Mường Lai có người nông dân dư dả tiền tỷ mở Homestay đầu tiên đón khách

Thứ ba, 25/04/2023 - 09:51

TNV - Thật may mắn khi tôi có dịp đến rất nhiều Homesay ở vùng cao Tây Bắc, nhưng để lại ấn tượng độc đáo và có câu chuyện thú vị mang ra kể cho bạn bè thì lại không nhiều. Trong đó, chuyện về ông chủ của Homesay đầu tiên trên đất Mường Lai – người tỷ phú nông dân dân tộc Tày 54 tuổi có chí lớn vươn lên làm giàu và nấu nướng cực ngon - luôn là đề tài được tôi say sưa kể với mọi người lúc tửu hậu, trà dư. Được biết, ông còn ấp ủ mong muốn đưa Homestay của mình thành sản phẩm OCOP độc đáo, hấp dẫn của địa phương.

Ông chủ Homesay (bìa trái) và tác giả trước ngôi nhà sàn dùng để đón khách

Tài nghệ nấu nướng cự phách

Cuối năm trước (năm 2022), tôi có dịp thăm Homesay của ông nằm ở thôn 8, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ban đầu nhìn cảnh vật xung quanh, gồm ngôi nhà sàn truyền thống, một ao rộng như chiếc hồ to của xã ở phía trước đang thi công kè lại… rồi bữa trưa gồm món lẩu trâu, nộm bì, bê tái được dọn ra… cũng chưa mang lại cho chúng tôi cảm xúc gì đặc biệt.

Nhưng sau ly rượu đầu, chỉ mới thẩm miếng đầu tiên được gắp ra từ nồi lẩu nóng hổi, cảm giác uể oải, chưa hứng thú ban đầu vụt tan biến. Không kiềm chế nổi cảm xúc, tôi vội thốt lên : “ Chưa khi nào được ăn món lẩu ngon như ở đây”.

Món ăn mang đậm hương vị truyền thống trở nên đẳng cấp bởi tài nghệ nấu nướng của ông Tiến

Mọi người cùng trầm trồ, suýt xoa khen ngợi và giục nhau cùng thưởng thức, làm cho bữa ăn tưng bừng phấn khởi hẳn lên. Quả vậy, ở đây món nào cũng rất chất lượng, đậm đà và ngon miệng, như quyến rũ mọi người mải mê ăn tiếp mà không biết đã no từ bao giờ!

Bất ngờ vì ở chốn thâm sơn cùng cốc lại có cao thủ đầu bếp tài ba đến vậy, tôi dò hỏi qua mấy người bạn cũng ở xã Mường Lai đi cùng, thì được biết ông chủ Homesay này không chỉ nấu ăn ngon mà còn là nông dân tỷ phú giàu nhất nhì của xã nhờ thu mua sản vật địa phương mang đi tận Sa Pa bán. Thầm cảm mến bản lĩnh và tài nghệ nấu nướng cự phách của ông, tôi thiết tha mời ông ra uống chén rượu cảm ơn và hỏi thăm câu chuyện cho thỏa chí tò mò của người làm nghề viết lách.

Không giống như đại đa số các ông chủ Homesay, nhà hàng mà chúng tôi đã gặp, ông Hoàng Ngọc Tiến rất kiệm lời, và không có thói quen đon đả sẵn sàng cụng ly để chiều lòng khách. Nên chúng tôi mời mãi đến dăm bảy bận, ông mới e dè ra ngồi chạm cốc với khách.

Như bén duyên nhau, chỉ sau ít phút trò chuyện và cái lần đầu gặp nhau ở nhà ông, chúng tôi đã trở nên thân mật và thường xuyên gọi Zalo thăm nhau. Qua đó, tôi càng thêm ấn tượng về trình độ ẩm thực, về con đường làm giàu cũng như thành quả đạt được của ông.

Theo lời ông kể, bí quyết để có bữa lẩu ngon là ăn lẩu gì thì phải dùng xương (tốt nhất là xương ống) của con vật đó để chế nước lẩu, chứ nếu sử dụng nước lẩu dùng chung chế sẵn cho mọi loại lẩu ăn sẽ rất ngang. Bên cạnh đó, mỗi loại lẩu yêu cầu thứ gia vị đặc trưng cần phải nắm rõ và tẩm ướp cho hợp lý, ví như  lẩu trâu thì thiên về gia vị tỏi, lẩu bò thì ưu tiên vị gừng... Chỉ riêng công đoạn phi hành tỏi của ông cũng khác biệt, đó là khi bật bếp cho dầu vào là cho hành tỏi vào ngay để hành tỏi chín thấu vào không bị cháy. Ngoài ra ông còn tiết lộ bí quyết chọn thịt, thái thịt, ướp thịt, pha nước chấm…

Điều đặc biệt, để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng, ông luôn đặt mua ở những cơ sở thân quen, tin cậy, đồng thời ông còn chủ động nuôi ngan, gà, vịt, cá, lợn, dê…để có nguồn thực phẩm chất lượng cao ngay tại gia đình và phục vụ nhu cầu trải nghiệm của khách.

