Muốn mua nhà, lãi suất vay đồng loạt hạ nhưng tiền đâu vẫn là đầu tiên - nghe chuyên gia lý giải

Thứ bảy, 08/03/2025 - 10:22

Trước làn sóng giảm lãi suất cho vay mua nhà hiện nay, bạn cần chuẩn bị tài chính như thế nào?

Mua nhà luôn là một trong những mục tiêu lớn nhất của nhiều người, nhưng với giá bất động sản ngày càng cao, họ chỉ có thể trông cậy vào các gói vay mua nhà từ ngân hàng. Tin vui là dạo gần đây, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay, đặc biệt dành cho những người mua nhà lần đầu. Một số ngân hàng thậm chí còn chào mời mức lãi suất chỉ từ 4-5%/năm cùng thời gian vay lên đến 35 năm.

Chẳng hạn, mới nhất LPBank đã giới thiệu gói vay với quy mô 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng này áp dụng mức lãi suất khởi điểm chỉ từ 3,88%/năm trong 3 tháng đầu, một con số hấp dẫn so với mặt bằng chung. Ngân hàng ACB giới thiệu gói vay “ngôi nhà đầu tiên” dành cho khách hàng dưới 35 tuổi với lãi suất ưu đãi từ 5,5%, cố định trong 5 năm. Ngân hàng SHB cũng ra mắt gói vay 16.000 tỷ đồng, ưu đãi lãi suất 3,99% trong 3 tháng đầu cho khách hàng mua nhà. Sau thời gian này, lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường.

Nhưng chỉ thế thì vẫn chưa đủ để mua nhà!

Điều quan trọng cần biết là lãi suất ưu đãi thường chỉ kéo dài trong một thời gian, có nơi chỉ khoảng 3 tháng, sau đó sẽ chuyển sang lãi suất thả nổi theo thị trường – và đây mới chính là con số quyết định bạn có đủ khả năng trả nợ lâu dài hay không.

Vậy làm thế nào để tận dụng tối đa chính sách này? Cần chuẩn bị gì, có bao nhiêu tiền mới nên nghĩ tới căn nhà đầu tiên?

Cùng nghe chia sẻ từ chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Chuyền – Founder kênh TikTok Doctor Housing với hơn 800k người theo dõi, để có cái nhìn rõ hơn về lãi suất vay mua nhà hiện nay.

Muốn mua nhà, lãi suất vay đồng loạt hạ nhưng tiền đâu vẫn là đầu tiên - nghe chuyên gia lý giải- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Duy Chuyền

Lãi suất hạ nhưng chưa đủ hấp dẫn

Xin chào anh. Thời gian gần đây, người ta nói rất nhiều về việc các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên vì sao người trẻ vẫn e dè khi vay mua nhà?

Theo tôi, lãi suất của các ngân hàng hiện tại đã hạ nhưng không đáng kể. Thêm vào đó, tình hình kinh tế của chúng ta mới ổn định trở lại thì việc các bạn trẻ e dè vay mua bất động sản (BĐS) là điều hiển nhiên thôi. Đặc biệt nhất khi chọn vay vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất thả nổi của họ chênh lệch 4-5% so với lãi suất ban đầu, các bạn cần cân nhắc kỹ nếu không sẽ rất nguy hiểm cho tài chính của gia đình trẻ.

Với tình hình lãi suất hiện tại, có cách nào để người trẻ tận dụng các ưu đãi vay mua nhà một cách hiệu quả?

Trước khi vay mua nhà, các bạn hãy tìm hiểu thật kỹ và đa dạng ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nước ngoài và ngân hàng quốc doanh. Đây là những ngân hàng thường có lãi suất cho vay ưu đãi tốt hơn rất nhiều so với các ngân hàng thương mại cổ phần.

Theo anh, những yếu tố nào cần cân nhắc trước khi quyết định vay mua nhà trong thời điểm này?

Đó là thu nhập, lượng tiền có sẵn và mục đích mua nhà của bạn là để làm gì. Hãy tự hỏi mình: Bạn có bao nhiêu tiền và với mức thu nhập như vậy, chúng ta mua được những sản phẩm như thế nào?

