Nâng cao chất lượng rèn luyện kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các học viện, trường sĩ quan quân đội trước tác động của kinh tế thị trường

Thứ tư, 02/07/2025 - 15:19

Tóm tắt: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, việc nâng cao chất lượng rèn luyện kỷ luật cho học viên sĩ quan cấp phân đội tại các học viện, trường sĩ quan quân đội đang trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Đây là một nội dung hết sức quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ sĩ quan tương lai - lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và trực tiếp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy kinh tế thị trường mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn không ít yếu tố tiêu cực như: sự cạnh tranh không lành mạnh, lối sống thực dụng, đề cao vật chất, cá nhân chủ nghĩa… Những điều này có thể làm suy giảm ý thức kỷ luật, ảnh hưởng đến phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ". Để phòng ngừa và ngăn chặn đối với những tác động tiêu cực này, đồng thời nâng cao chất lượng rèn luyện kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội cần triển khai các giải pháp đồng bộ và hiệu quả là vô cùng quan trọng.

1. Đặt vấn đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Muốn nâng cao chí khí chiến đấu, cố nhiên là phải học chính trị và quân sự, phải giữ thật nghiêm kỷ luật của quân đội. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội"1. Trong quân đội, kỷ luật thể hiện ở ý thức, hành động của quân nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Chính vì vậy, để quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó thì vấn đề giữ vững kỷ luật và một trong những yếu tố quan trọng. Trước sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực, trong nước và yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh trong thời kỳ mới đặt ra vấn đề nâng cao chất lượng rèn luyện kỷ luật cho quân nhân ở các đơn vị trong toàn quân nói chung và có học viên các học viện, nhà trường quân đội nói riêng.

2. Thực trạng chất lượng rèn luyện kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay

Đối với các học viện, trường sĩ quan quân đội, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật với mục tiêu là đào tạo ra những cán bộ sĩ quan cấp phân đội có phẩm chất, năng lực toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, yêu cầu nâng cao chất lượng rèn luyện kỷ luật của đội ngũ học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội trước tác động của kinh tế thị trường càng đặt ra cấp thiết. Trong tình hình mới, các học viện, trường sĩ quan quân đội đã xác định rèn luyện kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội là một trong những yếu tố then chốt trong công tác giáo dục, đào tạo, xây dựng chính quy và xây dựng các nhà trường ngang tầm nhiệm vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh.

Trong những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp ở các học viện, nhà trường đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị về nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, kỷ luật trong quân đội. Quán triệt và nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền; duy trì và thực hiện nghiêm túc các nền nếp, chế độ. Đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, thông tư, hướng dẫn của cấp trên về công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, luôn coi đây là một nội dung đột phá trong nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ hằng năm của các cấp ủy đảng. Nghị quyết lãnh đạo từng giai đoạn, từng năm, từng quý, từng tháng của cấp ủy, kế hoạch hoạt động của chỉ huy các cấp đã chú trọng đến những nội dung nâng cao chất lượng rèn luyện kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội; duy trì nghiêm, thường xuyên kiểm tra, rút kinh nghiệm các hoạt động rèn luyện kỷ luật ở đơn vị mình. Hình thức rèn luyện kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các học viện, nhà trường được sử dụng linh hoạt, thực hiện ngày càng đa dạng, phong phú: kết hợp chặt chẽ giữa các hình thức giáo dục chung và giáo dục riêng; thực hiện nghiêm túc "Ngày pháp luật", ngày sinh hoạt chính trị và văn hóa, tinh thần, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, kỷ luật, truyền thanh nội bộ, … Phương pháp giáo dục kỷ luật cũng được thực hiện tương đối đa dạng, có sự kết hợp của nhiều loại phương pháp mang lại hiệu quả thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các học viện, nhà trường.

Qua quá trình học tập, rèn luyện tại các học viện, nhà trường, đại đa số học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội đã có nhận thức ngày càng đầy đủ, toàn diện các quy định pháp luật, nắm chắc kỷ luật, điều lệ, điều lệnh, chế độ quy định của quân đội,… Từ đó, phần lớn học viên sĩ quan cấp phân đội tại các học viện, trường sĩ quan quân đội vẫn giữ vững và phát huy tốt ý thức chấp hành kỷ luật, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ". Họ luôn nỗ lực trong học tập, rèn luyện, có hành vi, thói quen chấp hành kỷ luật tốt.

Tuy nhiên, trước tác động của kinh tế thị trường và các yếu tố xã hội, vẫn còn một bộ phận nhỏ học viên bộc lộ những hạn chế trong chấp hành kỷ luật, cụ thể: Do tuổi đời, tuổi quân còn ít, kiến thức, kinh nghiệm về kinh tế thị trường nhất là những tiêu cực mà nó mang lại còn nhiều hạn chế; do vậy, nhận thức của một số đồng chí học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội mà thậm chí cả một số cán bộ quản lý học viên nhất là cán bộ trẻ, cán bộ mới ra trường còn đơn giản, thiếu ý thức cảnh giác về những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đối với việc rèn luyện kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội. Dẫn đến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, còn có hiện tượng vi phạm kỷ luật, vi phạm các quy định của các nhà trường. Một số cấp ủy, chỉ huy chưa thực sự coi trọng việc phòng ngừa, ngăn chặn và chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm trong phòng ngừa, ngăn chặn những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đối với học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội làm ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng chính quy của nhà trường. Từ thực tiễn trên cho thấy cần phải có các giải pháp phù hợp trong rèn luyện kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới.

3. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp

Một là, tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các chủ thể trong rèn luyện kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các học viện, trường sĩ quan quân đội trước tác động của kinh tế thị trường.

Mọi hành động đều bắt nguồn từ nhận thức. Điều này đã được chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng được"2. Do đó, giải pháp đầu tiên và cốt lõi đó là việc tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của tất cả các chủ thể liên quan - từ cấp ủy, chi bộ, tổ chức chỉ huy, các cơ quan chức năng, đội ngũ cán bộ đến chính bản thân học viên. Trước hết, cần thường xuyên quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này không chỉ giúp học viên hiểu rõ những tác động tích cực mà còn nhận diện được những yếu tố tiêu cực của kinh tế thị trường đối với việc xây dựng Quân đội. Đồng thời, cần nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực đó, xác định rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền kịp thời, đầy đủ về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua các hình thức đa dạng như phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo viên, học tập chuyên đề, giáo dục chính trị. Qua đó, nâng cao kiến thức về kinh tế thị trường, đặc biệt là những tác động tiêu cực, làm cơ sở để học viên có khả năng "tự miễn dịch" và không để mặt trái của kinh tế thị trường xâm nhập vào đơn vị. Để đạt được hiệu quả cao thì hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục cần phong phú, đa dạng, linh hoạt, gắn chặt với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở đơn vị, đồng thời thông qua các hoạt động như: diễn đàn, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, kết hợp chặt chẽ giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể cần phải thông qua những cầu nối trong đơn vị đó chính là việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức như cấp ủy, chi bộ, tổ chức chỉ huy, các cơ quan chức năng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội đồng quân nhân trong phòng ngừa, khắc phục những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đến việc rèn luyện kỷ luật của học viên.

Hai là, đề cao vai trò của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quản lý, rèn luyện kỷ luật đối với học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các học viện, trường sĩ quan quân đội.

