Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên trường Đại học Hà Nội thông qua hoạt động ngoại khóa

Thứ ba, 12/11/2024 - 09:09

Hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên thông qua hoạt động ngoại khóa (HĐNK) được tiến hành đồng thời với hoạt động học tập ở các trường đại học. Kết quả khảo sát cho thấy sinh viên có phản ứng tích cực, nghiêm túc khi tham gia các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng. Tuy nhiên, vẫn có những điểm cần cải thiện về tính chuyên môn hóa, đa dạng, hấp dẫn của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Do đó, cần phải thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn để tổ chức, quản lý các hoạt động này đặc biệt trong bối cảnh đổi mới của nền giáo dục hiện nay

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Đặt vấn đề

Trường Đại học Hà Nội (tiếng Anh: Hanoi University, tên viết tắt: HANU) là một trong hai cơ sở đào tạo và nghiên cứu ngoại ngữ ở trình độ đại học và sau đại học; cơ sở đào tạo chuyên ngành bằng ngoại ngữ; cung cấp các dịch vụ về ngoại ngữ lớn nhất Việt Nam. Là cơ sở giáo dục công lập đầu tiên tại Việt Nam giảng dạy tất cả các chuyên ngành hoàn toàn bằng ngoại ngữ cùng bề dày lịch sử hoạt động hơn 60 năm.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang có những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, kinh tế thị trường phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những năm qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên môn, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên được nhà trường xác định là vô cùng quan trọng, giúp trang bị kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào và truyền thống của dân tộc cho sinh viên. Nhà trường đã tổ chức giáo dục chính trị cho sinh viên dưới nhiều hình thức nhằm bổ trợ kiến thức, rèn luyện bổ sung kỹ năng mềm, nâng cao năng lực chính trị tư tưởng cho sinh viên, rèn tính chủ động, sáng tạo trong học tập cũng như cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên vẫn còn một số hạn chế, đòi hỏi cần có biện pháp, cách thức mới để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong điều kiện hiện nay.

2. Khái niệm giáo dục chính trị tư tưởng và hoạt động ngoại khóa

Theo Phan Thị Phương Anh và Trần Thị Như Tuyến: “Giáo dục chính trị tư tưởng là quá trình tác động vào nhận thức của khách thể những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thông qua một hệ thống các biện pháp, nhằm từng bước xây dựng thế giới quan và phương pháp luận khoa học đúng đắn, nâng cao bản lĩnh chính trị, thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”1. Đối tượng của giáo dục chính trị tư tưởng là cán bộ, đảng viên và nhân dân nói chung, còn đối với các trường đại học, đối tượng được hướng tới là cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Ở trường đại học, HĐNK là một bộ phận của quá trình giáo dục, được tổ chức ngoài giờ học trên lớp, là các hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động đào tạo, hỗ trợ cho hoạt động học tập. Đây là những hoạt động được nhà trường, tổ chức có tính kế hoạch và giáo dục cao. Thông qua các hoạt động thực tiễn trong hoặc ngoài nhà trường, HĐNK giúp sinh viên phát triển toàn diện, phát huy năng lực của bản thân, rèn luyện ý chí, bản lĩnh chính trị, nuôi dưỡng ý thức tự lập, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Như vậy, có thể thấy rất rõ, việc kết hợp giáo dục chính trị tư tưởng thông qua HĐNK là phù hợp, có tính ứng dụng cao.

3. Quan điểm của Đại học Hà Nội về công tác giáo dục chính trị tư tưởng

Trong thời gian qua, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, giảng viên và sinh viên được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm và trực tiếp chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị đào tạo, các đơn vị chức năng theo đúng nhiệm vụ chuyên môn. Trường Đại học Hà Nội cũng đã chú trọng triển khai những HĐNK với nhiều nội dung và hình thức khác nhau, bước đầu đã đạt những kết quả tích cực. Nhà trường xác định, HĐNK có sự gắn kết chặt chẽ với các hoạt động khác nhằm đào tạo sinh viên phát triển toàn diện, có ý nghĩa hỗ trợ cho giáo dục, góp phần phát triển nhân cách toàn diện cho sinh viên, trang bị kiến thức cho đội ngũ giảng viên, sinh viên nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; Giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, truyền thống dân tộc.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên ĐH Hà Nội được tổng kết qua các năm học, nhiệm kỳ, từ đó đã đánh giá nghiêm túc, minh bạch về hiệu quả thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên trong trường.

4. Một số hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng của Trường Đại học Hà Nội

Nhằm đa dạng hóa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, ĐH Hà Nội đã triển khai dưới nhiều hình thức.

