Từ khoá: giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo vệ, nền tảng tư tưởng.
Bài 1: Giáo dục chính trị, tư tưởng – bức tường thành và thanh kiếm sắc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Giáo dục chính trị, tư tưởng là một mặt quan trọng của công tác tư tưởng. Đây được xem là công tác đi trước, mở đường và luôn được quan tâm đặc biệt trong xây dựng Đảng. Công tác này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc khẳng định, lan toả giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đưa đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn; cung cấp thế giới quan, phương pháp luận khoa học; vun bồi, củng cố lập trường, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chăm lo tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng một mặt sẽ góp phần đẩy lùi được tình trạng cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, thoái hoá, biến chất chất; mặt khác sẽ tạo được lực lượng nòng cốt, đủ mạnh, đủ nhạy bén, đủ nhiệt tình trong công tác. Đây là chính là liều vắc-xin hữu hiệu tăng cường sức đề kháng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; là bức tường thành vững chắc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là thanh kiếm sắc để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Chính vì vậy, Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch…” [1] . Và gần đây, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ năm, khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới có đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đảng viên… tăng cường trách nhiệm của đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch”. Như vậy, có thể nói, cán bộ, đảng viên là đối tượng rất được quan tâm trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Nếu được giáo dục tốt, định hướng tốt sẽ tạo nên lực lượng cốt cán để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bức tường thành liệu có vững? Thanh kiếm liệu có đủ sắc bén? Cơ quan chức năng liệu có làm “tròn vai”?
Để đưa liều “vắc-xin tư tưởng” đến thế hệ trẻ, đến cán bộ, đảng viên, vai trò của các cấp uỷ đảng, các khoa giáo dục chính trị trong các trường đại học, cao đẳng, các học viện chính trị, trường chính trị; trung tâm chính trị trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là vô cùng quan trọng. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị này đã có những đóng góp to lớn trong việc trang bị kiến thức lý luận chính trị để hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho sinh viên, cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng nguồn nhân lực có trình độ, có lý tưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng liều vắc-xin này vẫn chưa đủ mạnh, bức tường thành vẫn chưa đủ vững chắc và thanh kiếm chính trị, tư tưởng vẫn chưa đủ sắc bén. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn thiếu sức thu hút, hiệu quả chưa cao. Việc định hướng lồng ghép các nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch vào nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng và bài giảng chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền; lan toả những giá trị, những thành tựu đạt được của Đảng, Nhà nước và của địa phương chưa được đạt được hiệu ứng như mong muốn. Tình trạng “…suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng” [2] vẫn còn là vấn nạn, nguy cơ trong suốt tiến trình xây dựng và phát triển của Đảng. Thêm vào đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII một lần nữa khẳng định tình trạng cán bộ, đảng viên “phai nhạt lý tưởng, thiếu bản lĩnh chính trị, suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân phần nhiều là do các “tổ chức cơ sở đảng buông lỏng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chưa nắm chắc diễn biến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên”.
Điều này đặt ra nhiệm vụ nặng nề và đòi hỏi các cấp uỷ đảng, hệ thống khoa giáo dục chính trị trong các trường đại học, cao đẳng; các học viện chính trị, trường chính trị; trung tâm chính trị cùng các cơ quan làm công tác tuyên giáo …phải xác định nội dung cơ bản trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với đối tượng và phù hợp tình hình mới.
Bài 2: Định hướng nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng - chọn viên gạch tốt xây bức tường thành và mài thanh kiếm sắc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Giáo dục lòng trung thành với mục đích, lý tưởng của Đảng, viên gạch tốt đầu tiên phải đặt lòng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng
Giáo dục thế hệ trẻ, cán bộ, đảng viên trung thành với mục đích, lý tưởng của Đảng là nội dung quan trọng trong giáo dục lý tưởng cách mạng. Khi thấm nhuần, hiểu rõ về lý tưởng cách mạng mới xây dựng lập trường chính trị vững vàng, hăng say cống hiến, góp phần xây dựng quê hương, đất nước trở thành nguồn nhân lực vừa có chuyên môn, nghiệp vụ vừa có lý tưởng cách mạng.
Lý tưởng đó chính là lý tưởng cộng sản, là mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cần phải giáo dục cho thế hệ trẻ, đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu đúng, hiểu sâu sắc, biến nhận thức trở thành hành động thực tế. Để họ nhận thức rằng trung thành với lý tưởng cộng sản phải được biểu hiện cụ thể bằng việc trung thành với chủ trương, đường lối của Đảng, trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Và yêu nước, trung thành là phải có tinh thần, trách nhiệm đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào thực tế. Đó chính là trung thành bằng hành động thiết thực để góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Giáo d ụ c t ư t ưở ng phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân phải là viên gạch đặt nền móng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng
Một trong những điểm nổi bật, đáng chú ý trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng liên quan đến nội dung của công tác tư tưởng là nhấn mạnh đến “xây dựng niềm tin của Nhân dân và tạo sự đồng thuận xã hội”. Bám sát nhiệm vụ này, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cho thế hệ trẻ cần chú ý đến việc xây dựng hình mẫu người thanh niên hết lòng phụng sự quê hương, đất nước; giáo dục cán bộ, đảng viên tinh thần vì Nhân dân phục vụ. Nếu làm tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần củng cố niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước, tạo khối đồng thuận cao trong xã hội.
Bên cạnh đó, cần phải giáo dục người cán bộ, đảng viên ghi nhớ mình là công bộc của Nhân dân, được Nhân dân trao quyền để phục vụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đày tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính” [3] . Về vấn đề này, những người làm công tác tuyên truyền, đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần lồng ghép vào nội dung bài giảng những bài học đắt giá về những trường hợp sách nhiễu, lộng quyền, vi phạm dân chủ… một mặt nhằm cảnh tỉnh, răn đe đội ngũ cán bộ, đảng viên ở địa phương, một mặt góp phần nâng cao tinh thần phục vụ Nhân dân và ý thức giữ gìn chuẩn mực của người cán bộ, đảng viên để góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân.
Phải làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ họ chính là chiếc cầu nối giữa Đảng với Nhân dân. Để chiếc cầu nối này càng vững chắc, cán bộ, đảng viên trước hết phải giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân, không quan liêu, xa rời quần chúng, nhất là quần chúng nhân dân nơi cư trú. Phải thật sự gần gũi, gắn bó với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của Nhân dân để kịp thời giải quyết hay phản ánh lại cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đề giải quyết. Có như vậy mới nhận được tin yêu của dân và biến Nhân dân trở thành “hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai của cán bộ” [4] , của Đảng và lôi kéo Nhân dân tạo nên thành trì vững chắc cho công cuộc bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, không còn khoảng trống cho các thế lực thù địch, phản động chống phá.
Bản lĩnh chính trị - thanh kiếm sắc cần thường xuyên mài giũa trong giáo dục chính trị, tư tưởng
Trong công tác giáo dục tư tưởng cần phải chú trọng đến việc giáo dục bản lĩnh chính trị. Đây là thanh kiếm sắc cần thường xuyên mài giũa để cán bộ, đảng viên ở các địa phương, đặc biệt là những người trẻ để xốc lại tinh thần đấu tranh cách mạng, biến mỗi sinh viên, cán bộ, đảng viên đều là chiến sĩ hoạt động tích cực trên mặt trận tư tưởng. Để làm được điều này cần phải quán triệt tinh thần của người cách mạng chân chính là đấu tranh đến cùng đối với lệch lạc, sai trái. Không được “Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ” [5] .
Bên cạnh đó, cần định hướng họ nhận diện được luận điệu xuyên tạc, phản động, tin xấu, tin độc; xây dựng tư duy nhạy bén, vun bồi bản lĩnh chính trị có dũng khí đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng; có tinh thần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch.