Ví dụ, nếu bạn có 300 triệu và mua một BĐS có giá 1 tỷ thì chúng ta cần vay 700 triệu. Vậy 700 triệu này, chúng ta hãy tính toán là mỗi tháng trả bao nhiêu. Từ cái tính toán đó, chúng ta so với thu nhập sẽ tính nên vay bao nhiêu tiền. Hãy luôn đảm bảo thu nhập duy trì ổn định và tính lượng tiền còn lại sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt thì chúng ta còn bao nhiêu để trả nợ.

Muốn mua nhà, lãi suất vay đồng loạt hạ nhưng tiền đâu vẫn là đầu tiên - nghe chuyên gia lý giải- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Lưu ý gì để vay mua nhà mà không lo “bể nợ”?

Trước khi chọn vay mua nhà, cần tính toán tài chính như thế nào để không gặp áp lực trong việc trả lãi và tiền gốc hàng tháng, tệ nhất là phải bán đi căn nhà đang có? Có công thức nào để giúp các bạn trẻ chuẩn bị tài chính tốt hơn không?

Về cơ bản, chúng ta phải chi tiêu tiết kiệm tối đa sau khi mua nhà.

Ví dụ như cặp vợ chồng có thu nhập 50 triệu/tháng. Sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt, chúng ta có 30 triệu dư ra và phần này gọi là thu nhập ròng. Chúng ta chỉ nên dành 50-60%, hoặc tối đa 70% thu nhập ròng để trả nợ vay ngân hàng, tức là khoảng 20 triệu đổ về. Từ đó, chúng ta sẽ có một lượng tiền dư để phòng ngừa rủi ro, đầu tư vào những lĩnh vực khác như chứng khoán hay vàng. Bạn không nên dành toàn bộ thu nhập để đi vay và trả lãi cho ngân hàng. Bởi vì khi vay mua nhà, chúng ta không biết lãi suất thả nổi của ngân hàng trong tương lai là bao nhiêu.

Nếu thu nhập còn chưa cao, người trẻ có nên chờ giá nhà giảm hay có giải pháp nào phù hợp hơn?

Nếu thu nhập chưa cao mà muốn mua nhà thì bạn chỉ còn cách… gia tăng thu nhập hoặc mượn vốn từ gia đình (bố mẹ hoặc người thân khác hỗ trợ bạn mua nhà). Ba là chúng ta có thể đi kiếm “một nửa” để cùng nhau mua nhà. Ví dụ như bạn nam có 700 triệu và bạn nữ có 300 triệu, thì gộp lại cả hai sẽ có được 1 tỷ để mua nhà rồi. Lúc này, áp lực tài chính trả lãi vay cũng sẽ được giảm bớt đáng kể.

Các mô hình mua nhà nào (ví dụ như mua nhà rồi cho thuê, góp vốn chung,... ) có thể là giải pháp cho người trẻ ở thời điểm này hay không?

Theo tôi, người trẻ không có kinh nghiệm đầu tư, vốn ít thì không nên đầu tư vào các mô hình như mua nhà rồi cho thuê, hoặc góp vốn chung bởi rủi ro đem lại rất cao. Nếu không hiểu về đầu tư BĐS, các bạn không nên làm vậy. Hiện tại, các bạn có thể tích góp bằng việc kinh doanh, mua vàng, đầu tư chứng khoán,... Khi nào đủ tiền, các bạn mua BĐS giá rẻ. Tiền ít thì chúng ta mua BĐS ở xa, ở vùng đất nông thôn. Với tài chính 500 triệu thì các bạn có thể về quê mình mua cũng được. Còn như các bạn không hiểu về đầu tư mà tìm người góp vốn chung,... thì nên cân nhắc tình huống mô hình kinh doanh bị bể, xảy ra tranh chấp.

Trong dài hạn, người trẻ cần chuẩn bị tài chính như thế nào để có thể mua nhà mà không bị áp lực tài chính quá lớn?

Tôi nghĩ chỉ có cách gia tăng thu nhập hoặc chờ đợi chính sách của nhà nước sắp tới sẽ xây dựng nhiều nhà ở xã hội. Các bạn hãy theo dõi những dự án nhà ở xã hội vừa túi tiền để nhanh chân làm hồ sơ đăng ký và tìm được lãi suất vay ưu đãi nhất.

Cảm ơn anh Nguyễn Duy Chuyền vì những chia sẻ!

Vân Anh - Design: Anh Đức