Đầu tiên là thực hiện thông qua các môn học lý luận chính trị

Đa số sinh viên trong Trường được giáo dục chính trị tư tưởng thông qua các bài giảng của các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh do Khoa Giáo dục Chính trị thực hiện. Sinh viên học các môn này sẽ có các tiết học trực tiếp ở trên lớp và được đi tham quan thực tế tại các bảo tàng như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng đường Hồ Chí Minh…

Hai là, giáo dục chính trị tư tưởng thông qua tuyên truyền trên các kênh thông tin của Trường

Nhà trường thực hiện tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng thông qua các kênh truyền thông trực tiếp như: băng rôn, khẩu hiệu, dán poster tại các bảng tin, đưa thông tin trên các màn hình led điện tử trong khuôn viên Trường,…

Bên cạnh đó, triển khai các kênh truyền thông online: đăng tải thông tin trên website chính thức của Trường, website của các khoa, trên mạng xã hội như facebook, fanpage Trường Đại học Hà Nội, fanpage các khoa, phòng, fanpage Đoàn TN-Hội SV Trường Đại học Hà Nội,…

Ba là, giáo dục chính trị tư tưởng thông qua tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, giữa khóa, cuối khóa

Hằng năm, ĐH Hà Nội triển khai tổ chức tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, giữa khóa, cuối khóa cho toàn thể sinh viên trong Trường theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, trong 4 năm học đại học, mỗi sinh viên sẽ bắt buộc phải học đầy đủ 03 tuần sinh hoạt công dân: Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa dành cho sinh viên năm thứ nhất, tuần sinh hoạt công dân giữa khóa cho sinh viên năm thứ hai, tuần sinh hoạt công dân cuối khóa cho sinh viên năm cuối.

Bốn là, giáo dục chính trị tư tưởng thông qua các cuộc thi, các hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề…

Nhà trường khuyến khích sinh viên tham gia các cuộc thi như: “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Tuổi trẻ HANU sáng mãi niềm tin” dưới hình thức online; Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” dưới hình thức sân khấu hóa… Cùng với các cuộc thi, Nhà trường tổ chức các Tọa đàm, các chương trình nói chuyện chuyên đề và mời chuyên gia uy tín đến chia sẻ với sinh viên.

Năm là, giáo dục chính trị tư tưởng thông qua hoạt động giáo dục truyền thống

Công tác giáo dục truyền thống được Nhà trường triển khai nhân các ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện trọng đại của Nhà trường: Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường; kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5); ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2); Ngày truyền thống học sinh, sinh viên (09/1); Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7); ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11);… Tất cả các hoạt động trên đều nhằm giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần xã hội chủ nghĩa.

Về cơ bản, các hình thức triển khai công tác giáo dục chính trị tư tưởng được tổ chức tạo điều kiện cho sinh viên dễ tiếp cận, dễ thực hiện, tham gia, phát huy hiệu quả trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên nhà trường.

Tuy nhiên, các phương pháp tổ chức truyền thống chưa có một quy trình cụ thể, đồng bộ để triển khai ở quy mô toàn trường. Còn mang tính truyền thống, thiếu đa dạng. Một số giải pháp còn chưa thực sự hấp dẫn, thu hút sinh viên tham gia, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên.

Xuất phát từ thực tế đó, cần thiết có một phương pháp mới đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chuyên môn hóa phương pháp, có quy trình bài bản và có khả năng áp dụng cao.

5. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng thông qua hoạt động ngoại khóa của Trường Đại học Hà Nội

5.1. Quy trình triển khai công tác giáo dục chính trị tư tưởng thông qua hoạt động ngoại khóa

Nhằm cung cấp thêm 01 phương pháp để triển khai công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, tạo dựng môi trường học tập, rèn luyện tốt, trau dồi lý tưởng cho sinh viên, hỗ trợ sinh viên tích lũy điểm rèn luyện. Cung cấp quy trình cụ thể, có thể áp dụng được ở phạm vi toàn trường. Việc chuẩn hóa quy trình tổ chức thực hiện giúp công việc không nhất thiết phải gắn với 1 vị trí việc làm hay 1 cá nhân cụ thể, điều này phù hợp với tư duy xây dựng Đề án vị trí việc làm của Trường Đại học Hà Nội.

Các bước triển khai, tổ chức giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên thông qua HĐNK được hệ thống như sau:

- Bước 1. “Lập kế hoạch HĐNK”: Trong đó Kế hoạch phải xác định mục tiêu: Nội dung mục đích, nội dung, thời gian, địa điểm, hình thức thực hiện, số lượng sinh viên tham gia, phân công nhiệm vụ, dự trù kinh phí, truyền thông...

Sau đó, tiến hành khảo sát lấy ý kiến về nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên trong việc tham gia các HĐNK liên quan đến chính trị, tư tưởng và thực hiện công tác truyền thông trước, trong và sau khi diễn ra chương trình.

- Bước 2. “Xác nhận” được thực hiện Sau khi Kế hoạch được lãnh đạo Trường phê duyệt, Phòng CTSV&QHDN tạo Thông báo gửi đến các đơn vị đào tạo, phòng chuyên môn liên quan v/v tổ chức HĐNK liên quan đến giáo dục chính trị tư tưởng. Các đơn vị đào tạo, phòng ban chuyên môn tiến hành đăng ký HĐNK trên phần mềm: https:// ngoaikhoa.hanu.vn

- Bước 3. “Sinh viên đăng ký HĐNK” bằng cách truy cập đường link: https://ngoaikhoa.hanu.vn, tiến hành đăng ký theo form đăng ký trên phần mềm.

