Mỹ thuật Việt Nam: Chân dung chàng họa sĩ trẻ dân tộc Giáy cống hiến hết mình vì nghệ thuật

Thứ sáu, 15/10/2021 - 15:26

TNV - “Tôi mơ mình vẽ, và rồi tôi vẽ giấc mơ..” như tái hiện sự hiện thức hoá niềm đam mê của hoạ sĩ trẻ Vàng Hải Hưng, chàng trai 27 tuổi người dân tộc thiểu số xuất thân từ gia đình thuần nông tại tỉnh Lào Cai với những bức hoạ sơn dầu - chất liệu ấp ủ sức sống mới, tình cảm mãnh liệt của người nghệ sĩ.

Chân dung hoạ sĩ trẻ Vàng Hải Hưng (ảnh do nhân vật cung cấp)

“ Bản thân mình đến với vẽ có lẽ là cái duyên đưa đẩy..”

Hải Hưng không phải con nhà nòi hay có xuất phát điểm tham gia hoạt động nghệ thuật. Với chàng hoạ sĩ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2020, đến với nghệ thuật nói chung và hội hoạ nói riêng là mối nhân duyên mà ngay từ khi ngồi trên mái nhà trường, trở thành người sáng tạo tác phẩm trên vải bố đã thành sự định hướng nghề nghiệp duy nhất trong tâm trí của cậu học sinh nọ. Ngay với những bạn trẻ sống ở thành phố, sựphân vân đi theo hội hoạ đã là một suy nghĩ chứa đầy sự mông lung, không nhiều người can đảm lựa chọn kể cả có niềm đam mê lớn đến nhường nào. Hải Hưng là một trường hợp đặc biệt hơn cả, sinh ra ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát tại miền núi phía Bắc, dành công sức cho nghệ thuật là quá xa vời khi cái ăn cái mặc hàng ngày vẫn khó khăn ở hầu hết gia đình nơi đây, một chàng trai giỏi giang, khôi ngô theo đuổi nghệ thuật càng được coi tựa mong ước viển vông.

Học đến năm 2 Đại học Lâm nghiệp theo định hướng của cha mẹ, Vàng Hải Hưng rẽ ngang chạy theo tiếng gọi của ước mơ khi thi lại vào Đại học Mỹ thuật; với anh, theo đuổi công việc sáng tạo là niềm hạnh phúc, dù có muôn vàn trắc trở nhưng những trải nghiệm sẽ khiến anh khôn lớn và trưởng thành. Bằng sự cố gắng và nỗ lực thay đổi định kiến được, Hải Hưng đã chứng minh thực lực của mình khi nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch tại năm 2 đại học, đồng thời vinh dự được gặp mặt Phó Chủ tịch nước tại Phủ Chủ tịch khi là một trong những sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu năm 2016.

Mỗi bức tranh của Vàng Hải Hưng chứa thông điệp, góc nhìn thật của cuộc sống đồng bào thiểu số miền núi.

Ngay từ khi là sinh viên, Hải Hưng từng trải nghiệm vẽ trên nhiều chất liệu. Mỗi chất liệu đều có một cái hay riêng, một sự sống khác biệt thể hiện khía cạnh người nghệ sỹ, thế nhưng sơn dầu là cái mà Hưng nghiệm thấy phù hợp, đáp ứng cảm giác được chi phối và bao quát tổng thể về kỹ thuật. Đưa từng nét cọ với màu dầu, chất và câu chuyện của người hoạ sĩ ấy dần được bộc lộ. Chủ đề xuyên suốt từ khi vào nghề đến giờ của anh là những hình ảnh người đồng bào dân tộc với các công việc lao động chân tay tại khu vực biên giới hay cảnh mây núi biên cương. “ Đề tài này gắn liền với mình như vậy có lẽ đó là do cuộc sống, trải nghiệm của mình đã hình thành nên gam màu đặc thù của bản thân..”, Hưng bộc bạch. Mỗi bức tranh của anh chứa một thông điệp, tất cả thông điệp đó hội tụ một hơi thở tích cực. Khi nhìn tác phẩm của anh hoạ sĩ người Giáy, đời sống lao động chất phác, cần cù của đồng bào dân tộc thiểu số khắc hoạ hiện lên xuyên suốt, tỉ mỉ tới từng chi tiết. Những góc nhìn thật còn nhiều khó khăn hay hạn chế của quê hương trở thành niềm cảm hứng bất tận khiến anh bắt tay sáng tạo tác phẩm. Hoạ sĩ Vàng Hải Hưng chọn cho mình phong cách ý niệm, thiên về tạo hình bố cục biểu tượng cô đọng định hình; lối ẩn dụ trong tranh nếu người xem chỉ nhìn qua thì không thể thấu hiểu hết các nội dung mà anh muốn truyền tải. Mảng miếng của màu sắc và sắc độ được Hải Hưng sáng tạo sao cho ra được ngôn ngữ của mình, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của anh ẩn đi dưới từng nét vẽ.



