Đạo luật này là một phần nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc.
Đạo luật 280 tỷ USD bao gồm khoản trợ cấp 52 tỷ USD để giúp các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn trong nước. Đạo luật cũng bao gồm khoản hoàn thuế đầu tư 25% cho các nhà máy sản xuất chip, ước tính trị giá 24 tỷ USD.
Khoản tiền còn lại sẽ được sử dụng trong 10 năm để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo nhằm cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định rằng tương lai của ngành công nghiệp chip siêu nhỏ sẽ được tạo ra ở Mỹ.
Tổng thống Mỹ ký thông qua Đạo luật chip và khoa học 2022 tại Nhà Trắng ngày 9/8 - Ảnh: Reuters
“Ngày hôm nay tôi ký ban hành đạo luật Chip và Khoa học, khoản đầu tư trong cả 1 thế hệ tại Mỹ. Đây là một đạo luật sẽ khiến người dân Mỹ tự hào. Ngay bây giờ, chúng ta cùng đưa ra các quyết định về nơi sẽ đầu tư và thúc đẩy sản xuất các chất bán dẫn. Rất nhiều công ty nước ngoài đã chọn Mỹ để đầu tư. Họ thấy rằng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên Minh châu Âu đã đầu tư hàng tỷ đô la để thu hút các doanh nghiệp sản xuất chip, nhưng họ cũng thấy rằng Mỹ đã trở lại và đang dẫn đầu trong lĩnh vực này" - Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Giám đốc điều hành nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Micron, Intel, Lockheed Martin, và Advanced Micro Devices đã tham dự lễ ký của Tổng thống Biden.
Nhà Trắng cho biết, việc thông qua dự luật sẽ đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp chip. Theo thông tin từ Nhà Trắng, hãng Qualcomm đã đồng ý mua thêm chip bán dẫn trị giá 4,2 tỷ USD từ nhà máy ở New York của GlobalFoundries, nâng tổng mức cam kết mua hàng lên 7,4 tỷ USD cho đến năm 2028. Nhà Trắng cũng cho biết hãng Micron đang công bố khoản đầu tư 40 tỷ USD để sản xuất chip bộ nhớ, vốn sẽ thúc đẩy thị phần của Mỹ từ 2% lên 10%./.
Phạm Huân/VOV