Thành phố Nam Định.
Theo Kế hoạch vừa được UBND tỉnh ban hành, toàn bộ quá trình sắp xếp sẽ được triển khai nghiêm túc, khoa học và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Tinh thần chủ đạo là đảm bảo hiệu quả quản lý, không gây chia cắt bất hợp lý về địa bàn hay chức năng, đồng thời tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và sự ủng hộ từ người dân.
Kế hoạch nhấn mạnh, việc sắp xếp không chỉ là bài toán địa lý – hành chính, mà còn là phép thử về năng lực tổ chức, tầm nhìn phát triển và khả năng thích ứng của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương. Sau khi sắp xếp, bộ máy cấp xã phải thực sự tinh gọn, tránh hình thức "cấp huyện thu nhỏ", đồng thời bảo đảm chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức được bố trí lại.
Từ nay đến ngày 4/4, các huyện, thành phố trong tỉnh phải rà soát, cập nhật đầy đủ dữ liệu về địa bàn, dân số, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, quốc phòng – an ninh và đội ngũ cán bộ... gửi về Sở Nội vụ. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ sẽ xây dựng dự thảo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và trình UBND tỉnh, xin ý kiến Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 10/4.
Dự kiến từ 18–21/4, UBND cấp xã sẽ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân – bước đi quan trọng nhằm đảm bảo tính dân chủ và đồng thuận xã hội. Sau đó, HĐND cấp xã và huyện sẽ họp thông qua Nghị quyết tán thành Đề án trước ngày 25/4, gửi về Sở Nội vụ làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ trình cấp tỉnh.
Nếu mọi việc diễn ra đúng tiến độ, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định sẽ họp phiên đặc biệt vào ngày 29/4/2025 để chính thức thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên toàn tỉnh.
Tâm An