc Kinh còn ngày càng hành động quyết đoán và đơn phương đối với các nước láng giềng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của họ được xem là công cụ gây ảnh hưởng kinh tế và mở ra các căn cứ quân sự trên khắp thế giới.

Trung Quốc cũng xích gần lại Nga hơn để đối phó với Mỹ.

Sự sụp đổ của Liên Xô đã tạo ra một thế giới trong đó Mỹ không còn đối thủ ngang cơ. Dù Trung Quốc đã phát triển về kinh tế, đa phần người Mỹ vẫn coi nước này chỉ là mối đe dọa nhỏ. Trong nhiều năm Bắc Kinh nhấn mạnh đến sự “trỗi dậy hòa bình” và sức mạnh quân sự của họ ở mức khiêm tốn. Tuy nhiên cả hai nhân tố này đều đã thay đổi. Mối quan ngại đã phát triển thành nỗi sợ hãi, thể hiện rõ ở các ngôn từ của Tổng thống Mỹ Trump và cuộc thương chiến Mỹ-Trung hiện nay.

Đến mức gọi là kẻ thù?

Các tiếng nói nghiêm túc bên trong nước Mỹ hiện cổ xúy cho việc coi Trung Quốc là kẻ thù hoặc là một đối tượng nào đó tương tự. Đã xuất hiện sự hối tiếc về việc cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và phát triển quan hệ thương mại gần gũi với Trung Quốc. Và bây giờ giới chức Mỹ đang khẩn trương hành động để bù lại những cái được cho là sai lầm đó.

Cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump phát động không dừng lại ở tranh chấp kinh tế. Ông Trump đã ra lệnh thông qua mạng Twitter rằng tất cả các công ty Mỹ phải rời lãnh thổ Trung Quốc. Một số nghị sĩ Mỹ còn cổ xúy lệnh trừng phạt Trung Quốc cho một loạt vấn đề mà họ gọi là va chạm an ninh và vấn đề nhân quyền. Một số vị thuộc phe bảo thủ Mỹ còn đề xuất cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhằm làm suy yếu nước này.

“Nhì nhằng”

Nhưng quan hệ giữa 2 nước vẫn... khá gần gũi. Hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc đang học ở Mỹ. Hàng triệu du khách Mỹ sang Trung Quốc và ngược lại.

Trung Quốc hiện khá thực dụng. Họ chú ý đến việc làm giàu. Tranh cãi thương mại hiện này giữa Trung Quốc và Mỹ thiên về kinh doanh thuần túy hơn là ý thức hệ, tức là khác biệt với thời Chiến tranh Lạnh. Do vậy, phản ứng của Mỹ được cho là nên khác với thời Chiến tranh Lạnh.

Lại nữa, Trung Quốc đang đối diện các thách thức nghiêm trọng: Kinh tế bị nợ nhiều và tốc độ phát triển đang chậm lại, dân số đang già hóa, xã hội phân hóa ngày càng nhiều do các bất bình đẳng về khu vực, tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới, nạn tham nhũng, gian lận, sự bất mãn đang tăng từ các đối tác trong dự án “Vành đai và Con đường”, và các thách thức quốc tế ngày càng tăng từ các nước và lãnh thổ trải dài từ châu Á tới châu Âu. Trung Quốc có thể trở thành cường quốc số 1 thế giới nhưng chặng đường tới đó sẽ đầy rẫy chông gai và tương lai của Bắc Kinh không được bảo đảm chắc chắn.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã trải qua nhiều biến cố kinh thiên động địa như phong trào Đại nhảy vọt, rồi Đại cách mạng Văn hóa. Sau đó Trung Quốc bước vào cải cách mở cửa và đạt nhiều thành tựu.

Ngày nay nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã và đang tiến hành nhiều việc khiến Mỹ lo ngại. Ông Tập đã dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với một Chủ tịch nước của Trung Quốc và về lý thuyết ông có thể trở thành một nhà lãnh đạo đầy quyền uy như ông Mao Trạch Đông trước đây. Về đối ngoại, ông sẵn sàng nghênh chiến với Mỹ trong cuộc chiến thương mại và ông theo đuổi các tham vọng của Trung Quốc về lãnh thổ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhưng các động thái đối ngoại táo bạo của ông Tập Cận Bình đã vấp phải sự phản đối ở nhiều nơi, và đẩy các nước ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á xích về không chỉ Mỹ mà còn cả Ấn Độ và Nhật Bản nữa. Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn trong xử trí vấn đề Đài Loan và vấn đề Hong Kong.

Trên mặt trận kinh tế, một số công ty Mỹ đã lên kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, chuyển hoạt động kinh doanh của mình ra khỏi Trung Quốc. Lý do là mức lương tăng cao ở Trung Quốc, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, cạnh tranh trong nước, v.v..

Mỹ sẽ “cương nhu tùy lúc tùy chỗ” với Trung Quốc?

Từ các điểm trên học giả Doug Bandow kết luận rằng Trung Quốc tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các giá trị và lợi ích của Mỹ nhưng nước này chưa đến mức là kẻ thù của Mỹ.

Doug Bandow xác định, chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn phải là tương tác và Mỹ cần nhớ rằng cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung là thiên về chính trị chứ không phải quân sự. Theo Doug Bandow, Mỹ nên lựa chọn các chính sách thổi phồng mâu thuẫn nội bộ của Trung Quốc và gây áp lực để tạo sự “chuyển hóa” bên trong.

Doug Bandow cho rằng nên tiếp nhận thêm sinh viên Trung Quốc vào các trường đại học Mỹ, tăng cường trao đổi học thuật.

Về mặt an ninh, Doug Bandow cho rằng Mỹ nên đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh và tạo sự răn đe trước các sự hung hăng của Trung Quốc. Mỹ có thể sẽ phải dàn xếp với Nga và lôi Nga thân với phương Tây hơn.

Nói tóm lại, Doug Bandow cho rằng không nên đánh giá thấp mối thách thức từ phía Bắc Kinh nhưng cũng không nên thổi phồng mối đe dọa đó. Mỹ, theo ông, nên điều chỉnh góc nhìn về Trung Quốc, theo hướng Mỹ cần cứng rắn chứ không được hoảng sợ./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịchNguồn: National Interes