Mường Cơi: Diện mạo nông thôn mới khởi sắc nhờ vai trò dẫn dắt của những bí thư và trưởng bản

Thứ năm, 12/03/2020 - 14:34

TNV - Tháng 11 năm 2019, Mường Cơi là xã thứ 3 trong huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới – về đích trước 01 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33,5 triệu đồng/năm. Đặc biệt, Mường Cơi trở thành địa phương dẫn đầu toàn huyện về diện tích (255ha) và sản lượng cây ăn trái có múi với hàng chục hộ có thu nhập từ 100-700 triệu đồng mỗi năm, xuất hiện nhiều hộ chăn nuôi lợn qui mô lớn mỗi năm xuất bán từ 25-30 tấn.

Mường Cơi là xã vùng II thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La với diện tích tự nhiên 6.475,59 ha, có 7.399 khẩu thuộc 4 dân tộc là Mường, Kinh, Dao, Mông cùng sinh sống ở 16 bản, 1.689 hộ.

Mùa quả chín của HTX trồng cây ăn quả bản Nghĩa Hưng.

Cách đây hơn 10 năm, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, cả xã có 23,8% hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người 8,4 triệu đồng/năm; người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng rừng, trồng chè, chăn nuôi, một số kinh doanh buôn bán, làm dịch vụ vận tải và trồng cây ăn quả... nhưng qui mô còn nhỏ lẻ, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa, hiệu quả kinh tế không cao.

Theo ông Hà Văn Phương (Bí thư Đảng ủy xã Mường Cơi), diện mạo nông thôn mới của xã khởi sắc lên rõ rệt không thể không nhắc đến vai trò dẫn dắt, tiên phong gương mẫu của các bí thư chi bộ và trưởng bản. Tiêu biểu như: Đảng viên Nguyễn Đức Cường – Bí thư Chi bộ bản Nghĩa Hưng, bà Nguyễn Thị Oanh – nguyên Trưởng bản Văn Tân, đảng viên Đinh Văn Cường – Bí thư Chi bộ bản Ếch...

Trưởng bản tiên phong làm đường nông thôn mới

Năm 2013, cả 02 nhánh đường nông thôn mới đầu tiên của xã dài 300m được hoàn thành nối vào quốc lộ 37 đều thuộc bản Ếch – bản 100% hộ đồng bào dân tộc Mường. Đây là thành quả sau hơn 4 tháng họp bàn và kiên trì vận động của Chi bộ bản Ếch; trong đó, đảng viên Đinh Văn Cường khi ấy là trưởng bản giữ vai trò khởi xướng, người đã tận tụy đến từng nhà, từng xóm nghe bà con nói và nói cho bà con thông.

Con đường mà ông Cường đã hiến 450 m 2 đất ruộng, ao, vườn, thuê máy ủi hết 17 triệu đồng
để tôn nền, mở rộng con đường đất nhỏ trước nhà nối thông với quốc lộ. Ông Đinh Văn Cường
(áo trắng) – Bí thư Chi bộ bản Ếch trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã và trưởng bản.

Ông Cường nhớ lại, ngay sau khi lên xã lĩnh hội chủ trương, ông đã nêu vấn đề làm đường nông thôn mới tại cuộc họp chi bộ bản, được 22 đảng viên trong chi bộ thống nhất cao, ông liền sốt sắng tổ chức họp dân, nhưng kết quả không thành... do bà con chưa thấy hết được lợi ích của việc đóng góp và hiến đất mở đường. Xác định được nguyên nhân, ông và các đảng viên đã chia nhau tới các xóm dân cư trong bản để phân tích cho bà con hiểu; nhưng cũng phải đến cuộc họp lần thứ 3 các hộ mới đồng thuận.

Để gia đình và 18 hộ dân cùng xóm đi lại thuận tiện hơn, năm 2017, ông Cường đã hiến 450 m 2 đất ruộng, ao, vườn, thuê máy ủi hết 17 triệu đồng để tôn nền, mở rộng con đường đất nhỏ trước nhà nối thông với quốc lộ. Noi gương ông, năm 2018 ông Hoàng Văn Việt (khi đó là Công an viên, nay là trưởng bản) và em trai cũng hiến 240 m 2 và bỏ ra 11 triệu đồng để nâng cấp bờ ruộng nhỏ lầy lội thành lối đi chung cao ráo sạch sẽ của 3 gia đình. Ông Đinh Xuân Niên và ông Trần Văn Biến cùng ở xóm Suối Cha thấy vậy cũng tình nguyện hiến mỗi gia đình 150 m 2 đất ruộng để Nhà nước làm ngầm và mở đường khang trang vào xóm.

