Trong thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đã cận kề, Tổng thống Trump đang tìm cách đảm bảo những cam kết thương mại với Trung Quốc và làm rõ những vấn đề địa chính trị có thể khiến 2 bên leo thang căng thẳng.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang nỗ lực nhằm hoãn kế hoạch áp thuế mới của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc ngày 15/12 tới khi hai nước đều muốn hạ nhiệt cuộc chiến tranh thương mại, tờ Wall Street Journal cho biết hôm 10/12.
Các nhà đàm phán thương mại đang tìm cách đưa ra những "yêu cầu cơ bản" với chính quyền Tổng thống Trump để hoãn áp 15% thuế lên 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" giữa Bắc Kinh và Washington mà 2 bên chưa thể ký kết có thể sẽ được củng cố lại. Thỏa thuận này liên quan đến việc Trung Quốc sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Tin tức Mỹ có thể hoãn áp thuế Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán tăng điểm ngày 10/12 (giờ địa phương) bởi động thái này có tác động không chỉ đến người tiêu dùng mà còn cả các nhà sản xuất của Mỹ. Washington không nêu cụ thể nước này sẽ chờ trong bao lâu trước khi tiến hành vòng áp thuế này, nhằm vào các sản phẩm tiêu dùng như đồ chơi, laptop, điện thoại và quần áo từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 10/12 nhận định rằng thuế trừng phạt của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc "vẫn đang trong quá trình thảo luận" nếu Tổng thống Trump không hài lòng với kết quả các cuộc đàm phán giữa 2 nước.
Đầu tháng này, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ chờ tới cuộc bầu cử năm 2020 để hoàn thành thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, đồng thời khẳng định thêm "không có hạn chót" nào cho việc đạt được thỏa thuận.
Mỹ tiếp tục gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận, rằng họ sẽ xem xét lại việc mua hàng hóa như đã cam kết theo từng quý và lượng hàng hóa sẽ không được giảm xuống dưới mức 10% dù trong bất kỳ quý nào.
Đoàn đàm phán phía Trung Quốc, dẫn đầu là Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã bác bỏ yêu cầu trên và tuyên bố rằng thỏa thuận trên sẽ vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và gây nên căng thẳng giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại khác.
Sự thay đổi trong yêu cầu về việc đảm bảo số lượng hàng hóa cần mua là một hướng tiếp cận khác so với các chính quyền Mỹ trước đó, khi những người này tăng cường gây sức ép để nền kinh tế Trung Quốc dựa vào thị trường thay vì các kế hoạch điều tiết của nhà nước.
Chuyên gia Stephen Vaughn - một cựu cố vấn tại Văn phòng đại diện thương mại Mỹ từng phục vụ trong chính quyền Tổng thống Trump khẳng định những sự thay đổi như vậy là cần thiết bởi Trung Quốc không phải một nền kinh tế "thị trường tự do”./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo Sputnik