Khái niệm zombie trong văn hóa hiện đại thường gắn liền với hình ảnh những xác chết biết đi, thường được miêu tả trong các tác phẩm điện ảnh và truyền hình như "Night of the Living Dead", "The Walking Dead", hay các trò chơi điện tử nổi tiếng như "Resident Evil". Tuy nhiên, một khi chúng ta quay về với thiên nhiên, ta sẽ nhận ra rằng những sinh vật có khả năng kiểm soát và thao túng hành vi của loài khác cũng tồn tại, và một trong những tác nhân này chính là nấm.
Có nguồn gốc từ trong tôn giáo Vodou của Haiti, từ "zombie" ban đầu được sử dụng để chỉ những người đã chết nhưng vẫn sống lại và chịu sự kiểm soát của một thế lực nào đó. Tuy nhiên, ý tưởng về những xác sống ăn não không còn chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Thực tế, nhiều loài động vật, đặc biệt là côn trùng bên ngoài tự nhiên thường bị "biến thành zombie" bởi nấm và những sinh vật ký sinh khác, chúng mất đi hoàn toàn khả năng kiểm soát hành vi của mình và trở thành công cụ phục vụ cho "kẻ thống trị vô hình" – trong trường hợp này là các loài nấm kỳ lạ.
Một trong những ví dụ nổi bật nhất chính là nấm Ophiocordyceps unilateralis, một loại nấm đã thu hút sự chú ý của nhiều người sau khi trò chơi điện tử nổi tiếng "The Last of Us" và phiên bản phim cùng tên được phát hành trên HBO. Trong thế giới của trò chơi và phim, con người bị nhiễm nấm, trở thành những sinh vật giống như zombie, và dần đẩy xã hội loài người vào sự sụp đổ. Tuy nhiên, thực tế thì những con nấm này lại chọn kiến và côn trùng làm mục tiêu thay vì con người.
Quá trình lây nhiễm bắt đầu khi những bào tử của nấm Ophiocordyceps unilateralis – những hạt giống siêu nhỏ mà nấm tạo ra để sinh sản – rơi từ những cây cao xuống những con kiến bên dưới. Bào tử này xâm nhập vào cơ thể kiến mà không giết chết chúng ngay lập tức. Sau khi đã "định cư" trong cơ thể của con mồi, nấm bắt đầu phát triển và lan rộng, dần thay đổi hành vi của con kiến. Những con kiến bị nhiễm sẽ dần mất đi khả năng giao tiếp với đồng loại trong tổ, và chúng bắt đầu đi lang thang một cách vô định.
Cuối cùng, nấm sẽ "điều khiển" hành vi của những con kiến nhiễm bệnh, khiến cho chúng leo lên cây và cắn chặt lấy một chiếc lá bằng hàm của mình. Sau đó, nấm chuyển sang giai đoạn tiêu thụ nội tạng của con vật, bao gồm cả não bộ. Khi cơ thể của kiến chết đi, nấm bắt đầu mọc ra từ đầu của nó, tạo ra thêm nhiều bào tử để lây nhiễm những con kiến khác bên dưới, và chu kỳ kinh hoàng này cứ tiếp diễn.
Ngoài loài nấm Ophiocordyceps unilateralis, các nhà khoa học đã ghi nhận hàng loạt loài khác thuộc chi Ophiocordyceps, và mỗi loài trong số chúng đều có những "món ăn" riêng biệt. Ví dụ, Ophiocordyceps salganeicola là một loại nấm ký sinh chỉ tấn công vào những con gián, và loài này chỉ xuất hiện ở quần đảo Ryukyu của Nhật Bản. Điều này chứng minh rằng sự đa dạng sinh học trong tự nhiên không chỉ tồn tại ở những loài động vật lớn mà còn ở cả những loài nấm ký sinh chuyên biệt.
Một loài nấm khác cũng được chú ý nhiều trong những năm gần đây là Massospora cicadina, một loại nấm ký sinh trên ve sầu định kỳ – những sinh vật sống ẩn mình dưới lòng đất trong vòng 13 hoặc 17 năm trước khi xuất hiện ngắn ngủi để giao phối. Điều thú vị về loài nấm này là cách mà nó giữ cho vật chủ của mình luôn tràn đầy năng lượng, khiến cho chúng bay nhảy và hoạt động ngay cả khi phần đầu sau và bụng của chúng đã bị nấm tiêu thụ và thay thế.
Trên thực tế, những mối quan hệ ký sinh này không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của hàng triệu năm tiến hóa. Mỗi loài nấm ký sinh đã phát triển một bộ công cụ sinh học độc đáo để xâm nhập và kiểm soát vật chủ cụ thể của mình. Để có thể lây nhiễm và kiểm soát một loài mới, ngay cả khi đó là một loài có quan hệ gần gũi với vật chủ hiện tại, nấm sẽ cần hàng triệu năm nữa để thích nghi.
Trong suốt sự nghiệp nghiên cứu về nấm của mình, Matt Kasson, phó giáo sư Mycology và Bệnh học thực vật tại Đại học West Virginia đã thu thập và xử lý hàng trăm con ve sầu zombie cũng như nhiều loài côn trùng khác như nhện và rết bị nhiễm nấm. Dù đã tiếp xúc với vô số loại nấm ký sinh đáng sợ, Matt Kasson vẫn chưa bao giờ bị mất kiểm soát hành vi của mình. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại nấm đều vô hại đối với con người.
Một số loại nấm thực sự đe dọa đến sức khỏe của chúng ta. Chẳng hạn, Aspergillus fumigatus và Cryptococcus neoformans là hai loại nấm có thể tấn công phổi của con người và gây ra những triệu chứng tương tự như viêm phổi nặng. Đặc biệt, Cryptococcus neoformans còn có thể lan ra ngoài phổi, tấn công hệ thần kinh trung ương và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như cứng cổ, buồn nôn, và nhạy cảm với ánh sáng.
Và có một thực tế khác là các bệnh nhiễm nấm xâm lấn đang gia tăng trên toàn thế giới. Một số bệnh nấm phổ biến như nấm chân ở vận động viên hoặc giun đũa – một loại phát ban do nấm gây ra – cũng cần được chú ý, vì nấm thường phát triển mạnh trong các môi trường ấm áp và ẩm ướt.
Dù vậy, không phải tất cả các loại nấm đều đáng sợ. Chúng ta có thể dễ dàng bảo vệ mình trước nhiều loài nấm gây bệnh bằng cách tắm rửa sạch sẽ sau khi đổ mồ hôi hoặc tiếp xúc với môi trường bẩn, và không dùng chung dụng cụ thể thao hay khăn tắm với người khác.
Cuối cùng, việc bạn bị nhiễm nấm sẽ không có nghĩa là bạn sẽ biến thành zombie. Nếu bạn tò mò và muốn khám phá thêm về những hiện tượng kỳ lạ này, hãy thử trở thành một nhà khoa học và dành cả cuộc đời để tìm hiểu về những con kiến zombie hay những sinh vật bị nấm ký sinh khác – chúng có thể đang ẩn náu ở ngay trong khu phố của bạn.
Đức Khương