Từ thành công của 2 nhánh đường đầu tiên đi vào xóm Nguồn và xóm Quéo thuộc bản Ếch, liên tiếp các năm tiếp theo bà con các xóm trong bản đều nhiệt tình và tự giác tham gia góp công, góp tiền, hiến đất để làm đường nông thôn mới. Hết năm 2017, tất cả các nhánh đường dân cư trong bản đều được mở rộng, tôn nền vững chãi và bê tông hóa với chiều dài 2.500 m 2 . Vai trò tiên phong của bản Ếch đã cổ vũ tinh thần thi đua làm đường nông thôn mới ở các bản còn lại trong xã.

Nữ trưởng bản và con đường kiểu mẫu

Con đường chạy dọc bản Văn Tân dài 2,5 km được xã chọn là con đường kiểu mẫu, bởi đây là con đường rộng rãi, khang trang, 2 bên đường trồng các loài hoa đẹp nhất xã. Nhưng đối với bà con 3 bản (bản Văn Tân, bản Kiềng, bản Tân Cơi nay sáp nhập còn 2 bản), đây là con đường đặc biệt, phải thi công kéo dài 3 năm, và mang đậm dấu ấn quyết tâm của nữ trưởng bản Nguyễn Thị Oanh – nữ trưởng bản đầu tiên và duy nhất của xã cho đến bây giờ - mà bà con yêu quý.

Con đường kiểu mẫu mang đậm dấu ấn của nữ trưởng bản Nguyễn Thị Oanh (bản Văn Tân).

Nhận chức trưởng bản tháng 1/2017 với nhiệm vụ huy động bà con chung sức làm đường nông thôn mới – một công việc gai góc mà mấy đời trưởng bản trước không làm được. Bà liền đưa vấn đề này ra bàn bạc với một số cán bộ đảng viên cốt cán trong bản, nhiều người khuyên “đừng làm”, bởi đây là công việc rất phức tạp, dễ xảy ra đụng chạm xích mích với nhiều người.

Nhưng nếu không cố gắng làm thì cơ hội được Nhà nước hỗ trợ xi măng sẽ qua đi, con đường đất trơn trượt sẽ làm khổ trẻ em, người già... đến bao giờ? Câu hỏi đó thôi thúc bà càng thêm quyết tâm và mạnh mẽ hơn. Hàng ngày, bà tranh thủ thời gian đến các gia đình để nắm bắt nguyện vọng và vận động bà con ủng hộ.

Được sự hưởng ứng của nhân dân, đầu tháng 4/2017, đoạn giữa của con đường dài 560m, rộng 3,5m, dày 18cm đã khởi công và hoàn thành sau 20 ngày thực hiện; còn đoạn cuối được hoàn thành giữa năm 2019 do đợi xi măng của trên hỗ trợ.

Nhưng gian nan, thử thách chỉ thực sự đến với bà khi bắt tay vào thực hiện đoạn đầu của tuyến đường dài 900m. Đây cũng là đoạn đường chung của nhân dân 3 bản: bản Văn Tân, bản Kiềng và bản Tân Cơi; trong thời điểm khi 2 bản còn lại chưa khởi công được tuyến đường nông thôn mới nào cho riêng mình.

Sau nhiều lần đi lại, “mời mọc” bản Kiềng và bản Tân Cơi họp bàn, bà Oanh phải bỏ ngoài tai rất nhiều lời gièm pha, bóng gió cay độc và cả tranh luận gay gắt. Cuối cùng thiện ý chân thành và khát vọng của nữ trưởng bản đã thành hiện thực - đoạn đường chung và dài nhất toàn tuyến có chiều rộng 4m, dày 20cm đã hoàn thành vào tháng 3/2018 trong niềm vui và ngỡ ngàng thán phục của nhân dân trong xã.