Một số tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Hải Hưng- ảnh do nhân vật cung cấp.

“Ánh sáng không bao giờ tắt” là bức tranh sơn dầu mang ý nghĩa đặc biệt tại thời điểm hiện tại. Khi cả nước đang đồng lòng chống dịch như chống giặc, nghệ thuật trở thành vũ khí chiến đấu của người dân Việt Nam. Năng lượng và ánh sáng làm việc của các y bác sĩ trong bức tranh của anh vừa cổ vũ tinh thần vừa mở ra hy vọng về tương lai không xa đất nước chiến thắng đại dịch.

Tác phẩm “ Ánh sáng không bao giờ tắt” - Vàng Hải Hưng

Dù tuổi nghề còn trẻ, hoạ sĩ Hải Hưng đã có một số bức tranh sơn dầu để đời khác như: “Sống”, “ Khi ánh dương chìm dần dưới ngọn đồi”… Giải nhất triển lãm sinh viên, giải khuyến khích Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc.. là thành tựu đáng nể của anh chàng sinh năm 95 đầy tài ba.

Workshop hợp tác giữa viện Goethe Hà Nội và trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2019.

Quan điểm về tranh sơn dầu của chàng hoạ sĩ: “Tranh sơn dầu xưa và nay đã thay đổi rất nhiều..”

Nghệ thuật tiếp cận công chúng ở Việt Nam trong quan điểm của anh đa phần chỉ là những người trong giới, số ít nhà chơi tranh và người sưu tầm hiểu được cốt lõi nghệ thuật. Số đông mọi người đều không hiểu và tiếp cận dưới góc nhìn sâu nhất của nghệ thuật, đó chính là điều hạn chế to lớn cần được giải quyết trong lĩnh vực mỹ thuật Việt Nam, lĩnh vực tranh sơn dầu.. Bản thân anh thấy nghệ thuật hội hoạ nên có các kênh truyền thông tốt đi kèm với chất lượng, dừng lại ở nghệ thuật, thẩm mỹ là chưa đủ, giá trị đích thực của nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ là yếu tố chính làm nên thành công và sự phổ biến.

Ảnh do nhân vật cung cấp.

Thế hệ hoạ sĩ như Hải Hưng đều học hỏi và nghiên cứu từ những thế hệ hoạ sĩ đi trước rất nhiều. Không thể phủ nhận đóng góp to lớn của những hoạ sĩ lão thành qua một số tác phẩm đáng nhớ, hoạ sĩ trẻ bây giờ hơn hết đều năng động, tìm tòi nghiên cứu giao lưu quốc tế. Trên bức tranh của những họa sĩ trẻ, đổi mới các kỹ thuật và phương pháp tạo hình hiện đại hay và mới hơn không khó gặp. Xu hướng nghệ thuật hiện đại mang sắc màu, âm hưởng của nhịp trẻ đã thoát được lối vẽ truyền thống hàn lâm của các thế hệ hoạ sĩ xưa để phát triển mỹ thuật thế giới nói chung và mỹ thuật Việt Nam nói riêng.

Chú trọng cốt lõi vấn đề, tìm niềm cảm hứng và phấn đấu tìm tòi kiến thức không ngừng với tinh thần sẵn sàng cống hiến để sáng tạo ra những tác phẩm sơn dầu có giá trị nghệ thuật chất lượng trở thành một mục tiêu quan trọng không chỉ ở chàng hoạ sĩ trẻ tài năng Vàng Hải Hưng mà còn là đích đến của vô vàn hoạ sĩ tranh sơn dầu khác.

Nguyễn Phương Nguyên

Sinh viên K38 Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền