Trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, nên đạt được kết quả tích cực. Chẳng hạn, chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên cả nước ngày càng được nâng cao; học viên đa phần nắm được những nội dung cơ bản về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quốc phòng và an ninh; truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự, kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc, từng bước đáp ứng yêu cầu đề ra của môn học.
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, khó lường, phát triển nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực; các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá bằng âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng; những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp... đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung và công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên nói riêng.
Trong khi đó, công tác triển khai thực hiện môn học này tại các cơ sở đào tạo vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: nội dung các văn bản quy định, hướng dẫn từ các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa cập nhật kịp thời so với yêu cầu của tình hình mới; giáo trình môn học này có nội dung chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn; chất lượng đội ngũ giáo viên vẫn chưa được đồng đều; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, mô hình học cụ, trang phục chuyên dùng ở một số nơi vẫn chưa được trang bị đồng đều, đầy đủ…
Trước thực trạng trên, để nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn, đòi hỏi các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh tại các cơ sở giáo dục cần tiếp tục quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ bản sau:
Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cần tiến hành tổng rà soát toàn bộ hệ thống văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, trên cơ sở lấy ý kiến khảo sát rộng khắp từ các cơ sở đào tạo trên cả nước; nhằm nhanh chóng tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện những nội dung còn bất cập, chưa thống nhất, hoặc đã lạc hậu, chưa phù hợp với thực tiễn và tình hình thực tế tại các cơ sở.
Thứ hai, cần quan tâm công tác truyền thông, tuyên truyền trong toàn xã hội, nhất là đội ngũ cấp ủy đảng, ban lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị đối với tâm quan trọng, vai trò, vị trí của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, nhằm tạo nên nhận thức sâu sắc, toàn diện, nhất quán, đồng bộ hơn nữa về trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong thực hiện chủ trương này.
Thứ ba, cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy môn giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên theo hướng đảm bảo về số lượng, đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới. Từng giảng viên phải được thường xuyên được đào tạo, tái đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật các kiến thức, quy định mới liên quan; đặc biệt, từng cá nhân giảng viên phải xây dựng ý thức tự giác học tập, nghiên cứu khoa học, đóng góp ngày càng nhiều đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao đối với môn học này.
Thứ tư, trong quá trình giảng dạy, đội ngũ cán bộ, giảng viên cần quan tâm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình môn học này nhằm phù hợp và đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong thực tiễn; đồng thời, các giảng viên cần đầu tư, đổi mới công tác giảng dạy theo hướng tin học hóa trong hoạt động giảng dạy, quản lý và đánh giá kết quả; chú trọng kết hợp linh hoạt giữa lý thuyết và thực hành, chính khóa với ngoại khóa; tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tham quan các đơn vị lực lượng vũ trang để tìm hiểu thực tế, giúp học viên không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật và lĩnh hội được tốt nhất môn học qua quá trình tham quan thực tế.
Thứ năm, cần phát huy tối đa vai trò tích cực, tự giác của học viên trong quá trình tham gia học tập môn giáo dục quốc phòng và an ninh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như hội thao, hội trại, trò chơi dân gian… để các học viên tham gia nhằm nâng cao sức khỏe, tính kỷ luật, sự nhanh nhạy, tự giác, nhạy bén trong học tập. Bên cạnh đó, thường xuyên thực hiện công tác động viên, khen thưởng kịp thời, tạo động lực, tinh thần học tập sôi nổi, tích cực trong học sinh, sinh viên; ngoài ra, cần thực hiện việc thu thập thông tin phản hồi từ học viên và các đơn vị liên quan để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh các nội dung, kết cấu chương trình và phương pháp giảng dạy phù hợp.
Thứ sáu, chú trọng bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, mô hình, đồ dùng huấn luyện, phòng học chuyên dùng, trang phục đảm bảo đáp ứng yêu cầu môn học, nhất là cần quan tâm đầu tư nâng cấp, dựng phòng học chuyên dùng, thao trường, bãi tập huấn luyện kỹ thuật, hay nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập tập trung như môi trường quân đội để các học viên thẩm thấu được tinh thần, yêu cầu như một “thiếu sinh quân” chính thống, chính quy khi tham gia môn học
Tóm lại, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn hội nhập là yêu cầu khách quan và có một vai trò, ý nghĩa rất to lớn trong việc giáo dục và nâng cao ý thức, trách nhiệm và kiến thức về kiến thức quốc phòng và an ninh đối với thế hệ trẻ, góp phần đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Thái Minh Hải
Học viện Cảnh sát nhân dân