Nâng cao chất lượng phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho đội ngũ học viên đào tạo sĩ quan trong các nhà trường quân hội hiện nay

Thứ ba, 26/11/2024 - 16:10

Học viên đào tạo sĩ quan trong các nhà trường quân đội là những cán bộ tương lai, trực tiếp chỉ huy, quản lý bộ đội ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân. Phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho đối tượng này giúp họ nhận thức rõ tầm quan trọng của bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ tại trường và trên cương vị sau này.

 Đồng thời phòng ngừa vi phạm quy định bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo đảm cơ quan, đơn vị an toàn tuyệt đối về thông tin, an ninh mạng; góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong tình hình mới.

Phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho học viên đào tạo sĩ quan là một bộ phận của công tác đảng, công tác chính trị- một trong những nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, người chỉ huy các cấp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong các nhà trường quân đội,nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định cho mọi quân nhân, trong đó có đội ngũ học viên đào tạo sĩ quan. Góp phần xây dựng đơn vị, nhà trường bảo đảm an toàn về thông tin, an toàn mạng.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp, công tác phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho đội ngũ học viên đào tạo sĩ ở các nhà trường quân đội đã đi vào nền nếp và thu được những kết quả tích cực; Kết quả phòng ngừa vi phạm quy định bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng của đội ngũ học viên đã có những chuyển biến tiến bộ. Tuy nhiên, công tác phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng ở một số nhà trường quân đội có thời điểm chưa được cấp ủy, người chỉ huy quan tâm đúng mức; nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến còn chưa thực sự cuốn hút; nhận thức, ý thức chấp hành quy định của một bộ phận học viên còn hạn chế, hiện tượng vi phạm an toàn mạng, an toàn thông tin vẫn còn. Từ đó, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập, rèn luyện của học viên, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và trên cương vị công tác sau khi tốt nghiệp.

Vì vậy, nâng cao chất lượng phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng cho đối tượng này trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu bức thiết. Theo đó, cần tập trung vào một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể trong công tác phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng cho học viên đào tạo sĩ quan.

Các chủ thể cần nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng cho học viên đào tạo sĩ quan và coi đây là một trong những nội dung trọng tâm của công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, kỷ luật, quy định cho đội ngũ học viên.

Phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng cho học viên đào tạo sĩ quan có ý nghĩa rất quan trọng, làm cho họ thấy được tầm quan trọng của việc chấp hành quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng là đòi hỏi bắt buộc của mỗi cá nhân trong một tập thể, một tổ chức,... Góp phần xây dựng đơn vị bảo đảm an toàn mọi mặt. Qua đó, giúp họ nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chấp hành nghiêm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, các nền nếp, chế độ quy định của đơn vị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thực tiễn chỉ ra rằng, chỉ khi nào và ở đâu, các chủ thể, đặc biệt là cấp ủy, người chỉ huy đơn vị có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức, thì ở đó công tác phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng luôn đạt hiệu quả cao, đơn vị bảo đảm an toàn tuyệt đối và ngược lại.

Theo đó, các chủ thể này cần nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng cho học viên đào tạo sĩ quan; nắm chắc đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của đơn vị; trình độ nhận thức của học viên trong đơn vị. Từ đó phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, phối hợp, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng cho học viên đào tạo sĩ quan đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, cần chú trọng làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ quy định; chủ động ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, dứt điểm các hiện tượng vi phạm nảy sinh mất an toàn.

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng cho học viên đào tạo sĩ quan

Để nâng cao chất lượng phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng cho học viên đào tạo sĩ quan đòi hỏi phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến cho đối tượng này, nhằm truyền tải một cách hiệu quả nhất các nội dung, thông tin về kiến thức pháp luật, kỷ luật, quy định về an toàn mạng, an toàn thông tin, cách phòng chống mất an toàn. Đồng thời qua đó, kết hợp tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Quân đội, nhiệm vụ của đơn vị đến các đối tượng học viên.

Theo đó, cần tiến hành nhiều hình thức, biện pháp đồng bộ, đồng thời tích cực đổi mới nội dung, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tuyên truyền giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng học viên, sát với đặc điểm nhiệm vụ của từng đơn vị. Các hình thức, phương pháp cần chú trọng như: Tuyên truyền, giáo dục thông qua mạng truyền thanh nội bộ; sinh hoạt chính trị tư tưởng; tham dự trực tiếp; thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động xây dựng đơn vị; tổ chức các hội thi, hội thao; kết hợp lồng ghép nội dung vào các mô hình học tập như: "Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật", "Mỗi tuần học một điều luật"; sân khấu hóa "Ngày Pháp luật"; thành lập các "Tổ tư vấn pháp luật"; duy trì hiệu quả hoạt động của "Tủ sách pháp luật",…

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của từng học viên đào tạo sĩ quan trong công tác phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng.

Thực tiễn cho thấy, tuy công tác giáo dục, quán triệt tốt, môi trường thực tiễn của các nhà trường bảo đảm an toàn nhưng nếu bản thân người học viên thiếu tích cực, chủ động, tự giác thì hiệu quả công tác phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng sẽ không cao. Mặt khác, học viên vừa là đối tượng, đồng thời vừa là chủ thể của quá trình phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng. Vì vậy, hoạt động này chỉ có thể đem lại hiệu quả tích cực khi bản thân người học luôn chủ động, tích cực, tự giác trong quá trình học tập, công tác; nắm chắc các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng và chấp hành nghiêm quy định.

Theo đó, từng cá nhân phải chủ động xây dựng cho mình một kế hoạch học tập, rèn luyện phù hợp; luôn chủ động trong phòng ngừa vi phạm an toàn thông tin, an toàn mạng. Đồng thời rèn luyện ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, quy định khi tham gia mạng xã hội; biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, nhằm nâng cao trình độ, bản lĩnh, kiến thức về mọi mặt, đặc biệt là kiến thức về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, quy định về an toàn mạng và an an toàn thông tin.

Trong bối cảnh mới, không gian mạng đã trở thành một không gian tác chiến mới, sự xuất hiện và diễn biến của tội phạm phi truyền thống như tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao,... ngày càng phức tạp cùng với sự chống phá mạnh mẽ của các thế lực thù địch qua môi trường mạng. Do đó đòi hỏi phải thường xuyên nâng cao chất lượng phổ biến quy định bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng cho học viên đào tạo sĩ quan là một yêu cầu quan trọng và cấp thiết trong quá trình đào tạo trong các nhà trường quân đội hiện nay./.

CN Đặng Đức Trọng, Học viện Chính trị 

CN Hoàng Anh Vũ, Học viện Chính trị