Tham gia vào quá trình rèn luyện kỷ luật của học viên là nhiệm vụ cơ bản của các tổ chức, các lực lượng ở đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là của cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy và cơ quan các cấp. Hiệu quả của việc rèn luyện kỷ luật phụ thuộc rất lớn vào sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong các học viện, trường sĩ quan quân đội. Trước hết, đối với các cấp ủy, chi bộ cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với công tác rèn luyện kỷ luật, đưa nội dung này vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, có kế hoạch, biện pháp cụ thể, sát với đặc điểm của đơn vị và học viên. Cấp ủy và tổ chức đảng phải có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, có mục tiêu, chỉ tiêu về rèn luyện kỷ luật chặt chẽ, cụ thể. Mấu chốt của công tác lãnh đạo là nhận định, đánh giá những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đến việc chấp hành kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội để có phương hướng lãnh đạo sát thực tế; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị các cấp, sớm phát hiện, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các sự việc và có biện pháp giải quyết dứt điểm, không dung túng bao che vi phạm khuyết điểm. Đối với đội ngũ cán bộ chỉ huy, phải thường xuyên làm tốt công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật, đồng thời luôn quan tâm, gần gũi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sở thích, thói quen của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội thuộc quyền; phát huy tính tiền phong, gương mẫu, nhiệt huyết, trách nhiệm, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Đội ngũ cán bộ chỉ huy phải duy trì nghiêm túc các nền nếp, các chế độ trong ngày, tuần theo đúng điều lệnh, điều lệ. Thường xuyên bám sát mọi hoạt động của học viên để có những biện pháp quản lý, rèn luyện phù hợp.

Ba là, phát huy tính tích cực, tự giác của học viên trong tự rèn luyện kỷ luật và nâng cao nhận thức về kinh tế thị trường.

Hiệu quả của việc rèn luyện kỷ luật phụ thuộc lớn vào tính tích cực, tự giác của chính học viên. Quá trình rèn luyện kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội cho thấy, ở đâu, giai đoạn nào, đồng chí nào có ý thức học tập, rèn luyện cao, luôn đặt mình trong tổ chức, tự học, tự rèn ở mọi lúc, mọi nơi, thì họ trưởng thành nhanh chóng và vững chắc về trình độ tri thức, kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ và ngược lại. Ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm không phải bẩm sinh mà là kết quả của một quá trình tổ chức giáo dục, rèn luyện một cách khoa học, nghiêm túc cùng sự tự nỗ lực của bản thân mỗi cá nhân. Tự rèn luyện kỷ luật chính là việc học viên tự tổ chức các hoạt động của mình trên cơ sở chấp hành nghiêm túc các yêu cầu của điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của Quân đội cũng như các nhà trường, từ đó biến chúng thành thói quen, hành vi trong cuộc sống hàng ngày. Để phát huy tối đa vai trò này trước những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, lãnh đạo, chỉ huy các cấp và bản thân học viên cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của tự rèn luyện kỷ luật. Mỗi học viên cần chủ động, tự giác rèn luyện trong mọi lúc, mọi nơi; tự đề ra mục đích đúng đắn, xây dựng động cơ và thái độ trách nhiệm cao, có ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn để thực hiện bằng được mục tiêu đã xác định. Theo đó, học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội phải luôn nghiêm khắc với bản thân mình, rèn luyện từ cái nhỏ đến cái lớn, kiên trì vượt qua trở ngại, khó khăn, sự mệt mỏi và cám dỗ trong cuộc sống hàng ngày, không sa vào chủ nghĩa cá nhân. Thường xuyên tự đánh giá, xem xét những tư tưởng, hành vi của mình theo yêu cầu của đơn vị, của Quân đội và xã hội với thái độ khoa học, đúng mực. Từ đó xác định phương hướng khắc phục, loại trừ thái độ hành vi của bản thân không phù hợp với chuẩn mực của xã hội và yêu cầu kỷ luật Quân đội.

Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh.

