Muốn đưa bột vào khuôn trước hết phải nhào cho nhuyễn

Thứ sáu, 30/08/2019 - 14:19

TNV - Mấy hôm nay theo dõi trên một số báo nổi lên loạt bài viết xoay quanh câu chuyện lễ khai giảng năm học mới: Lễ khai giảng đón ai, sao tuần nào cũng bắt học sinh tập... khai giảng (!?), thậm chí có bài lại viết "Đứa trẻ gào khóc: “Sao ngày nào cũng... khai giảng?”

Không hiểu dụng ý sâu xa của các bài viết trên, nhưng một số nhận định nêu trong bài viết lại đi quá xa, dưới các khía cạnh: học sinh các cấp, đặc biệt bậc Tiểu học, THCS trên địa bàn TP HCM mới tập trung học hơn 1 tuần (tuần này là tuần thứ hai), nhưng bài viết lại phóng đại lên "tuần nào cũng tập khai giảng" (tuoitre.vn), đâu phải em nào cũng tập dợt cho lễ khai giảng, mỗi lớp giỏi lắm cũng chỉ vài em có năng khiếu (hát, múa đánh trống, thổi kèn, đội nghi thức...). Lại có bài viết còn điêu hơn: "Đứa trẻ gào khóc...sao ngày nào cũng khai giảng (dantri.com.vn), thử hỏi xem đã học được mấy ngày mà đứa trẻ phải gào khóc như vậy, chả có thầy cô giáo nào lại để học sinh của mình gào khóc như thế, và cũng chẳng có phụ huynh nào lại chấp nhận con mình ngày nào cũng gào khóc mỗi khi đến trường (đó là chưa nói đến giáo viên thấy học sinh gào khóc cũng sợ ảnh hưởng đến trường, bản thân mình).

Trong một xã hội học tập, đầu tư cho giáo dục được coi là quốc sách thì những sự kiện giáo dục lớn như: khai trường, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh… luôn được nhà nước và toàn dân chăm lo đặc biệt.

Ngày khai trường là sự mở đầu, có tác dụng tạo hứng khởi cho suốt một năm học, nhất là với thầy và trò. Sau mấy tháng nghỉ hè, thầy trò lại gặp gỡ, bắt đầu hành trình mới dưới mái trường. Mỗi lần khai trường là dấu mốc một chặng quan trọng trong đời người trên đường học vấn.

Xét trên khía cạnh nào đó, ngày khai trường có ý nghĩa rất thiêng liêng, không chỉ với từng cá nhân đi học mà với cả cộng đồng. Có lẽ, trong chúng ta, nhiều người vẫn luôn nhớ và không khỏi xúc động khi đọc những dòng đầu tiên trong lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các em học sinh nhân ngày khai trường hồi tháng 9.1945. Bác viết:

“Hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày mở trường ở khắp nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn”.

Cuối thư, Bác chúc: “Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp”. Trong thư của Bác Hồ, ngày khai trường là ngày “mở trường”, mở đầu năm học mới, ngày tràn đầy niềm vui, hy vọng, là dấu thời gian đặc biệt dự báo cho một tương lai tốt đẹp.

Nói một cách gần gũi nhất, ngày khai giảng những học trò đầu cấp hãnh diện vì được vào ngôi trường mình ước ao, được thầy cô và các anh chị lớp trên chào đón, những học sinh cũ thì vinh dự mình đã làm anh, làm chị vì lên lớp mới. Con gái tôi hôm vừa rồi chia sẻ: "bố ơi, giờ con đã là chị của các em lớp 6 rồi. Năm nay con không tham gia thổi kèn nữa vì con mới mổ". Cô gái nhỏ, hễ về nhà là hát líu lo vì được tập hát, tập múa để biểu diễn phục vụ lễ khai giảng năm học mới.

Một năm học chỉ duy nhất một lễ khai giảng, chúng ta có quyền để đóng góp ý kiến góp phần có một lễ khai giảng ngắn gọn, ý nghĩa và tránh hình thức nhưng không nên phóng đại, nói quá với những dụng ý không tốt nhằm triệt tiêu ý nghĩa của lễ khai giảng năm học mới, giảm đi giá trị của một nền giáo dục đang từng bước "đổi mới căn bản và toàn diện".

Việc đóng góp tâm huyết cho một lễ khai giảng năm học mới đúng, trúng, không hình thức, có ý nghĩa đối với học sinh, thầy cô và toàn xã hội luôn được đón nhận và hoan nghênh. Câu chuyện cô bé Nguyệt Linh năm học 2019 sẽ vào lớp 6, gửi bức thư đến Hiệu trưởng ngôi trường em sẽ học học và 40 trường trên toàn quốc không hoặc thả hạn chế bóng bay trong lễ khai giảng đã được các trường hưởng ứng, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nghuyên và môi trường gửi thư cảm ơn.

