Việc hàng loạt quốc gia trong EU, Anh và Canada cùng Mỹ trừng phạt Trung Quốc mới đây phải chăng là dấu hiệu cho thấy chiến lược của Tổng thống Biden đã bước đầu thu được thành công?
Chiến lược của Biden đã thu về “quả ngọt”?
Chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden nhằm xây dựng các liên minh đối phó với Trung Quốc đã thu được một vài thành công bước đầu khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada đều thông báo trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương.
Tổng thống Biden. Ảnh: AP
EU đã thông qua lệnh trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc và 1 thực thể của nước này liên quan đến vấn đề Tân Cương, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng cách trừng phạt 10 nghị sĩ EU và 4 thực thể của châu Âu.
Đây là lần đầu tiên EU áp lệnh trừng phạt lên Trung Quốc trong vòng 3 thập kỷ và diễn ra ngay trước chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Brussels nhằm thúc đẩy quan hệ với các đồng minh truyền thống của Washington. Động thái này cũng được thực hiện giữa bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực sửa chữa những rạn nứt từng xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Trump khi áp dụng chính sách "Nước Mỹ trên hết" trong quan hệ quốc tế.
Cuộc họp trực tuyến của chính quyền Tổng thống Biden với các nhà lãnh đạo Australia, Nhật Bản và Ấn Độ hồi tuần trước, cùng với các cuộc gặp trực tiếp của Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin với những người đồng cấp ở Nhật Bản và Hàn Quốc được tiến hành nhằm củng cố các mối quan hệ của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện nay, ông Blinken muốn "làm tan băng" sự thù địch về thương mại với châu Âu từng diễn ra dưới thời ông Trump khi đầu tháng này, Mỹ và EU đã nhất trí tạm dừng các biện pháp thuế quan lên quan đến tranh cãi về việc trợ giá với Boeing và Airbus - một động thái được đánh giá là nỗ lực nhằm khôi phục mối quan hệ giữa Mỹ với EU và NATO.
Các biện pháp trừng phạt quốc tế đã ngay lập tức vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc khi Bắc Kinh giận dữ đáp trả các biện pháp trừng phạt của EU.
Ngày 31/12/2020, Trung Quốc gấp rút ký một thỏa thuận đầu tư với EU, mặc dù EU được đội ngũ của ông Biden cảnh báo không nên tham gia vào thỏa thuận trên trước khi có cơ hội thảo luận về những mối lo ngại chung liên quan đến các chính sách kinh tế và vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
Dù vậy, EU đã ký kết thỏa thuận này với những điều kiện nhất định sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu đội ngũ của ông đưa ra những ra nhượng bộ vào phút chót để thỏa thuận hoàn thành trước khi ông Biden nhậm chức và nhằm tạo nên rào cản khó bị tháo gỡ giữa chính quyền Mỹ kế nhiệm và EU.
Thỏa thuận trên đã giúp EU có quyền tiếp cận lớn hơn với thị trường Trung Quốc và được cho là có thể hủy bỏ việc chuyển giao công nghệ bắt buộc cũng như tạo nên sự minh bạch lớn hơn liên quan đến vấn đề trợ giá nhà nước với ngành công nghiệp.
Quyết định của Trung Quốc khi nhằm vào các thành viên thuộc Nghị viện châu Âu, những người có vai trò quan trong trong quá trình hoạch định chính sách đã tạo ra sự không chắc chắn với việc thông qua thỏa thuận đầu tư trên. Các thành viên trong Nghị viện châu Âu cảnh báo, các lệnh trừng phạt của Trung Quốc có thể đe dọa đến thỏa thuận và việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ là điều kiện tiên quyết để thỏa thuận trên được thông qua.
Những diễn biến trên là tín hiệu tích cực với những hy vọng của chính quyền Tổng thống Biden nhằm đưa các đồng minh ở châu Âu và các nước có rạn nứt với Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương về cùng một chiến tuyến trong nỗ lực kiềm chế các tham vọng địa - chính trị và kinh tế của Trung Quốc.
Điềm báo cho tương lai đầy trắc trở của Trung Quốc
Hàng loạt động thái gần đây cùng với cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong bầu không khí căng thẳng cũng như những cuộc khẩu chiến không khoan nhượng đã bác bỏ bất kỳ nhận định nào cho rằng, chính quyền Tổng thống Biden sẽ mềm yếu với Trung Quốc hơn so với những người tiền nhiệm.
Thậm chí, ngay trước cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska, chính quyền Tổng thống Biden đã áp lệnh trừng phạt lên 24 quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Hong Kong.
Trung Quốc rõ ràng không hài lòng với các lệnh trừng phạt gần đây liên quan đến vấn đề Tân Cương. Nước này nói rằng các lệnh trừng phạt trên được đưa ra dựa trên "không gì khác ngoài những lời nói dối và thông tin sai lệch", đồng thời chỉ trích các bên can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Bắc Kinh cũng khẳng định các lệnh trừng phạt đã "hủy hoại nghiêm trọng" quan hệ giữa Trung Quốc với EU và cho rằng đây sẽ là một chiến thắng của Mỹ.
Hai quốc gia chịu tác động mạnh nhất từ các lệnh trừng phạt của phương Tây là Trung Quốc và Nga hiện đang cố gắng tăng cường phản ứng trước sự thống trị của đồng USD và hệ thống thanh toán toàn cầu với đồng USD là trung tâm dưới thời cựu Tổng thống Trump và nay là chính quyền Tổng thống Biden. Đây sẽ là một chủ đề thảo luận trong chuyến thăm 2 ngày của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Trung Quốc trong tuần này.
Trung Quốc và Nga cũng cố gắng thúc đẩy việc sử dụng các đơn vị tiền tệ của họ trong các thỏa thuận thương mại khi giao dịch với các quốc gia khác. Chấm dứt "dollar hóa" là một trong những tham vọng của sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Dù vậy, những kết quả đạt được từ nỗ lực này vẫn rất hạn chế. Mặc dù việc sử dụng tiền Trung Quốc tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp và thị phần của đồng USD trong dự trự ngoại hối toàn cầu dù thấp hơn thời kỳ đạt đỉnh nhưng vẫn giữ vai trò chi phối.
Sự hợp tác rõ ràng đằng sau lệnh trừng phạt Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương mà Mỹ, EU, Anh và Canada đưa ra sẽ gây ra mối lo ngại cho giới chức Bắc Kinh. Đây có thể điềm báo cho viễn cảnh tồi tệ hơn của Trung Quốc nếu liên minh các đồng minh của Mỹ trước thời Tổng thống Trump thực sự một lần nữa hợp tác với nhau./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo: Sydney Morning Herald