Xây dựng môi trường văn hóa là một trong những động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy yếu tố chính trị - tinh thần của quân nhân nói chung và học viên nói riêng. Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa diễn ra gay go quyết liệt. Vì thế, cần thực hiện nếp sống chính quy, làm thay đổi mọi hoạt động sinh hoạt, công tác của người quân nhân theo những quy tắc, thang giá trị của chế độ xã hội chủ nghĩa, ngày càng vươn tới cái đẹp, sự hoàn thiện. Xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh sẽ tạo điều kiện nuôi dưỡng, vun trồng, phát triển động cơ phấn đấu ban đầu và hoàn thiện nhân cách của học viên, tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở, gắn bó keo sơn, tình thương yêu đồng chí, đồng đội; đồng thời vô hiệu hóa sự tấn công của các yếu tố phản văn hóa. Để xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh trong điều kiện chịu tác động của mặt trái kinh tế thị trường, cần quán triệt và thực hiện hiệu quả các chỉ thị, hướng dẫn về xây dựng môi trường văn hóa như: Chỉ thị số 353/CT, ngày 09/11/1996 của Tổng cục Chính trị, "Về tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động Xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị quân đội"; Hướng dẫn số 934/HD-CT, ngày 15/11/2000, "Về việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội, thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Đồng thời, tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quan tâm, định hướng học viên trở thành con người văn hóa, phát triển toàn diện. Tập trung xây dựng hệ giá trị văn hóa phù hợp với đặc thù các học viện, trường sĩ quan quân đội, phát triển thành thang giá trị văn hóa của học viên. Thường xuyên giáo dục, phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc Việt Nam như lòng yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Đặc biệt, cần tập trung giáo dục xây dựng con người văn hóa theo 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"; thường xuyên quán triệt và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phòng cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục củng cố, phát triển hiệu quả các quan hệ văn hóa của học viên, bao gồm quan hệ lãnh đạo - đối tượng chịu sự lãnh đạo; lãnh đạo - chỉ huy; cấp trên - cấp dưới; cán bộ - học viên; học viên - học viên. Xây dựng các mối quan hệ trong đơn vị lành mạnh làm tăng thêm sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ những tâm tư, tình cảm, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện thờ ơ, vô trách nhiệm. Đồng thời, cần phát huy tốt dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, thực hiện nghiêm các chế độ nền nếp quy định để tạo lập được môi trường văn hóa - chính trị trong sạch, lành mạnh.

Thứ năm, duy trì nghiêm kỷ luật gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho học viên

Việc quản lý, rèn luyện kỷ luật cần song hành với việc quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội nhằm tạo động lực cho họ rèn luyện. Thường xuyên quan tâm, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần cho học viên cũng sẽ tác động tích cực vào việc phát triển nhận thức, xây dựng động cơ, góp phần làm ổn định tư tưởng, tâm lý, niềm tin và ý thức trách nhiệm của học viên trong học tập và rèn luyện, công tác. Điều này bao gồm việc đảm bảo chế độ, tiêu chuẩn, tạo điều kiện cho học viên tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí lành mạnh. Quá trình tổ chức bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho học viên; lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần đề cao trách nhiệm, tích cực chủ động khắc phục khó khăn, không dựa dẫm, trông chờ ỷ lại vào cấp trên; không vịn vào những khó khăn của đơn vị mà thiếu tích cực chủ động, thiếu trách nhiệm. Đồng thời, cần phát huy tốt dân chủ trong bảo đảm và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội bởi vì, khi thực hiện tốt dân chủ thì mới nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng và đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của học viên. Bên cạnh đó, khi học viên được phát huy dân chủ, được bày tỏ ý kiến, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng và tự giác chấp hành kỷ luật một cách nghiêm túc hơn.

4. Kết luận

Việc nâng cao chất lượng rèn luyện kỷ luật cho học viên sĩ quan cấp phân đội là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết trong thời đại kinh tế thị trường. Bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu sẽ đào tạo ra những sĩ quan tương lai có phẩm chất và năng lực toàn diện. Đây sẽ là những cán bộ sĩ quan không chỉ vững vàng về chính trị, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn nghiêm túc về kỷ luật, có khả năng "tự miễn dịch" trước những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường.

Thiếu tá Phan Đức Bình

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.559.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.360.