Bí thư bản truyền cảm hứng phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh trật tự

Là nông dân chính hiệu, nhưng ông Nguyễn Đức Cường (47 tuổi) đã có 19 năm tuổi đảng và 8 năm làm Bí thư và 3 năm làm Phó Bí thư Chi bộ bản Nghĩa Hưng. Chục năm lại đây, ông còn là hộ điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh, của huyện với qui mô chăn nuôi lợn mỗi năm xuất bán 30 tấn thu lãi từ 300 – 400 triệu đồng; 2ha trồng bưởi, cam cho thu bói năm 2019 lãi hơn 100 triệu đồng; dịch vụ xay xát, thu mua nông sản, đại lý thức ăn chăn nuôi, sửa chữa xe máy và máy nông nghiệp cho thu nhập 400 triệu đồng/năm. Năm 2019, chỉ tính riêng đàn lợn 300 con không bị dịch tả lợn châu Phi đã đem về lợi nhuận cho ông hơn 1 tỷ đồng.

Bí thư Chi bộ bản Nghĩa Hưng (áo đỏ) cùng Bí thư xã Hà Văn Phương (áo thẫm) thăm nhà
ông Trung - nhóm trưởng nhóm liên gia tự quản từng là “con nghiện” với thâm niên 11 năm.

Tấm gương làm kinh tế của Bí thư chi bộ đã truyền cảm hứng mạnh dạn đầu tư vào phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng,... tới hàng chục hộ trong bản. Hiện nay, bản Nghĩa Hưng có 124 hộ thì có đến 40 hộ chăn nuôi với sản lượng xuất chuồng từ 5-35 tấn lợn/năm, khoảng 30 hộ thu lãi từ trồng các loại cây ăn quả (cam, quýt, bưởi) mỗi năm 30- 700 triệu đồng.

Đặc biệt, dăm năm nay, năm nào Bí thư Cường cũng ứng từ 300 triệu đến hơn 01 tỷ đồng cám chăn nuôi giúp khoảng 50 hộ trong bản có điều kiện làm ăn, cải thiện cuộc sống; thường xuyên tạm ứng gạo ăn cho gần 20 hộ; đồng thời, sửa chữa máy móc nông cụ cho bà con kịp thời vụ sản xuất đến khi nào có điều kiện thì trả.

Bên cạnh tinh thần đoàn kết giúp nhau cùng phát triển kinh tế, hoạt động có trách nhiệm của các tổ liên gia tự quản, công tác tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát của cộng đồng, nên tình hình an ninh trật tự của bản đã tiến bộ rõ rệt. Từ một địa bàn “nóng” về nghiện hút, 06 năm nay bản Nghĩa Hưng đã trở lại yên bình, các con nghiện được cảm hóa, giáo dục và giúp đỡ đều tự nguyện hoàn lương.

Chúng tôi đến thăm ông Trung (57 tuổi) – nhóm trưởng nhóm liên gia tự quản của 17 hộ - khi ông đang hăng hái cùng gia đình chăm sóc vườn bưởi 1,5 ha. Nhìn ông béo khỏe đi lại thoăn thoắt, nói cười vui vẻ không ngớt, tôi không ngờ rằng 15 năm trước, ông từng là “con nghiện” với thâm niên 11 năm.

Vừa hóm hỉnh kể lại quá khứ nghiện ngập của mình, ông Trung vừa xúc động cảm ơn bà con chòm xóm không kỳ thị, được Chi bộ và chính quyền địa phương các cấp động viên, làm thủ tục vay 50 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi bò; được Bí thư Cường tận tình giúp đỡ tiền, gạo những lúc gia đình khó khăn.

Đến nay, bản Nghĩa Hưng là điểm sáng của xã, của huyện về phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh trật tự; năm 2020 bản không còn hộ nghèo, số hộ khá và giàu chiếm hơn 60% (thuộc tốp đầu của huyện). Ngoài ra, từ tháng 8/2018, 11 hộ trong bản đã thành lập HTX trồng cây ăn quả bản Nghĩa Hưng , liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và áp dụng qui trình VietGráp, nhằm nâng cao giá trị và chất lượng các sản phẩm ăn quả có múi của Phù Yên vươn xa hơn trên thị trường./.

Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2019, nhân dân xã Mường Cơi đã đóng góp gần 11 tỷ đồng, 14.521 ngày công lao động và hiến 5.247m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng và đường giao thông nông thôn. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã đã làm được 18.621m đường giao thông nông thôn.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã phát triển nhanh, nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, tạo ra diện mạo mới.

Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần, nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của xã (chăn nuôi đại gia xúc, gia cầm, cây ăn quả có múi…). Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, một số cây trồng, vật nuôi chuyển đổi có hiệu quả cao như: trồng cây ăn quả có mũi trên đất dốc ...

Phạm Quỳnh