Với nhạc sĩ Anh Quân, chó không chỉ là vật nuôi mà còn là người bạn và người thân trong gia đình.
Dịp đầu năm, nhạc sĩ Anh Quân đã có những chia sẻ thú vị về những chú chó của mình.
Tình yêu với chó đến rất tự nhiên
Tôi nghĩ không chỉ tôi mà cũng sẽ rất nhiều người thích nuôi chó. Với riêng tôi, tình yêu dành cho chó đến một cách rất tự nhiên và đặc biệt. Từ hồi còn nhỏ, trong căn hộ chật hẹp, tôi đã đòi bố mẹ cho nuôi chó bằng được. Không chỉ một mà hai con.
Trong mắt tôi, chó không chỉ là còn vật mà còn là người bạn, người thân trong gia đình. Đôi khi, những chú chó còn hiểu tôi hơn cả những gì mọi người tưởng. Có khi chưa cần nói gì, chó đã biết tôi đang vui hay buồn và đến bên tôi. Mỗi khi đi xa về, những chú chó ùa ra đón khiến tôi luôn có cảm giác ấm áp. Đó là những phẩm chất tôi thích ở chó.
Khi đã có nhà riêng với một không gian rộng, tôi lại càng muốn được nuôi nhiều chó. Hiện nhà tôi đang có 6 con gồm 2 chó săn và còn lại là chó bảo vệ nhà. Những khi vì công việc, phải đi xa, tôi rất nhớ chúng dù chúng luôn được người ở nhà chăm sóc.
Tôi nghĩ, tình yêu của tôi với chó cũng lan sang cả gia đình tôi. Mỹ Linh, Anna, Duy và Mỹ Anh đều rất thân thiết với những chú chó. Chính vì vậy, khi một con chó qua đời, cũng giống như một người thân qua đời vậy. Tôi còn nhớ, mình đã viết lên ca khúc “Bài hát cho Bi” dành cho cho con gái Mỹ Anh khi chú chó Bi của con gái qua đời. Lúc đó, Mỹ Anh buồn lắm. Bi đã lớn lên cùng Mỹ Anh, mang cho con gái những niềm vui, những kỷ niệm rất khó phai mờ.
Tôi nuôi chó từ khi các con còn nhỏ bởi tôi nghĩ, trẻ em luôn cần có một vật nuôi bên cạnh. Chó không chỉ vui đùa cùng các con, chia sẻ những điều mà bố mẹ không thể biết, bảo vệ các con mà còn dạy trẻ biết trách nhiệm và yêu thương động vật hơn.
Tuy nhiên, luôn phải cẩn trọng khi dạy con cách chơi với chó. Nếu nhà có trẻ con, nên chọn dòng chó săn vì nó rất thân thiết với người. Chó có một đặc tính là sống theo bầy và phục tùng con đầu đàn. Khi sống trong một gia đình, nó sẽ coi người chủ như là một thành viên trong bầy và bảo vệ chủ. Người chủ phải đóng vai trò là con đầu đàn, dạy cho chó biết cách tôn trọng người chủ và các thành viên trong gia đình.
Đã nuôi chó thì phải tìm hiểu bản năng và đặc tính của từng giống chó. Mỗi giống chó có tính cách riêng, chia ra nhiều dòng như chó săn, chó giữ nhà, chó bảo vệ… Khi người chủ nắm rõ từng đặc tính, dạy những con chó cẩn thận, chỉ cho con mình cách tiếp xúc với chó thì mới giảm thiểu được những tai nạn đáng tiếc.
Cả tuổi thơ, những gì nhớ được nhất chính là Tết
Với tôi, Tết là những ngày đáng nhớ nhất trong tuổi thơ bởi Tết gắn với sự bận rộn, quay cuồng của bố mẹ. Những ngày cận Tết, kết thúc thúc công việc là bố mẹ lao đi mua sắm đồ. Mà thời đó có được như bây giờ đâu? Bố mẹ tôi phải dùng tem phiếu, xếp hàng, từ cân giò, bánh kẹo, can dầu… rất vất vả.