Thấy tôi hỏi nhiều về lẩu, ông bật mí, ngoài lẩu ra ông còn sở trường chế biến các món về nộm bì trâu (bò), tái và nướng.

Nuôi chí làm giàu từ nhỏ

Gác lại chuyện ẩm thực, tôi hỏi ông về chuyện làm ăn, buôn bán như thế nào để có mấy tỷ như hiện nay. Là người sống nội tâm nên ông chỉ cười trừ cho qua chuyện, hoặc nói nhỏ giọt, nhưng qua nhiều lần tâm sự dần tôi cũng hiểu được hành trình để ông trở thành tỷ phú ở miền quê nghèo chính là nhờ chí lớn dám táo bạo bươn trải đi xa tìm mối tiêu thụ những sản vật bản địa nơi ông đang sinh sống.

Xây kè ao và làm đường đi dạo quanh chiếc ao rộng hơn 4.000 m 2 làm nơi giải trí phục vụ khách

Ông nhớ lại, từ khi còn là chàng thiếu niên 14 – 15 tuổi ngồi trên ghế nhà trường, năm nào đến vụ thu cá ở hồ Thác Bà cách nhà 25km ông cũng lặn lội đi mua mấy tạ đem về bán lẻ khắp trong xã để có tiền phụ giúp bố mẹ.

Nuôi chí làm giàu ngay từ nhỏ, nên đến tuổi trưởng thành, không chịu cam phận nghèo chỉ làm nông nghiệp tuần túy như bao hộ nông dân ở bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác của huyện, ông xoay sở học nghề ba toa (mổ lợn) kết hợp với kinh doanh buôn bán nông sản tại xã. Công việc diễn ra khá thuận lợi, kinh tế gia đình ông dần cải thiện, có tiền dư dả mua vàng và mua đất làm thêm nhà ở gần chợ trung tâm xã cho tiện buôn bán.

Được khoảng 2 chục năm, ông nhận ra công việc làm ăn ngày càng khó khăn, không có sự bứt phá lớn, do có thêm nhiều người cũng mổ lợn như mình trong khi tiêu dùng của bà con trong xã còn hạn chế. Từ đó, ông nung nấu suy nghĩ phải đi xa, tìm những nơi đô thị có tiềm năng tiêu thụ lớn mới có cơ hội làm giàu, lo cho các con đang tuổi trưởng thành có kế sinh nhai ổn định.

Năm 2010, ông quyết định chuyển hướng làm ăn, dừng công việc mổ lợn, chuyển qua thu mua lợn cắp nách, dê, chó… tại địa phương chở lên thành phố Lào Cai bán cho một số nhà hàng.

Nhờ làm ăn thật thà, uy tín, từ chỗ chở mỗi ngày 01 lồng dần dà ông chở 03 lồng/ngày (tương đương 2 tạ hàng) giao buôn cho các mối. Quãng đường núi 135km từ nhà lên thành phố Lào Cai, nắng cũng như mưa rét, ngày nào ông cũng không ngại khó khăn vất vả dùng xe máy thồ hàng lên giao cho đúng hẹn.

Đến năm 2014, lúc này 2 con trai đầu của ông đã lập gia đình riêng và có mấy năm bôn ba tứ xứ làm ăn, mới chịu quay về theo ông phụ chở hàng giao cho khách. Và cũng từ năm này để tạo thêm việc làm cho các con, ông lại khăn gói lên Sa Pa (cách TP Lào Cai 40km) tìm thêm mối tiêu thụ. Một lần nữa may mắn, lòng kiên trì và cung cách làm ăn tử tế đã giúp ông có chỗ đứng và từng bước củng cố thị trường tiêu thụ ở khu du lịch hót nhất nhì phía Bắc.

Công việc làm ăn thuận lợi, nên năm 2016 ông mua xe ô tô tải KIA trị giá 380 triệu đồng giao cho con trai cả chở hàng cho đỡ vất vả; năm 2019, ông bỏ ra 700 triệu đồng để mua miếng đất 125 m 2 ở mặt phố khá đông đúc thuộc thị trấn Sa Pa dựng nhà tạm làm nơi tập kết, bán hàng (nghe nói thời điểm đầu năm 2022 có người trả 2 tỷ nhưng ông không bán); năm 2020 ông về quê chi thêm 600 triệu đồng xây khu nhà ngang diện tích 90 m 2 gồm 03 phòng ngủ, nhà bếp, công trình vệ sinh; đến năm 2022, ông tiếp tục sửa sang ngôi nhà sàn bằng gỗ để làm Homesay hết 170 triệu đồng.