Và để đấu tranh đạt kết quả cần nắm vững quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn hiện nay. Trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị, tư tưởng cần bám sát những nội dung trong Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” để quán triệt cho học viên. Phải làm cho đội ngũ này nhận thức được rằng, cán bộ, đảng viên, nhất là những người trẻ cần phải có tinh thần trách nhiệm trong chia sẻ nỗi lo của Đảng, làm tròn trách nhiệm với địa phương, đất nước với Nhân dân. Việc gì ích nước, lợi dân thì ra sức làm, việc gì gây nguy hại cho Đảng, đe doạ đến chế độ xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhân dân thì tuyệt đối tránh.
Giáo d ụ c tinh th ầ n t ự phê bình và phê bình; tinh thần “tự soi”, “tự sửa” là trang bị vũ khí sắc bén để xây dựng, phát triển Đảng
Tự phê bình và phê bình là là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng, phát triển Đảng. Thế nên, việc giáo dục tư tưởng chính trị cần phải quan tâm đặc biệt đến nội dung này. Với tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng, với sự nghiệp phát triển địa phương, đất nước và với cộng sự, cán bộ, đảng viên trẻ phải mạnh dạn thực hiện phê bình và tự phê bình, chân thành giúp đỡ đồng chí, đủ dũng cảm sửa chữa khuyết điểm, rèn luyện tác phong.
Như vậy, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cần tự kiểm, tự soi bản thân mình để chủ động tìm ra và sửa chữa những khuyết điểm của mình. Tự phê bình phải đi vào thực chất chứ không làm chiếu lệ, hình thức. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc rằng, phê bình đồng chí mình trong cơ quan, đơn vị không chỉ là thực hiện nghĩa vụ của người đảng viên, mà còn là trách nhiệm với bản thân, với người khác và tổ chức. Tuy nhiên, việc phê bình phải trên nguyên tắc trung thực, thẳn thắn, khách quan và với tinh thần giúp đỡ nhau sửa chữa khuyết điểm, sai lầm để tiến bộ.
Bên cạnh đó, riêng đối với thế hệ trẻ cần giáo dục tinh thần dám đối diện, chấp nhận những lời phê bình với tinh thần cầu tiến, sẵn sàng sửa đổi. Cần dũng cảm trong phê bình và càng cần dũng cảm trong tiếp nhận sự phê bình. Có như vậy thì công tác tự phê bình và phê bình mới đi vào thực chất và có chất lượng.
Bài 3: Nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - những việc cần làm ngay
Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong hệ thống các cơ sở đào tạo, giáo dục lý luận chính trị
- Trước hết, việc đổi mới, nâng cao chất giáo dục chính trị, tư tưởng cho các đối tượng này cần bám sát nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; chủ động lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; cập nhật, bổ sung những vấn đề mới, các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước; các thông tin về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng… ở địa phương vào bài giảng. Và cần hiểu rằng, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng không đơn thuần là đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, thù địch mà còn lan toả những giá trị, những thành tựu đạt được của Đảng, Nhà nước, của địa phương.
- Thứ hai cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp đào tạo, giáo dục lý luận chính trị. Cần khẳng định phương pháp giảng dạy của giảng viên có vai trò ảnh hưởng rất to lớn đến chất lượng đào tạo. Vì phương pháp giảng dạy giúp quá trình truyền tải tri thức đến người học hiệu quả nhất, trong đó phong cách giảng dạy chính là nguồn truyền cảm hứng giúp người học hứng thú hơn.
