TNV - Chiều 1/3, tại bệnh viện Bình Dân TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học với chủ đề: “Cập nhật chuẩn đoán và điều trị hẹp niệu đạo”.
Tại buổi Hội thảo khoa học, GS.TS Joel Gelman - chuyên khoa Niệu (Hoa Kỳ), cho biết niệu đạo là một phần quan trọng của hệ tiết niệu - sinh dục. Ngoài nhiệm vụ chính là ống dẫn nước tiểu ra bên ngoài cơ thể ở cả nam và nữ, niệu đạo cũng có vai trò rất quan trọng trong việc xuất tinh ở nam giới. Niệu đạo là một ống dẫn nước tiểu từ bàng quang để nó có thể bị trục xuất ra khỏi cơ thể. Ở nam giới khỏe mạnh, niệu đạo là đủ rộng cho nước tiểu chảy tự do qua nó. Hẹp niệu đạo là một sẹo xơ ở bên trong hoặc xung quanh niệu đạo gây cản trở dòng nước tiểu do chấn thương, viêm hoặc nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến hẹp niệu đạo là do chấn thương và nhiễm trùng như bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc tổn thương do can thiệp qua niệu đạo. Hẹp niệu đạo không thể điều trị dứt điểm bằng thuốc mà phải thực hiện các biện pháp can thiệp khác bên ngoài. Lựa chọn điều trị cho bệnh hẹp niệu đạo rất đa dạng, phụ thuộc vào chiều dài, vị trí và mức độ hẹp. Các phương pháp điều trị bao gồm: Nong làm rộng niệu đạo, cắt hẹp với laser hoặc bằng dao cắt nội soi hoặc phẫu thuật tạo hình cắt nối, dùng vạt da hoặc với mảnh ghép.
Còn theo ThS.BS Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng khoa Niệu đạo-Bệnh viện Bình Dân, hẹp niệu đạo không phải là một bệnh lý hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Vì bệnh lây truyền qua đường tình dục là một trong những nguyên nhân gây ra, sử dụng biện pháp bảo vệ trong khi quan hệ tình dục có thể ngăn chặn một số trường hợp. Khi bị nhiễm trùng, điều trị nhiễm trùng kịp thời và đầy đủ với kháng sinh thích hợp sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng này. Tuy nhiên, những trường hợp chấn thương và các bệnh khác liên quan đến hẹp niệu đạo không thể lúc nào cũng tránh được và cần phải đến các cơ sở y tế để có thể chẩn đoán và điều trị.
Cũng theo ThS.BS Đỗ Lệnh Hùng, hẹp niệu đạo hẹp có thể gây ra nhiều triệu chứng và dao động từ nhẹ đến nặng. Một số triệu chứng sau có thể là dấu hiệu của hẹp niệu đạo: tiểu khó, tiểu gấp, tiểu đau, dòng nước tiểu yếu, lượng nước tiểu giảm, nước tiểu sậm màu hoặc máu trong nước tiểu, đau bụng dưới, tiết dịch niệu đạo, dương vật sưng, xuất tinh máu. Chẩn đoán hẹp niệu đạo được thực hiện bằng cách hỏi rà soát, thăm khám ở bộ phận sinh dục, chụp X-quang niệu đạo, đo kích cỡ miệng niệu đạo bằng que Bougie kết hợp nội soi, đo tốc độ dòng chảy (niệu dòng đồ) khi cần thiết, xét nghiệm chlamydia và bệnh lậu nếu nghi ngờ có nhiễm trùng lây qua đường tình dục.
Gia Thanh