TNV - Chiều 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học (bậc THCS, THPT).
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, năm học vừa qua, do ảnh hưởng của dịch, các nhà trường đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện dạy học thực tế của cơ sở; điều chỉnh, tăng thời gian thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh. Chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học, tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học. Các cơ sở giáo dục trung học đã tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình phù hợp với điều kiện triển khai của nhà trường, giúp cho việc tiếp tục thực hiện chương trình trong thời gian phải tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19. Cũng nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững trước ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp; nhất là trong những tháng cuối năm học 2020-2021 vừa qua.
Kết quả giáo dục mũi nhọn của học sinh trung học cũng tăng đáng kể. Thể hiện qua các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2021, Việt Nam có 37 lượt học sinh tham gia dự thi thì cả 37 em đều đoạt giải với: 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF), 1 dự án của học sinh Việt Nam đã đạt giải Ba - giải chính thức của Hội thi và 2 dự án đoạt 3 giải đặc biệt do các hiệp hội và tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.
Bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục trung học năm 2020-2021 vẫn còn một một số hạn chế, như: chất lượng giáo dục còn chưa đồng đều giữa các vùng, miền; còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số vùng khó khăn, vùng sâu, vùng sa, vùng có nhiều khu công nghiệp. Tỷ lệ giáo viên/học sinh tại một số địa phương chưa bảo đảm. Vẫn còn một số giáo viên chưa chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Công tác giáo dục hướng nghiệp chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.
Năm học 2021-2022 được xác định vẫn sẽ diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên mà giáo dục trung học đề ra cho năm học mới này là thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm trường học an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch năm học được đặt mục tiêu phải linh hoạt, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến khó lường, bất thường của thiên tai, dịch bệnh.
Đáng chú ý, năm học 2021-2022, cấp THCS sẽ lần đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 6. Do đó, nhiệm vụ quan trọng được đề ra là triển khai hiệu quả chương trình này và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tiếp Chương trình GDPT mới đối với lớp 7, lớp 10 cho năm học tiếp theo.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu địa phương cần ban hành kế hoạch năm học mới phù hợp với tình hình đặc thù của địa phương. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, tất cả cần phải thay đổi để thích ứng, từ cán bộ quản lý, lãnh đạo, điều hành cho tới mỗi bộ môn, giáo viên. Cần linh hoạt và sáng tạo trên cơ sở kế hoạch khung của năm, chương trình, và các yêu cầu kiến thức, kỹ năng, năng lực cốt lõi theo chuẩn đầu ra. “Mục tiêu cốt lõi là bất biến, còn phương pháp và hành động thì vạn biến sao cho hiệu quả. Bộ GD-ĐT sẽ ban hành các yêu cầu nội dung cốt lõi, không phải rút gọn. Chương trình lõi cần được tận dụng giảng dạy trong thời gian vàng - học tập trực tiếp”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ. Theo ông, hiện nay công nghệ thông tin đã hỗ trợ rất tốt, nhưng giảng dạy trực tiếp vẫn có vai trò vô cùng quan trọng; trường hợp dịch bệnh phức tạp thì vẫn chủ động dạy trực tuyến bảo đảm đạt được các yêu cầu nội dung cốt lõi này.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách, củng cố dạy Tiếng Việt và phát triển toàn diện học sinh. Đặc biệt quan tâm đến tinh thần học thực, thi thực. Các Sở GD-ĐT, nhà trường cần triển khai phù hợp, sao cho việc học, kiểm tra đánh giá đúng, thực chất. Dạy và học quan tâm đến thực tiễn, trải nghiệm, chú ý đến việc tự học. Đặc biệt, đối với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, triệt tiêu sự sáng tạo của thầy vào trò. Bên cạnh đó, các địa phương cần chăm lo cho đội ngũ nhà giáo; hỗ trợ cho học sinh trong điều kiện học trực tuyến để các em có thể khắc phục được khó khăn về vật chất, tâm lý.
Liên quan đến chế độ chính sách của nhà giáo, Bộ trưởng nhấn mạnh việc bảo đảm đủ số lượng giáo viên cho các môn học, bậc học. Đây là vấn đề lớn, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với Bộ Nội vụ để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung này.
Về thực hiện Chương trình GDPT 2018 với lớp 6, Bộ trưởng đề nghị không chỉ giáo viên mà lãnh đạo sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT cần phải tìm hiểu rõ chương trình mới để có chỉ đạo phù hợp, hiệu quả. “Cố gắng hơn, sáng tạo hơn, lãnh đạo cần phát huy vai trò dẫn dắt và đội ngũ quyết định đến chất lượng giáo dục chính là các nhà giáo. Đồng thời nhấn mạnh việc tăng quyền chủ động cho cơ sở giáo dục và giáo viên”, Bộ trưởng chia sẻ.
Tấn Tài