Ngồi dưới sân trường sau hơn một tiếng đồng hồ dự lễ khai giảng năm học mới không phải là vấn đề quá khắt khe với một học sinh, suy cho cùng những tiết học hôm ấy có khác với không gian, thời gian, những nội dung mới và có cả những con người mới. Không là buổi lễ khai giảng thì hoc sinh vẫn phải lên lớp bình thường, còn như đã nói ở trên, việc tập luyện cho buổi lễ khai giảng hầu như chỉ các học sinh có năng khiếu, tố chất mạnh mẽ, đam mê hoạt động xã hội (ở đây chưa bàn đến việc thông qua việc các hoạt động văn hóa - văn nghệ, ngôi trường cũng là nơi phát hiện thêm những tài năng bẩm sinh trong âm nhạc, kỹ năng khác của học sinh). Mỗi năm học, duy nhất có một buổi lễ khai giảng, sao nhiều người lại xoắn lên, than vãn, thậm chí còn nói quá không thể tin nổi?

Sự kiên nhẫn, đức tính kiên trì, vượt khó là những tố chất không của con người, trong cuộc sống hiện tại, mỗi gia đình chỉ có một đến hai con, con cái trở thành trung tâm và niềm tự hào, chỉ cần một sự than vãn của trẻ cũng làm bố mẹ xót lòng. Câu chuyện xây dựng văn hóa trong xếp hàng, những hành xử thiếu văn hóa tại công cộng đang diễn ra hàng ngày tại sân bay, khu mua sắm, bệnh viện..., kể cả một số hành vi bạo lực học đường thời gian qua...có lỗi rất lớn từ gia đình trong cách dạy dỗ con cái ngay từ bé tính kiên trì, nhẫn nại và sẻ chia.

Ngày 8/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương lễ khai giảng năm học 2019 không đọc báo cáo thành tích của Trường, chỉ đạo trên từng bước rút ngắn thời gian diễn ra buổi lễ, không rườm rà. Người viết cũng góp thêm ý kiến vào việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới sao cho ý nghĩa, hiệu quả, tạo sự hào hứng như các buổi học ngoại khóa đối với học sinh: Sau lễ chào cờ, tuyên bố lý do - giới thiệu đại biểu (hết sức ngắn gọn), đến một số tiết mục văn nghệ, lãnh đạo nhà trường đọc thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước; lãnh đạo Nhà trường phát biểu và chào đón học sinh (ngắn gọn), lãnh đạo địa phương tặng hoa chúc mừng thầy cô và học sinh (lãnh đạo dự không phát biểu vì đã có Thư chúc mừng của Chủ tịch nước, nếu có phát biểu ở hội nghị khác chủ yếu là lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo; khuyến khích không tặng hoa mà dùng kinh phí mua hoa đó tặng một xuất học bổng); trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học (nếu có), khen thưởng những học sinh nhân ái, học sinh đặc biệt xuất sắc cuối khóa (học sinh đạt điểm cao nhất kỳ thi THCS, THPT và Thủ khoa các trường Đại học); một tiết mục văn nghệ tập thể và kết thúc buổi lễ.

Trường học chính là cái nôi rèn luyện, cùng với sự giáo dục của gia đình và cá nhân mỗi người để góp phần từng bước hoàn thiện các kỹ năng từ phẩm giá đạo đức, sự chuyên cần, kỹ năng sống và nghề nghiệp góp phần vào sự tồn tại và phát triển xã hội. Mỗi năm duy nhất có vài tiết phục vụ cho buổi lễ khai giảng, một số học sinh có năng khiếu có thể phải tập luyện để phục vụ cho buổi lễ vừa là vinh dự, vừa phát huy thêm kỹ năng, sở thích, sở trường và cao hơn là phục vụ số đông thầy cô, bạn bè. Đừng chỉ vì một vài phát biểu của trẻ nhỏ mà làm mất đi ý nghĩa của lễ khai giảng năm học mới; góp ý sao cho buổi lễ khai giảng bớt hình thức, tránh mất thì giờ nên nói cho người lớn hiểu, đừng lấy trẻ nhỏ, con em mình để phục vụ cho suy nghĩ cá nhân, thiện cẩn.

Muốn đưa bột vào khuôn, trước hết phải nhào bột cho nhuyễn, muốn có sự kiên nhẫn, kiên trì phải có sự uốn nắn, đưa vào khuôn khổ ngay từ bé.

Nguyễn Ngọc