Cửa vào hang Pác Khang

Đặc biệt, hiện nay ông đang cho xây kè ao và làm đường đi dạo quanh chiếc ao rộng hơn 4.000 m 2 , đổ bê tông ngõ và đường đi lại xung quanh nhà, làm sân khấu nổi giữa ao 100 m 2 , làm 03 nhà chòi ven ao mỗi căn rộng 20 m 2 , xây tường bao, trang trí tiểu cảnh… tính ra cũng tỷ bạc nữa để hoàn thiện mô hình Homesay.

Thấy ông đủng đỉnh kể với tâm thế tự tin, tôi ướm hỏi: Tính ra cũng ngót 3 tỷ rồi đấy. Thế anh có phải vay mượn gì không? Ông thong thả nói: “May là chưa phải đi vay chú ạ!”. Người cẩn thận như anh chắc con dư tiền tỷ để vốn liếng làm ăn chứ? Lúc này ông mới cười nói: Chỉ còn dư mấy trăm nữa thôi. Được như này là quý lắm rồi!

Chi tiền tỷ mở Homestay đầu tiên ở xã hướng tới tiêu chuẩn OCOP

Được biết, hiện cả 4 người con đều được vợ chồng ông chăm lo học hành hết trung học phổ thông, lo cho công việc ổn định và đã yên bề gia thất. Hai cặp vợ chồng con gái thứ 3 và út của ông đang làm công nhân ở Hà Nội, vợ chồng con trai cả ở nhà làm Homesay và thu mua nông sản cùng ông; vợ chồng con trai thứ 2 làm nhiệm vụ bán hàng tại xã và tại Sa Pa.

Ông nói tiếp: “Mời chú hôm nào lên chơi, anh đưa đi Sa Pa thăm cửa hàng anh luôn thể và thăm cả hang Pác Khang (hang Tình Yêu) ở ngay ngọn núi trước Homestay anh nữa”.

Tôi gật gù nhận lời và đặt câu hỏi: “Đang làm ăn tốt ở Sa Pa, sao anh lại chuyển hướng về quê làm Homesay?”.

Ông ngập ngừng chút rồi cho hay: “Thấy các nơi phát triển Homesay hay hay nên về quê làm thử xem sao”. Ông nói nghe nhẹ bẫng thế thôi chứ tôi biết người cẩn thận, giỏi tính toán như ông hẳn đã học hỏi nhiều mô hình Homesay ở các bản vùng cao Sa Pa và nhìn thấy tiềm năng nghỉ dưỡng, du lịch ở mảnh đất nơi mình đang sinh sống nên mới quyết đoán bỏ ra tiền tỷ tích cóp bấy lâu nay để mở Homesay đầu tiên trên đất Mường Lai.

Du khách thích thú khi được chiêm ngưỡng nét hoang sơ, diệu kỳ của hang Pác Khang

Bởi toàn bộ Homesay của gia đình ông rộng hơn 5.000 m 2 nằm ở cuối thôn ngay dưới chân những quả núi cao trải dài xanh thẫm rất thích hợp cho những khách miền xuôi, đô thị muốn tìm về nghỉ dưỡng để tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, cảm giác yên bình, tránh xa những ồn ào lo toan nơi phố thị.

Hơn nữa, ở quả núi nằm chếch trước nhà ông có hang Pác Khang (hang Tình Yêu) với không gian tĩnh mịch, từng chùm nhũ đá duyên dáng, giếng nước mát trong… còn rất nguyên sơ mới được chính quyền địa phương phát hiện, khảo sát đưa vào tour du lịch trải nghiệm. Tất cả như giục giã du khách cả bốn mùa trong năm đến Homestay để thênh thênh cảm giác bay bổng giữa núi non trùng điệp, thưởng thức tài nghệ nấu nướng của ông và chiêm ngưỡng nét hoang sơ, diệu kỳ của hang Pác Khang nhất là trong những ngày hè oi nắng, chắc chắn sẽ mang lại cảm giác mới lạ, sảng khoái và năng lượng tích cực cho mọi người khi đến với đất Mường Lai.

Được biết, ông chủ của Homestay đầu tiên ở đất Mường Lai đang có ý tưởng đưa Homesay của mình gắn với tour du lịch khám phá hang Pác Khang trở thành sản phẩm OCOP độc đáo, hấp hẫn của địa phương. Ý tưởng này được Bí thư Đảng ủy xã Triệu Văn Huấn rất quan tâm, ủng hộ và sớm chỉ đạo chính quyền xã tìm hiểu, nghiên cứu để triển khai thực hiện.

Phạm Quỳnh