Nhìn chung, đa phần sinh viên, cán bộ, đảng viên không hứng thú với chương trình, nội dung giáo dục lý luận chính trị. Chính vì vậy họ không tự học thêm, đọc thêm, nghiên cứu thêm, do đó, nắm kiến thức không đầy đủ, sâu sắc. Chính vì vậy, các khoa giáo dục chính trị, các trường chính trị tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị quận, huyện cần tiếp tục nghiên cứu, đúc kết để có phương pháp giảng dạy phù hợp để bồi dưỡng, khơi dậy, phát huy tinh thần tự học tập của người học. Bản thân người học cần tận dụng thời gian để tự học, tự tích lũy kiến thức. Nhất là trong tình hình hiện nay, nếu không tự học tập, liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực thì rất khó thích ứng với những biến đổi của xã hội, khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Về phía giảng viên cần sáng tạo áp dụng phương pháp thuyết trình truyền thống sang hướng tích cực để giảm độc thoại, thụ động, một chiều, tăng sự tương tác, đối thoại giữa giảng viên với người họcvà giữa người học với nhau. Giảng viên chuyển từ vai trò truyền thụ tri thức sang tổ chức, kiến thiết, định hướng để học viên tiếp nhận kiến thức một cách tích cực.
Giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tránh xơ cứng và cần đa dạng hoá loại hình
Ngoài việc triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tác phẩm lý luận có giá trị cao về mặt lý luận và thực tiễn; phát động phong trào đọc, nghiên cứu, học tập sách lý luận chính trị trong giảng viên, sinh viên các trường đại học, học viên các trường chính trị, trung tâm chính trị theo tinh thần Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về “đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị”.
Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những nội dung liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
Công tác tuyên truyền, cổ động, giáo dục chính trị, tư tưởng trong giai đoạn hiện nay cần chú trọng đến nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng – hạt nhân của thành công
- Đẩy mạnh việc kiện toàn, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyên viên, giảng viên giáo dục lý luận chính trị đáp ứng chuẩn, có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Chú trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kỹ năng tuyên truyền, giảng dạy, khả năng nắm bắt tình hình thực tế… cho đội ngũ này.
- Tạo điều kiện cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, giảng viên giáo dục lý luận chính trị được tham dự các hội nghị thông tin thời sự, triển khai, quán triệt, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Trung ương, địa phương và các hội thảo để phục vụ công tác giảng dạy. Ưu tiên, tạo điều kiện để giảng viên được tham gia cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, các đoàn công tác cấp cơ sở để nâng cao thực tiễn công tác; góp phần tìm hiểu, kiểm nghiệm lý luận trong thực tiễn; từ thực tiễn bổ sung cứ liệu, điển hình tiên tiến trong thực hiện các quan điểm, luận điểm, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng.
- Chú trọng xây dựng hình ảnh người đứng đầu các cấp uỷ Đảng, báo cáo viên, tuyên truyên viên, giảng viên giáo dục lý luận chính trị gương mẫu, chuẩn mực. Để giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên, cán bộ, đảng viên, các thầy, cô phải là tấm gương sáng về tinh thần xông pha, cống hiến; lập trường chính trị, đạo đức cách mạng; gìn giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân… để học viên soi vào và tự sửa mình. Vậy nên, ngoài việc giữ gìn chuẩn mực trong khuôn viên cơ quan công tác, cần giữ gìn hình ảnh, cẩn trọng trong phát ngôn, hành động trong cơ quan và trong các mối quan hệ ngoài xã hội.
Tóm tại, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của các tổ chức đảng, các cơ sở đào tạo, giáo dục lý luận chính trị. Việc quán triệt, định hướng các nội dung, thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần to lớn vào việc đào tạo, huấn luyện đội ngũ nguồn nhân lực, cán bộ, đảng viên trung thành, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu, thấm nhuần đạo đức cách mạng và có trách nhiệm cao trong công việc. Đây là đội ngũ tích cực trong xây dựng, phát triển địa phương, đất nước; tiền phong trên mặt trận bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng.
ThS. Trương Thị Điệp
Tài liệu trích dẫn
[1]Bộ Chính trị, 2018
[2] (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021)
[3]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, 1996
[4]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, 1996
[5] (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, 1996
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, tr. 5.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021) , Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập II, tr.168.
3. Hồ Chí Minh (1996), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 8, tr. 513.
4. Hồ Chí Minh (1996), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 6, tr. 366.
5. Hồ Chí Minh (1996), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, tr. 298.
6. Ban Bí thư Trung ương Đảng (2020), Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16/4/2020 về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị .
Trường chính trị TP. Đà Nẵng