Mỹ rút 9.500 quân khỏi Đức: Ngã rẽ mới trong quan hệ đồng minh?

Thứ hai, 08/06/2020 - 07:35

Một số nguồn tin cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định sẽ rút 9.500 binh sĩ Mỹ đồn trú ra khỏi Đức .

Hàng loạt các tờ báo quốc tế lớn 2 ngày qua đã dẫn lời giới chức cấp cao Mỹ giấu tên đưa tin về quyết định sẽ rút 9.500 quân ra khỏi Đức của Tổng thống Mỹ Trump. Con số này tương đương 1/3 trong tổng số 34.500 quân Mỹ đang đồn trú ở Đức.

Tổng thống Donald Trump ra lệnh rút 9.500 quân Mỹ khỏi Đức. Ảnh: Global Look Press.

Theo một quan chức Mỹ, trong số binh sĩ sẽ được rút khỏi Đức, sẽ có một phần trở về nước, một phần chuyển tới Ba Lan. Lý do của kế hoạch rút quân này được cho là kết quả làm việc trong nhiều tháng của Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Tướng Mark Milley; chứ không phải xuất phát từ bất đồng giữa Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Đức Merkel - người đã từ chối tham gia kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh của nhà lãnh đạo Mỹ trong tháng này mới đây.

Trong khi, một số nguồn tin tiết lộ, kế hoạch rút quân có thể xuất phát từ bất đồng về chi phí quốc phòng giữa các nước thành viên NATO. Bởi từ lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa rút quân đội Mỹ ra khỏi nước Đức vì muốn ép buộc Chính phủ Đức phải tăng mức chi phí ngân sách quốc phòng hàng năm, ít nhất lên mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như các nước thành viên NATO đã thỏa thuận với nhau từ năm 2014.

Hiện cả Chính phủ và Bộ Quốc phòng Mỹ đều chưa lên tiếng về vụ việc, song cùng khẳng định, Tổng thống Mỹ Trump vẫn “liên tục đánh giá lại tình hình và tạo điều kiện tốt nhất cho các lực lượng quân đội Mỹ”.

Trong khi, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jack Reed, thành viên thuộc Ủy ban quân ủy Thượng viện Mỹ, đã chỉ trích kế hoạch rút quân của Mỹ ra khỏi Đức, coi đó là “sự keo kiệt và vô lý”. Còn chuyên gia Andrew Weiss thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế có trụ sở tại Mỹ nhận định, động thái này là “món quà lớn” cho các đối thủ của Mỹ như Nga.

Về phía Đức, giới chức nước này cũng đã đưa ra nhiều bình luận về động thái mới nhất của Mỹ. Ngoại trưởng Đức Maas hôm qua (6/6) đã lấy làm tiếc về bước đi này của đồng minh Mỹ, đồng thời nhận định, mối quan hệ giữa 2 nước đang “khá phức tạp”. Ông Maas khẳng định, Đức trân trọng sự hợp tác cùng các lực lượng Mỹ vốn đã phát triển sau nhiều thập kỷ vì lợi ích của cả 2 quốc gia.

Còn các Nhà lập pháp thuộc Đảng cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel cũng đã chỉ trích quyết định rút quân của ông Trump. Andreas Nick, một thành viên cao cấp của Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cho rằng, đây dường như là 1 quyết định có động cơ chính trị và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động quân sự của NATO.

“Tôi có thể nói rằng, quân đội Mỹ và gia đình của họ luôn được chào đón nhiều hơn ở Đức. Việc rút quân quân của Mỹ có thể ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động của NATO, ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ xuyên Đại Tây dương”, ông Andreas Nick nói.

Một Nghị sĩ khác của Đức thì cảnh báo rằng, bước đi mới của Mỹ có thể là lời “cảnh báo lớn nhất” đối với các đồng minh của Mỹ trước “chính sách nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến ủng hộ quyết định này, cho rằng Đức sẽ giảm sự lệ thuộc vào Mỹ trong tương lai.

Ngay khi Mỹ đánh tiếng rút bớt quân khỏi Đức, giới chức Ba Lan đã hy vọng sẽ có thêm lính Mỹ đến nước này. Thủ tướng Ba Lan hôm qua đang hi vọng các thông tin là sự thật và một phần trong số binh sĩ Mỹ rút khỏi Đức sẽ được điều chuyển đến nước này. Bởi theo ông, mối nguy hiểm thật sự đang rình rập tại bờ Đông của NATO.

Việc Mỹ rút quân khỏi Đức diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Đức – Mỹ xuất hiện không ít khác biệt, bất đồng dưới thời Tổng thống Mỹ Trump như: vấn đề chi phí quân sự, chương trình hạt nhân Iran, câu chuyện năng lượng giữa Nga và châu Âu, sự ủng hộ đối với WHO trong đại dịch Covid-19./.

Đình Nam/VOV