Cán bộ phụ trách HĐNK sẽ nhận được thông báo về lượt đăng ký của sinh viên và theo dõi trực tiếp số lượng sinh viên đã đăng ký tham gia.

- Bước 4. “Tổ chức HĐNK”: Tổng hợp danh sách sinh viên đăng ký tham gia HĐNK, gửi thông báo thời gian, địa  điểm tập trung cho sinh viên; Liên hệ với địa điểm tổ chức hoạt đông; Chuẩn bị phương án di chuyển và công tác hậu cần, triển khai nội dung của HĐNK theo kế hoạch…

- Bước 5. “Khảo sát, đánh giá chất lượng”: Sinh viên tham gia HĐNK sẽ điểm danh và trả lời khảo sát ngay sau khi kết thúc hoạt động thông qua phiếu khảo sát trực tuyến.

- Bước 6 “Báo cáo kết quả hoạt động”: Báo cáo tổng kết nhằm mục đích tổng kết hoạt động, tổng hợp ý kiến phản hồi của sinh viên, từ đó, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và nêu kiến nghị đề xuất (nếu có), rút kinh nghiệm cho những lần tổ chức sau.

Đáng chú ý, việc đăng ký HĐNK được thực hiện trên phần mềm Quản lý HĐNK của nhà trường, từ đó được quản lý đồng bộ đảm bảo tính công khai, minh bạch.

5.2. Đánh giá hiệu quả phương pháp tổ chức công tác giáo dục chính trị tư tưởng thông qua HĐNK

5.2.1. Đối với hoạt động quản lý và triển khai công tác giáo dục chính trị tư tưởng

Phương pháp tổ chức công tác giáo dục chính trị tư tưởng thông qua HĐNK đã cung cấp thêm 01 phương pháp triển khai thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

Bên cạnh đó việc tổ chức các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng được triển khai đồng bộ trên phần mềm tổ chức hoạt động ngoại khóa đã xây dựng quy trình tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng một cách bài bản, quy trình được chuẩn hóa và thuận lợi cho công tác quản lý của nhà trường.

5.2.2. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thu hút sự tham gia của sinh viên

Qua kết quả khảo sát cho thấy phản ứng tích cực của sinh viên đối với hình thức giáo dục chính trị tư tưởng thông qua HĐNK. Nội dung được đánh giá phù hợp và đáp ứng phần lớn mong đợi của sinh viên.
Đánh giá của sinh viên về nội dung chương trình tham quanPhù hợp với nội dung bạn đang họcBổ trợ kiến thức cho chuyên ngành bạn đang họcĐúng với mong đợi của bạn
Không hài lòng 0.00% 0.00% 0.00%
Bình thường 0.00% 1.47% 4.62%
Hài lòng 100.00% 98.53% 95.38%
Cách thức tổ chức cũng nhận được sự hài lòng của phần lớn đối tượng sinh viên tham gia đối với công tác như đón tiếp, cơ sở vật chất, thời gian tổ chức,…

 

Cách thức tổ chứcĐón tiếp sinh viênCơ sở vật chấtQuản lý sinh viênThời gian tổ chức Phương tiện đưa đón
Không hài lòng 0.00% 0.00% 0.00% 0.00% 0.00%
Bình thường 5.97% 5.97% 10.29% 11.76% 8.96%
Hài lòng 94.03% 94.03% 89.71% 88.24% 91.04%
6. Kết luận

Giáo dục chính trị tư tưởng thông qua HĐNK là hình thức có tính ứng dụng cao, xuất phát từ tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên và yêu cầu đa dạng hoá, đổi mới phương pháp thực hiện. Với khả năng triển khai rộng rãi, có tính chuyên môn, kế hoạch hoá cao, đây sẽ là một phương pháp có thể thực hiện để đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên trong bối cảnh hiện nay.

------------------------------------------------------------------------ TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1. Phan Thị Phương Anh, Trần Thị Như Tuyến, (2016), “Xác định khái niệm giáo dục chính trị tư tưởng”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần thơ, số 46, tr. 130-134.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2023), Công văn số 4567/ BGDĐT-CTHSSV ngày 24/8/2023 về việc hướng dẫn

hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2023 - 2024.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2023), Công văn số 4337/ BGDĐT-CTHSSV ngày 15 tháng 8 năm 2023 về việc hướng dẫn tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân - SV” trong các cơ sở đào tạo năm học 2023 - 2024.

3. Phan Thị Phương Anh, Trần Thị Như Tuyến, (2016), “Xác định khái niệm giáo dục chính trị tư tưởng”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần thơ, số 46, tr. 130-134.

4. Trường Đại học Hà Nội (2022), Quyết định số 2532/ QĐ-ĐHHN, ngày 05/9/2022 ban hành Quy định công tác sinh viên trình độ đại học hình thức chính quy.

5. Trường Đại học Hà Nội (2022), Quyết định 2985/QĐ- ĐHHN ngày 18/10/2022 ban hành Quy định đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên trình độ đại học hình thức chính quy Trường Đại học Hà Nội.

 Đỗ Thị Nhung - Trường Đại học Hà Nội