Kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ hoàn toàn vượt trội so với của Trung Quốc, song có thể thấy việc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang khiến các đồng minh của Mỹ và các nhà hoạch định chính sách tại nước này lo ngại.
Mỹ coi Trung Quốc là điều kiện tiên quyết cho đàm phán kiểm soát vũ khí với Nga. Ảnh: Reuters
Tại cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, mọi cuộc đàm phán trong tương lai về kiểm soát vũ khí đều phải dựa vào tầm nhìn của Tổng thống Donald Trump về một thỏa thuận 3 bên có sự tham gia của cả Nga và Trung Quốc. Được cho là có khoảng 300 đầu đạn hạt nhân, ít hơn nhiều so với của Nga và Mỹ, Trung Quốc đã từ chối đưa ra bình luận về tuyên bố này của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.
Phát biểu của ông Mike Pompeo đưa ra trong bối cảnh, chính quyền Mỹ trước đó nghi ngờ Trung Quốc bí mật tiến hành thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất ở cấp độ thấp, bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố luôn tuân thủ hiệp ước quốc tế cấm hoạt động này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố: “Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện. Trung Quốc luôn ủng hộ các mục đích và mục tiêu của hiệp ước này, cũng như tuân thủ cam kết không tiến hành các vụ thử hạt nhân. Thật vô trách nhiệm khi phía Mỹ đưa ra những lời buộc tội vô căn cứ đối với Trung Quốc bất chấp sự thật. Ngay cả các chuyên gia kiểm soát vũ khí ở Mỹ cũng bày tỏ nghi ngờ. Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận những cáo buộc của Mỹ và phản đối mạnh mẽ”.
Dù không nêu bằng chứng cụ thể, song báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại Trung Quốc không tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế “zero yield”, tức thử hạt nhân không có phản ứng nổ dây chuyền. Tiêu chuẩn này là một phần trong Hiệp ước Cấm thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT) năm 1996. Đến nay, Hiệp ước vẫn chưa có hiệu lực vì có 8 quốc gia ký kết nhưng chưa phê chuẩn, bao gồm Mỹ và Trung Quốc. Dù vậy, hai nước vẫn tuyên bố tuân thủ các điều khoản đã ký kết.
Hãng tin Reuters khi đó đã dẫn lời một quan chức Mỹ tiết lộ, động thái của Bộ Ngoại giao nước này là nhằm buộc Trung Quốc phải tham gia cùng Mỹ và Nga trong các cuộc đàm phán về một hiệp định kiểm soát vũ khí để thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (New START) ký năm năm 2010.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) là hiệp ước lớn cuối cùng nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga và sẽ hết hạn vào đầu năm 2021. Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm đóng vai trò nòng cốt đối với các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga. Nếu Hiệp ước bị “khai tử”, đây là sẽ là lần đầu tiên trong 50 năm qua không có một hiệp ước nào giới hạn vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.
Theo thống kê của hãng tin AP, các quan chức Mỹ-Nga đã gặp nhau 3 lần bàn về số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới. Giới chức Mỹ và Trung Quốc cũng đã có cuộc đối thoại tương tự. Tuy nhiên, chưa có cuộc gặp 3 bên Mỹ-Nga-Trung cho vấn đề này. Nga trước đây phản đối, nhưng nay đã tỏ ý ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Donald Trump kêu gọi sự tham gia của Trung Quốc. Trong thông cáo đưa ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga một lần nữa nhắc lại nhập trường sẵn sàng làm việc về các thỏa thuận mới có thể về kiểm soát vũ khí hạt nhân, song điều quan trọng là phải duy trì Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược trong giai đoạn chuẩn bị.
Trên thực tế, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương đang khiến các đồng minh của Mỹ và các nhà hoạch định chính sách tại nước này lo ngại. Thế nhưng Trung Quốc đã bác bỏ sáng kiến của ông Donald Trump với lập luận rằng lực lượng hạt nhân nhỏ bé của nước này chỉ mang tính phòng thủ và không đe dọa ai. Ngay cả một số chuyên gia và nghị sĩ Mỹ cũng nghi ngờ đề xuất của chủ nhân Nhà Trắng, cho rằng việc đặt điều kiện Trung Quốc phải tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí chẳng qua chỉ là cái cớ, thậm chí là “chiến lược liều thuốc độc” nhằm sớm kết liễu Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược để thúc đẩy tham vọng hạt nhân riêng./.
Thu Hoài/VOV