Một việc mà tôi thích nhất trong những ngày Tết đó là rửa lá dong, đãi đỗ, chuẩn bị nguyên liệu cho bố mẹ gói bánh chưng. Sau đó thức đêm trông nồi bánh, chúng tôi tụ tập với nhau, mấy đứa trẻ con ngồi quanh nồi bánh… ấm áp trong khí lạnh mùa xuân và vui vẻ.
Mẹ tôi là một người phụ nữ đảm đang, tần tảo, nên Tết của nhà chúng tôi lúc nào cũng tươm tất so với những gia đình khác thời ấy. Bận rộn công việc cả năm, nên Tết lúc nào mẹ tôi cũng lo lắng cho gia đình nhiều hơn để con cái có cái Tết đầm ấm. Chính vì vậy, cái Tết đầu tiên khi xa nhà, sang Nga học nhạc, tôi rất buồn và nhớ bố mẹ, nhớ những người thân trong gia đình, nhớ cả những đứa bạn.
Thời đó, phương tiện liên lạc không tiện như bây giờ, tôi chỉ biết gửi gắm nỗi nhung nhớ đó qua những bức ảnh, những dòng chữ trong thư tay, gửi qua bưu điện về cho bố mẹ. Tôi không nhớ chính xác tâm trạng mình lúc đấy ngổn ngang thế nào, nhưng tôi nghĩ mình đã khóc khi lạc lõng, cô đơn nơi đất khách.
Mẹ tôi cũng thương con lắm, nên mỗi khi có người sang Nga là mẹ tôi phải “dúi” cho một cái gì đó, nhờ họ mang đến cho tôi. Nhất là cận Tết, mỗi người lại cố gắng mang cho tôi cái bánh chưng, mấy gói mứt để nhớ hương vị Tết. Mà hồi ấy chúng tôi bé quá, nên chả đứa nào biết nấu ăn, chỉ nhờ mấy món lặt vặt đó mà nhớ Tết thôi. Những năm sau, quen dần thì đỡ nhớ hơn nhưng bao giờ cũng cảm thấy cô đơn trong những ngày Tết.
Khi tôi đã trưởng thành, trở về Việt Nam được đón những cái Tết bên bố mẹ, bên gia đình riêng của mình mới thấy đủ đầy. Tôi không hiểu vì sao có nhiều người nói họ mệt mỏi trong những ngày Tết hay đặt câu hỏi, vì sao lại sinh ra những ngày Tết? Nhưng tôi nghĩ xã hội nào, dân tộc nào cũng có những ngày Lễ như vậy.
Phương Tây họ có lễ Noel, nói về mặt tính chất thì không khác ngày Tết, đều bận rộn trang trí, chuẩn bị đồ ăn, sum họp gia đình. Không có lý do gì mình lại chối bỏ cái Tết có truyền thống hàng nghìn năm. Tết thì nên có những cái đặc trưng để còn dạy cho lớp con cái về truyền thống.
Năm nay, Tết của gia đình tôi lại vắng con gái cả - Anna Trương. Còn con trai cũng chuẩn bị đi du học. Tôi là người rất quấn con, cái Tết đầu tiên Anna xa nhà, tôi rất buồn. Gia đình lúc nào cũng ở bên nhau, nhất là dịp Tết sum họp. Năm đầu con đi, cả nhà thấy trống vắng vô cùng.
Anna là người rất vui tính. Lúc nào trong nhà cũng nghe tiếng cười của con, nên mọi người đểu rất nhớ. Giờ Duy đã lớn, Mỹ Anh cũng thế… Đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện chỉ còn hai vợ chồng đón Tết nhưng chỉ cần các con sống vui vẻ, chúng tôi cũng sẽ chấp nhận. Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn mong có những ngày Tết sum họp gia đình./.
Thanh Thanh/VOV